Gia đình là cội nguồn của sức mạnh là gì

Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương [10/3 Âm lịch] năm nay, báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ báo chí Nguyễn Thị Bích Yến, Giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền, một trong nhóm người sáng lập dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu – kết nối kiều bào và bạn bè quốc tế cùng tham gia bảo tồn và phát triển Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, về sự thiêng liêng của ngày Giỗ Tổ và tầm quan trọng trong việc giáo dục con em nhớ về nguồn cội.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến

Theo Tiến sĩ, gia đình có vai trò như thế nào trong việc giáo dục con cháu đoàn kết, yêu thương nhau, nhớ về nguồn cội?

Xuyên suốt ý nghĩa của Ngày Giỗ Tổ là nhằm nhắc nhớ thế hệ sau luôn giữ đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” - biết ơn tổ tiên; gắn bó tình thân giữa đồng bào và kiều bào hướng về quê cha đất Tổ; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc… từ đó, mà truyền đời được giá trị cội nguồn và phẩm hạnh của người Việt, của dân tộc Việt!

Đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” ấy thể hiện chẳng ở đâu xa, hiển hiện ngay trong mỗi gia đình, con cái hiếu thảo với mẹ cha, kính yêu ông bà, nhớ về quê hương… chính là những điều nhỏ nhất làm nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… Bởi vậy, tình cảm gia đình chính là cội nguồn của tình yêu thương đất nước

Trong xu thế hội nhập với nhiều nền văn hoá cùng sự phát triển của kinh tế thị trường, theo tiến sỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của đất nước như lòng yêu quê hương, tình nghĩa đồng bào, tình cảm gia đình bị ảnh hưởng như thế nào?

Thời đại toàn cầu hoá truyền thông ngày nay, một mặt có tác động tích cực đến đời sống xã hội như: giúp cho việc kết nối, giao lưu, giao thương, học hỏi, làm việc… được thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng, hiệu quả, nhưng mặt khác, nó cũng có những mặt tiêu cực. Đó là tạo ra sự hời hợt, nông cạn, xã giao… trong các mối quan hệ giữa con người với con người. Điều này, lâu dần, nó sẽ trở thành một thói quen ích kỉ, vị kỉ cá nhân, khiến con người trở lên “hèn mọn”, đôi khi quên đi những lý tưởng cao đẹp như lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc… Đây là một thực tế mà xã hội chúng ta đang phải đối diện.

Yếu tố tình cảm trong mỗi gia đình cũng đang đứng trước thách thức lớn, sự rạn nứt và tẻ nhạt giữa các mỗi quan hệ trong nhiều gia đình là thực tế rất đáng lo ngại. Điều này đã và đang là một trong những nguyên do làm phai nhạt giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội mới. Bởi ở thời đại nào thì gia đình cũng luôn là “tế bào” là “xã hội nhỏ” của cả một xã hội lớn.

Đây có phải là lý do một bộ phận người trẻ bây giờ khá thờ ơ với chính gia đình và quê hương, đất nước?

Đúng vậy. Để phát huy được các giá trị truyền thống của dân tộc, thì không cách nào khác là đề cao và giáo dục nó từ trong chính gia đình, qua mỗi người bố, người mẹ, ông bà. Khi con cái được người lớn trong gia đình giáo dục và làm gương về lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, sống nhân hậu… thì chắc chắn, đất nước sẽ có một thế hệ hiểu sâu sắc hai chữ “đồng bào”.

Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ một chuyện vui, đó là, năm 2020, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức cuộc thi viết về quê hương nguồn cội nhân dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu. Chúng tôi đã nhận được hàng trăm bài dự thi của các tác giả là kiều bào từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả năm châu gửi về. Có lẽ, đó là cuộc thi mà tình yêu Tổ tiên cội nguồn, tình yêu nước Việt, tự hào là người Việt Nam… được kiều bào năm châu nhắc đến nhiều nhất.

Vậy nên chúng ta cũng hy vọng rằng, ngoài việc gia đình, nhà trường cùng tham gia phối hợp giáo dục con trẻ về tình yêu gia đình, cộng đồng thì thông qua những cuộc thi như thế này và tương tự sẽ phần nào giúp giới trẻ hiểu hơn về cội nguồn, từ đó ý thức hơn trong việc gìn gìn phẩm hạnh của dân tộc Việt!

Từng có nhiều người cho rằng Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu do chị sáng lập là… “ảo tưởng”. Làm thế nào để chị kiên trì thực hiện?

Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu [thông qua việc tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu – Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và an vị tượng Vua Hùng từ năm 2015 đến nay] đã ra đời và tiếp nối suốt 6 năm qua, lan tỏa tình yêu thương đất nước của những người con đất Việt đang sinh sống ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, với mục đích chính yếu là gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lan tỏa và định vị giá trị và phẩm hạnh dân tộc Việt ra toàn cầu.

Khi tôi trình bày việc này, rất nhiều người cho rằng tôi ảo tưởng. Nhưng khi làm báo ở châu Âu, thì tôi đã có cơ may được tiếp xúc với rất nhiều công chúng kiều bào, trí thức, chuyên gia, đồng nghiệp, nguyên thủ… quốc tế, và tôi đã nhận thấy ở họ có một niềm kiêu hãnh rất sâu sắc về dân tộc mình! Vậy là tôi có thêm động lực lớn để thực hiện. Nếu không có bản lĩnh, nếu không đủ tình yêu, trí tuệ, lòng tự tôn dân tộc… thì chúng tôi không thể làm được dự án này.

Một động lực nữa để tôi kiên trì thực hiện mục tiêu của mình, là vì thấy rằng, khi mỗi người sống có ý thức và trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xung quanh, thì lâu dần, thói quen ấy sẽ trở thành phản xạ tự nhiên, từ đó mà có ý thức, trách nhiệm với đất nước. Bởi vậy, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống – suy cho cùng chính là xây dựng nếp sống trong mỗi gia đình hạnh phúc, lành mạnh của xã hội. Đó sẽ là là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người.

Chủ Đề