Giáo án kể chuyện sáng tạo theo kinh nghiệm

     Hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một trong những hoạt động được nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện giúp trẻ không chỉ phát triển về ngôn ngữ mà qua đó còn phát triển cả tư duy, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của trẻ. Nội dung dạy trẻ kể chuyện sáng tạo là một trong số các nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ tốt nhất cho trẻ. Chính vì thế, trong đợt Hội giảng chuyên đề tháng 4/2019, BGH nhà trường thống nhất chỉ đạo thực hiện chuyên đề "Dạy trẻ kể chuyện sáng tạo". 

     Hội giảng được tổ chức tổ chức trong 01 ngày với 05 hoạt động đó là: Hoạt động dạy trẻ kể chuyện tiếp nối theo chuyện kể của cô, hoạt động dạy trẻ kể chuyện theo chủ đề tự chọn; Hoạt động dạy trẻ kể chuyện theo kinh nghiệm; Kể chuyện theo đồ vật, đồ chơi; kể chuyện theo tranh có chủ đề. Thông qua  các hoạt động trẻ được thể hiện bằng ngôn ngữ của bản thân mỗi trẻ về câu chuyện, đồ vật đồ chơi, bức tranh hay sự vật hiện tượng xung quanh mà trẻ đã được nghe được thấy, được trải nghiệm. Đặc biệt giúp trẻ mở rộng vốn từ,  phát triển khả năng biểu đạt, học cách thể hiện văn hóa nói, trẻ mạnh dạn, tự tin khi tham gia vào hoạt động... 

     Sau đây là một số hình ảnh chuyên đề:

Hoạt động dạy trẻ kể chuyện với đồ vật, đồ chơi-Lớp MG 4 tuổi

Hoạt động Kể chuyện theo tranh - Lớp MG 3 tuổi

Hoạt động dạy trẻ kể chuyện tiếp nối theo chuyện kể của cô - Lớp MG 5 tuổi

Hoạt động kể chuyện theo kinh nghiệm - MG 3 tuổi

     Kết thúc hội giảng, giáo viên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động dạy trẻ kể chuyện sáng tạo, lựa chọn hình thức tổ chức hoạt động linh hoạt, sáng tạo giúp trẻ có cơ hội được thể hiện bản thân, mạnh dạn tự tin khi tham gia vào hoạt động kể chuyện cũng như tham gia vào các hoạt động giáo dục khác.  Đặc biệt là kết quả trên trẻ, trẻ rất hứng thú tham gia vào hoạt động, nhiều trẻ có khả năng diễn đạt và biểu cảm tốt, trí tưởng tượng phong phú, đa dạng... Với những kết quả đạt được nhất là kết quả trên trẻ ngoài sự mong đợi, đội ngũ CBGV nhà trường nhận thấy cần phải tăng cường đưa vào kế hoạch giáo dục các hoạt động nhằm phát huy hơn nữa tính tích cực của trẻ và hoạt động kể chuyện sáng tạo cần được linh hoạt tổ chức lồng ghép mọi lúc, mọi nơi, thông qua các hoạt động/ ngày cho trẻ./. 

Thứ Ba, 23-04-2019 | 10:20

Dạy trẻ 5-6 tuổi kể chuyện theo kinh nghiệm/ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh// Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 1/2018.- Tr.: 22-23, 25.

                                                                                       Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

                                                                      Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Kể chuyện theo kinh nghiệm là hình thức cao hơn của kể chuyện thông thường theo cốt truyện, trẻ phải chọn lọc từ và diễn đạt thành một câu chuyện về những gì đã biết một cách mạch lạc, dễ hiểu, đồng thời đòi hỏi trẻ phải sáng tạo hơn so với việc kể lại một chuyện trẻ đã được nghe. Dù chỉ là nhớ để kể lại những việc đã làm, những gì đã thấy, đã trải nghiệm thì câu chuyện mà mỗi trẻ kể vẫn là mới về cốt truyện, cách xây dựng truyện. Do đó, điều quan trọng là phải khuyến khích, gợi ý để trẻ nhớ những gì trẻ đã biết, đã trải nghiệm. Sau đó, cô giáo cần giúp trẻ kể sao cho câu chuyện có nhân vật, có cốt truyện hợp lý. Kể chuyện theo kinh nghiệm không những có ý nghĩa về mặt nhận thức mà nó có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển ngôn ngữ mạch lạc.

Cơ sở để phát triển hình thức kể chuyện loại này là sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Các cuộc dạo chơi, tham quan, lễ hội, những điều thú vị gợi đề tài cho chuyện kể của trẻ. Chuyện kể loại này có thể tiến hành từ lứa tuổi mẫu giáo nhỡ [4-5 tuổi] với những đề tài gần gũi. Đến tuổi mẫu giáo lớn [5-6 tuổi] phạm vi làm quen với các hiện tượng thiên nhiên, hiện tượng xã hội, lao động của người lớn được mở rộng. Vì thế, đề tài của chuyện được mở rộng và phức tạp hơn.

Nguyên tắc xây dựng, sử dụng biện pháp dạy trẻ kể chuyện theo kinh nghiệm

Biện pháp dạy trẻ theo kinh nghiệm phải xuất phát từ kinh nghiệm thực của trẻ. Những gì trẻ đã được học, được trải nghiệm sẽ giúp trẻ có ấn tượng, biểu tượng sâu sắc. Đây là cơ sở để trẻ có thể kể được một câu chuyện một cách dễ dàng. Nếu biện pháp xây dựng xa rời thực tiễn của trẻ sẽ làm cho trẻ khó hình dung ra cấu trúc của chuyện, diễn biến của chuyện, thiếu tự tin vào bản thân khi kể chuyện và ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kể chuyện của trẻ.

Các biện pháp đề xuất phải đưa trẻ vào hoạt động nhằm phát huy cao độ trí tưởng tượng, khả năng ghi nhớ, tính tích cực cá nhân, tính độc lập, sáng tạo của trẻ. Đích cuối cùng cần đạt tới khi sử dụng các biện pháp này là giúp trẻ có khả năng kể một câu chuyện một cách rõ ràng, mạch lạc, hào hứng.

Các biện pháp dạy trẻ kể chuyện theo kinh nghiệm không chỉ nhằm giúp trẻ tái tạo một cách khô cứng những kinh nghiệm, hoạt động mà trẻ đã có mà dựa vào cấu trúc của chuyện kể, dựa vào đặc trưng của ngôn ngữ mạch lạc giúp trẻ biết cách xây dựng câu chuyện có mở đầu, có nội dung, có kết thúc và trẻ có sự sáng tạo trong lời kể, giọng điệu kể.

Các biện pháp đề xuất sẽ được sử dụng phải căn cứ vào khả năng của trẻ, biện pháp phải định hướng vào vùng phát triển gần nhất để nâng khả năng của trẻ lên. Như vậy các biện pháp sử dụng phải từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Xây dựng các biện pháp dạy trẻ mẫu giáo kể chuyện theo kinh nghiệm cũng cần tuân theo nguyên tắc “Đảm bảo các biện pháp có ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau”.

Các biện pháp dạy trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi kể chuyện theo kinh nghiệm

Biện pháp 1: Xem tranh, ảnh

Sử dụng biện pháp xem tranh, ảnh trong quá trình dạy trẻ kể chuyện theo kinh nghiệm giúp trẻ nhớ lại, hình dung ra những gì đã biết, đã trải nghiệm, đưa trẻ sống lại những gì đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng trẻ.

Tranh, ảnh sử dụng trong hoạt động dạy trẻ kể chuyện theo kinh nghiệm phải có liên quan đến những gì trẻ đã trải nghiệm và có liên quan đến nội dung của giờ kể chuyện theo kinh nghiệm. Ví dụ: kể chuyện “Gia đình của bé” chúng ta có thể sử dụng ảnh về gia đình của trẻ, hoặc kể chuyện về buổi tham quan có thể sử dụng ảnh chụp khi trẻ đi tham quan cho trẻ xem, để trẻ hồi tưởng lại những gì đã quan sát được, những điều thú vị trẻ đã được trải qua.

Biện pháp 2: Kể chuyện theo sơ đồ

Kể chuyện theo sơ đồ hay còn được gọi là kể chuyện theo dàn ý. Nhưng dàn ý ở đây không phải bằng lời mà bằng những hình ảnh trực quan. Bởi vậy, đây là một biện pháp thuộc nhóm các biện pháp trực quan. Việc lập dàn ý theo sơ đồ trực quan không phải chỉ do cô giáo mầm non lập, trẻ chỉ việc nhìn vào sơ đồ đã có và kể thành một câu chuyện. Mà từ những hình ảnh trực quan [có thể là tranh, ảnh, hoặc kí hiệu tượng trưng] chính trẻ tự xây dựng nên sơ đồ cho câu chuyện mình sẽ kể. Vì vậy, trong biện pháp này còn chứa đựng yếu tố chơi. Trẻ thi đua nhau để tạo nên sơ đồ câu chuyện hợp lý, logic. Đây là biện pháp rất thích hợp với trẻ và nó sẽ giúp trẻ tích cực, sáng tạo trong hoạt động kể chuyện, giúp trẻ phát triển tư duy logic ở trẻ.

Không phải chủ đề nào cô và trẻ cũng có thể thiết lập sơ đồ câu chuyện theo suy nghĩ chủ quan của mình. Một số chủ đề mà nội dung của nó mang tính chất quy luật, có chu kỳ thì sơ đồ đó là bất biến. Ví dụ, cho trẻ kể chuyện về chủ đề “Một ngày ở trường mầm non của bé”, hoặc “Bé lớn lên như thế nào”... Nếu trẻ kể chuyện dựa vào sơ đồ sẽ giúp trẻ hiểu tính chu kỳ của thời gian, dần dần giúp trẻ định hướng thời gian tốt hơn. Như vậy việc sử dụng biện pháp này đã giải quyết vấn đề tích hợp trong giáo dục.

Việc tạo sơ đồ truyện giúp trẻ nhớ lại những gì trẻ đã biết, đồng thời giúp trẻ biết liên kết các sự kiện theo một trình tự logic. Biện pháp này được tiến hành như sau:

-  Cô giáo trò chuyện, thảo luận với trẻ về kinh nghiệm, hoạt động thực tế để khuyến khích trẻ diễn đạt lại những gì mà chúng ta đã gặp, đã làm. Cô giáo cùng trẻ vẽ hoặc dán các ký hiệu tượng trưng cho những hình ảnh về những kinh nghiệm quan trọng, dễ nhớ theo câu trả lời của trẻ.

-  Cô cho trẻ tạo sơ đồ câu chuyện bằng cách nối hình, tạo sơ đồ liên kết các kinh nghiệm theo trình tự diễn biến của hoạt động thực tiễn hoặc theo một logic hợp lý. Ví dụ: nếu kể về sinh hoạt của trẻ thì phải theo trình tự diễn biến của hoạt động thực tiễn, còn nếu kể về buổi tham quan hay buổi xem xiếc thì trẻ có thể thiết lập sơ đồ câu chuyện theo trình tự từ tiết mục xiếc mà trẻ thích nhất cho đến hết hoặc ngược lại.

-  Trẻ kể chuyện theo sơ đồ đã thiết kế.

-  Nhận xét câu chuyện của trẻ. [Trong khi nhận xét, cần chú ý tìm ra điểm mạnh để tuyên dương, khích lệ trẻ].

Biện pháp 3: Trao đổi [đàm thoại] với trẻ bằng hệ thống câu hỏi có chủ đề

Mục đích của biện pháp này là nhằm củng cố, làm phong phú thêm vốn kinh nghiệm cho trẻ và giúp trẻ nhớ lại trình tự sự kiện đã chứng kiến hay hoạt động trẻ đã trải nghiệm. Câu hỏi cần được xây dựng thành dàn ý, có hệ thống logic giúp trẻ biết cách xây dựng câu chuyện theo chủ đề tập trung, theo trình tự hợp lý và phát triển trí nhớ logic ở trẻ. Biện pháp này được tiến hành như sau:

-  Trẻ chọn chủ đề, cô và trẻ cùng chọn chủ đề.

-  Cô trao đổi với trẻ bằng hệ thống câu hỏi về chủ đề được chọn.

-  Cho trẻ suy nghĩ, thảo luận, trao đổi về vấn đề được hỏi và đưa ra ý kiến của mình.

-  Khuyến khích trẻ kể chuyện dựa trên những vấn đề vừa thảo luận.

Khi sử dụng biện pháp này cô giáo mầm non cần tạo không khí thoải mái, gần gũi, khích lệ để trẻ tích cực, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.

Với những câu hỏi khó cô giáo cần có gợi ý, động viên khuyến khích trẻ trả lời.

Biện pháp 4: Kể mẫu

Hoạt động nhận thức của trẻ diễn ra nhờ mô phỏng, bắt chước và làm theo hình mẫu của cô giáo. Vì vậy biện pháp kể mẫu là một biện pháp quan trọng khi dạy trẻ kể chuyện.

Biện pháp này được tiến hành như sau:

-  Cô đưa ra chủ đề rồi cùng trẻ trao đổi, thảo luận gợi trẻ nhớ những gì trẻ đã biết, đã được trải nghiệm về chủ đề đó.

-  Cô kể mẫu kết hợp với việc giải thích nội dung và dàn ý câu chuyện: Cho trẻ kể lại theo mẫu. Việc bắt chước này nhằm kích thích trẻ sáng tạo thêm các tình tiết theo kinh nghiệm của trẻ dựa trên cơ sở mẫu chuyện của cô.

-  Cô đề nghị trẻ kể chuyện. Lời để nghị của cô giáo khơi dợi ở mỗi trẻ một dòng suy nghĩ khác nhau, mỗi suy nghĩ như thế mang màu sắc cá nhân của trẻ. Trong quá trình trẻ tự kể cô có thể động viên, hỗ trợ khi cần thiết, cô giáo cũng có thể gợi ý trẻ bằng câu hỏi gợi mở. Tuy nhiên giáo viên không nên lạm dụng câu hỏi làm cho chuyện kể của trẻ mất tính toàn vẹn.

-  Cô đưa ra nhận xét, đánh giá tích cực về chuyện kể của trẻ nhằm mục đích hình thành ở trẻ nhu cầu được kể chuyện, được cô khen, được thừa nhận kết quả hoạt động.

Biện pháp 5: Kế tiếp chuyện

Cô hoặc trẻ kể phần mở đầu câu chuyện. Phần nội dung còn lại trẻ tự kể theo trí nhớ của mình và kết thúc câu chuyện. Biện pháp này có ưu điểm là phát huy được trẻ tích cực tham gia kể chuyện. Bởi đối với những trẻ không biết cach mở đầu câu chuyện, trẻ sẽ thấy thuận lợi hơn khi kể tiếp phần còn lại và khi trẻ không biết cách kết thúc chuyện cô có thể hình dung được cấu trúc của chuyện kể.

Biện pháp kể tiếp chuyện được sử dụng khi dạy trẻ về những nội dung mà tất cả trẻ trong lớp đều được chứng kiến và trải nghiệm. Ví dụ: kể về trường mầm non, kể về ngày khai trường,...

Biện pháp này được tiến hành như sau:

-  Cô hoặc trẻ kể đoạn mở đầu câu chuyện. Bước này nhằm gây hứng thú và thu hút sự chú ý của trẻ vào câu chuyện.

-  Cho trẻ kể lại nội dung chuyện của cô hay bạn vừa kể và kể tiếp phần còn lại của câu chuyện.

-  Cô và bạn nhận xét đánh giá, khen ngợi, động viên trẻ.

Các biện pháp đề xuất trên không có biện pháp nào là vạn năng, vì vậy chúng cần được sử dụng phối hợp với nhau một cách linh hoạt, sáng tạo trong giờ dạy trẻ kể chuyện theo kinh nghiệm để phát huy tối đa ưu điểm của mỗi biện pháp. Trong mỗi giờ kể chuyện cần sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng cũng không có nghĩa là phải sử dụng cả 5 biện pháp như đã đề xuất. Việc này đòi hỏi giáo viên phải biết lựa chọn các biện pháp sao cho phù hợp với nội dung của chủ đề, phù hợp với trình độ nhận thức và ngôn ngữ của trẻ./.

Tài liệu tham khảo

  1. E.l.Chikhiniêva [1997], Phát triển ngôn ngữ cho trẻ em trước tuổi đi học, NXBGD.
  2. Hồ Lam Hồng [2002], Một số đặc điểm tâm lý trong hoạt động ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua hình thức kể chuyện. Luận án tiến sĩ Tâm lý học.
  3. Diệp Quang Ban [2003], Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết đoạn văn, NXBGD.

Video liên quan

Chủ Đề