Hoạt động hướng dẫn tham quan của bảo tàng

Trong một lần khảo sát các điểm đến du lịch tại Quảng Ninh mới đây, đoàn lữ hành gồm hơn 100 công ty lữ hành thuộc Hiệp hội Lữ hành “Hạnh phúc Chi lữ” của Trung Quốc đã đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh. Vì đây là một điểm du lịch mới được đưa vào hoạt động, ngành Du lịch Quảng Ninh muốn giới thiệu đến các hãng lữ hành Trung Quốc với mong muốn các đơn vị lữ hành sẽ là cầu nối tuyên truyền, quảng bá, xây dựng chương trình các tour du lịch đưa du khách đến tham quan.

Khi đến khảo sát, tham quan bảo tàng, hầu hết các hãng lữ hành trong Hiệp hội Lữ hành “Hạnh phúc Chi lữ” Trung Quốc đều đánh giá rất cao Bảo tàng Quảng Ninh được xây dựng với quy mô kiến trúc hiện đại, các hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng khá đa dạng. Tuy nhiên các bạn cũng đã đưa ra nhiều những ý kiến đóng góp để Bảo tàng Quảng Ninh làm tốt hơn trong việc khai thác thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Ông Vương Lập Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hạnh phúc Chi lữ, cho biết: “Bảo tàng Quảng Ninh được đầu tư xây dựng rất đẹp, hiện vật trong Bảo tàng được trưng bày khá sinh động. Thế nhưng, để có sức hút với khách du lịch quốc tế thì Bảo tàng còn rất nhiều việc phải làm, nhất là phải xây dựng được một đội ngũ thuyết minh viên giỏi về ngoại ngữ và phải tăng cường đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến...

Hệ thống hầm lò khai thác than trong bảo tàng được thiết kế mô phỏng y như thật

Đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc, Quảng Ninh có thể hợp tác với tỉnh Quảng Tây, với các Hiệp hội Du lịch lữ hành để thu hút khách…”. Có cùng quan điểm với Chủ tịch Hiệp hội Du lịch lữ hành Vương Lập Sinh, ông Trương Siêu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hoàn Cầu - Bắc Hải, cũng cho rằng, với một bảo tàng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên là hết sức quan trọng. Ông Trương Siêu chia sẻ, khi nhìn vào các hiện vật trưng bày trong các bảo tàng nói chung, Bảo tàng Quảng Ninh nói riêng, du khách cũng chỉ có thể cảm nhận được một phần sự phát triển lịch sử của địa phương, mà không thể hiểu được sâu hơn nếu không có người thuyết minh tường tận chi tiết.

Có một thực tế hiện nay, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại Bảo tàng Quảng Ninh phần lớn chỉ sử dụng tiếng Việt, một vài người có biết tiếng Anh nhưng giao tiếp rất ít. Chính vì vậy, đối với các đoàn khách quốc tế đến đây chủ yếu vẫn sử dụng hướng dẫn viên của các hãng đi theo đoàn. Nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan Bảo tàng, hướng dẫn viên của các hãng lữ hành buộc phải tự tìm hiểu trước rồi giới thiệu với khách du lịch, có những đoàn khách thì hướng dẫn viên của Bảo tàng thuyết minh giới thiệu bằng tiếng Việt và hướng dẫn viên của họ phiên dịch lại. Điều này hết sức bất cập, bởi không chỉ phiền toái mà trong trường hợp nếu phiên dịch không đúng còn bị hiểu lệch lạc nội dung thuyết minh...

Hướng dẫn viên của đơn vị lữ hành hướng dẫn khách tham quan bảo tàng

Ông Trần Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết, thành công của Bảo tàng hiện nay phần lớn là do chính sức hút, tính độc đáo, khoa học của hệ thống trưng bày hiện vật cũng như thiết kế của toà nhà. Còn đội ngũ thuyết minh viên của Bảo tàng thì vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên biết ngoại ngữ. Sức hấp dẫn của Bảo tàng, ngoài giá trị của nội dung các hiện vật trưng bày, một đội ngũ thuyết minh viên năng động là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, để có được một đội ngũ thuyết minh lành nghề không phải là chuyện dễ. Những người có năng lực, ngoại ngữ giỏi, họ thường tìm kiếm những công việc với mức lương tương xứng, trong khi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động bảo tàng thường không thể đáp ứng yêu cầu tiền lương thoả đáng của họ. Đó là chưa kể, mặc dù Bảo tàng mới đã hoạt động từ 2 tháng nay, nhưng nguồn kinh phí nghiệp vụ chưa được bổ sung, biên chế con người cũng vậy thì khó nói đến chuyện tìm hướng dẫn viên giỏi để phục vụ du lịch. Ông Hà cho biết, để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết phải có biên chế, phải có chính sách thu hút nhân tài. Hiện nay, Bảo tàng cũng đã ký hợp đồng với một số nhân viên, trong đó có nhân viên chuyên ngành ngoại ngữ nhưng chất lượng chưa thực sự cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch.

Tuy nguồn nhân lực còn thiếu là vậy, nhưng kể từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng Quảng Ninh đã thu hút một lượng lớn khách đến tham quan. Nhiều nhất vẫn là học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh, người dân địa phương v.v.. Sau đó là khách du lịch đến tham quan cũng tăng đột biến. Cụ thể, trong khoảng thời gian kể từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng Quảng Ninh đã đón khoảng 5 vạn lượt khách đến tham quan. Số lượng khách trong hơn 2 tháng gấp 5 lần số khách đón được trong một năm của Bảo tàng cũ trước khi được đầu tư xây dựng. Một điều đáng mừng là trong số đó khách du lịch là người nước ngoài cũng chiếm con số khá đông. Đây là điều đáng mừng, nhưng nếu tình trạng đội ngũ thuyết minh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách quốc tế đến tham quan như hiện nay thì khó mà giữ được khách. Chưa kể, hiện nay các hiện vật của Bảo tàng vẫn chưa được trưng bày hết. [Theo lãnh đạo Bảo tàng Quảng Ninh, còn 30% hiện vật ở tầng 1 chưa được trưng bày xong, nên bảo tàng vẫn còn những khoảng trống và Bảo tàng vẫn đang tiếp tục hoàn thiện...].

Có thể nói, trong phát triển du lịch tại địa phương thì Bảo tàng chính là một địa chỉ quan trọng, có ý nghĩa trong hành trình du lịch của mỗi du khách. Trong thời điểm mà các sản phẩm du lịch ở Quảng Ninh vẫn còn hạn chế, việc đưa Bảo tàng vào khai thác như một điểm tham quan sẽ góp phần làm phong phú thêm các tour, tuyến du lịch của tỉnh. Vậy nên, để Bảo tàng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, độc đáo riêng có của Quảng Ninh, ngành Du lịch, Văn hoá và các đơn vị liên quan cần có chiến lược trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá những giá trị đặc sắc riêng có của nó, từ đó xây dựng điểm đến trong tour chào bán cho khách du lịch. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên giỏi ngoại ngữ, là rất cần thiết.../.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa là một cơ sở khoa học vừa là một trung tâm văn hóa, có tính khoa học cao và tính xã hội rộng lớn. Bảo tàng có các chức năng như sau: Nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế, trưng bày, trình diễn, để giới thiệu và giáo dục về những giá trị lịch sử – văn hóa của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng và bảo tàng dân tộc học.

Hiện nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới để tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn nghề thủ công và các loại hình văn hóa dân gian khác nhau của các dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới. Chính vì sự hấp dẫn này mà trên trang TripAdvisor đã bình chọn bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2014, đứng sau Bảo tàng tượng binh mã Tần Thủy Hoàng [Trung Quốc], Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng [Campuchia] và Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima [Nhật Bản]. Cũng theo bình chọn của du khách trên TripAdvisor, Bảo tàng DTHVN được xếp vị trí số 1 trong top 10 bảo tàng hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Bảo tàng DTHVN được du khách vinh danh trên TripAdvisor, năm 2013 được xếp thứ 6/25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á và năm 2012 được nhận chứng chỉ Xuất sắc [Excellent Certificate].

          Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tọa lạc bên đường Nguyễn Văn Huyên ở quận Cầu Giấy, cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 8 km. Đây vốn là vùng đất ruộng của cư dân sở tại trước đây. Tất cả các công trình cơ sở hạ tầng đều mới được xây dựng cùng với quá trình hình thành Bảo tàng. Đường Nguyễn Văn Huyên và đường Nguyễn Khánh Toàn chạy qua phía trước Bảo tàng cũng đều mới được xây dựng.
          Công trình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh [người dân tộc Tày, thuộc Công ty Xây dựng nhà ở và công trình công cộng, Bộ Xây dựng] thiết kế. Nội thất công trình do Bà kiến trúc sư Véronique Dollfus [người Pháp] thiết kế.

          Trong khoảng thời gian đầu bảo tàng có 2 khu vực chính: Một khu bao gồm nhà trưng bày, văn phòng và cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hệ thống các bộ phận kỹ thuật, hội trường… Các khối nhà liên hoàn với nhau, có tổng diện tích 2.480m2, trong đó 750 m2 dùng làm kho bảo quản hiện vật. Khu thứ 2 là khu trưng bày ngoài trời, rộng khoảng 2 ha, bắt đầu xây dựng năm 1998 và hoàn thành công trình trưng bày cuối cùng trong năm 2006.

          Bên cạnh đó, hiện nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được cấp thêm hơn 1 ha đất, nâng diện tích khuôn viên của Bảo tàng lên gần 4,4 ha. Tại phần đất mở rộng này, từ giữa năm 2007 bắt đầu xây dựng một tòa nhà 4 tầng, sẽ mang tên “nhà Cánh diều”, để giới thiệu về văn hóa các dân tộc nước ngoài, chủ yếu là các dân tộc ở Đông Nam Á. Đây sẽ là khu trưng bày thứ 3 của Bảo tàng.

          Hiện nay bảo tàng có diện tích gần 4,5ha, bao gồm ba khu trưng bày: 

- Thứ nhất, toà nhà 2 tầng có tên gọi Trống đồng, trưng bày về các dân tộc ở Việt Nam, bắt đầu mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 13/11/1997.

- Thứ hai, khu trưng bày ngoài trời, được gọi là Vườn kiến trúc, rộng khoảng 2ha, xây dựng từ năm 1998 đến 2006, giới thiệu chủ yếu 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc ở Việt Nam.

- Thứ ba, toà nhà 4 tầng có tên gọi Cánh diều, khởi công xây dựng tháng 6/2007 và khai trương trưng bày đầu tiên vào cuối năm 2013, là khu trưng bày về các cư dân ngoài Việt Nam, trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á.

Mười năm đầu mở cửa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đón tiếp khoảng 1.200.000 lượt khách tham quan, trong đó có trên 530.000 khách quốc tế đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số du khách đến Bảo tàng ngày càng gia tăng, năm 2007 đạt 337.000 lượt người, trong 6 tháng đầu năm 2008 – hơn 210.000 lượt người…

a. Giờ mở cửa tham quan: 

- Mở cửa: 8h30-17h30 các ngày trong tuần từ thứ 2 hàng tuần và Tết Nguyên đán.

- Đóng cửa: thứ Hai hằng tuần và Tết Nguyên đán 

b. Thông tin liên hệ: 

- Thứ Hai - Thứ Sáu hằng tuần: + 84-24-3836-0352

- Thứ Bảy - Chủ Nhật: + 84-24-3836-0351

- Lễ tân / Tham quan: + 84-4-3756-2193 [trừ Thứ Hai hằng tuần]

- Bán vé: + 84-24-3836-0350 [trừ Thứ Hai hằng tuần]

- Truyền thông và công chúng: + 84-24-3756-2193 [trừ Thứ Hai hằng tuần]

- Hoạt động giáo dục: + 84-24-3756-2192 [#121, trừ Thứ Hai hằng tuần]

- Hành chính: + 84-4-3756-2192 [#118, trừ Thứ Bảy, Chủ Nhật]

a. Giá vé thăm quan: 40.000 đồng/người/lượt.

b. Các trường hợp được giảm giá vé:

- Sinh viên: 15.000 đồng/người/lượt.

- Học sinh: 10.000 đồng/người/lượt.

- Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa [Người cao tuổi; Người khuyết tật,…..]: giảm 50% giá vé.

- Người dân tộc thiểu số: giảm 50% giá vé.

c. Các trường hợp được miễn vé: 

- Trẻ em dưới 6 tuổi.

- Người khuyết tật nặng đặc biệt.

- Người có thẻ ICOM.

- Người có thẻ Người bạn Bảo tàng của BTDTHVN.

- Thẻ nhà báo.

- Nhà tài trợ.

d. Phí thuyết minh.

- Phí thuyết minh trong nhà tiếng Việt: 50.000 đồng

- Phí thuyết minh ngoài trời tiếng Việt: 50.000 đồng

- Phí thuyết minh toàn bộ bảo tàng tiếng Việt: 100.000 đồng

- Phí thuyết minh trong nhà tiếng Anh/Pháp: 100.000 đồng.

e. Phí chụp ảnh tại bảo tàng: 

- Máy ảnh du lịch: 50.000 đồng/máy.

          Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có các không gian trưng bày trong nhà và không gian vườn với các công trình kiến trúc dân gian. Để đảm bảo chất lượng Tham quan, không nên tổ chức các đoàn quá đông. Đối với các đoàn Tham quan có thuyết minh, số lượng không quá 30 người/thuyết minh. Đối với các học sinh, để học sinh có thể "vừa học, vừa chơi", các lớp nên tổ chức Tham quan rải rác trong năm, Tham quan từng lớp một, không nên tổ chức Tham quan theo trường. Bảo tàng có các chương trình nhà trường và hoạt động tham quan phù hợp với các độ tuổi khác nhau và với chương trình học, các môn học khác nhau; ngoài ra còn có các chương trình giáo viên hướng dẫn tổ chức Tham quan cho học sinh.

         Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có các hướng dẫn viên Tham quan tiếng Việt, Anh, Pháp cho các khu vực khác nhau [Các dân tộc Việt Nam, Văn hoá Đông Nam Á, Kiến trúc dân gian...]. Bạn có thể yêu cầu hướng dẫn tại chỗ, mua vé trước cổng Bảo tàng, tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn có hướng dẫn [vì số lượng hướng dẫn viên có hạn] bạn nên đăng ký trước khi đến Bảo tàng theo số điện thoại sau: 02437562193 [trừ thứ Hai hằng tuần] hoặc 02437562192.

Khi tới thăm quan bảo tàng quý khách cần tuân thủ một số quy định như sau:

- Không mang theo vũ khí, chất dễ cháy, nổ, chất gây khói, các chất độc hại như axit, chất ăn mòn, đồ đạc quá khổ và các vật dụng nguy hiểm khác.

- Để hành lý tư trang đúng nơi quy định [tiền và những vật phẩm có giá trị cao cần đem theo người].

- Giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định.

- Không mang đồ ăn, thức uống vào bảo tàng.

- Không hút thuốc.

- Không gây ồn ào.

- Không cầm, sờ, ngồi lên hiện vật, di chuyển hiện vật.

- Không dùng đèn flash khi chụp ảnh trong các phòng trưng bày.

- Không tự ý tổ chức các hoạt động trong bảo tàng.

- Không mang súc vật vào bảo tàng.

- Không trèo cây, bẻ cành, ngắt hoa, hái quả... trong vườn bảo tàng.

         Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập theo quyết định của thủ tướng chính phủ ngày 24 tháng 10 năm 1995. Bảo tàng được xây dựng trong 2 năm và chính thức khánh thành ngày 12 tháng 11 năm 1997.

        Loại hình bảo tàng dân tộc học rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện trên qui mô quốc gia cũng như ở từng địa phương, bởi vì Việt Nam có tới 54 dân tộc. Cho nên, ngay từ năm 1981 Nhà nước đã chủ trương hình thành một Bảo tàng Dân tộc học đặt tại thủ đô Hà Nội. Công trình Bảo tàng Dân tộc học được chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật ngày 14-12-1987 và được Nhà nước cấp đất để xây dựng: năm 1987 – 2.500m2, năm 1988 – 9.500m2, đến năm 1990 Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao toàn bộ 3,27 ha.

          Bảo tàng bắt đầu được cấp vốn chuẩn bị đầu tư vào năm 1986. Công việc xây dựng móng triển khai từ cuối năm 1989. Theo luận chứng kinh tế – kỹ thuật, tổng kinh phí để xây dựng là 27 tỷ đồng, chưa kể khoảng 4 tỷ đồng cho việc sưu tầm hiện vật, tư liệu và tổ chức trưng bày.

          Suốt nhiều năm, Ban quản lý công trình Bảo tàng và Phòng Bảo tàng là một bộ phận của Viện Dân tộc học. Ngày 24-10-1995, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam [trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam].

          Ngày 12 tháng 11 năm 1997, đúng vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp họp tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac đã cắt băng khai trương Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 

          Đây là công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Hà Đức Lịnh [dân tộc Tày] và nữ kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus, gồm ba khu vực trưng bày chính: khu trưng bày trong tòa Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày toà nhà 4 tầng có tên gọi Cánh diều [là khu trưng bày về các cư dân ngoài Việt Nam, trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á].

          Có thể nói, Bảo tàng này là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quí giá về văn hoá của 54 dân tộc anh em. Tính đến năm 2000 đã tích luỹ được 15.000 hiện vật, 42.000 phim [kèm ảnh màu], 2190 phim dương bản, 273 băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CDRom. Đồng thời, đây là một trung tâm nghiên cứu dân tộc học với những chuyên gia về các dân tộc, các lĩnh vực chuyên ngành. Người ta đến đây không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về các dân tộc, các sắc thái văn hoá đa dạng và đặc sắc của từng tộc, từng vùng cũng như những giá trị truyền thống chung của các dân tộc. Vì vậy, từ nhân dân khắp các miền trong nước đến khách nước ngoài, từ học sinh, sinh viên đến nhà khoa học đều có thể tìm thấy sự hấp dẫn ở đây.

          Hiện vật của BTDTHVN không phải chỉ là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm nhiều thứ rất bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu… Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và mọi sáng tạo văn hoá của họ. Bởi vậy, trong Bảo tàng này, hiện vật rất phong phú, có thể hình thành được nhiều sưu tập theo các tiêu chí khác nhau. Bảo tàng có 54 bộ sưu tập về từng dân tộc, như: về người Thái, về người Hmông, về người Gia Rai… Phân chia theo công dụng, có các sưu tập về y phục, các đồ trang sức, về nông cụ, về ngư cụ, về vũ khí, về đồ gia dụng, về nhạc cụ… Lại có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tổ chức trưng bày và xuất bản sách ảnh theo các dạng thức sưu tập khác nhau, bổ ích và lý thú đối với mọi đối tượng, mọi trình độ học vấn.

          BTDTHVN được triển khai theo nhiều quan niệm mới phù hợp với sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Trước hết đó là quan niệm Bảo tàng dành cho tất cả mọi người. Quan niệm này được thể hiện trong cả kiến trúc lẫn trong kỹ thuật trưng bày. Bảo tàng có lối đi riêng thích hợp cho thương binh hay những người khuyết tật phải di chuyển bằng xe đẩy và có thang máy để họ lên xem tầng hai. Các bậc lên xuống đều có tay vịn cho người già yếu tiện đi lại. Trong trưng bày, kế thừa kinh nghiệm của nhiều bảo tàng trên thế giới, BTDTHVN đã không chọn chữ in mà chọn chữ viết thường cho tất cả các bài viết để người xem ở các lứa tuổi có thể đọc dễ dàng và không mỏi mắt. Các tấm pa nô cũng được treo ở tầm cao có tính toán phù hợp với cả lứa tuổi thiếu nhi. Phần trưng bày của Bảo tàng có hiện vật, có ảnh, bài viết, có băng hình, có các tư liệu tham khảo… mà người xem tuỳ trình độ và nhu cầu khác nhau có thể khai thác nhiều hay ít.

          Bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm vì hiện vật phản ánh những sinh hoạt đời thường của nhân dân các dân tộc. Vậy nên một quan điểm xuyên suốt là: trang trí thật đơn giản, không cầu kỳ, để người xem có thể cảm thụ nhiều nhất cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của mỗi hiện vật rất bình dị, đời thường. Trong Bảo tàng không có tranh minh hoạ. Nếu cần minh chứng cho những sinh hoạt nào đó thì Bảo tàng chỉ dùng ảnh hay băng hình phản ánh cuộc sống thực của các dân tộc.

          Phần trưng bày thường xuyên của Bảo tàng hiện nay chỉ trưng bày một số lượng hiện vật hạn chế: gần 700 hiện vật khối và 280 ảnh. Quan điểm chủ đạo là không tham đưa quá nhiều hiện vật vào trong các tủ trưng bày, bởi sẽ gây cảm giác thừa ứ hoặc khó tiếp cận được một cách tập trung.

          Phương pháp bố trí nội dung trong trưng bày của Bảo tàng là kết hợp giữa cộng đồng ngôn ngữ và vùng lãnh thổ. Hầu hết hiện vật trưng bày là hiện vật gốc, được lựa chọn và chủ yếu phô bày trong 97 tủ kính lớn nhỏ khác nhau: có loại tủ 1 mặt, có loại 4 mặt, có tủ chứa nhiều hiện vật, có tủ chỉ đặt 1 hoặc vài ba hiện vật. Trong số đó, hơn 50 tủ có bài viết giới thiệu kèm theo. Mỗi hiện vật đều có phụ đề ghi rõ tên gọi hiện vật, đồng thời cho biết dân tộc và xứ sở sản sinh ra nó. Bảo tàng cũng sử dụng manơcanh, bản đồ, biểu đồ, sách cứng, ảnh, phim video, băng âm thanh, một số mô hình và 33 pa nô trong trưng bày. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng trong nhà vẫn có một số điểm nhấn được trưng bày theo hình thức tái tạo về một tập tục hay một nét văn hoá nào đó. Người xem có thể hiểu được nội dung tái tạo không chỉ thông qua hệ thống hiện vật, mà còn có cả phim video nữa.

          Bảo tàng chủ trương tăng cường lời giải thích để phục vụ người xem. Hơn 100 bài viết trên panô và gắn với tủ kính hoặc với tái tạo đều cố gắng cung cấp những thông tin cần thiết và ảnh minh hoạ, nhiều pa nô có cả bản đồ. Tuy nhiên, do hạn chế về khuôn khổ nên phải viết dưới dạng ngắn gọn và cô đọng. Với mục đích phục vụ cả khách nước ngoài, các bài viết đó cũng như các phụ đề của hiện vật không chỉ dùng tiếng Việt, mà còn in bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Vì vậy, dù không cần thuyết minh viên giới thiệu, người xem vẫn có thể hiểu được đáng kể về các phần, các tủ, các hiện vật trưng bày.

          Bảo tàng cố gắng tìm các giải pháp kỹ thuật hiện đại trong phương pháp thể hiện trưng bày như việc sử lý ánh sáng, dùng đèn chuyên dụng chiếu vào từng hiện vật hay từng bộ phận của hiện vật làm nổi lên vẻ đẹp cần gây sự chú ý quan sát. Trong điều kiện hiện nay, Bảo tàng đã lựa chọn phương án thông khí cho toàn bộ khu trưng bày. Từng tủ kính đều được lắp hệ thống thông khí để đảm bảo cho hiện vật không bị mốc.

          Nơi đây không chỉ là trung tâm lưu giữ và trưng bày quý giá về văn hóa mà còn là nơi tổ chức nghiên cứu khoa học, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu, khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa về phương diện dân tộc học của các dân tộc anh em.

          Khu vực bên trong bao gồm các khối nhà trưng bày, cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản… 

Hiện nay, phần trưng bày trong nhà chiếm trọn toà nhà 2 tầng với diện tích 2.500m2 có dáng mô phỏng hình trống đồng - một biểu tượng chung của nền văn minh Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực. Chiếc cầu đá granít dẫn vào toà nhà Bảo tàng tạo cảm giác như đang bước lên căn nhà sàn phổ biến ở nhiều vùng. Mặt nền sảnh lớn toà nhà này được trang trí bằng đá granit với biểu trưng theo hình thể của Tổ quốc có đất liền và biển cả.

          Các khối nhà liên hoàn với nhau, mỗi gian trưng bày của từng tộc người thể hiện trong việc trưng bày hiện vật theo lối kể chuyện. Câu chuyện được liên kết chặt chẽ, xuyên suốt với nhau bằng nhóm hiện vật, luôn thay đổi sự hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu khác nhau của người xem. Mỗi gian trưng bày là một câu chuyện lớn phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

          Nhìn chung khu trưng bày trong nhà dược chia làm 9 chủ đề: giới thiệu chung; nhóm ngôn ngữ Việt - Mường; nhóm Thái - Kadai; nhóm Mông - Dao; nhóm Hán - Tạng; nhóm Môn - Khmer; nhóm Nam Đảo; các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer và giao lưu, hội nhập giữa các dân tộc.

          Phần lớn diện tích trong nhà được bố trí trưng bày thường xuyên, bên cạnh đó có dành riêng một không gian để tổ chức các trưng bày nhất thời theo chuyên đề. Hiện tại, trưng bày thường xuyên trong nhà được bố trí như sau:

a. Tầng 1 trưng bày 2 phần chính:

- Giới thiệu chung các dân tộc Việt Nam

- Giới thiệu các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, bao gồm: Việt [Kinh], Mường, Thổ, Chứt.

b. Tầng 2 chia thành các phần:

- Các dân tộc Chăm, Hoa, Khơme.

- Ngữ hệ Nam Đảo ở miền núi: giới thiệu các dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru.

- Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme ở miền núi: giới thiệu 5 dân tộc ở miền Bắc [Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng, Ơ Đu] và 15 dân tộc ở miền Trung – Tây Nguyên.

- Nhóm ngôn ngữ Hán – Tạng: giới thiệu các dân tộc Cống, Sán Dìu, Ngái, Lô Lô, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Si La.

- Nhóm Hmông – Dao: giới thiệu các dân tộc Hmông, Dao, Pà Thẻn.

- Nhóm Tày Thái – Kađai: giới thiệu các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Thái, Bố Y

Đối với khu ngoài trời, do đất hẹp nên Bảo tàng chỉ có thể dựng 9 công trình kiến trúc dân gian cùng một số hiện vật lớn như: 

- Nhà rông của người Ba Na. 

- Nhà sàn dài của người Ê Đê.

- Nhà sàn của người Tày.

- Nhà nửa sàn nửa đất của người Dao.

- Nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông.

- Nhà ngói của người Việt. 

- Nhà trệt của người Chăm.

- Nhà trình tường của người Hà Nhì.

- Nhà mồ của người Gia Rai.

          Xen giữa các công trình kiến trúc dân gian đó là cây xanh các loại, các lối đi ngoằn ngoèo và cả con suối uốn khúc chảy suốt 4 mùa, có cầu bắc nối đôi bờ. Những trưng bày ở phần này đang từng bước được thực hiện.

          Có thể nói, hiện vật được trưng bày trong bảo tàng rất phong phú, từ y phục, đồ trang sức, vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc như gùi, dao, cuốc, nông cụ… Mỗi hiện vật trong bảo tàng đều có phụ đề ghi rõ tên gọi, nguồn gốc xuất xứ, tư liệu tham khảo. Các sinh hoạt tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng như ma chay, cưới hỏi được thể hiện dưới những thước phim video sinh động và cuốn hút, có tác dụng phổ biến kiến thức rất hiệu quả. Các hiện vật ở đây được trang trí thật đơn giản, không cầu kỳ, để người xem có thể cảm thụ nhiều nhất cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của mỗi hiện vật rất bình dị, đời thường.

          Đến đây, du khách không chỉ tham quan các hiện vật được trưng bày tại khu trưng bày thường xuyên, khu trưng bày chuyên đề, khu trưng bày lưu động và khu trưng bày ngoài trời, mà còn có thể nghiên cứu, tìm hiểu về các dân tộc, bản sắc văn hóa của từng dân tộc cũng như giá trị truyền thống chung của các dân tộc.

          Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn là điểm dã ngoại ngoài trời thú vị đối với những gia đình có con nhỏ trong những ngày cuối tuần. Khu trưng bày ngoài trời với những mẫu nhà đặc trưng của mỗi dân tộc thực sự là nét sinh động cho việc học tập, nghiên cứu của các em học sinh cũng như những người nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục, tập quán của các dân tộc.

          Đặc biệt, chương trình biểu diễn múa rối nước đặc sắc của các phường rối Miền Bắc được diễn ra thường xuyên ở đây. Du khách không những được xem các nghệ sỹ biểu diễn múa rối mà còn được giao lưu với họ, được tự tay điều khiển con rối dưới nước rất thú vị. Các lớp học thủ công, thêu vải cho học sinh thường xuyên được tổ chức vào các dịp hè giúp các em vừa vui chơi giải trí vừa có thể học được nhiều kỹ năng thêu cơ bản.

          Ngoài ra, khách tham quan sẽ có cơ hội ghé thăm và mua hàng lưu niệm tại các gian hàng: ấn phẩm, băng đĩa, đồ lưu niệm tại ngay cổng chính của Bảo tàng.

          Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ hai. Với các hoạt động phong phú và đa dạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ lý tưởng cho những du khách muốn nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức nghệ thuật và khám phá về văn hóa Việt Nam. Bảo tàng rất thích hợp cho ngày nghỉ cuối tuần của các gia đình.
Cùng chúng tôi khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong tour City Hà Nội 1 ngày để trải nghiệm thêm nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa bạn nhé !

Video liên quan

Chủ Đề