Học về bim bài bản như thế nào

1. Giới thiệu

            Nhiều nghiên cứu đã khẳng định vai trò then chốt của yếu tố con người trong việc triển khai áp dụng thành công BIM [1-3], điều này lại càng đúng với các quốc gia đi sau như Việt Nam. Theo Succar, B., và W. Sher., năng lực thực hiện công việc BIM có thể được xây dựng và phát triển thông qua 3 con đường: giáo dục chính quy, đào tạo nghề hoặc đào tạo theo công việc [on-the-job traning] và làm công việc chuyên môn [4]. Khi mà ở Việt Nam còn khuyết mảng đào tạo đại học và sau đại học các chuyên ngành liên quan đến BIM thì rất cần có những khóa học ngắn hạn để phát triển nhân lực BIM cả về số lượng và chất lượng. Tháng 10/2017 vừa qua, Bộ Xây dựng có ban hành Quyết định số 1056/QĐ-BXD về việc công bố chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng áp dụng Mô hình thông tin công trình [BIM] trong giai đoạn thí điểm để các cơ quan, tổ chức có liên quan sử dụng trong quá trình thực hiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các nội dung theo chuyên đề về BIM. Trong bối cảnh đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào về chủ đề giáo dục – đào tạo BIM. Bài báo này bằng phương pháp chủ yếu là khảo sát và phỏng vấn, đi từ phân tích thực trạng tới phân tích nhu cầu thực tế rồi chỉ ra khoảng cách và đưa ra khuyến nghị. Bài báo hy vọng sẽ cung cấp những góc nhìn đầu tiên về chủ đề này, từ đó gợi mở những hướng đi cho các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo BIM cũng như gợi ý các nghiên cứu tiếp sau.

2. Thực trạng đào tạo BIM tại Việt Nam

            Sử dụng từ khóa "khóa học BIM" và "khóa đào tạo BIM" trên mạng tìm kiếm Google thì lần lượt nhận được 2.580.000 kết quả sau 0,46 giây và 634.000 kết quả sau 0,59 giây. So với 1.920.000 kết quả [0,60 giây] của từ khóa "khóa học dự toán" và 270.000 kết quả [0,44 giây] của từ khóa "khóa học đấu thầu", cũng là những khóa học chuyên môn ngắn hạn nghề xây dựng. Chứng tỏ việc đào tạo BIM hiện đang thu hút được rất nhiều sự chú ý.

Bảng 1. Khảo sát 10 đơn vị cung cấp khóa học BIM

Thứ tự xuất hiện

Chủ đề

Bên cung cấp

Địa điểm

Ngắn hạn/dài hạn

Trực tuyến

1

Họa viên BIM

Trung Tâm Kỹ Thuật Điện Toán – Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM

TP.HCM

Dài hạn

2

BIM Manager

RDSIC – Đại học Xây dựng

Hà Nội

Ngắn hạn

3

BIM Manager

REDSUN

TP.HCM

Dài hạn

v

4

Lập mô hình

BIM Hà Nội

Hà Nội

Ngắn hạn

5

Đa dạng

BIM-ASM

TP.HCM

Ngắn hạn

v

6

Revit

Lophocrevit

Hà Nội

Ngắn hạn

7

Revit

Huy Training

TP.HCM

Ngắn hạn

v

8

Revit

Học BIM

TP.HCM

Ngắn hạn

v

9

Phần mềm BIM

Anabim

Hà Nội

Ngắn hạn

v

10

Phần mềm BIM

BIM Express

TP.HCM

Ngắn hạn

v

     Lưu ý: Dài hạn ở bài báo này được hiểu là dài trên 3 tháng

Qua khảo sát 10 trang cung cấp khóa học BIM xuất hiện đầu tiên [Bảng 1], có tới một nửa là dạy về phần mềm BIM, trong đó 3 đơn vị chỉ chuyên dạy về Revit, người học gần như là đi học kỹ năng sử dụng phần mềm. 02/10 đơn vị đào tạo Lập mô hình, nghĩa là ngoài phần mềm, họ còn đưa vào các nội dung khác ví dụ như về nguyên lý, quy trình, giúp học viên hiểu rõ hơn về bản chất công việc của BIM Modeler và thậm chí là BIM Coordinator. Đáng chú ý, có 02/10 cơ sở có đào tạo BIM Manager – là những người sẽ quản lý quy trình, chính sách, công nghệ và nhân lực BIM [5], xem nội dung khóa học tại Bảng 2. Qua đó, có thể thấy ở Việt Nam đang tập trung vào đào tạo Người lập mô hình BIM Modeler nhưng cũng không bỏ qua đào tạo Người điều phối BIM và Người quản lý BIM. Tình hình này là khá hợp lý khi Việt Nam mới đang ở những bước đầu tiên trong tiến trình làm chủ BIM, trước mắt chúng ta vẫn phải lấy BIM Modeler làm nền tảng, không chỉ để thực hiện các dự án trong nước mà còn là cơ sở để kéo các dự án ở nước ngoài về nhờ lợi dụng xu hướng thuê ngoài [outsource] trên thế giới.

Bảng 2. Chương trình đào tạo BIM Manager tại RDSIC

BIM Manager Ngày 1 [9.00AM to 12.00PM] : Vòng đời BIM – Quản lý quy trình thiết kế với doanh nghiệp

- Giá trị BIM cơ bản và mục tiêu của BIM

- Thông tin thiết kế với phương thức chuyển giao dự án tích hợp và chỉ dẫn về BIM [kế hoạch thực thi BIM, mức độ chi tiết, và bản quyền]

- Chỉ dẫn BIM từ Singapore, USA và Anh.

- Phát triển lộ trình áp dụng và thực hiện BIM

BIM Manager ngày 1 [[1.30PM to 4.30PM] : tối ưu BIM trong thiết kế cơ sở và thiết kế triển khai

- Đào tạo đội ngũ BIM để bắt đầu dự án

- Phương thức giao tiếp và quản lý đội ngũ BIM

- Phân tích diện tích và mô hình khối dáng

- BIM cho thiết kế bền vững

BIM Manager Ngày 2 [9.00AM to 12.00PM] tối ưu BIM trong giai đoạn tiền xây dựng và quản lý xây dựng

- Giá trị từ mô hình BIM kết hợp

- BIM cho bóc tách khối lượng

- BIM cho tiến trình xây dựng

- BIM-CM [kế hoạch về giá, phân tích giá, kiểm soát sản phẩm]

BIM Manager Ngày 2 [1.30PM to 4.30PM]: tối ưu BIM trong quản lý cơ sở hạ tầng và công việc phát sinh

- Yêu cầu BIM từ chủ đầu tư

- Mô hình BIM hoàn công và giá trị đối với chủ đầu tư

- Tối ưu hóa mô hình BIM hoàn công cho quản lý cơ sở hạ tầng.

- Bảng điều khiển quản lý cơ sở hạ tầng kết nối BIM

            Xét về địa điểm, chỉ có TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là địa phương có cung cấp các khóa học BIM theo như khảo sát này. Nó phản ánh đúng tình hình hiện nay, nhân lực thực hiện BIM tập trung gần như toàn bộ tại 2 thành phố lớn nhất cả nước này. Xét về độ dài khóa học, có tới 08/10 khóa học là ngắn hạn, nghĩa là chỉ diễn ra từ 38 – 96 giờ. Thực tế này đúng với nhận xét của một bài viết tiếng Anh đăng trên trang The BIM Hub vào tháng 11/2016, "BIM Việt Nam hiện mới chỉ có các khóa học ngắn tại các đơn vị tư nhân theo kiểu "cầm tay" hướng dẫn phần mềm, tập trung vào tính năng của phần mềm chứ không có một khung đào tạo chính thống" [6]. Nói đến hình thức trực tuyến, 06/10 khóa có cung cấp loại hình học online, giúp học viên thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận. Nghĩa là người học có thể ở các tỉnh thành xa vẫn có thể học và lấy chứng chỉ, miễn là có một đường truyền Internet tốt. Tuy nhiên đáng chú ý, trong 06 khóa đó, chỉ có 01/06 khóa online là của đơn vị ở Hà Nội, còn lại 05/06 là ở TP. Hồ Chí Minh. Điều đó nói lên rằng, các đơn vị đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh tỏ ra nhanh nhạy và theo kịp xu hướng học từ xa [distance learning] hơn. Khi mà học trực tuyến đang được coi là mô hình giáo dục của tương lai, các lớp học trực tuyến sẽ giúp chấm dứt tình trạng "thầy đọc, trò chép" như trước đây, đặc biệt, người học sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhiều nội dung tham khảo liên quan đến bài giảng trên lớp học thực tế.

3. Nhu cầu đào tạo BIM tại Việt Nam

3.1. Khảo sát trực tuyến vào tháng 10/2017

            Tham khảo các khung chương trình của một vài khóa đào tạo BIM ở Singapore [7, 8], tác giả đã thiết kế một bảng khảo sát ngắn bằng công cụ Google Forms và nhận phản hồi trong tháng 10/2017. Trong khoảng 10 ngày, tác giả nhận được 30 câu trả lời.

Hình 1. Kết quả phản hồi cho câu hỏi “Anh/Chị có nghĩ là các khóa học BIM tốt hơn hết là do các chuyên gia nước ngoài [từ các quốc gia đã áp dụng BIM thành công] giảng dạy không?”

Hình 1 cho thấy, phần đa học viên muốn học hỏi kinh nghiệm BIM từ các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Đây có thể xem là lựa chọn an toàn và hợp lý, người học vừa có thể học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn thành công từ các quốc gia đi trước, vừa cân nhắc các bài học từ kinh nghiệm áp dụng trong nước.

Hình 2. Kết quả phản hồi cho câu hỏi “Thời lượng khóa học BIM theo Anh/Chị thế nào là phù hợp”

            Khi được hỏi về thời lượng phù hợp của khóa học BIM, có tới 2/3 đáp viên tỏ ra ưa thích phương án 3 ngày [6 buổi, 24 giờ học] như Hình 2 thể hiện. Điều này chứng tỏ, người học ở Việt Nam [người đang đi làm] rất ưa chuộng các khóa ngắn ngày. Đồng thời đặt nghi ngại cho các khóa BIM dài hạn hơn khi tổ chức ra, sẽ là khó khăn không nhỏ cho việc thu hút người học.

Hình 3. Kết quả phản hồi cho câu hỏi “Anh/Chị muốn tham gia khóa học nhằm mục đích có hiểu biết để trực tiếp thực hiện các hoạt động BIM trong dự án [Triển khai BIM] hay để quản lý việc thực hiện BIM trong tổ chức [Quản lý BIM]?”

Kết quả thể hiện ở Hình 3 cho thấy, nhu cầu đào tạo BIM ở Việt Nam hiện chủ yếu tập trung ở phân khúc Triển khai thực hiện. Điều này là hoàn toàn hợp lý khi BIM mới chỉ bước những bước chập chững ở Việt Nam. Bất kể là có một số ít đơn vị đã thực hiện từ khá lâu, nhưng đó chỉ là những bước đi riêng lẻ, manh mún chứ không nên được tính là bước tiến của cả ngành. Mặc dù vậy, không phải là không có những nhu cầu đào tạo BIM cho cấp quản lý. Quản lý cấp trung và cấp cao tại các doanh nghiệp xây dựng đang dần nhận thức được tầm quan trọng của BIM và đây có thể chính là nhân tố chính mang lại thành công cho lộ trình áp dụng BIM tại Việt Nam, tương tự như ở các quốc gia đi trước khác [1, 9, 10].

Hình 4. Kết quả phản hồi cho câu hỏi “Các nội dung theo anh chị là cần thiết cho Khóa học về Triển khai BIM”

Như phản ánh ở Hình 4, ngoại trừ 2 câu trả lời khác được điền thêm dưới cùng, các đáp viên dành sự quan tâm gần như là như nhau cho toàn bộ các nội dung nêu ra, dự kiến có trong các khóa học về Triển khai BIM [BIM Implementation] bao gồm:

  • Những vấn đề cơ bản về BIM
  • Quy trình thiết kế BIM
  • Điều phối và Lập hồ sơ Thiết kế
  • Phân tích thiết kế
  • Lập kế hoạch và Điều phối Thi công

Kết quả này cho thấy, đáp viên mong muốn học hỏi nhiều điều từ khóa học, học rộng chứ không chuyên sâu hẳn về một chuyên đề nào đó. Điều này là tương đối phù hợp với một khóa ngắn ngày, tuy nhiên đòi hỏi sự nỗ lực tìm hiểu thêm từ học viên. Nếu không sẽ không khác gì cưỡi ngựa xem hoa tương tự như thực tế đã xảy ra với nhiều khóa học BIM trong quá khứ.

Hình 5. Kết quả phản hồi cho câu hỏi “Các nội dung theo anh chị là cần thiết cho Khóa học về Quản lý BIM”

Khác với khóa triển khai BIM, các nội dung trong khóa học Quản lý BIM nhận được sự đánh giá về tầm quan trọng tương đối khác nhau. Cụ thể, đáp viên cho rằng chuyên đề “Kế hoạch thực hiện BIM ở cấp dự án” là cần thiết hơn cả, sau đó mới đến “Kế hoạch từng bước đưa BIM vào doanh nghiệp” và “Giới thiệu về việc triển khai thực hiện BIM”. Tâm lý dễ hiểu ở đây là đáp viên muốn giành được những “chiến thắng nhanh gọn” – quick wins, hay nôm na là “mỳ ăn liền” ngay tại các dự án thí điểm. Cách tiếp cận này hứa hẹn sớm đem lại kết quả, và kết quả là nhìn thấy ngay được. Mặc dù vậy, vẫn cần các chiến lược cấp cao và dài hơi hơn, đúng như nhận định sau:

Khi nhắc tới BIM, nhiều người nghĩ ngay tới một hệ thống các phần mềm hỗ trợ tiên tiến. Tuy nhiên, chuyển đổi sử dụng BIM mang nhiều ý nghĩa nhiều hơn là một quá trình chuyển đổi công nghệ mà đó là một sự thay đổi văn hóa, là một cuộc cách mạng trong thay đổi tư duy, cách làm việc. Do vậy để có một quá trình chuyển đổi BIM thành công đòi hỏi một kế hoạch cẩn thận, lựa chọn các công cụ thích hợp, đào tạo toàn bộ hệ thống từ quản lý cấp cao đến những vị trí thấp nhất trong bộ máy. Chiến lược BIM sẽ cung cấp cho doanh nghiệp sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ kiến thức, kĩ năng cho đến tinh thần nhằm tiếp nhận thành công công nghệ BIM [11].

Hình 6. Kết quả phản hồi cho câu hỏi “Theo Anh/Chị, mức học phí cho khóa học này bao nhiêu là chấp nhận được nếu có chuyên gia NƯỚC NGOÀI tham gia giảng dạy?”

Về vấn đề học phí, phần lớn đáp viên đồng ý với mức 2-4 triệu đồng cho khóa học 2-3 ngày. Ngoài ra, bên cạnh các ý kiến xem học phí không phải là vấn đề quan trọng/tùy thuộc vào lượng kiến thức, thì một số đáp viên cho rằng cần có ưu đãi cũng như cần kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức. Những ý kiến này là đáng lưu ý cho các đơn vị đang có ý định tổ chức khóa học BIM, học phí là vấn đề lớn cần cân nhắc. Người học sẽ suy xét rất kỹ về việc có tham gia hay không, bởi học phí tương đối cao, tương đương với khoảng 20-30% lương tháng của họ [xem Hình 7].

Hình 7. Lương Kỹ sư xây dựng tại Việt Nam

Nguồn: Số liệu của CareerBuilder

Hình 8. Kết quả phản hồi cho câu hỏi “Cơ quan Anh/Chị có nhu cầu đào tạo tại chỗ chuyên sâu về BIM không?”

Hình 8 sơ lược cho thấy triển vọng của hình thức đào tạo BIM ngay tại doanh nghiệp. Tuy rằng chỉ có khoảng 27% đáp viên khẳng định có nhu cầu, nhưng có tới gần 57% đáp viên trả lời “Chưa rõ”. Tín hiệu này là tương đối khả quan cho các đơn vị đào tạo, mặc dù họ cần phải cố gắng rất nhiều để thuyết phục nhóm đang có sự phân vân, giữ chân nhóm có nhu cầu, cũng như tìm cách tiếp cận và làm việc với nhóm phủ định nhu cầu.

3.2. Phỏng vấn người đã có kinh nghiệm thực hiện BIM

Nhân có liên lạc của những người đăng ký Khóa học BIM cho người triển khai BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình BIM for Practitioners, tác giả đã tổ chức phỏng vấn nhanh 30 người bằng 2 hình thức là phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn qua điện thoại trong khoảng thời gian từ 02-07/01/2018. Nội dung phỏng vấn là phản hồi về mức độ cần thiết của các chuyên đề có trong Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng áp dụng Mô hình thông tin công trình [BIM] trong giai đoạn thí điểm [12]. Các nội dung đào tạo do Bộ Xây dựng đề xuất được thể hiện trong Bảng 3.

Bảng 3. Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng áp dụng Mô hình thông tin công trình [BIM] trong giai đoạn thí điểm, ban hành kèm theo Quyết định số 1056/QĐ-BXD

STT

NỘI DUNG

SỐ TIẾT

Đối với nhân sự thuộc Ban QLDA/chủ đầu tư

Đối với nhân sự thuộc đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng

I

Phần I: Kiến thức chung về Mô hình thông tin công trình [BIM]

20

20

1

Tổng quan về BIM

4

4

2

Môi trường, nền tảng và các công cụ về BIM

4

4

3

Tiêu chuẩn, hướng dẫn về BIM và triển khai BIM cho dự án

8

8

4

Xây dựng kế hoạch triển khai BIM cho đơn vị

4

4

II

Phần II: Kiến thức, kỹ năng áp dụng Mô hình thông tin công trình [BIM]

20

5

Ứng dụng BIM cho đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng

4

6

Phân tích thiết kế trên BIM

4

7

Mô hình liên kết và phối hợp trên nền tảng BIM

4

8

Mô phỏng tiến độ trên nền tảng BIM

4

9

Lập dự toán trên nền tảng BIM

4

III

Kiểm tra và tổng kết

8

8

1

Tìm hiểu thực tế

4

4

2

Trao đổi, giải đáp và kiểm tra

4

4

Tổng cộng: I+II+III

28

48

Cách tác giả phỏng vấn đó là đặt ra thang điểm Likert 1-5 để đáp viên đánh giá độ cần thiết của từng nội dung, với 1 là Rất không cần thiết, 5 là Rất cần thiết. Kết quả thu được tác giả trình bày ở Bảng 4.

Bảng 4. Kết quả phản hồi của đáp viên về độ cần thiết của từng nội dung đào tạo được đề xuất ở Quyết định số 1056/QĐ-BXD ban hành ngày 11/10/2017

TT

Nội dung

Mean

Mode

SD

1. 

Tổng quan về BIM

4.5667

5

0.7157

2. 

Môi trường, nền tảng và các công cụ về BIM

4.6667

5

0.6498

3. 

Tiêu chuẩn, hướng dẫn về BIM và triển khai BIM cho dự án

4.8333

5

0.3727

4. 

Xây dựng kế hoạch triển khai BIM cho đơn vị

4.7333

5

0.5735

5. 

Ứng dụng BIM cho đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng

4.8667

5

0.3399

6. 

Phân tích thiết kế trên BIM

4.7000

5

0.5859

7. 

Mô hình liên kết và phối hợp trên nền tảng BIM

4.9000

5

0.3000

8. 

Mô phỏng tiến độ trên nền tảng BIM

4.4667

5

0.8055

9. 

Lập dự toán trên nền tảng BIM

4.4000

5

0.8406

10. 

Tìm hiểu thực tế

4.6667

5

0.5963

11. 

Trao đổi, giải đáp và kiểm tra

4.3333

5

0.7888

Nhìn chung, đáp viên tỏ ra rất hào hứng với tất cả các nội dung mà Bộ Xây dựng đã đề xuất [tất cả số mode đều bằng 5]. Trong đó nội dung “Mô hình liên kết và phối hợp trên nền tảng BIM” được đánh giá là cần thiết nhất với điểm đánh giá trung bình rất cao, 4,900 và độ lệch chuẩn thấp nhất chỉ 0,3 chứng tỏ sự đồng nhất về quan điểm rất cao. Ngoài nội dung “Trao đổi, giải đáp và kiểm tra”, mặc dù vẫn đạt 4,400/5 nhưng sự cần thiết của nội dung về “Lập dự toán trên nền tảng BIM” nhận được đánh giá thấp nhất trong số 10 nội dung. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi vai trò công việc của đáp viên rất đa dạng chứ không bó hẹp trong việc lập dự toán hay quản lý chi phí, sự quan tâm của họ hướng nhiều hơn đến các vấn đề công nghệ, kỹ thuật. Bên cạnh đó, còn có 2 nội dung đáng lưu ý đó là “Mô phỏng tiến độ trên nền tảng BIM” và “Trao đổi, giải đáp và kiểm tra” có độ lệch chuẩn cao nhất, lần lượt là 0,8055 và 0,7888, cho thấy khoảng cách tương đối lớn về việc đánh giá tầm quan trọng của 2 nội dung này giữa các đáp viên. Tất nhiên là cần phải có một khảo sát trên quy mô rộng hơn để kiểm chứng chương trình khung này, nhưng kết quả cuộc phỏng vấn cho thấy tín hiệu tích cực. Ở mức độ nào đấy có thể khẳng định rằng Bộ Xây dựng đã đề xuất các chuyên đề đào tạo bám sát với nhu cầu, yêu cầu của người học.

4. Kết luận và khuyến nghị

            Cuộc khảo sát và phỏng vấn tuy diễn ra vào 2 thời điểm khác nhau nhưng đã cho ra các kết quả gần như thống nhất. Nhu cầu đào tạo ngắn hạn BIM nhìn chung là rõ ràng và tương đối đồng đều giữa các chuyên đề, các nội dung. Đi vào chi tiết, đáp viên thấy cần nhất ở các nội dung về phối hợp, điều phối trong thiết kế và thi công. Phát hiện này tương đồng với một số nghiên cứu ở nước ngoài về chương trình đào tạo BIM, cụ thể như hai tác giả Wu Wei, và Raja RA Issa khẳng định thiếu sót lớn nhất của người học BIM là hiểu biết về quản lý mô hình đa bộ môn [understanding of multidisciplinary model management] [13, 14]. Tầm quan trọng kế đến là nội dung về tiêu chuẩn, hướng dẫn triển khai BIM cho dự án và chiến lược, kế hoạch triển khai BIM cho đơn vị, kết quả này cũng phù hợp với các phát hiện của các nghiên cứu ở nước ngoài. Những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến BIM trên toàn thế giới xếp 2 vấn đề này vào loại đáng lưu tâm khi đào tạo BIM trong nghiên cứu của Wu Wei và Raja RA Issa năm 2013. Mặc dù không phải là một nghiên cứu về giáo dục - đào tạo BIM, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự ủng hộ và hỗ trợ từ lãnh đạo chính là nhân tố lớn quyết định đến sự thành công của việc triển khai áp dụng BIM [1, 2]. Điều này gợi ý rằng nên có chiến lược thuyết phục, kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ từ các nhân vật quản lý cấp cao trong các doanh nghiệp tích hợp ngay vào trong nội dung các khóa học. Có thể những nhân vật này không tham gia, nhưng cấp dưới của họ từ đó mà lĩnh hội được chiến lược và khi từ khóa học quay về tự họ sẽ đi thuyết phục. Đối chiếu lại những gì mà các khóa đào tạo BIM ở Việt Nam đang cung cấp, dễ dàng nhận thấy một khoảng cách vô cùng lớn giữa yêu cầu và thực tế. Trong bối cảnh mà các trường đại học Việt Nam chưa thể xây dựng một chương trình đào tạo BIM bậc đại học và sau đại học, Bộ Xây dựng đã khá kịp thời khi cho ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng áp dụng Mô hình thông tin công trình [BIM] trong giai đoạn thí điểm. Còn lại là cần động thái của các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo BIM, họ phải có một khung đào tạo rõ ràng và chuyên nghiệp hơn, tham khảo đề xuất của Bộ Xây dựng hay dựa vào nhu cầu thực tế của người học thay vì hoặc chỉ đơn thuần dạy sử dụng công cụ, phần mềm hoặc bê nguyên chương trình đào tạo ở nước ngoài về [ví dụ như Bảng 2]. Được biết, hiện Viện Quản lý Đầu tư Xây dựng [IICM] có vẻ như đang đi đúng hướng khi bên cạnh hình thức đào tạo truyền thống [tại các cơ sở của Viện], thì họ đã và đang đẩy mạnh hình thức đào tạo tại doanh nghiệp [on site training] kết hợp thực hành công việc ngay trong dự án thực tế [on-the-job training]. Kết quả thu được từ các khóa tại VINATA và gần đây nhất là tại Viglacera cho thấy rất nhiều tín hiệu khả quan bởi ngoài việc kỹ năng thực hiện BIM của nhân sự các đơn vị này được nâng cao đáng kể thì bản thân các đơn vị gần như tiếp nhận hoàn toàn “dây chuyền công nghệ”, khiến họ có khả năng tự thực hiện các dự án BIM trong tương lai gần. Đáng chú ý, chuỗi các khóa học mà IICM sắp tới dự kiến triển khai tại Hà Nội, Vinh, Nha Trang, Cần Thơ trong năm 2018 sẽ là các hình mẫu kết hợp tham khảo chương trình khung đào tạo của Bộ Xây dựng và của các cơ sở giáo dục – đào tạo BIM quốc tế, đáp ứng kỳ vọng của người học như đã phát hiện được từ bài báo này.

[Theo Tạp chí Kinh tế xây dựng số 02/2018]

Chủ Đề