Hướng dẫn bluid mini pc

Những Điều Cần Chú Ý Khi Build PC Mini ITX

Các bạn đang cảm thấy tò mò, thích thú, muốn tìm hiểu để có thể tự build cho mình một chiếc PC Mini ITX? Tại sao lại không cơ chứ, chẳng ai lại không cảm thấy hứng thú với một chiếc PC nhỏ gọn, thanh lịch, cực kì tiết kiệm không gian mà lại sở hữu khả năng tùy biến cũng như đảm bảo hiệu năng ấn tượng như một chiếc PC thông thường phải không các bạn?

Cùng chúng mình tìm hiểu sơ lược khái niệm cũng như những một vài lưu ý để giúp các bạn có thể tự build được một bộ máy tính siêu nhỏ gọn qua bài viết Những Điều Cần Chú Ý Khi Build PC Mini ITX nhé! Cùng đến với bài viết hôm nay ngay thôi nào!

PC Mini ITX là gì?

Trước khi bắt đầu việc build một chiếc PC, ngoài giá thành cùng mức cấu hình, một câu hỏi cũng cực kì quan trọng cần các bạn trả lời đó chính là “kích thước các bạn mong muốn với chiếc PC của mình là như thế nào?” Về cơ bản, sẽ có 5 kích thước PC thường gặp cho các bạn lựa chọn bao gồm ATX Super Tower, ATX Full Tower, ATX Mid Tower, Micro ATX, cuối cùng và cũng chính là kích thước nhỏ nhất, Mini ITX.

Đây chính là kích cỡ máy tính mà hôm nay chúng ta sẽ nói tới. PC Mini ITX, một chiếc máy tính sở hữu kích thước cực kì nhỏ gọn, đủ để các bạn có thể đặt trên bàn làm việc và dễ dàng mang theo khi cần. Nhưng chúng ta cũng cần phân biệt PC Mini ITX với Series NUC của Intel cũng như một số hệ thống máy tính kích thước nhỏ [ SFF - Small Form Factor ] bởi PC Mini ITX vượt trội hơn rất nhiều ở khả năng nâng cấp cũng như sự tùy biến mà các mẫu máy tính kia không thể đáp ứng được.

Sở hữu kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với những chiếc máy tính thông thường, PC Mini ITX mang tới rất nhiều lợi thế trực quan tới cho người sử dụng. Chiếc máy tính nhỏ gọn giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều không gian trong phòng và giúp các bạn có thể dễ dàng set up chiếc máy tính này ở trên bàn làm việc.

Tưởng không quá quan trọng nhưng việc đặt máy tính trên bàn làm việc lại mang tới vô cùng nhiều lợi ích, hạn chế đáng kể số lượng bụi bị hút vào trong vỏ máy, giúp các bạn có thể trực tiếp quan sát tình trạng hoạt động của máy. Và chắc chắn rồi, trông ấn tượng hơn rất nhiều bởi chẳng ai lại không muốn đặt chiếc máy tính yêu quý mà chúng ta đã kì công xây dựng trên bàn so với việc để dưới chân hoặc dưới gầm bàn cả.

Ngoài ra, kích thước nhỏ gọn giúp các bạn có thể dễ dàng đặt chiếc máy tính trong balo và đem theo mọi nơi. Cực kì tiện dụng đối với những bạn thích mang chiếc máy tính bên mình, có thể để giải quyết công việc hoặc cũng có thể mang theo chơi game và giải trí cùng bạn bè.

Những Điều Cần Chú Ý Khi Build PC Mini ITX

Với những ưu điểm vượt trội như vậy, những chiếc PC Mini ITX luôn sở hữu một sức hút cực kì mạnh mẽ đối với cộng đồng công nghệ nói chung và những người anh em đam mê sự nhỏ gọn nói riêng. Nhưng, khác với những chiếc máy tính thông thường, việc tự build một chiếc PC Mini ITX sẽ yêu cầu nhiều điều kiện hơn và các bạn phải lựa chọn khá kĩ càng để chúng có thể tương thích với nhau trong quá trình lắp ráp cuối cùng. Cùng mình đến với những lưu ý để các bạn có thể tự build PC Mini ITX cho riêng mình nhé!

Case [ Vỏ ngoài ]

Lựa chọn vỏ case là một công đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình build một chiếc PC Mini ITX, bởi đây cũng chính là quá trình định hình toàn bộ ý tưởng cho chiếc máy tính yêu thích của các bạn. Đầu tiên về ngoại hình, đây là một yếu tố mình xin để các bạn quyết định bởi mỗi người sẽ có một gu thẩm mỹ riêng. Hãy chọn cho mình chiếc vỏ PC Mini ITX có ngoại hình ưng ý nhất nhé!

Sẽ có rất nhiều thông số các bạn cần đặc biệt lưu ý ví dụ như cổng kết nối, chiều cao tối đa cho tản nhiệt, số lượng quạt tản nhiệt cho case, loại Radiator hỗ trợ [ 120, 140, 240, 280, 360… ] và cả chiều dài tối đa cho VGA nếu các bạn có ý định sử dụng card đồ họa trên chiếc PC nhỏ gọn của mình.

Với vỏ case PC Mini ITX, sẽ có thêm vỏ case dạng dọc khá thú vị mà các bạn có thể lựa chọn:

Vỏ case Phanteks Evolv Shift 2 ITX

Vỏ case ASUS ROG Z11 ITX

Vỏ case NZXT H1

Cùng theo đó là rất nhiều mẫu vỏ case PC Mini ITX khác để lựa chọn

Xem thêm bài viết: Vỏ case máy tính và những điều bạn cần biết

Mainboard [ Bo mạch chủ ]


Điểm cần lưu ý đầu tiên chính là bo mạch chủ [ Mainboard ]. Mình sẽ không nói về loại bo mạch chủ bởi việc này sẽ được quyết định do nhu cầu cũng như hiệu năng mong muốn với bộ máy của các bạn, chỉ cần các bạn chọn đúng loại bo mạch chủ [ Mainboard ] Mini ITX phù hợp với bộ vi xử lý [ CPU ] mà các bạn sẽ sử dụng là được.

Các bạn sẽ cần chú ý hơn tới cổng kết nối bởi khác với vỏ case máy tính thông thường, vỏ case Mini ITX thường sẽ có ít cổng kết nối hơn nên việc chọn một chiếc mainboard có đa dạng cổng kết nối với PC Mini ITX sẽ là cực kì quan trọng, tin mình đi các bạn sẽ chẳng muốn sử dụng thêm các cổng chia tín hiệu trên chiếc máy tính nhỏ gọn của mình đâu.

Khi sử dụng những mainboard dòng cao cấp như ROG Strix, Aorus, Phantom… các bạn sẽ phải chú ý thêm các tấm tản nhiệt trên mặt mainboard để lựa chọn tản nhiệt CPU sao cho phù hợp.

Danh sách Mainboard M-ITX

CPU Cooling [ Hệ thống tản nhiệt CPU ]

Tản nhiệt CPU là một yếu tố cực kì quan trọng để đảm bảo hiệu năng và giữ cho chiếc máy tính của bạn có thể hoạt động bền bỉ ổn định. Do các vỏ case PC Mini ITX thường sẽ bí khí hơn rất nhiều so với các bộ máy tính thông thường nên chúng ta sẽ phải lựa chọn tản nhiệt CPU một cách cẩn thận.

Với PC Mini ITX, bộ phận tản nhiệt CPU phù hợp không chỉ cần đảm bảo CPU luôn mát mẻ mà còn phải có thích thước phù hợp với các linh kiện còn lại như mainboard, RAM, vỏ case… Các bạn phải đặc biệt chú ý đến thông số chiều cao của quạt tản nhiệt sao cho phù hợp với chiều cao tối đa vỏ case cho phép. Tránh trường hợp dở khóc dở cười khi các bạn không thể đóng nắp được chiếc PC của mình. Nếu tản nhiệt quá rộng có thể xảy ra hiện tượng hơi cấn một chút vào RAM, các bạn có thể chọn những mẫu RAM lowprofile, điển hình là RAM Corsair Vengeance LPX, mẫu RAM “lùn” rất được tin tưởng và lựa chọn cho những bộ PC Mini ITX.

Với tản nhiệt khí, về mặt bằng chung sẽ có giá thành tốt hơn khá nhiều tản nhiệt nước All in One. Mặc dù sẽ bị che đi một phần linh kiện bên trong nhưng những bộ tản nhiệt khí lại có ưu điểm là hoạt động cực kì ổn địnhbền bỉ, trọng lượng cũng nhẹ hơn khá nhiều so với tản nhiệt nước All in One nên sẽ hỗ trợ việc di chuyển của các bạn tốt hơn.

Ngoài giải pháp tản nhiệt khí, tản nhiệt nước All in One đang được rất nhiều các “build thủ” lựa chọn cho bộ PC Mini ITX của mình. Các bạn chỉ cần đặt Radiator hợp lí, các bạn sẽ có đỡ bị hạn chế hơn rất nhiều trong quá trình lựa chọn các linh kiện còn lại của bộ PC. Vừa tiết kiệm diện tích, vừa thoáng mát và quan trọng nhất có thể “showup” các linh kiện bên trong chiếc PC Mini ITX tốt hơn rất nhiều so với việc sử dụng tản nhiệt khí.

Danh sách tản nhiệt khí

Danh sách tản nhiệt nước All in One

RAM [ Bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên ]

Khi lựa chọn RAM, sẽ có hai trường hợp phụ thuộc vào loại tản nhiệt mà các bạn sử dụng. Nếu sử dụng tản nhiệt nước All in One, mọi việc sẽ hết sức đơn giản bởi các bạn chỉ cần đặt vị trí Radiator phù hợp các bạn có thể lắp thoải mái loại RAM ưa thích mà không sợ phần tản nhiệt sẽ che mất. Với tản nhiệt khí, các bạn sẽ phải tính toán kĩ lưỡng hơn.

Khi lựa chọn một chiếc tản có kích thước khủng để đảm bảo hiệu năng của CPU, nhớ kiểm tra chiều rộng để không bị cấn RAM nhé. Nếu có lỡ cấn, các bạn có thể giải quyết bằng cách đẩy phần quạt gió lên cao hơn so với RAM. Đây không phải giải pháp tối ưu nhất nên mình khuyên các bạn vẫn nên kiểm tra kĩ thống số trước khi lựa chọn nhé!

Danh sách RAM

VGA [ Card đồ họa ]

Như mình đã đề cập ngay từ đầu, những chiếc PC Mini ITX hoàn toàn có thể sở hữu hiệu năng chơi game và làm việc ấn tượng như một chiếc PC thông thường. Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng một chiếc card đồ họa với hiệu năng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu sử dụng của các bạn. Các thương hiệu VGA lớn cũng đã mang tới rất nhiều phiên bản card đồ họa nhỏ gọn với 1 fan cực phù hợp để giúp các bạn thoải mái lắp vừa với những bộ PC Mini ITX. Thậm chí nếu chiếc PC Mini ITX còn rộng rãi và thừa nhiều vị trí, các bạn có thể dùng những phiên bản VGA “khủng long” như Aorus, Suprim, ROG cho chiếc máy tính nhỏ nhưng có võ của mình, miễn là vừa được với chiếc PC của bạn.

Danh sách Card đồ họa VGA

Nguồn [ PSU - Power Supply Unit ]

Khác với những chiếc PC thông thường, trên vỏ case Mini ITX, các nhà sản xuất sẽ để khoảng trống để các bạn lắp nguồn nhỏ hơn rất nhiều, và các bạn sẽ phải sử dụng nguồn nhỏ hơn với kích cỡ riêng gọi là SFX. Luôn nhớ lựa chọn công suất nguồn phù hợp để đảm bảo chiếc máy tính hoạt động ổn định và bền bỉ nhất nhé bởi nguồn rất quan trọng luôn được ví như trái tim của bộ máy tính mà!

Thêm một lời khuyên nhỏ là các bạn nên chọn nguồn Full Modular cho chiếc PC Mini ITX nhé, bởi không gian trong case bị hạn chế vậy nên việc chỉ sử dụng những cáp nguồn các bạn cần sẽ giúp chiếc máy tính trở nên tinh tế và gọn gàng hơn rất nhiều.

Danh sách nguồn SFX

Qua bài viết “Những Điều Cần Chú Ý Khi Build PC Mini ITX” trên, mình hi vọng các bạn sẽ có thể tự tin build cho riêng mình một chiếc PC Mini ITX ưng ý nhất. Hiện tại các bạn có thể chọn lựa linh kiện trên website của An Phát Computer, thêm vào đó còn có công cụ Xây dựng cấu hình PC, cực dễ sử dụng và hỗ trợ rất tốt để các bạn có thể tự build chiếc PC của riêng mình. Đặc biệt, khi đến với showroom, các bạn sẽ được tư vấn và giải đáp thắc mắc hoàn toàn miễn phí, lên đơn, mua hàng và để bọn mình hỗ trợ lắp ráp cho các bạn nhé!

Các bạn có thể tham khảo qua cấu hình PC Mini ITX đã được bọn mình xây dựng hoàn thiện:

Máy tính chơi game - PCAP ITX Gaming Challenger

➤ Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan hãy để lại câu hỏi ngay bên dưới hoặc liên hệ ngay với đội ngũ chuyên viên tư vấn của An Phát Computer ngay nhé! Chúng tôi sẽ giúp bạn! [Hotline: 1900.0323 phím 6]

Chủ Đề