Hướng dẫn hôm nay khách đến chơi nhà

Từ lâu nay dân ca quan họ Bắc Ninh không chỉ là tài sản của người dân nơi đây mà ở nhiều vùng miền của Tổ quốc đã phổ biến loại hình âm nhạc truyền thống này. Và có một người con xứ Thanh đã sớm đắm say, mê mẩn với quan họ để rồi bằng chất liệu âm nhạc và tình cảm của riêng mình, ông đã “thổi hồn” vào nhiều ca khúc rất được biết đến về mảnh đất thơ mộng, hiền hòa bên dòng sông Cầu. Ông là nhạc sĩ Lê Minh.

Cái tên Lê Minh không xa lạ với công chúng yêu nhạc trên khắp cả nước, bởi ở mỗi vùng đất đi qua ông đều để lại những sáng tác được người nghe yêu thích. Nhiều người đánh giá âm nhạc của ông nhẹ nhàng, không cầu kỳ về khúc thức, không phô trương tính biểu đạt. Những giai điệu thấm đẫm cứ ùa vào lòng người nghe một cách tự nhiên, không áp đặt và miễn cưỡng. Âm nhạc của Lê Minh cũng giống như con người của ông vậy, luôn chân chất, giản dị, nhiệt thành, cởi mở, hòa đồng với những người xung quanh.
Một trong những địa phương mà Lê Minh nặng nghĩa, nặng tình nhất là vùng đất Kinh Bắc. Chẳng những thế mà khi nghe một số ca khúc của ông như: “Khách đến chơi nhà” [thơ Đỗ Việt Dũng], “Về hội Lim” [thơ Nguyễn Bá Thắng], “Giữa Điện Biên em hát câu quan họ” [thơ Giáp Đình Chiến] “Con nhện tìm duyên”, “Lối em về…” người ta vẫn cứ nghĩ ông phải là người sinh ra và “ngụp lặn” trong văn hóa của người Kinh Bắc. Đến chính Lê Minh cũng không giải thích được vì sao mình lại yêu vùng đất này đến thế. Chỉ biết rằng mỗi lần được đặt chân về Bắc Ninh, Bắc Giang, được nghe những câu quan họ đằm thắm, được hiểu thêm về văn hóa và lối sống nghĩa tình của họ, lại có một cái gì đó níu chân ông, thôi thúc ông phải làm một điều gì đó cho nơi này.
Thực tế thì cho đến nay, Lê Minh đã làm được “điều gì đó” cho vùng quê này khi mà trong nhiều hội diễn chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh những ca khúc của ông luôn được ban tổ chức tuyển chọn biểu diễn. Nhất là trong chương trình Festival, như đầu năm 2019 vừa qua mang tên “Về miền quan họ” ca khúc “Khách đến chơi nhà” của ông được biểu diễn trong chương trình có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Nói về ca khúc này, Lê Minh coi đó như một món quà mà ông trời ban tặng mình khi vào năm 2000, nhân dịp về làm việc tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh, Hiệu trưởng khi ấy là ông Nguyễn Văn Thêu gợi ý ông nên viết một bài về quan họ. Vốn là người dành tình yêu lớn cho quan họ và quê hương Kinh Bắc nên trên quãng đường về Hà Nội, ông đã “bật” ra được ý nhạc dựa vào lời thơ của bài thơ “Ra ngõ mà trông” của Đỗ Việt Dũng.
Bài hát ca ngợi người Kinh Bắc mến khách khi mà ai đó sang chơi họ sẽ vừa rót nước vừa hát cho khách nghe, tượng trưng như “rót lời hát xuống chén trà mời nhau, để anh say một miếng trầu”. Cái hay của bài hát là vẫn với những phong tục truyền thống ấy nhưng tác giả đã cho người nghe một bài ca vừa da diết, trữ tình vừa rộn ràng, tươi trẻ. Dẫu vẫn biết miếng trầu là cay, chén trà là chát, song đó chỉ là cái cớ cho mai trúc sánh bầy, loan phượng thành đôi.
Vốn là người kín tiếng nên khi sáng tác xong ông không phổ biến ngay mà đến năm 2002 bài hát mới được nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn phối khí và thu qua tiếng hát của hai ca sĩ Minh Ngọc, Thanh Tú. Cũng từ đây, bài hát đã được công bố rộng rãi và chiếm được cảm tình của đông đảo người nghe. Đặc biệt, năm 2004, bài hát đã thực sự gây được tiếng vang lớn ở Bắc Ninh khi liên tiếp đem về Huy chương Vàng cho Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công an trong các Hội diễn ca múa nhạc.
“Khách đến chơi nhà” mang lời ca và giai điệu đẹp, thấm đẫm hình ảnh quan họ, đặc biệt lại trùng tên với một bài hát quan họ cổ nên nhiều người đã lầm tưởng là dân ca. Lý giải về việc này, nhạc sĩ Lê Minh cho biết: Ban đầu ông đặt tên bài hát là “Ra ngõ mà trông” nhưng chính NSND Thúy Hường đã chủ động xin tác giả được đổi tên thành “Khách đến chơi nhà” để thay thế bài quan họ cổ đã có trước đó. Và suốt 19 năm qua, ca khúc “Khách đến chơi nhà” đã in đậm trong lòng công chúng, thường được chọn làm tiết mục biểu diễn đầu tiên trong các chương trình nghệ thuật, lễ hội, cưới hỏi… của người quan họ.
Tình yêu dành cho quan họ nói riêng và vùng đất Kinh Bắc nói chung của Lê Minh chưa dừng lại ở “Khách đến chơi nhà”. Sau sự thành công của bài hát đầu tay về miền quan họ, năm 2006, ông đã sáng tác bài hát thứ hai mang tên “Con nhện tìm duyên” cũng rất được yêu thích.
Chia sẻ về sự ra đời của bài hát này, ông kể, trong dịp Hội Lim, nghệ sĩ Thanh Quý [hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh] đã có lời mời các nhạc sĩ ở Hà Nội. Hôm ấy, Lê Minh, Đoàn Bổng và nhiều nhạc sĩ về nhưng điện cho Thanh Quý mãi không được, trong khi trời đang mưa rất to mà chỉ mỗi một áo mưa nên mọi người chung nhau đội lên đầu đi tìm Thanh Quý. Thế rồi, có những nghệ sĩ nhận ra Lê Minh đã mời vào lán trại chơi rồi hát “Khách đến chơi nhà”.
Chiều tối, các nhạc sĩ ra về đến dốc Lim thì gặp Thanh Quý. Chị nắm chặt tay Lê Minh và năn nỉ mọi người ở lại nhưng không được. Lúc này, chị nói: “Các thầy không ở lại được thì thôi cầm lòng vậy, thôi đành lòng vậy”. Câu nói ấy khiến Lê Minh xúc động khi nghĩ về lối sống tình nghĩa của người quan họ. Trên đường về, ông đã nảy ra ý thơ: “Nhớ em tôi về Hội Lim/Bâng khâng đội áo đi tìm trong mưa/Lạc vào câu hát xa xưa/Thương thân con nhện giăng tơ quặn lòng….”. Sáng hôm sau, khi đọc được bài thơ, Thanh Quý đã rất cảm động và nói: “Em thương con nhện quá” rồi đề nghị tác giả phổ nhạc ngay. Tuy nhiên, khi phổ, ông đã thay từ “quặn lòng” thành “đi tìm” cho nhẹ nhàng, êm ái và hợp với giai điệu.
Bài hát đã có sự liên tưởng giữa hình ảnh con nhện giăng tơ với những người nghệ sĩ quan họ cả đời giăng bắt những duyên thầm vào đời sống mỗi ngày. Họ đi tìm cái hay nhất, đẹp nhất dâng cho đời nhưng về đời sống riêng tư thì họ chật vật, khó khăn, thậm chí khổ đau. Có thể nói “Con nhện tìm duyên” đề tặng Thanh Quý nhưng cũng là tấm lòng, tình yêu, sự cảm phục của tác giả với các nghệ sĩ quan họ.
Một sáng tác khác của Lê Minh cũng lấy bối cảnh hội Lim, đó là “Về Hội Lim” - được phổ từ bài thơ của Nguyễn Bá Thắng đề tặng NSND Thúy Hường. Bài hát nói lên tâm trạng của người nghệ sĩ hát trong hội Lim với những ca từ sâu sắc, đầy nghĩa tình của người quan họ như: “12 người không về hội/Em hát mắt chao ngóng tìm/Mời trầu miếng cau tách hạt/Em buồn chắc gì người tin/13 anh về giã hội/Mưa răng ướt lạnh tóc dày/Hội đông tìm người không thấy/Chỉ nghe câu hát đắm say...”.
Có thể nói chờ đợi là khoảnh khắc diệu kỳ của tình yêu. Đó là khi con tim ta thổn thức, ngóng trông. Đó là khi cảnh khuya vầng trăng treo trước ngõ, mình ai đỏ mắt chờ mong. Mặc dù trước đó Lê Minh đã có bài hát “Con nhện tìm duyên” viết về hội Lim rất thành công nhưng khi đọc bài thơ “Về Hội Lim”, ông thấy tác giả thơ còn hơn thế nữa. Chờ đợi đến khi cau đã già, trầu không đã héo mà yêu nhau cũng chả lấy được nhau. Để “qua cầu cởi áo” cho ta mãi nhìn theo dải yếm bay như nhắn gửi nỗi nhớ thương muộn màng và tiếc nuối. Đồng cảm với nhà thơ mà ông đã viết lên cung bậc Về Hội Lim để “Sang năm anh về với hội, tìm ai để nhớ thương này”.
Bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng nhạc sĩ Lê Minh vẫn luôn miệt mài, tâm huyết, sáng tạo trong việc “khoác” cho quan họ một “tấm áo mới”, đó như là cách để ông thể hiện tình yêu, trách nhiệm và sự nhiệt thành với quê hương Kinh Bắc. Còn với những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh thì những ca khúc như: “Khách đến chơi nhà”, “Con nhện tìm duyên”, “Về Hội Lim”… sẽ mãi một “món ăn tinh thần” vô giá mà người nhạc sĩ xứ Thanh đã ấp ủ, thai nghén, trau chuốt và chứa đựng biết bao tình cảm của mình chất chứa trong đó.

Chủ Đề