Khánh Ly là gì của Trịnh Công Sơn

Người đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn - Khánh Ly là cặp đôi có dấu ấn đặc biệt và độc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam. Họ đã làm bàng hoàng, ngất ngây cả một thế hệ vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Và giờ đây, khi một người đã ra đi, một người ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, âm nhạc của họ vẫn khiến hàng triệu người mê đắm, tôn thờ.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

Trinh Công Sơn lần đầu gặp Khánh Ly tại Đà Lạt trong một hộp đêm có tên Tulipe Rouge. Khi đó, Khánh Ly thường hát tại các phòng trà, hộp đêm, còn Trịnh Công Sơn cùng nhóm bạn lên Đà Lạt chơi.

Ngay khi nghe Khánh Ly hát lần đầu tiên, Trịnh Công Sơn đã bị cuốn hút. Ông chủ động làm quen. Sau này, mỗi lần có dịp lên Đà Lạt, ông đều tới nghe Khánh Ly hát.

Trong cuốn sách Đằng sau nụ cười, Khánh Ly gọi cuộc gặp gỡ với Trịnh Công Sơn là "định mệnh". Danh ca viết: “Cứ tưởng đời sẽ mãi lêu bêu cho tới ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật thì điều đó đã đến với tôi một đêm mưa tại Đà Lạt. Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh.

Người con trai đó nói với tôi bằng giọng Huế. Dân Đà Lạt đa số nói tiếng Huế nhưng hơi lai, nhưng Sơn là Huế chay. Sơn với hai bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, tài hoa, tháp cho tôi một đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm. Cô bé Lọ Lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này bước sang một đoạn trường khác”.

Sau này, dù nhiều năm đã trôi qua, Khánh Ly vẫn nhớ như in về cuộc gặp gỡ đó. Bà kể lại: "Ông Trịnh Công Sơn ngày đó đẹp trai lắm, ở ngoài đẹp trai hơn trong hình nhiều. Ông còn nho nhã, dịu dàng, phong cách, nhìn một cái là có cảm tình, tin cậy được. Nhưng đó là sự tin cậy trong sáng, chứ không phải có tà ý hay phải lòng gì".

Trịnh Công Sơn - Khánh Ly thời trẻ.

Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng gọi cuộc gặp gỡ đầu tiên với Khánh Ly là sự tình cờ may mắn. Ông nói: "Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly.

Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly".

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, Trịnh Công Sơn rất nhiều lần mời Khánh Ly về Sài Gòn hát, nhưng nữ ca sĩ đều từ chối. Khánh Ly yêu Đà Lạt, yêu cái sự yên tĩnh, thanh bình của thành phố núi, và cảm thấy không phù hợp với sự nhộn nhịp của thành phố lớn như Sài Gòn.

Thế nhưng, một lần nữa định mệnh lại sắp xếp để Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn kết với nhau. Trong một buổi chiều năm 1967, hai người tình cờ gặp lại nhau trên đường Lê Thánh Tôn - Sài Gòn. Rồi ngay tối hôm đó, họ có buổi biểu diễn chung đầu tiên tại sân cỏ Trường Đại học Văn khoa.

Sau này, trong một video, Khánh Ly kể lại buổi biểu diễn đánh dấu bước ngoặt trên con đường ca hát của mình: "Lúc đó, tôi chẳng biết mình hát cho ai, có tiền không, cứ nghe bảo là đồng ý đã. Đêm hát đầu tiên của tôi là năm 1967, trên sân cỏ của Trường Đại học Văn khoa. Tại đó, cỏ đá lởm chởm, ai đến thì ngồi xuống nghe, mỗi người một chỗ.

Tôi vừa đến nơi thì choáng ngợp vì quá đông người, khiến tôi sợ hãi. Chưa bao giờ tôi thấy đông người đến thế. Vì run quá nên tôi quyết định bỏ giày ra để đứng cho đỡ chông chênh. Tôi nhớ về thời còn đi chân đất chạy lông nhông ở Đà Lạt để lấy lại bình tĩnh. Đó là hành động tình cờ, chứ không phải chủ đích của tôi là bỏ giày. Tôi đâu dám nghĩ chuyện làm dáng, làm màu, chỉ tìm cách để hát được thôi.

Lúc đó tôi còn không biết nhạc, không thuộc lời, hát trật lên trật xuống. Tôi sợ quá nên vịn vai ông Trịnh Công Sơn, ông hất tay tôi ra nói: Đứng hát cho đàng hoàng".

Không ngờ, buổi biểu diễn đó gây tiếng vang lớn. Giọng hát khàn đục của Khánh Ly chắp cánh cho những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Danh hiệu "Nữ hoàng chân đất" của Khánh Ly cũng ra đời từ đó.

Buổi biểu diễn này mở đầu cho chuỗi hành trình của hai tâm hồn đồng điệu Khánh Ly - Trịnh Công Sơn. Họ gắn bó mật thiết với nhau trong suốt 10 năm rực rỡ nhất của tuổi trẻ và mãi là tri kỷ sau này.

Khánh Ly tâm sự về khoảng thời gian đi hát cùng Trịnh Công Sơn: "Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn".

Giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là mối quan hệ tri kỷ.

Có một điều lạ là những bóng hồng đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn đều được ông lưu lại bằng một vài tình khúc, nhưng trong số 600 ca khúc của nhạc sĩ, không hề có một sáng tác nào dành riêng cho Khánh Ly. Thế nhưng, bóng dáng của Khánh Ly vẫn luôn xuất hiện trong những sáng tác của Trịnh Công Sơn.

Trong cuốn Đằng sau những nụ cười, Khánh Ly từng kể về buổi chiều bà và Trịnh Công Sơn ngồi cạnh nhau bên dòng sông Hương thơ mộng: "Một hôm tôi hỏi Sơn: 'Sống trong đời mình cần phải có gì? Làm gì?' Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: 'Cần có một tấm lòng'. Tôi nhìn Sơn: 'Một tấm lòng?'. Ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu, củi quế, giữa thời giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn... Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. Sống trong đời ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi. Tôi nhìn sững Sơn, không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là lâu lắm".

Và một phần cuộc nói chuyện đó đã được Trịnh Công Sơn viết thành ca khúc Để gió cuốn đi.

Danh ca Khánh Ly tới viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế.

Sau năm 1975, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn xa nhau. Một người ở Việt Nam, một người ra hải ngoại. Tuy vậy, họ vẫn luôn nghĩ về nhau. Khi nhắc tới Trịnh Công Sơn, người ta vẫn phải nhớ tới Khánh Ly, và dù có bao nhiêu nghệ sĩ hát nhạc Trịnh đi chăng nữa, người ta vẫn không thể quên được dấu ấn đặc biệt của Khánh Ly. 

Video: Khánh Ly hát "Diễm xưa"

Linh Lan [Tổng hợp]

* Tưởng nhớ 20 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời [1/4/2001-1/4/2021], từ Mỹ, ca sĩ viết cảm nhận về âm nhạc của ông và mối thâm tình của cả hai.

Thời dịch bệnh, tôi trải qua một năm ở nhà với con gái và hai chú cún. Mỗi chiều cơm nước đợi con về hoặc tưới vườn quét lá. Chỉ buồn không được gặp cháu nội. Và không bao giờ gặp lại các bạn đã bỏ chúng tôi mà đi. Ở nhà, tôi nghe và hát lại những bài hát cũ, của những tác giả tôi trân trọng, yêu quý. Cầu xin bình an cho mọi người. Cầu xin đến lúc bình an còn được nhìn thấy nhau. Lúc này, hơn bao giờ hết mới thấy trân quý sự sống biết bao. Nếu được Chúa thương gọi về, tôi xin được ra đi trong vòng tay con cháu và trong lời cầu nguyện của mọi người. Những lúc như thế, tôi nhớ đến ông. Ông dặn: "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh".

Những điều ông nhắn nhủ thời gian đầu tôi đến bên ông, đến giờ vẫn là bài học về cuộc sống - kỷ vật quý giá ông để lại cho tôi. Hãy sống trong đời sống bằng một tấm lòng. Bài học đơn giản, đã cũ, nhưng sao tôi luôn canh cánh. Ngày tôi bươn chải kiếm tiền nuôi con, nuôi thân. Việc làm ấy của tôi khiến ông thất vọng. Những cuộc hôn nhân không hạnh phúc của tôi cũng khiến ông thương cảm. Đến lúc gần đi về nơi cuối trời, tôi còn có thể làm gì khác để tạ ơn ông ngoài tấm lòng chung thủy. Để nếu có còn gặp lại nhau ở kiếp sau, tôi vẫn có thể trông thấy nụ cười và ánh mắt long lanh của ông.

Tôi chẳng hiểu vì sao tôi "kết" nhạc Trịnh. "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ", thì tôi hiểu như kiểu mưa rơi trên mái nhà vậy. Rồi "... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", tôi mang máng hiểu ý tác giả là sỏi đá còn cần có nhau huống chi con người. Nhưng đến "Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi". Là sao? Tôi ngắc ngứ mãi cho đến khi hiểu ra rằng: Cây lá đổi màu, tàn rụng hay xanh tươi theo năm tháng. Đếm bao nhiều lần cây lá rơi rụng để biết tình đã xa bao năm tháng. Đây cũng chỉ là cái biết của tôi - một người ít học, học ít.

Những người đến không vì mong. Những người khuất không vì quên. Ông nói vậy. Liệu chúng ta có mong mỏi được sinh ra. Và khi khuất xa, hỏi có ai còn nhớ ta không. "Người đã đến và người sẽ về bên kia núi. Từng câu nói là từng cánh buồm dong cuối trời. Còn lại tiếng cười khóc giữa đời". Hãy lên thuyền dong buồm ra khơi, về khuất bên kia núi, về nơi cuối trời một cõi đi về bình an. Mặc thế gian cười khóc.

Tôi tìm thấy gì qua nhạc Trịnh. Tìm được sự chia sớt, an ủi. Tìm được niềm vui dẫu mong manh. Tìm được đốm lửa hy vọng trong nỗi đau. Tìm được tấm lòng bên một tấm lòng. Tôi dẫu một mình nhưng không cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng. Tôi có những ca khúc của ông trên con đường về bên kia núi. Về nơi cuối trời.

Khi tôi trở về, hát những bài ca cũ cùng mọi người gọi lại thanh xuân. Nên lắm chứ, bởi chúng ta ai cũng từng có rồi từng mất đi, từng nuối tiếc thanh xuân, cùng thầm mong ước xin được một lần trở lại tuổi ngây thơ. Vậy nên người nghe, người hát tìm đến cùng ngồi với nhau. Thương hơn là cùng hiểu rõ một điều rằng chúng ta chẳng còn được bao nhiêu ngày tháng cùng nhau gọi kỷ niệm với Tình Nhớ, Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay...

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly - cặp bài trùng huyền thoại của làng nhạc Việt. Ảnh tư liệu.

Chúng ta lớn lên theo thời gian và già đi. Thanh xuân cũng lặng lẽ trôi theo. Tóc thôi bay. Mắt không còn xanh. Môi không còn tươi. Nhưng những tình khúc một thuở như Mưa hồng thì ở lại xanh mãi với thời gian. Người có thể không giữ lời thề nhưng âm nhạc chính là sự thủy chung trăm năm bất biến. Ông bảo: "Núi đứng quanh năm đất muôn đời nằm riêng ta rộn ràng". Núi non đất đá muôn đời thủy chung. Ta khổ là bởi ta luôn rộn ràng vọng động.

Tôi cứ hát cứ tìm trong nhạc Trịnh để thấy rõ hơn mỗi ngày tấm lòng nhân ái ông để lại cho mọi người. Tấm lòng đó đẹp lắm. Dấu ấn đậm nét nhất về ông trong tôi chính là tấm lòng của ông và những người yêu Trịnh. Đã rõ, đã thấu tấm lòng ấy. Đã đồng cảm và đi cùng tấm lòng ấy.

Chúng tôi từng chung một mơ ước khi gặp lại. Trở lại nơi chúng tôi đã bắt đầu. Chúng tôi sẽ lại được kề cận những tâm hồn trong trẻo ngây thơ trên bục giảng trong sân trường. Kể cho nhau nghe về một thời chinh chiến đã qua. Kể cho nhau nghe rằng ngày đó, thời loạn ly đó có bà mẹ già lìa bỏ xóm thôn, mang trên tay gia tài duy nhất là một trái bí. Bà mẹ khóc. Bà nhớ mái nhà, nhớ hàng cau sau hè và trái bí nhớ giàn của nó. Đấy, chúng tôi đã từng chia sẻ ước mơ đó. Nhưng rồi không kịp nữa. Anh không muốn cứ phải đi loanh quanh khi đời đã mỏi mệt. Anh bỏ chúng ta mà đi.

Tôi trở về. Anh không còn ở đó, nhưng nhạc Trịnh lại bay đầy không gian. Nhạc Trịnh vẫn ở lại trong lòng người Việt.

Anh ạ, giờ vắng anh, em vẫn đi, vẫn cùng các bạn trẻ nắm bàn tay nhân ái đến khắp mọi miền. Em muốn mang tấm lòng của anh trao đến các em bé mồ côi, bất hạnh để một mai khi lớn khôn, các em sẽ hạnh phúc bước vào đời.

20 năm trước, ở ngõ Trịnh, anh đứng trước nhà tiễn. Em đi. Năm đó, anh mới 62. Giờ em ngồi hát lại Giọt lệ thiên thu, như thấy anh cười hồn nhiên, vẫn tuổi 62. Còn em đã già.

Khánh Ly

Video liên quan

Chủ Đề