Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa không có bầu trời trái đất không nhà, trái đất mồ côi

Vanvn- Trương Anh Tú là nhà thơ Việt ở hải ngoại. Với lối viết giàu tính nghệ thuật, lối diễn đạt thanh tao, trang nhã, thi tập “Những mùa hoa anh nói” của anh đậm cốt cách, tâm hồn người Việt. Cả tập thơ là mạch nguồn uyên nguyên, ấm áp và gần gũi; là chìa khóa để con người thám mã, giải đáp những liên kết sinh thái; là sự lấp lánh của chất trí tuệ, là tiếng nói của một người có phông văn hóa rộng, có kiến thơ sâu sắc. Nhờ đó, những giá trị của “Những mùa hoa anh nói” luôn được mở rộng, dư ba.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh

Trương Anh Tú sinh năm 1967 tại Hà Nội. Năm 1988, anh ra nước ngoài và định cư ở Đức. Trước “Những mùa hoa anh nói” [7], Trương Anh Tú đã xuất bản “Cảm xúc” [6]. Thời gian sinh nở giữa hai tập khá xa. Song cái xa ấy lại đưa đến cho anh những thành công. “Những mùa hoa anh nói” được đầu tư kĩ lưỡng và vẹn tròn hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong “Cảm xúc”, nếu người đọc nhận thấy một Trương Anh Tú còn khá bỡ ngỡ, khá bình dị với thơ thì đến “Những mùa hoa anh nói” là một cú vượt thác ngoạn mục. Một số bài thơ được anh lấy lại từ “Cảm xúc”, tuy nhiên, đã có thêm những cài cắm mới.

Với “Những mùa hoa anh nói”, Trương Anh Tú đã thực sự tìm thấy và khẳng định con đường thơ của mình. Đây là một tập thơ trữ tình, giàu tính nghệ thuật, lối diễn đạt thanh tao, trang nhã. Những cảm xúc của người thơ được cất giấu khá tinh tế trong mạch ngầm hôn phối giữa con người và thiên nhiên: “Anh hóa bầu trời/ Anh cũng là mặt đất” [Mặt đất và bầu trời].

Bàn về sự sống động của cõi miền uyên nguyên, trong “Hàng mã kí ức”, Inrasara đã có nhận định rất thấu đáo: “Hành trình thơ ca là hành trình đi ngược về nguồn, đến tận suối nguồn uyên nguyên của ngôn ngữ. Người mục tử chăn dắt ngôn ngữ như thể được ngôn ngữ ban tặng cho họ bổn phận chăn dắt giản đơn mà khó nhọc, đời thường nhưng tràn đầy linh thánh. Đó là quà tặng độc nhất của và từ suối nguồn. Nó mang ở tự thân lời tạ ơn cao vời sâu thẳm” [2; tr.362]. Trương Anh Tú đã đưa “Những mùa hoa anh nói” đến với nguồn suối uyên nguyên. Cả tập thơ là thanh âm cội nguồn thiêng liêng, ấm áp và gần gũi.

Trước hết, cảm thức lưu vong [xa, nhớ Tổ quốc] là động lực để anh tâm huyết hơn với ngôn ngữ và tâm hồn người Việt. Anh sáng tác thơ hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ. Anh được bạn đọc đánh giá là tác giả hải ngoại có thơ đăng ở các tờ báo, tạp chí Việt nhiều nhất. Ngoài thể tự do, anh còn sử dụng nhiều thể thơ Việt như: lục bát, 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ,… Trong sự o ép của vần, luật, điệu, nhạc tính,… thơ anh vẫn tự nhiên, uyển chuyển, thanh thoát. Thứ hai, thơ anh không hoàn toàn thuộc kiểu thơ lãng mạn như giai đoạn 30-45, không kì bí sắc màu siêu thực, không nổi loạn như chủ nghĩa hiện sinh trước năm 1975, cũng không đi vào “vũ điệu không vần” của thơ Tân hình thức, không phi tâm hóa, giễu nhại như thơ hậu hiện đại,… Anh ít thiên về kĩ thuật làm xiếc từ ngữ mà để hồn thơ bay bổng một cách dung dị, gần gũi nhất. Ngôn từ thơ anh được cất lên từ tiếng nói đằm sâu, chân thành bên trong. Tiếng nói bên trong sắp xếp, định vị ngôn từ thành một văn bản giàu thi tính. Cảm xúc thẩm mỹ thơ anh, vì thế, trở thành yếu tố đầu tiên tác động đến người đọc. Men theo cảm xúc thẩm mỹ ấy, người đọc chiêm nghiệm, bóc tách, lần giở những vẻ đẹp của cách thức tổ chức câu chữ, sự va chạm tinh tế giữa âm thanh, màu sắc và hình ảnh thơ. Nói thơ Trương Anh Tú là thơ “cư ngụ trong lòng ngôn ngữ dân tộc” [Inrasara], dùng ngôn ngữ dân tộc ngợi ca, đánh thức vẻ đẹp tâm hồn quả không hề sai!

Thơ ca đòi hỏi người nghệ sĩ những khám phá, tìm tòi, đổi mới. Nghĩa là, sáng tạo đã bao hàm trong nó yếu tố phá huỷ, lật đổ. Ở đây, Trương Anh Tú dùng cái bình cũ nhưng rượu mới. Cái bình cũ được anh khéo léo trang trí, lồng ghép những đường vân nghệ thuật của phép lặp với cảm thức thẩm mỹ đậm chất phương Đông. Nên, “Những mùa hoa anh nói” luôn có sức quyến dụ riêng.

Mỗi một bài thơ, bao giờ cũng có sự lồng ghép, đan xen giữa các từ, câu, ngữ, khổ. Hiện tượng lặp được xem là một trong những thủ pháp nghệ thuật liên kết bài thơ. Trương Anh Tú sử dụng nhiều phép lặp: lặp âm, lặp từ, lặp ngữ, lặp câu, lặp khổ nhằm nâng cao hiệu quả giá trị biểu đạt về mặt cảm xúc cũng như ý nghĩa của bài thơ. Nói về sự trùng điệp của các âm tiết, Hopkins viết: “Hình tượng âm thanh [figure phonique] với tính lặp đi lặp lại [réitération] là nguyên tắc tạo tác của câu thơ. Một hình tượng như vậy bao giờ cũng sử dụng ít nhất là một [hay nhiều hơn một] sự tương phản hai mặt [contraste binaire] giữa hình nổi [relief] tương đối cao và hình nổi tương đối thấp của những phân đoạn [sections] khác nhau của lớp tiếp nối các âm vị [sesquence phonnématique]” [3, tr.26-27].“Những mùa hoa anh nói” có nhiều sự hôn phối giữa các nguyên âm, phụ âm, vần, thanh điệu,… Ở cấp độ ngữ âm, sự lặp lại giúp người đọc cảm nhận sức sống bên trong của từ như được gieo trên một nền nhạc độc đáo. Ví dụ bài thơ: “Thu buông lá rơi/ Từng giọt mật vàng// Bao nhiêu nốt nhạc/ Quên mình ngân vang” [Nốt nhạc mùa thu]. Hình ảnh lá rơi khiến Trương Anh Tú liên tưởng như thu đang buông từng nốt nhạc. Anh đóng băng những nốt nhạc nguyên sơ này trong trạng thái “quên mình ngân vang”, để khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên mãi mãi trường cửu. Yếu tố nhạc mà bài thơ tạo ra được là bởi sự cộng hưởng của hai âm vang mũi [vàng, vang], gợi trong chúng ta một cảm giác bao la, thoáng đãng, bay bổng. Với “Chiều hoang buồn ngơ ngác/ Hơi thở dài miên man/ Bóng chim trời ảm đạm/ Bay dưới chiều lang thang” [Chiều hoang], tổ hợp lặp âm đầu [ngơ ngác, miên man], lặp vần [ảm đạm, lang thang], lặp thanh [miên man, lang thang] tăng tính tạo hình, giá trị miêu tả và biểu cảm cho khổ thơ. Cả con người và thiên nhiên đều rơi vào trạng thái trống trải, hoang mang. Sử dụng lặp vần “a” ở cuối các câu cũng có giá trị kết nối cấu trúc nội tại và mở rộng ý nghĩa của bài thơ:“Ánh trăng mỏng như dải lụa/ trong veo mặt nước ao nhà/ chú ếch giật mình sợ ngã/ vào lòng mùa thu bao la” [Chú ếch và mùa thu]. Nguyên âm “a” là nguyên âm sáng, có độ mở rộng, diễn tả được cái không gian mênh mông, bao la và rất đỗi trong trẻo của mùa thu.

Ở dạng lặp từ, lặp ngữ, lặp câu,“Những mùa hoa anh nói” có nhiều dạng lặp: lặp nối tiếp, lặp đầu, lặp cuối, lặp đầu – cuối, lặp cuối – đầu, lặp từ chuyển loại, lặp đủ, lặp thiếu, lặp thừa, lặp khác,… Lặp từ, lặp ngữ, lặp câu, lặp khổ không phải là lặp thừa [thãi], nhàm chán mà nó luôn chuyển tải dụng ý nghệ thuật đắc địa của tác giả. Tôi chú ý đến cách lặp tạo ra hiệu ứng nhạc tính trong thơ Trương Anh Tú. Tôi xem các từ lặp lại như một dấu thăng nằm trong khuông nhạc, khiến câu thơ như có sóng. Một khổ trong bài “Mặt trời”, anh viết: “Mặt trời chạy cùng mây trắng/ Cùng sông, cùng suối… không rời/ Mặt trời mọc lên từ biển/ Đêm về lại hóa biển khơi”. Lặp hình ảnh “mặt trời”, “biển” theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên. Nhưng khi trùng khít giữa hai cá thể “mặt trời” và “biển”, bản nhạc đã chuyển từ đơn âm sang đa âm. Đó là bè của sự hỗ trợ, tương tác và cộng sinh. Phép lặp cũng được anh sử dụng trong các khổ thơ: “Mẹ cha cho đôi mắt/ Đã bao la bầu trời/ Cỏ hoa trên mặt đất/ Bay vào đôi mắt tôi// Biển xanh bằng đôi mắt/ Của con sóng không lời/ Trong lặng im hạt cát/ Đã bao lời biển khơi// Ngôi sao là đôi mắt/ Của giấc mơ đấy thôi/ Đôi mắt trong hạt bụi/ Là thinh không ngàn lời// Còn một đôi mắt nữa/ Lặng trong trái tim tôi/ Mai sau dù nhắm mắt/ Vẫn long lanh lệ trời” [Đôi mắt]. Bài thơ lặp lại 6 lần hình ảnh “đôi mắt”. Từ “đôi mắt” của “tri giác trí tuệ” đến “đôi mắt” của ngoại giới, từ “đôi mắt” của ngoại giới trở về với “đôi mắt” của hạt bụi [lẽ vô thường], rồi từ “đôi mắt”của hạt bụi lại ánh lên “đôi mắt” của trái tim, của tâm hồn. Bề nổi là lặp nối tiếp, lặp cách quãng, nhưng bề chìm là lặp theo kiểu vòng tròn, nhằm nhấn mạnh các giá trị biểu tượng và chu kỳ tái sinh của đôi mắt. Bằng sự song đôi ấy, Trương Anh Tú đã khéo léo lấy đôi mắt của trí tuệ, của trái tim để tri giác và nối kết vạn vật trong vũ trụ và ngược lại. Trong bài “Khúc hát nhớ Hà Nội”, sự lặp lại về mặt ngữ pháp tạo nên âm hưởng cân đối, nhịp nhàng: “Đâu nào giọt nắng/ Đâu nào giọt mưa/ Đâu nào mắt em/ Xanh trời Hà Nội// Đâu nào giọt nhớ/ Đâu nào giọt quên/ Đâu nào dáng em/ Bồng bềnh trên phố// […]// Mơ về giọt nắng/ Mơ về giọt mưa/ Mơ về mắt em/ Xanh trời Hà Nội”. Bài thơ đan xen giữa thơ tự do và thơ 4 chữ. Ba khổ 4 chữ này như là sự trùng điệp về nhịp để gây ấn tượng, lôi cuốn người đọc. Chúng ta cảm nhận được nỗi nhớ, nỗi ao ước trở về Hà Nội của Trương Anh Tú đang trôi chảy nhịp nhàng, liên tục, không ngừng. Lặp gần như nguyên khổ trong “Những mùa hoa anh nói” là một điệp khúc đẹp, khẳng định vẻ nguyên trinh, trước sau như một của loài hoa: “Tôi tìm những bông hoa/ Nồng nàn từ đồng nội/ Hương được hong từ gió/ Sắc được hái từ mây/ Cả hoa và cả lá/ Từ giọt sương vơi đầy// […]// Tôi yêu những mùa hoa/ Nhựa căng từ lòng đất/ Hương được hong từ gió/ Sắc được hái từ mây/ Cả hoa và cả lá/ Từ giọt sương vơi đầy”. Ở đây đã có hai sự dung nhập. Trong sự dung nhập giữa con người với thiên nhiên, con người không còn là chủ thể mà đã là khách thể, biết nâng niu, bảo vệ thiên nhiên. Trong sự dung nhập với đồng nội, gió, mây, sương, những bông hoa được bung hết mình, rạng rỡ sự sống. Dạng lặp như thế này, góp phần nhấn mạnh, xoáy sâu vào người đọc về sự nhận thức mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chỉ nhìn thiên nhiên bằng con mắt của tự nhiên thì Trương Anh Tú mới tìm ra điểm giao hòa và cân bằng ấy. Bài “Mẹ tôi” có dạng lặp cách quãng: “Hôm xưa, mẹ tôi bảo/ Con hãy yêu màu xanh của cây/ Màu hồng của lửa/ Những gương sắc tuyệt vời/ Bên mẹ/ Tôi đã lớn lên với những bức tranh chứa đầy ánh sáng// Hôm nay, khi xa mẹ/Tôi nhặt được cả những chiếc lá đổi màu// Những khuôn mặt sáng, tối, lẫn lộn/ Những gam màu nhạt phèo trên phố/ Chẳng thấy màu xanh của cây/ Màu hồng của lửa/ Những gương sắc tuyệt vời//Mẹ tôi vẫn âm thầm sau giá vẽ” [Mẹ tôi]. Hai khổ có sự lặp lại về mặt từ ngữ nhưng ý nghĩa đã hoàn toàn khác nhau. Một vế là khẳng định và một vế là phủ định. Một vế thuộc thì quá khứ và một vế thuộc thì hiện tại. Giá trị cuộc sống đang bị mai một, mất dần bởi sự tác động lẫn lộn sáng tối, phải trái của xã hội. Riêng bức tranh tình yêu và tâm hồn của mẹ vẫn mãi hiện hữu, nâng đỡ bước chân con. Hai bài “Ngẫu hứng sông Hồng” và “Tan vào em như hơi thở mùa thu” có cấu trúc khác hẳn so với cả thi tập “Những mùa hoa anh nói”. “Ngẫu hứng sông Hồng” có 8 khổ, với kết cấu đưa động từ biểu thị hành động [chảy, hát] lên đứng trước mỗi câu, khiến bài thơ như một bản tình ca mời mọc, rủ rê về với “dòng giống Tiên Rồng”, hòa trong “tiếng hát sông Hồng” hết sức chân thành. 45 câu trong “Tan vào em như hơi thở mùa thu” đã có hơn một nửa [28 câu] sắp xếp theo mô hình: tan + vào/ trong/ về/ cùng. Đây là kiểu kết cấu dồn nén, nhấn mạnh sự lựa chọn, nhập cuộc cao của Trương Anh Tú, muốn tan vào, hòa vào thiên nhiên, con người và quê hương: “Tan vào lời ru/ Tan trong nước mắt/ Tan vào lòng mẹ/ Mẹ ơi!// Tan về đường xưa thuở tiếng bom rơi/ Ầm rung những mái nhà/ Lửa rực trời Hà Nội// Tan trong bóng cha ngày đánh giặc/ Hà Thành/ Hà Thành đứng trong mây khói/ Tan vào dòng máu đỏ/ Cha ơi!// Tan vào lặng im những con sóng không lời/ Tan vào vang vang hồn thiêng sông núi/ Tan cùng Tháp Bút/ Viết lên trời xanh vời vợi/ Tan vào trống giục Thăng Long!// Tan vào thao thức dòng sông/ Tan trong tiếng rao đêm/ Trong câu thơ người Tràng An thuở trước/ Tan về Hà Nội ba sáu phố phường/ Tan trong Hà Nội hôm nay” [Tan vào em như hơi thở mùa thu].

Nếu Maiakovski cho rằng, nhịp điệu làm nên năng lượng và sức mạnh của câu thơ, thì Trương Anh Tú đã khá thành công trong việc xử lý và gia tăng nhịp điệu cho “Những mùa hoa anh nói”. Trên cái nền lặp ngữ âm, từ, ngữ, câu, khổ, “Những mùa hoa anh nói” có sự uyển chuyển, mềm mại, nhẹ nhàng, tương liên giữa nhịp điệu tâm hồn và nhịp điệu cuộc sống. Đây chính là điểm nhấn nghệ thuật khẳng định thế giới tâm hồn tinh tế, giàu cảm xúc, ngọt ngào, sâu lắng và rất đỗi nhạy cảm của Trương Anh Tú.

Ngoài lặp ngữ âm, từ, ngữ, câu, khổ trong một bài thơ, sự lặp ở cấp độ liên văn bản, giữa bài thơ này với bài thơ khác trong hệ thống chỉnh thể “Những mùa hoa anh nói” cũng là một kiểu hòa âm riêng của Trương Anh Tú. Trong thơ anh, màu sắc phản ánh thế giới tự nhiên và tâm trạng của con người. Màu xanh được lặp đi lặp lại khá nhiều: 81 lần/ 90 bài. Đi từ màu của thiên nhiên đến màu của tâm hồn, sắc xanh trở thành ký hiệu biểu thị thế giới nghệ thuật của thơ Trương Anh Tú. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, màu xanh là “màu sâu nhất trong các màu”, là “màu tinh khiết nhất”, “đánh thức dậy trong con người niềm ham muốn về sự tinh khiết và một nỗi khát thèm cái phi thường” [4, tr.1015-1016]. Lựa chọn màu xanh làm gam màu chủ đạo trong thi tập “Những mùa hoa anh nói”, trước tiên, đó là sắc màu phù hợp với chủ đề mà Trương Anh Tú hướng tới: thiên nhiên. Thơ anh sử dụng nhiều sắc độ khác nhau của màu xanh [biếc, thắm, non, ngát…] khi nói về đất trời, non nước, mây gió, hoa cỏ: trời xanh, biển biếc, núi xanh, mùa xanh, chiếc thuyền xanh, mái nhà xanh, mặt hồ xanh, mầm xanh, cỏ biếc, thắm nụ,… Đó là màu xanh của sự tươi tốt, mơn mởn, màu của sự sinh trưởng,… Nắng, trời, sóng đều “ngàn năm” biếc lên với nhau, bất tận “vì nhau” theo quy luật của tự nhiên: “Nắng đẹp vì trời xanh/ Cho trời xanh vì nắng/ Ngàn năm rồi sóng biếc/ Biếc xanh là vì nhau!// Ngàn năm rồi sóng biếc/ Biếc xanh là vì nhau!” [Tiếng sóng]. Sắc xanh trong khổ thơ này được anh đẩy đến mức cao nhất [biếc] nhằm thể hiện một vũ trụ tràn ngập sự sống. Nhiều lúc, tính từ xanh được ghép với hình vị khác, hình vị khác này biểu đạt mức độ phát triển theo các chiều của không gian: “Đồng xa chớp giật/ Cỏ chiêm bao xanh thót chân trời” [Ngủ đi trái tim ơi]; và toả rộng hơn về mặt thời gian: “Em trong như giọt nước/ Để lung linh sắc màu/ Em mong manh như cỏ/ Để xanh mùa trong nhau” [Xanh mùa trong nhau].

Những mùa hoa anh nói – tập thơ mới của Trương Anh Tú

“Trong màu xanh, tư duy có ý thức dần dần nhường chỗ cho tư duy vô thức”, nó “không thuộc thế giới này, nó gợi lên một ý tưởng về sự vĩnh cửu bình lặng” [4, tr.1016]. Màu xanh thơ Trương Anh Tú cũng có nhiều sự chuyển hóa khi hướng về thế giới siêu thực, thế giới tâm hồn, thế giới giấc mơ: nốt nhạc xanh, trái tim xanh, giấc mơ xanh, xanh gió,… Từ màu của nước, của cỏ cây, của đất trời, anh nâng giá trị biểu đạt của màu xanh lên thành biểu tượng của những thuộc tính bên trong, của năng lượng tinh thần vô thức. Sắc xanh đã mang nghĩa ẩn dụ khi chuyển sang cõi trừu tượng: “Một bông hoa cúc/ Xanh ngàn cơn mơ” [Như em chợt đến]. Miền bí ẩn của giấc mơ, theo sự khúc xạ của bông hoa cúc, trở nên trong trẻo, thanh thoát và tinh khiết. Tác động vào cảm xúc, nhưng cảm xúc vẫn nguyên vẹn sắc độ tích cực của màu xanh: “Xanh như là giấc mơ/ Xanh như là ngọn gió” [Ngọn lửa]. Đến sự nhập cuộc, hài hòa giữa chủ thể trữ tình với sắc xanh, thì vũ trụ thơ Trương Anh Tú đã hoàn toàn khoác chiếc áo của miền nguồn lạc quan và hi vọng: “Ta như chồi biếc/ Xanh giữa đất trời/ Nghe trong sương khói/ Xuân về em ơi!” [Hồng Hà mùa xuân]. Lúc này, chúng ta đã rõ vì sao Trương Anh Tú rất ý thức trong việc xây dựng mối liên quan giữa hai ký hiệu: màu sắc [xanh] và không gian [bầu trời và mặt đất]. Hình ảnh bầu trời [trời] được nhắc 69 lần, mặt đất [đất] được nhắc 42 lần. Khi kết hợp màu xanh trong không gian bao la, rộng lớn, thì ý nghĩa biểu trưng của màu xanh, theo đó, cũng được đẩy lên. Bắt đầu từ màu sắc phổ quát nhất/ miền nguồn tự nhiên của thiên nhiên/ “màu sắc phương Đông”, được Trương Anh Tú mở rộng đến miền đích, miền của niềm tin, hi vọng, mang đến cho con người cảm giác thư thái, an yên, tin cậy, đầy sức sống. Chu kì tái sinh của thiên nhiên là một tất yếu của đời sống: “Cây lặng im thiu ngủ/ nghe hồn dưới đất sâu/ qua bao mùa lá rụng/ vẫn trời xanh trên đầu!” [Cây mùa đông]. Chu kỳ đó là tấm gương phản chiếu sự vĩnh hằng, bất tử của miền nguồn, sắc màu chủ đạo tượng trưng cho niềm hi vọng của phương Đông trong thơ anh: “Chỉ có bầu trời là mãi trong xanh”.

Rõ ràng, ngôn từ thơ Trương Anh Tú giản dị, tự nhiên. Nhưng trong cái tự nhiên ấy đã diễn ra nhiều cái lạ thường. Đằng sau lớp áo hợp lưu giữa thực và mộng, giữa hữu hạn và vô hạn, giữa động và tĩnh, giữa có và không,… là sự bổ túc của bề sâu tính triết lý. Hình thức lặp là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra cuộc hòa âm từ cấp độ vi mô đến vĩ mô, tạo sự ngân vang của âm thanh, làm bừng sáng thi ảnh, cũng như giá trị liên kết, tính biểu cảm, tính thẩm mỹ và là bệ đỡ để anh xây dựng thế giới song hành, tương hỗ giữa các cá thể trong vũ trụ.

Cấu trúc lặp đã phần nào cho thấy sự song hành trong chỉnh thể toàn vẹn giữa con người và thiên nhiên ở thơ Trương Anh Tú.

Thế giới thiên nhiên thơ anh tồn tại và phát triển trên cơ sở hợp tác, cùng có lợi. Mỗi cá thể đều có bổn phận, trách nhiệm riêng. Mối nguy hại, gây hấn giữa loài này đối với loài khác, cũng chỉ là bản năng sinh tồn, chứ không bắt đầu từ sự ác ý, đố kị, thù hằn. Sứ mệnh của hoa là nở rồi tàn, thì dù có trăm nghìn tác động bên ngoài, hoa vẫn thế, trước sau như một – “Ngàn năm hoa vẫn nở”, thuận theo lẽ tự nhiên: “Hoa nở quên mình đang nở/ Hoa rơi quên hoa đang rơi” [Thạch thảo trong mơ]. Trời, mây, biển, sóng, tiến gần hơn với nhau theo nguyên tắc tính dã [hoang dã]: “Để trời xanh, em ơi/ đã bao đời mây trắng/ để biển xanh em ơi/ sóng ngàn năm vẫn sóng!” [Có bao giờ]. Hạt cát, tưởng vô tri vô giác, nhưng trong cái nhìn của Trương Anh Tú, là sự trỗi dậy của giai điệu học cách dung hòa: “Trong lặng im hạt cát/ Đã bao lời biển khơi” [Đôi mắt]. Trái đất, bầu trời hay bông hoa đều có sự giao thoa và diễn ngôn riêng của nó. Con người muốn hiểu những diễn ngôn ấy phải “nở” cùng hoa, sống đẹp cho mình cũng là sống đẹp với muôn loài: “Những cánh hoa bao đời vẫn gọi/ Hãy nở cùng tôi” [Hãy nở cùng tôi]. Trong “Những mùa hoa anh nói”, Trương Anh Tú đã nhận ra vẻ đẹp đồng điệu giữa người phụ nữ với tự nhiên. Để ngợi ca vẻ đẹp thiên tính tự nhiên, anh gắn kết giữa tự nhiên và người phụ nữ theo nhiều góc nhìn:“họ như giọt sương/ long lanh bao đời/ cho đất nở hoa thôi” [Những người đàn bà]; “Những bông hoa mang theo phận nắng mưa của mẹ/ cứ lặng im/ cứ thăm thắm cuối trời” [Hoa gạo]. Sự hòa quyện này vừa khẳng định sự bền chặt giữa tự nhiên và giới nữ vừa là mã quan trọng để phá vỡ tư duy nhị nguyên. Bởi lẽ, “Người mẹ là cái rễ cắm sâu trong lòng vũ trụ, và hút nhựa của vũ trụ, là cái giếng phun ra dòng nước sống vốn là một dòng sữa nuôi dưỡng, một dòng suối nóng, một lớp bùn làm bằng đất và nước, giàu những sức lực sinh sản” [5, tr.187].

Ý thức được những căn tính của sinh thái, cho nên, từ hoa lá cỏ cây cho đến con người hầu như đều được Trương Anh Tú đặt trong bầu không khí xanh trong, tươi tắn và đáng yêu. Thiên nhiên được anh Việt hóa thông qua những hình ảnh dân dã, quen thuộc: cánh đồng, gió đồng nội, cánh diều, lá bàng, hoa gạo, quả thị, chú cuội,… Mọi chuyển động tế vi, diệu kì của thiên nhiên được anh tỉ mỉ ghim lại. Thiên nhiên thơ anh không đơn chiếc, quạnh quẽ mà chúng biết cách song hành, tương giao: ngày và đêm, mặt đất và bầu trời, trăng và sao, mặt trời và biển, cát và biển, lá và đất, hoa và sương,… Nếu “Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa/ Không có bầu trời/ Trái đất không nhà/ Trái đất mồ côi!” [Thơ viết bên những lá cờ ở Liên hiệp quốc]. Nguyên tắc điều bình của bầu trời và trái đất nằm ngoài những áp đặt, thiết chế của con người. Nhưng nó là chìa khóa để con người thám mã, giải đáp những liên kết sinh thái.

Ánh trăng phản chiếu xuống ao nhà đêm thu, chú ếch sợ mình làm náo động, phá đi thời khắc tuyệt đẹp ấy: “Ánh trăng mỏng như dải lụa/ trong veo mặt nước ao nhà/ chú ếch giật mình sợ ngã/ vào lòng mùa thu bao la” [Chú ếch và mùa thu]. Trương Anh Tú cũng dùng động để nói tĩnh, ngỡ giống cái động của chú ếch trong “Ao cũ” của Basho, nhưng cái động của chú ếch ở đây là cái động khẽ của tâm hồn, cái động đến từ bên trong, giật mình sực tỉnh, ngỡ ngàng trước dáng thu [mỏng manh], sắc thu [trong veo], không gian thu [bao la], nên, ý thơ của anh gợi sự tươi sáng chứ không gợi sự cô tịch, quạnh quẽ. Phản xạ giật mình của chú ếch đã biểu thị giây phút hòa nhập, tôn trọng hằng thường giữa cái hữu hạn với cái vô hạn của thế giới tự nhiên. Ghi lại giây phút ngắn ngủi đó, tôi cho rằng, Trương Anh Tú đã thể hiện thái độ nâng niu, trân quý, vĩnh cửu cái đẹp, bất diệt cái đẹp. Trương Anh Tú muốn con người ngước lên với thiên nhiên, từ thiên nhiên mà đúc rút cho mình những chân lý sống: “Hãy nhìn trời cao/ Mây không biên giới/ Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ!” [Thơ viết bên những lá cờ ở Liên hiệp quốc].

Những giao tiếp của thiên nhiên rõ ràng luôn mang đến những ý tưởng nào đó, mà, con người chỉ thực sự thông qua các cuộc đối thoại đặc biệt mới nắm bắt được. Đó phải là cuộc trò chuyện trên tinh thần nỗ lực lắng nghe, thấu hiểu và nhún nhường. Hãy lắng nghe anh trò chuyện: “Tôi yêu những mùa hoa/ Nhựa căng từ lòng đất/ Hương được hong từ gió/ Sắc được hái từ mây/ Cả hoa và cả lá/ Từ giọt sương vơi đầy// Cô bán hàng tư lự/ Chợt buồn rồi xa xôi/ Những mùa hoa anh nói/ Phải tự trồng, anh ơi!” [Những mùa hoa anh nói]. Trong môi trường đối thoại liên loài này, Trương Anh Tú đặt ra những vấn đề mang tính hằng cửu: cân bằng và hòa hợp muôn loài. Rằng, trước vô ưu, khoan dung, trước sự hài hòa, liên kết của cỏ cây hoa lá, hẳn nhiên, luôn đem đến những khoảng lặng an lành, bình yên, thư thái nhất cho con người. Tôi nhớ triết lý sabi của người Nhật, đại ý rằng: con người chỉ đạt đến sự thanh thản và trong sáng của tâm hồn khi và chỉ khi thực sự hòa nhập bản ngã của mình vào sức sống vô ngã của thiên nhiên. Quả đúng thế, con người học hỏi thiên nhiên để biết chỗ đứng và giá trị bản thân, đồng thời biết khiêm nhường, mở rộng lòng mình, bao dung, nhân ái với muôn loài và đoạn tuyệt với ba tánh tham sân si. Hành động nhún nhường sẵn lòng vì thiên nhiên: “Thương trời xanh bạc tóc/ Anh hóa thành mùa thu” [Trời xanh bạc tóc] đã nâng giá trị của vẻ đẹp tâm hồn và tình yêu sinh thái bền lâu của anh. Thiên nhiên trong thơ anh, do vậy, luôn tồn tại như một chủ thể, có linh hồn, có tiếng nói, có sinh mệnh riêng.

Thơ Trương Anh Tú có màu sắc lãng mạn, trữ tình. Đọc anh, mọi thứ cứ dìu dịu, nhẹ nhàng, nên thơ. Nhưng vẻ đẹp thơ anh không đơn giản chỉ thấm đượm từ cảm giác bên ngoài đó, mà còn thu hút bởi sự ẩn tàng của tính triết lí.

Tính triết lí trong thơ anh thể hiện qua sự tương tác hoặc đối lập về mặt cảm xúc, ngôn từ, hình ảnh. Sự tham chiếu của tính triết lý mang đến sức nặng và tư duy độc đáo cho “Những mùa hoa anh nói”. Nhưng phải gói vẻ đẹp của thiên nhiên với vẻ đẹp của con người trong điểm nhìn hòa kết, người đọc mới thấy giá trị nội tại của bài thơ và sức mạnh của tính triết lí. Như cách anh đến với thiên nhiên: “Tôi đi giữa cánh đồng/ Không mang theo da thịt/ Mình tôi với cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái// Tôi dùng ngôn ngữ riêng/ Thứ ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt/ Trò chuyện với cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái” [Cảm xúc]. Đó là tâm thế của một người thơ sẵn lòng cởi bỏ mọi vướng bận, bụi trần để được hoàn toàn thanh tịnh, nhập cuộc cùng thiên nhiên. Tâm thế nhập cuộc rất trong trẻo, ban sơ này của anh cho chúng ta bài học tôn trọng và nâng niu thiên nhiên. Đối với anh, những diễn ngôn đối thoại của người nghệ sĩ cũng phải là những diễn ngôn biết nâng đỡ, kê cao thiên nhiên: “Nhà văn dùng ngôn từ để đắp những ngọn núi/ Không để cao hơn đất/ Anh nâng mặt đất lên!” [Mặt đất và bầu trời]. Thứ nữa, sống giữa thiên nhiên, nếu mang ý nghĩ phân biệt trung tâm và ngoại biên, thì con người mãi sống trong u mê, hẹp hòi. Vì sao khi “Nghe một nốt nhạc xanh/ Trong hạt sương buổi sớm/ Trái tim như trẻ lại/ Tan ra thành ban mai” [Lời trái tim]? Vì con người không thể tách ra khỏi mắt xích của sinh thái. Con người là một cá thể thuộc về sinh thái. Sự xuất hiện và phát triển của cá thể này đều phụ thuộc, liên đới với các cá thể khác trên tinh thần hợp tác, cùng có lợi, chứ không tồn tại riêng lẻ. Nhờ nốt nhạc của thiên nhiên mà con người giác ngộ biết bao nhiêu điều, rồi từ đó quay ngược trở lại, nhìn/ soi và điều chỉnh bản thân.

Tính triết lí thơ Trương Anh Tú còn thể hiện qua nhiều chủ đề như: tình yêu, thân phận, đạo lý, tự do, hoà bình,… Ngôn ngữ, thi ảnh là yếu tố để anh khúc xạ, giao thoa giữa yếu tố cảm xúc và tính triết lý. Nói về tình yêu, anh viết: “Tình yêu như cánh chim/ bay đi phía cuối trời/ cho đi không lấy lại/ như ngọn lửa trong đời” [Lời tình yêu]. Trong sự so sánh với cánh chim mải miết, anh khẳng định vẻ đẹp bao la, cao cả và kì diệu của tình yêu. Tình yêu cho đi mà không hề nuối tiếc mới là tình yêu lâu bền. Ở khổ thơ sau, anh chuyển nghĩa bóng tối, từ bóng tối tự nhiên sang bóng tối tâm hồn, để xác tín, tình yêu muôn thuở vẫn mãi một thái cực ánh sáng: “Chỉ tình yêu muôn thuở/ Chẳng chịu tối bao giờ/ Mặt trời trong đêm vắng/ Giấu mình vào ánh trăng” [Ngọn lửa]. Chuyển động của bóng tối và ánh sáng là chuyển động tự nhiên, nối tiếp liên tục. Trong bóng tối đã có sự hiện hữu của ánh sáng và trong ánh sáng đã có sự hiện hữu của bóng tối. Nghĩa là giữa ánh sáng và bóng tối luôn có những chuyển động song trùng. Với anh, mặt trời dù có giấu mình vào bóng tối, bóng tối vẫn là không gian nhấn mạnh sự rạng rỡ của ánh sáng. Ngược lại, ánh sáng sẽ làm tan loãng và thanh khiết bóng tối. Ánh sáng tâm hồn sẽ giúp con người bước ra khỏi vùng u mê, bị kiềm giữ bởi bóng tối. Nhờ ánh sáng của tình yêu, con người mới “trở nên sáng”.

Thơ anh dành nhiều tình cảm sâu sắc đối với những người phụ nữ: bà, mẹ, em,… Anh nhận thấy trong họ vẻ đẹp của đức hi sinh, sự lo toan, tần tảo:“Những người đàn bà đi ngang qua cuộc đời/ chỉ giữ lại riêng mình nước mắt” [Những người đàn bà]. Anh gắn hình ảnh nước mắt với người phụ nữ, bởi đó là những “giọt nước mắt kim cương”, giọt nước mắt của lòng vị tha, nhân hậu. Giọt nước mắt làm nên vẻ đẹp riêng khác, đặc biệt của người phụ nữ. Hình ảnh người mẹ thường trở đi trở lại trong thơ anh như là tín hiệu của nỗi niềm tha hương. Khi nỗi nhớ mẹ trào dâng, anh ước ao mình là hạt mưa trong veo, tinh khiết nhất để được chia sẻ, xoa dịu bao nỗi vất vả, lam lũ của mẹ: “Mai làm một hạt mưa rơi/ Đậu vai áo mẹ lặng nơi quê nhà” [Mai làm hạt mưa]. Anh còn mượn tiếng nói của trẻ thơ giãi bày lòng hiếu thảo với mẹ: “Còn một giấc mơ ngoan/ Bé thì thào với mẹ/ Mẹ ơi! Bao nỗi buồn/ Con mang cho mẹ nhé!” [Đêm Noel].

Nói về giá trị cuộc sống, anh đặt hình ảnh thơ trong sự đối lập rộng – hẹp: “Tôi mang nụ cười nhỏ/ Hồn nhiên trong mắt mơ/ Tôi yêu cuộc sống này/ Không hẹp như bàn tay” [Tiếng hát]. Tình yêu và cuộc sống thường gắn bó với nhau. Tình yêu làm cuộc sống nở hoa. Khổ thơ như là sự reo ca, hân hoan của một trái tim giàu tình yêu thương, luôn hết mình vì cuộc sống. Ở bài “Thơ tặng bạn sinh nhật”, anh dùng vòng tuần hoàn tự nhiên để triết lí về thân phận: “Bao nhiêu mùa lá đổ/ Bao nhiêu mùa lá rơi/ Bao nhiêu năm không ngủ/ Hay bao nhiêu năm cười”. Quy luật “đổ”, “rơi”, “không ngủ” hay “cười” thường xảy ra và trở đi trở lại trong đời, mà con người ít nhiều phải gánh chịu. Chừng nào tâm tịnh thì con người mới vượt qua biến cố “đổ”, “rơi”, “không ngủ” để “cười”. Đó mới chính là cái đích của cuộc sống. Phải chăng đây là món quà ý nghĩa nhất mà Trương Anh Tú đã dành tặng bạn nhân dịp sinh nhật?

Lá cờ biểu tượng thiêng liêng thể hiện niềm tự hào, lòng yêu nước và sức mạnh của mỗi quốc gia. Trong thơ Trương Anh Tú, anh không nhìn lá cờ ở phương diện bản sắc quốc gia mà nhìn ở phương diện tượng trưng cho nước mắt và chiến tranh. Lá cờ có thể là chiến thắng của nước này nhưng lại có thể là bi kịch, thương đau của nước khác. Những lá cờ đủ sắc màu tung bay phấp phới có làm bầu trời hết chảy máu? Đặt hình ảnh lá cờ trong sự so sánh, tương phản với sự rộng lớn của bầu trời, của mây, với đường bay không mỏi của những cánh chim, với đôi mắt trong veo của trẻ thơ, anh luận về nỗi đau, về khát vọng hoà bình: “Những lá cờ ơi/ Mẹ khóc nhiều rồi/ Bao đứa con ra trận lại bắn vào bao người mẹ khác// Bắn vào lời ru/ Bắn vào nước mắt/ Bắn vào bầu trời xanh những giấc mơ!// Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa/ Không có bầu trời/ Trái đất không nhà/ Trái đất mồ côi!// Những lá cờ ơi/ Lửa cháy nhiều rồi// Hãy nhìn trời cao/ Mây không biên giới/ Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ!// Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ/ Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian!” [Thơ viết bên những lá cờ ở Liên hiệp quốc]. Giá trị của từng phút giây hòa bình nằm ở lòng nhân ái và khoan dung. Có thế, trái đất mới thực sự bình yên.

Từ những diễn giải trên, cho thấy tính triết lí trong thơ Trương Anh Tú, ngoài một số ít kết cấu tương phản, đa phần thể hiện ở sự hài hoà giữa người và thiên nhiên, giữa cảnh và tình, giữa ngôn từ và hình tượng, giữa lí trí và tình cảm,… Đằng sau giọng điệu trữ tình, nền nã là sự lấp lánh của chất trí tuệ, là tiếng nói của một người có phông văn hóa rộng, có kiến thơ sâu sắc. Nhờ đó, những giá trị của“Những mùa hoa anh nói” luôn được mở rộng, dư ba.

Trương Anh Tú có bộc bạch: “Làm thơ là “khai sinh”một hiện hữu khác, một thế giới khác, không phải để chối bỏ thực tại, mà để vượt qua những giới hạn, để bay tới không gian vô tận của cảm xúc và tưởng tượng, để soi chiếu, suy ngẫm, đi tìm bản thể, đi tìm ý nghĩa và những giá trị của đời sống” [1, tr 450]. Xét thi tập “Những mùa hoa anh nói”, anh đã vượt qua những giới hạn của “Cảm xúc”, để thiết lập nên cấu trúc “đa thực tại”, soi chiếu những câu chuyện lớn, tương tác giữa thiên nhiên và con người. Và trên tinh thần đối thoại sinh thái, đúng như tên gọi của tập sách, “Những mùa hoa anh nói”đã lưu trữ những triết lý về giá trị cuộc sống.

Nhật Lệ, 11.2020

HOÀNG THỤY ANH

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Nguyễn Ngọc Hạnh [chủ biên] [2020], Biển bắt đầu từ sóng [tuyển thơ], Nxb Đà Nẵng. [2]. Inrasara [2011], Hàng mã kí ức, Nxb Văn học, Hà Nội. [3]. Jakobson [Trần Duy Châu biên khảo] [2008], Thi học và Ngữ học, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học. [4]. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant [nhóm dịch giả do Phạm Vĩnh Cư chủ biên] [2002], Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du. [5]. Simone de Beauvoir [Nguyễn Trọng Định và Đoàn Trọng Thanh dịch] [1996], Giới nữ [tập 1], Nxb Phụ nữ,  Hà Nội. [6]. Trương Anh Tú [2007], Cảm xúc, Nxb Văn học, Hà Nội. [7]. Trương Anh Tú [2018], Những mùa hoa anh nói, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

Video liên quan

Chủ Đề