Klara A2 đi được bao nhiêu km?

Chiếc Vinfast Klara dùng để thử nghiệm trong bài test pin này là bản pin Lithium-ion đã 2 năm tuổi, ODO hơn 9.000 km và bảo dưỡng định kỳ đầy đủ. Trên lý thuyết, Klara bản dùng pin có thể chạy được quãng đường tối đa 80 km với tốc độ trung bình là 35 hay 30 km/h gì đó. Nhưng mình sẽ không test ở vận tốc đó vì nó không thực tế và chạy với vận tốc như vậy ra đường cũng gây nguy hiểm cho cả bản thân lẫn người khác. Điều kiền thử nghiệm của mình là sạc đầy pin, chạy thoải mái tốc độ bởi lúc nào cũng nằm trong giới hạn của luật [50 km/h]. Kết quả, mình có thể chạy được gần 55 km sau mỗi lần sạc đầy.



Một lưu ý nho nhỏ khác đó là trong quá trình test, mình chỉ đi 1 mình mà không chở thêm ai khác. Nếu so với bài thử nghiệm nhanh cách đây 2 năm của mod Trung Dt, thử đối chiếu ở mức pin còn 40%, xe năm nay đi được 31,9 km, trong khi kết quả lần trước là 39,8 km. Dù vậy, chênh lệch này thực sự vẫn chưa nói lên điều gì bởi "nết" chạy của 2 người là khác nhau. Sau thời gian sử dụng 2 năm, tuy không có một báo cáo chính xác nào từ hệ thống cho biết % chai pin, song mình nhận thấy pin vẫn ở mức ổn.


Đây là kết quả test năm ngoái của mod Trung Dt​


Về vận hành của xe trong quá trình đo đạc pin, mình có quan sát thấy một số thứ như sau. Khi pin của xe còn dưới 70%, độ bốc của xe không còn như lúc sạc đầy, tốc độ tối đa lúc bấy giờ cũng chỉ dao động khoảng 47-48 km/h. Tốc độ tối đa vẫn sẽ được duy trì ở mức này cho đến khi xuống khoảng 30% thì bắt đầu giảm hơn nữa. Tất nhiên, xe cũng không vọt và lanh như lúc pin nhiều. Khi pin còn 20%, tốc độ bị giới hạn xuống cỡ 30 km/h, pin 10% thì giảm xuống tiếp và bạn sẽ không thể chạy quá 20 km/h.





Ở gần cuối hành trình, mình ghi nhận thấy khi pin chạm mức 0%, bạn còn có thể đi được quãng đường cỡ 3-4 km nữa. Tuy nhiên, mình nghĩ các bạn không nên để xe rơi vào tình trạng này quá nhiều bởi thứ nhất là hại pin, thứ 2 là tốc độ của xe lúc đó rất rất chậm và sẽ nguy hiểm nếu bạn chạy với vận tốc đó ra đường.

Còn một vấn đề nữa cũng cần phải nói thêm đó là khi mình không sử dụng, để qua đêm xe dưới hầm, sáng xuống thì bị hao hụt pin. Có đêm thì hao hụt 2-3%, có đêm tới 7-8% và mình không hiểu vì lý do nào. Ví dụ như đối với điện thoại, mặc dù tắt màn hình, nhưng vẫn phải có kết nối để nhận thông báo này kia nên vẫn sẽ hao hụt pin trong thời gian stanby. Còn đối với xe, mình chẳng hiểu pin phải nuôi cái gì.



Vinfast Klara A1 không có định vị GPS, cũng chẳng có thiết bị điện tử nào phải hoạt động. Cách giải quyết tạm thời đối với mình là cứ mỗi lần về nhà phải rút cái dây nối pin với xe ra, hơi phiền phức. Cái nữa là về việc sạc, không phải lúc nào cũng lên 100%, mà có lúc chỉ tới 99%, có hôm thì 94%. Có thể đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cục pin của xe mình đã bị chai và điều này không thể tránh khỏi.

Chúng ta đã biết rằng bản chất của việc sạc pin chính là gia tăng từ tính của các ion lithium và khiến nó bị hút bởi cực âm. Càng có nhiều ion bị hút về phía cực âm, khác biệt giữa hai điện cực ngày càng gia tăng. Và đó chính là cách mà bạn đo điện áp - sự chênh lệch về điện thế giữa hai cực. Khi đạt đến một ngưỡng nhất định, pin được coi là đã sạc đầy. Trong quá trình sử dụng, pin được xả và chênh lệch điện thế giữa 2 điện cực giảm cho đến khi bằng 0 bởi khi đó, không có nhiều ion tích điện dương có mặt tại cực âm. “Không có nhiều” nghĩa là vẫn còn chứ không hoàn toàn sạch sẽ. Điện cực rõ ràng đối mặt với việc bị oxy hoá.



Tương tự như sắt có thể bị ăn mòn bởi nước và không khí, lithium, graphite hay dung dịch muối điện phân cũng làm cho các điện cực bị oxy hoá. Khi gần như tất cả các ion tích điện quay ngược trở lại cực dương - nơi nó vốn dĩ phải thuộc về, một lớp có kích thước vi mô của một loạt các hạt sẽ vẫn còn ở lại và hình thành các liên kết hoá học với cực âm graphite.

Quảng cáo



Những hạt này được tạo thành từ các nguyên tử lithium oxide và các nguyên tử lithium carbonate. Lớp vỏ này bám lấy cực âm, cản trở quá trình nạp/xả pin của chu kỳ, ảnh hưởng đến số lượng ion tích điện, sự chênh lệch hiệu điện thế giữa 2 cực và những thay đổi này cuối cùng sẽ thể hiện đủ rõ ràng để bạn có thể nhận biết, hay nói cách khác, pin đã chai.



Vinfast Klara pin lithium-ion hay bất kỳ chiếc xe điện dùng pin nào đều phải trải qua quá trình này. Hiện tại nếu hỏng hóc đến mức không còn dùng được, chi phí mình phải bỏ ra để mua một cục pin Bosch mới là gần 20 triệu theo bảng niêm yết hồi năm ngoái.

Chủ Đề