Lập dàn ý tả đồ dùng học tập lớp 5

1. Mở bài:

Dẫn dắt để giới thiệu cây bút máy của em
Trong dịp năm học mới, ba mẹ đã mua cho em rất nhiều đồ dùng học tập đẹp. Trong đó, cây bút máy là món đồ mà em yêu thích nhất.

2. Thân bài:

a. Đặc điểm của cây bút :

– Khi mua về cây bút được đặt ngay ngắn trong một chiếc hộp hình chữ nhật

– Cây bút máy làm bằng kim loại sáng bóng, cầm nặng tay hơn những cây bút vỏ nhựa mà em hay sử dụng

– Cả cây bút được sơn một lớp sơn màu xanh thẫm, với họa tiết kẻ ô vuông nhìn đơn giản mà rất đẹp

– Cây bút có hai phần: nắp bút và thân bút

– Nắp bút chỉ dài khoảng 3 xen-ti-mét, với một cái cái bút màu vàng mạ rất đẹp, nhớ chiếc cài đó mà em có thể cài bút vào với quyển vở viết của mình

– Phần thân bút được khắc hai dòng chữ “Thiên Trường” và “Nét chữ nết người” rất tinh xảo

– Phần đầu bút là kim loại màu trắng, gắn với nó là ngòi bút cũng làm bằng kim loại hình đầu lá mạ màu vàng sáng bóng trông rất đẹp mắt và có thể thay thế được

– Phần lưỡi gà màu đen được gắn phía dưới ngòi có một rãnh nhỏ để đưa mực ra

– Khi xoay mở phần đầu bút, ta sẽ thấy bên trong có một ống nhỏ để chứa mực trong đó.

– Khi bơm mực, chỉ cần xoay nhẹ phần đuôi ống để hút mực lên một cách dễ dàng

– Khi mua bút, một chiếc ngòi bút dự phòng được cất gọn gàng trong gói nhỏ đề phòng trường hợp ngói bút bị hư hỏng gì

b. Công dụng của bút

– Bút máy giúp cho chữ viết của em đẹp hơn

– Nét bút mảnh và trơn tru, có nét thanh, nét đậm rất rõ ràng

– Em sử dụng bút máy trong những khi luyện chính tả, tập viết chữ đẹp

3. Kết bài:

Nêu tình cảm của em đối với chiếc bút máy

Chiếc bút máy đồng hành cùng em khi đến lớp, chứng kiến em ngày càng tiến bộ và giúp đỡ em rất nhiều. Em yêu thích chiếc bút vô cùng. Em thường xuyên nâng niu chiếc bút và giữ gìn nó cẩn thận để nó có thể gắn bó với em thật lâu.

1. Mở bài:

Món quà định tả là món quà gì? Em có từ bao giờ và do đâu mà có?

– Món quà em định tả là một chiếc cặp mới.

– Bố tặng khi em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

2. Thân bài:

  * Tả bao quát:

– Cặp hình chữ nhật, được làm bằng da thuộc.

– Cặp mới nguyên, khổ to và dày, màu da đen bóng.

– Loại cặp có quai xách và dây mang.

   * Tả từng bộ phận:

– Bên ngoài: Mặt cặp mịn, mềm, sờ êm và mát tay. Nắp cặp hình chữ nhật hơi vát ở hai bên. Trên mặt cặp có in hình hai chú chó trắng đang nô đùa trên thảm cỏ xanh.

– Hai bên cặp có hai khoá mạ kền sáng bóng. Mỗi lần mở ra đóng vào nghe “tanh tách” thật vui tai.

– Nắp cặp có gắn một quai xách bằng nhựa cong cong như một cái cầu.

– Bên trong: Cặp gồm ba ngăn:

+ Ngăn thứ nhất nhỏ, em dùng để cất các dụng cụ học tập.

+ Ngăn thứ hai và ba to hơn, em làm phòng ở cho các cô cậu sách vở. Các ngăn đều làm bằng da đen mềm và mịn.

3. Kết luận:

Cảm nghĩ của em.

Em thích cái cặp bố mua vì đây là một kỉ niệm đánh dấu những ngày tháng học tập với sức cố gắng của em. Em sẽ giữ mãi chiếc cặp thân thương này.

1. Mở bài:

– Giới thiệu về hộp bút của em: Trong lần sinh nhật năm ngoái của em, anh trai của em có mua tặng cho em một chiếc hộp bút rất đẹp. Em xin tả lại cái hộp bút yêu quý của em cho các bạn được biết.

2. Thân bài:

* Tả bao quát hộp bút

– Tả về hình dáng của hộp bút: hộp bút của em có hình chữ nhật, và có chiều dài khoảng hơn hai gang tay của em. Chiều rộng của hộp bút khoảng 10cm và có chiều cao 5cm.

– Tả về màu sắc của hộp bút: Chiếc hộp được sơn màu xanh da trời và được làm bằng kim loại không gỉ.

* Tả chi tiết cụ thể:

– Tả 2 mặt của hộp: mặt trên và dưới của hộp bút là hình quả địa cầu cũng những ngôi sao lấp lánh và những chú chim bồ câu bay quanh.

– Tả về cấu tạo: Cái hộp đựng bút của em có hai ngăn chính.

+ Ngăn thứ nhất: được chia làm bốn ngăn nhỏ. Mỗi ngăn đựng đồ riêng biệt: cái thì đứng bút chì, cái đựng bụt mực, cái dụng gôm tẩy, cái đựng sáp màu…

+ Ngăn thứ hai lớn và sâu hơn ngăn trước, để thước kẻ, ê-ke.

* Tác dụng của hộp bút

– Hộp bút dùng để đựng đồ dùng học tập nhỏ như bút, thước, tẩy … rất tiện lợi và ngăn nắp.

3. Kết bài:

– Đã hơn một năm rồi nhưng hộp bút được em giữ gìn cẩn thận nên nhìn vẫn còn như mới.

– Nó giống như một người bạn thân của em vậy.

Chiếc đồng hồ xinh xắn để trang trọng trên bàn học tại gia đình là quà tặng sinh nhật mẹ mua cho khi em vừa tròn 9 tuổi [10-10-2004].

Chiếc đồng hồ vỏ bằng nhựa màu mận đỏ thẫm, mặt kính hình vuông. Các vạch phút, các con số chỉ giờ được bố trí trên đường tròn. Dưới con số 12 có hình vẽ trăng lưỡi liềm. Có 4 chiếc kim, to nhỏ, dài ngắn, màu sắc khác nhau. Kim ngắn nhất, to nhất chỉ giờ. Kim chỉ phút dài hơn, thanh mảnh hơn. Đầu kim giờ, kim phút có vệt lân tinh màu xanh nước biển để có thể nhìn rõ được trong đêm tối. Kim giây dài nhất đen nhánh, thon dài như cái tăm, lúc nào cũng cần mẫn chuyển động theo vòng tròn. Kim chuông báo thức màu rêu, dài hơn kim giờ một tí, nhỉnh hơn kim giây. Bốn chiếc kim đính chung vào một cái chốt nằm giữa tâm vòng tròn; cái chốt đen nhánh xinh xinh như một cái cúc bằng kim cương, óng ánh.

Phía sau mặt đồng hồ là một buồng máy hiện rõ trên vách nhựa trong, một cái khoang lắp pin tiểu “Con Thỏ”. Có 2 cái núm bằng 2 chiếc cúc bạc để điều khiển giờ, phút và chuông báo thức. Có một gạt nhỏ bằng nhựa trong suốt để định giờ cho chuông reo. Cái Lý con chú Tâm học lớp 5 vừa bày cho em cách lắp pin, cách điều chỉnh giờ phút, cách dùng chuông báo thức. Nó chê em là nhà quê, dễ ợt mà chẳng biết. Không biết, hỏi, có chi mà tự ái, em nghĩ thế! Trước đây, gia đình em cũng có một cái đồng hồ “Ba con mèo” nhưng lâu nay nó hay giở chứng, như con bò già ì à ì ạch, có hôm chạy chậm đến nửa tiếng. Từ ngày có cái đồng hồ điện tử báo thức ngồi chễm chệ trên bàn học, em đến trường rất chủ động. 6h30′ mỗi sáng, em khoác ba lô sách vở lên vai, đội mũ lên đầu, chào ông bà, chào bố mẹ, em đi bộ đến trường. Chiều nào cũng 13h30′ em đi đến lớp.

Chưa bao giờ đến muộn như một vài bạn khác. Việc học tập ở nhà, em làm đúng giờ bố mẹ dặn: 19h-21h30′ học bài, làm bài. 21h45′ đi ngủ. 6h nghe chuông reo, em thức dậy, rửa mặt, đánh răng, ôn lại bài độ 10-15 phút, rồi chuẩn bị đi học.

Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ bé đối với em vô cùng thân thiết. Nó rèn luyện cho em đức tính chu đáo, khoa học trong cuộc sống, học tập, nghỉ ngơi và vui chơi hằng ngày. Em không còn phải chạy táo tác sang nhà chú Hy hỏi giờ như mọi khi nữa.

Chiếc đồng hồ là quà tặng, chứa đựng bao tình thương của mẹ: “Lan ơi! Con gái mẹ, ngày mai bước sang 10 tuổi rồi đấy nhé”. Mẹ vừa nói vừa ôm con gái bé bỏng vào lòng. Có nhiều hôm giữa đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng kêu “tích tích”, đều đều, em tưởng như cái đồng hồ nhỏ bé đang thầm với em: “Cố gắng! Cố gắng!” Mỗi sớm, trong tiếng gà gáy lao xao gần xa, tiếng chuông đồng hồ reo, đối với em đó là khúc ca bình minh, là hành khúc lên đường.

Nhiều lúc, ngắm chiếc đồng hồ bé nhỏ thân yêu, em khẽ thốt lên: “Chú mày ơi, ta yêu chú mày lắm! Chú mày vừa bảo cho ta biết: Giờ còn quý hơn vàng bạc!…”.

1. Mở bài: Giới thiệu quyển sách Tiếng Việt 5, tập 2 [Mẹ mua cùng lúc trọn bộ sách giáo khoa lớp năm khi em bước vào năm học mới.].

2. Thân bài:

a. Tả bao quát:

– Hình dáng: quyển sách Tiếng Việt lớp 5 – tập hai hình chữ nhật dài hai mươi bốn xăng-ti-mét, rộng mười bảy xăng-ti-mét, bề dày của sách một xăng-ti-mét.

b. Tả chi tiết:

– Mặt trước trang bìa: đầu trang in hàng chữ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, tên sách Tiếng Việt 5, tập hai. Cuối trang in logo của Nhà xuất bản Giáo dục. Hình vẽ ở trang bìa màu sắc hài hòa, đẹp mắt: Một nhóm học sinh ngồi ở bãi cỏ, một bạn chỉ tay về phía chân trời; xa xa, bà con nông dân đang cấy lúa; bác nông dân lùa trâu cày ruộng; bầu trời xanh bao la; những mái nhà ngói đỏ lấp ló trong rặng cây; phía chân trời, dãy núi cao xanh thẳm tiếp giáp biển; trên biển, tàu thuyền đang ra khơi, bầy hải âu tung cánh bay lên bầu trời xanh bao la.

Mặt sau trang bìa in các giải thưởng của Nhà xuất bản Giáo dục đã được trao tặng, góc cuối trang có giá tiền quyển sách.

– Bên trong sách: có tên của những tác giả tham gia soạn sách được in ở đầu trang, trang tiếp theo là bảng giải thích các kí hiệu dùng trong sách và những người chịu trách nhiệm xuất bản cũng như về nội dung và hình thức của sách.

– Bài học bố trí trong sách:

+ Chương trình học kì II gồm mười bảy tuần, mỗi tuần học có các bài học được xếp theo chủ điểm. Tiếng Việt bao gồm các phân môn: Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn. Hình minh họa bài học được in màu. Đầu tuần học in rõ chủ điểm và hình màu lớn, đẹp. Hai trang cuối là mục lục sách.

+ Mỗi bài học được trình bày như thế nào? [gồm nội dung bài học, các ghi nhớ và bài tập ứng dụng].

+ Em giữ gìn sách như thế nào? [bao bìa cẩn thận, không ném sách hoặc gập sách, lật giấy nhẹ nhàng, không làm cong bìa, cong góc sách].

+ Em sử dụng sách như thế nào? [đọc kĩ bài học, làm bài luyện tập, không ghi chú, vẽ bậy vào sách].

+ Tình cảm của em đối với sách: thận trọng, giữ gìn sách như người thầy thầm lặng cung cấp kiến thức cho em.

3. Kết luận:

- Xem sách như kho tàng kiến thức của dân tộc Việt, của loài người.

- Tình cảm đối với sách

Ảnh minh họa [Nguồn internet]

Video liên quan

Chủ Đề