Nghiên cứu thị trường xuất khẩu nông sản

Cập nhật vào: Thứ năm - 13/05/2021 23:39 Cỡ chữ

 

Năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - châu Phi đã đạt 6,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi tăng trưởng 15% và ước đạt 3,1 tỷ USD. Bên cạnh các nước khu vực Bắc Phi và thị trường Nam Phi, khu vực các nước Tây Phi được xem là thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam thời gian qua. Đây là khu vực cửa ngõ thâm nhập châu lục với lợi thế dân số đông, có nền chính trị tương đối ổn định, tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh. Để tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang châu Phi, cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu về châu lục này, đặc biệt tập trung vào khu vực thị trường có sức tiêu thụ lớn như Tây Phi, đánh giá đúng thực trạng hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực thời gian qua, trên cơ sở đó xây dựng các quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực thị trường mới và nhiều tiềm năng này.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, nhóm thực hiện đề tài do CN. Ngô Khải Hoàn, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường các nước khu vực Tây Phi”. Đề tài sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Phi trong thời gian tới. Các mặt hàng nông sản trọng tâm chính của Việt Nam vào khu vực này sẽ bao gồm gạo, hồ tiêu và cà phê.

Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường các nước khu vực Tây Phi như sau:

1. Các giải pháp từ phía Nhà nước

Tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, mở rộng mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại khu vực Tây Phi và ngược lại; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho xuất khẩu và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thị trường Tây Phi và các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu; Phát triển nguồn nhân lực cho đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại.

2. Các giải pháp từ phía Hiệp hội, doanh nghiệp

- Đối với các hiệp hội: Để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường khu vực thị trường Tây Phi, trong thời gian tới các Hiệp hội cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hội viên để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo giao lưu với các hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, kêu gọi các hội viên tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, tổ chức tập huấn…  Tổ chức đi thăm hỏi, động viên khảo sát nắm bắt tình hình bà con nông dân và các doanh nghiệp chế biến sản.

-  Đối với doanh nghiệp: cần nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu và lựa chọn phương thức thích hợp để chủ động thâm nhập vào thị trường Tây Phi. Cần xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng, lợi thế của doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu sang thị trường khu vực Tây Phi. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu và nghiên cứu thành lập kho ngoại quan tại khu vực này. Đầu tư sản xuất tại nước sở tại và gắn xuất khẩu với nhập khẩu.

3. Một số kiến nghị

- Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Tăng cường trao đổi đoàn cấp cao với các nước Tây Phi. Nghiên cứu đàm phán ký kết các FTA với khối Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi [ECOWAS]. Tập trung tháo gỡ rào cản, thường xuyên kết nối chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng. Mở các trung tâm giới thiệu hàng nông sản, kho ngoại quan để các doanh nghiệp có thể đưa hàng vào trưng bày. Đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp. Nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả điều hành công tác xúc tiến thương mại: đa dạng hoá và mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại. Cần tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế cung cấp, dự báo thông tin thị trường, tư vấn đầu tư, thương mại, tư vấn pháp luật, môi trường kinh doanh ở Tây Phi cho cộng đồng doanh nghiệp. Mở rộng mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại tại một số thị trường trọng điểm. Tăng cường hợp tác với cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại Tây Phi.

Đối với các doanh nghiệp: Xây dựng phương án và chiến lược kinh doanh phù hợp tại thị trường Tây Phi trên cơ sở lợi thế so sánh của doanh nghiệp. Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa cùng với nâng cao vai trò tham gia của các hợp tác xã vào chuỗi liên kết; tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo quy trình kỹ thuật sản xuất đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu. Cần nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn việc mở hoặc thuê kho ngoại quan, trung tâm giới thiệu sản phẩm để giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng và đối tác tiềm năng tại khu vực này. Tích cực tham gia các đoàn giao thương, chương trình xúc tiến thương mại tại Tây Phi do Nhà nước tổ chức. Nâng cao hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu với Tây Phi thông qua hình thức trao đổi hàng hai chiều, xuất khẩu trực tiếp không qua trung gian, tham gia vào các chương trình viện trợ và hợp tác 3 bên tại một số nước Tây Phi nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng nông nghiệp so với hàng xuất khẩu tương tự từ các nước khác…

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp trong việc tăng cường đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường các nước khu vực Tây Phi.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài [Mã số 15723/2018] tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T [NASATI]

Cập nhật vào: Thứ ba - 15/12/2020 23:04 Cỡ chữ

 

Liên minh Châu Âu [EU] là khu vực kinh tế thịnh vượng với GDP chiếm khoảng 23% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quân đầu người lên tới 40.890 USD/người/năm. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu vào tháng 10 năm 1990, quan hệ thương mại Việt Nam - EU không ngừng phát triển. EU trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động thương mại. Hiện nay, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là khu vực Tây Âu. Khu vực Tây Âu với các quốc gia Đức, Pháp, Hà Lan, I-ta-li-a và Bỉ đều là những cường quốc của Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Quy mô, dung lượng thị trường, tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở khu vực này là rất lớn, đa dạng và tiềm năng, mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu nghiêm khắc về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sắp tới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh Châu Âu được ký kết và có hiệu lực, khả năng tăng trưởng kim ngạch thương mại vào thị trường một số nước Tây Âu trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan là rất lớn. Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Tây Âu đã có những chuyển biến tích cực như sự tăng lên về kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng được cải thiện theo chiều hướng đa dạng hóa, giảm tỷ trọng loại hàng hóa chưa qua chế biến, tăng tỷ trọng hàng đã qua chế biến. Tuy nhiên kim ngạch những mặt hàng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu do ThS.Trần Đình Hiệp, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Tây Âu”, nhằm phân tích kỹ lưỡng thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường một số nước Tây Âu được lựa chọn, trên cơ sở đó đánh giá về tiềm năng, triển vọng phát triển thị trường và đưa ra những giải pháp cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang khu vực thị trường này. Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh Châu Âu được ký kết và có hiệu lực, khả năng tăng trưởng kim ngạch thương mại vào thị trường một số nước Tây Âu trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan là rất lớn. Với mục tiêu nghiên cứu thị trường hàng nông sản ở một số nước Tây Âu và phân tích thực trạng xuất khẩu hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, bao gồm các mặt hàng cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, cao su, đề tài sẽ đề xuất các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường này đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đặc biệt tập trung kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Qua một thời gian thực hiện, đề tài đưa ra kết luận như sau:

Trong công cuộc đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa là chìa khóa vô cùng quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Có thể khẳng định rằng, không có nước nào trên thế giới trở thành nước có thu nhập cao mà không có xuất khẩu. Liên minh Châu Âu [EU], khu vực kinh tế thịnh vượng, là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong đó nổi lên là các cường quốc khu vực Tây Âu với các quốc gia Đức, Pháp, Hà Lan, I-ta-li-a và Bỉ. Đây là những thị trường có quy mô, dung lượng, tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản rất lớn và tiềm năng, mở ra những cơ hội cho xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu nghiêm khắc về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm. Đó là những thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp nước ta khi xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường này.

Hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới có thắng được hàng nước khác hay không còn do ta có sản xuất theo chất lượng mà khách hàng mong muốn, với giá thành thấp nhất hay không. Vì thế việc sống còn của nông sản Việt Nam chính là “chất lượng và giá rẻ”. Phải có hợp tác giữa lực lượng sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp đầu ra. Trên hết Nhà nước cần hoàn thiện môi trường pháp lý, đổi mới chính sách đầu tư và tín dụng, đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nhà nước là cần nhưng không phải là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, cần phải quan tâm đầu tư bảo quản chất lượng của sản phẩm ngay từ lúc nông dân thu hoạch, và tổ chức sản xuất sao cho giá thành thấp nhất, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên thị trường khu vực các nước Tây Âu, tăng cường đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu nông sản, coi trọng đăng ký thương hiệu, thiết kế nhãn mác và mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, đảm bảo các chứng chỉ cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường Tây Âu.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài [Mã số 15555/2018] tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T [NASATI]

Video liên quan

Chủ Đề