Những ngân hàng nào cho Tân Hoàng Minh vay

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước [UBCKNN] vừa công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của ba công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Các trái phiếu này được chào bán bởi do Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung Điện Mùa Đông và Công ty Soleil trong thời gian từ 7/2021 đến 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng.

UBCKNN cho rằng ba công ty đã đưa thông tin sai sự thật và che giấu thông tin khi tung ra các đợt phát hành trái phiếu đó.

Với quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có hiệu lực từ 3/4, nay các trái phiếu liên quan sẽ không thể thực hiện việc chuyển quyền sở hữu hay tất toán.

Tân Hoàng Minh là một trong những doanh nghiệp được “nhắc tên” nhiều nhất trong thời gian gần đây, sau vụ công ty thành viên của tập đoàn là Ngôi Sao Việt hồi trung tuần 12/2021 thắng thầu với giá kỷ lục một lô đất vàng ở Thủ Thiêm. Chỉ ít tuần sau đó, Chủ tịch Tân Hoàng Minh là ông Đỗ Anh Dũng xin rút lui, chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng tiền đặt cọc đấu thầu.

Những ngân hàng nào tham gia cùng Tân Hoàng Minh?

Thông tin từ kết quả phát hành các lô trái phiếu của các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết tài sản bảo đảm của 8 lô trái phiếu đã công bố đang được quản lý tại hai ngân hàng là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam [VietinBank] và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội [SHB].

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu 800 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt được đảm bảo bằng 100% vốn góp tại Việt Tiến, tương đương 6 triệu cổ phần, thuộc sở hữu của ông Đỗ Anh Dũng [38,9%] và hai người con, ông Đỗ Hoàng Minh [60,6%] và ông Đỗ Hoàng Việt [0,5%]. Số tài sản này đang được SHB quản lý.

Theo chứng thư thẩm định giá do Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội thực hiện tại 31/3/2021, phần vốn góp tại Việt Tiến thuộc sở hữu của 3 cá nhân nói trên được định giá hơn 1.640 tỷ đồng, tương đương khoảng 273.000 đồng/cp [vốn điều lệ của Việt Tiến tại thời điểm này là 600 tỷ đồng].

Hồi tháng 9/2021, VietinBank cũng nhận quản lý tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu do Công ty Ngôi Sao Việt phát hành trị giá 1.900 tỷ đồng [để góp vốn Hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt - Hà Nội].

Tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ Hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh ngày 02/08/2021 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Hợp đồng này [nếu có] mà Công ty TNHH Đầu Tư Bất Động Sản Ngôi Sao Việt đã ký với Công Ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt.

Ba lô trái phiếu của CTCP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil được thế chấp bằng nhiều tài sản từ bất động sản đến quyền lợi phát sinh đi kèm.

Cụ thể, công ty đã thế chấp quyền sở hữu đất và tài sản hình thành trên đất của 23 căn shophouse và một khu khách sạn tại dự án Hoàng Hải Complex; quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất của công ty Hoàng Hải Phú Quốc; quyền tài sản phát sinh từ phần xây dựng hình thành trong tương lai theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Các tài sản này đang được SHB đại diện quản lý và nhận thế chấp.

Cùng với đó, Soleil cũng đang có hai hợp đồng đăng ký giao dịch đảm bảo với VietinBank.

Tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hai Hợp đồng Hợp tác đầu tư và các văn bản sửa đổi, bổ sung cho hai hợp đồng này [nếu có] mà CTCP Đầu Tư & Dịch Vụ Khách Sạn Soleil đã ký với CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc.

Đây là tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu bị hủy do CTCP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil phát hành, có mã SOLCH2123002 trị giá 450 tỷ đồng và mã SOLCH2124003 trị giá 500 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này đều được bảo lãnh bởi CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc nhằm kinh doanh dự án khu du lịch phức hợp Hoàng Hải tại Kiên Giang.

Đối với ba lô trái phiếu của CTCP Cung điện Mùa Đông, tài sản bảo đảm hiện đang được VietinBank nhận thế chấp và quản lý.

Tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất của công ty Hoàng Hải Phú Quốc; quyền tài sản phát sinh từ phần xây dựng hình thành trong tương lai theo hợp đồng hợp tác đầu tư; giá trị quyền tài sản của Cung Điện Mùa Đông phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp và Hoàng Hải Phú Quốc; 10 triệu cp của Cung Điện Mùa Đông với giá 27.163 đồng/cp thuộc sở hữu của bà Vũ Mỹ Linh – Thành viên HĐQT.

Như vậy, tổng số tiền huy động từ các đợt phát hành trái phiếu của 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang được công bố thông tin trên website Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 8.130 tỷ đồng, chênh lệch 1.900 tỷ đồng so với con số trong thông cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hồng Giang

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán   

VCBS: Nếu Tân Hoàng Minh vỡ nợ, nhiều ngân hàng và thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS cũng cho rằng, sự việc Tân Hoàng Minh sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp ngành này.

Tài sản đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Tân Hoàng Minh có mức độ khả thi thấp

Liên quan đến quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, theo thông tin công bố trên cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp, các khoản trái phiếu của các doanh nghiệp trên đều là các trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất kèm chứng thư định giá hoặc bằng các tài sản thế chấp là cổ phiếu với giá trị theo chứng thư định giá có giá trị 130% - 200% giá trị của các đợt huy động.

Tuy nhiên, đây hầu hết là các doanh nghiệp chưa niêm yết do đó khả năng thanh lý tài sản đảm bảo sẽ có mức độ khả thi thấp hơn và mất nhiều thời gian trong quá trình xử lý thu hồi tài sản đảm bảo.

Trên thực tế, các lô trái phiếu trên phần nhiều đã được phân phối đến các nhà đầu tư cá nhân với các gói kỳ hạn và giá trị linh hoạt. Cùng với đó, trong 8 lô trái phiếu đã tiến hàng công bố thông tin, 2 lô đã hoàn thành kỳ trả lãi đầu tiên cho các trái chủ. Điều này tiềm ẩn nhiều phức tạp trong quá trình huỷ các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trên. Do đó, cần thêm thời gian để chờ đợi các văn bản hướng dẫn của các cơ quan lý đối với hướng giải quyết dành cho các trái chủ.

Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản và thị trường tài chính bị ảnh hưởng

VCBS đánh giá, trong trường hợp các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân thì mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp.

Ngược lại nếu Tân Hoàng Minh vỡ nợ hoặc phá sản thì lúc đó thị trường tài chính cũng như các ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng cho Tân Hoàng Minh sẽ chịu tác động lan tỏa mạnh hơn. Về phía các ngân hàng, tác động trực tiếp của việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh là không nhiều.

Đối với các ngân hàng với vai trò là bên mua trái phiếu, theo thông tin hiện có thì các tổ chức tín dụng đã tham gia mua ít nhất 3 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, tuy nhiên quy mô của 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của 3 đợt ở trên và 10.000 tỷ đồng trái phiếu của cả 9 đợt phát hành vẫn là mức có tỷ trọng thấp so với tổng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp cùng ngành trên khi nhà đầu tư sẽ có góc nhìn dè dặt hơn rất nhiều về tính an toàn của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản từ năm 2018 khi nguồn tín dụng cho bất động sản bắt đầu được siết chặt.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản tương đương có thể cân nhắc tất toán bán lại trước thời hạn và chấp nhận chi phí phạt hoặc bán với giá chiết khấu.

Ở chiều ngược lại, các tổ chức tài chính có thể được hưởng lợi về phí, nhưng sẽ đối mặt áp lực hấp thụ nguồn cung đột biến này. Điều này có thể tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hay vàng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng vẫn đang được duy trì ở ngưỡng thấp so với thời điểm trước dịch.

Nhìn rộng hơn, đứng từ góc độ cơ quan quản lý, đây là bước đi được cho là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn.

Đồng thời, không loại trừ khả năng thông tư sửa đổi Thông tư 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những điều khoản siết chặt hơn so với dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến thị trường.

Ở một khía cạnh khác sự kiện này là cơ hội để các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp chất lượng khẳng định được độ tín nhiệm với các nhà đầu tư.

“Nhìn chung, các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong linh vực tài chính, chứng khoán sẽ góp phần thanh lọc thị trường gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung”, VCBS nhận định.

Video liên quan

Chủ Đề