Những tồn tại khí xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

19/06/2020 0 Quản lý nhà nước

Cơ sở dữ liệu địa chính và vai trò của nó trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Nguyên tắc xây dựng và cấu trúc của cơ sở dữ liệu địa chính, các quy định kỹ thuật khi xây dựng. Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Trong nhiều năm qua, các địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa bàn.

Xem thêm:

Khái niệm, nguồn gốc và bản chất của pháp luật nhà nước

Các học thuyết tiêu biểu về nguồn gốc của nhà nước

1. Khái niệm và vai trò của cơ sở dữ liệu địa chính

Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Trong nhiều năm qua, các địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa bàn. Một số tỉnh đã cơ bản xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đã tổ chức quản lý, vận hành phục vụ yêu cầu khai thác sử dụng rất hiệu quả và được cập nhật biến động thường xuyên ở các cấp tỉnh, huyện.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu [gọi tắt là: CSDL] địa chính nhằm hiện đại hoá hệ thống công tác quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, đến các huyện, thành phố, thị xã [gọi chung là cấp huyện] và các xã, phường, thị trấn [gọi chung là cấp xã] đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác phục vụ tốt quản lý Nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế; phát triển Chính phủ điện tử trong ngành tài nguyên và môi trường và đặc biệt là nhu cầu khai thác thông tin thường xuyên cho người dân và doanh nghiệp góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản.

Từng bước hoàn thiện, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng, khai thác tiềm năng quỹ đất, cung cấp các thông tin về đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Thiết lập mạng lưới thông tin giao diện, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, phục vụ cho việc quản lý và khai thác thông tin đất đai.

Trong suốt thời gian qua, công tác quản lý đất đai đã liên tục được hoàn thiện về thể chế, chính sách và công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và minh bạch thông tin về đất đai. Điều này dẫn tới việc có nhiều dữ liệu đất đai được lập, thu thập và sử dụng ở các thời kỳ khác nhau, kể cả những tài liệu từ những chế độ trước. Khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, tất cả các dữ liệu đều phải được xem xét và cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu đất đai. Tuy nhiên, các quy định kỹ thuật xây dựng và chuẩn hóa dữ liệu mới chỉ tập trung cho các dạng dữ liệu đất đai được xây dựng một cách chính quy gần đây [như bản đồ địa chính chính quy, hồ sơ địa chính theo thông tư 09/2007/TT-BTNMT], chưa được cụ thể hóa theo các dạng dữ liệu đất đai đã có từ các thời kỳ trước.

Để hoàn thiện các quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai, trong quá trình xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, cần thiết phải rà soát lại các quy định kỹ thuật liên quan, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của công tác quản lý. Từ đó nghiên cứu đưa ra các quy trình chuẩn hóa các dữ liệu đất đai này phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là rất cần thiết và phù hợp với đặc thù của công tác quản lý đất đai của chúng ta hiện nay

2. Cấu trúc của cơ sở dữ liệu địa chính

Cơ sở dữ liệu địa chính bao gồm dữ liệu bản đồ địa chính và các dữ liệu thuộc tính địa chính.

Dữ liệu bản đồ địa chính được lập để mô tả các yếu tố gồm tự nhiên có liên quan đến việc sử dụng đất bao gồm các thông tin:

  • Vị trí, hình dạng, kích thước, toạ độ đỉnh thửa, số thứ tự, diện tích, mục đích sử dụng của các thửa đất;
  • Vị trí, hình dạng, diện tích của hệ thống thuỷ văn gồm sông, ngòi, kênh, rạch, suối; hệ thống thuỷ lợi gồm hệ thống dẫn nước, đê, đập, cống; hệ thống đường giao thông gồm đường bộ, đường sắt, cầu và các khu vực đất chưa sử dụng không có ranh giới thửa khép kín;
  • Vị trí, tọa độ các mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp, mốc giới và chỉ giới quy hoạch sử dụng đất, mốc giới và ranh giới hành lang bảo vệ an toàn công trình;
  • Điểm toạ độ địa chính, địa danh và các ghi chú thuyết minh.

Các dữ liệu thuộc tính địa chính được lập để thể hiện nội dung của Sổ mục kê đất đai, Sổ địa chính và Sổ theo dõi biến động đất đai quy định tại Điều 47 của Luật Đất đai bao gồm các thông tin:

  • Thửa đất gồm mã thửa, diện tích, tình trạng đo đạc lập bản đồ địa chính;
  • Các đối tượng có chiếm đất nhưng không tạo thành thửa đất [không có ranh giới khép kín trên bản đồ] gồm tên gọi, mã của đối tượng, diện tích của hệ thống thủy văn, hệ thống thủy lợi, hệ thống đường giao thông và các khu vực đất chưa sử dụng không có ranh giới thửa khép kín;
  • Người sử dụng đất hoặc người quản lý đất gồm tên, địa chỉ, thông tin về chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, văn bản về việc thành lập tổ chức;
  • Tình trạng sử dụng của thửa đất gồm hình thức sử dụng, thời hạn sử dụng, nguồn gốc sử dụng, những hạn chế về quyền sử dụng đất, số hiệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, mục đích sử dụng, giá đất, tài sản gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai;
  • Những biến động về sử dụng đất trong quá trình sử dụng gồm những thay đổi về thửa đất, về người sử dụng đất, về tình trạng sử dụng đất.

3. Nguyên tắc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

Cơ sở dữ liệu địa chính được xây dựng tập trung thống nhất từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Việc xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác sử dụng dữ liệu địa chính phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, kịp thời và thực hiện theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được thực hiện như sau:

Cơ sở dữ liệu địa chính cấp xã là thành phần cơ bản của hệ thông cơ sở dữ liệu địa chính. Cơ sở dữ liệu địa chính của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là tập hợp cơ sở dữ liệu địa chính của tất cả các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện; đối với các huyện không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thì cấp huyện là đơn vị cơ bản để thành lập cơ sở dữ liệu địa chính.

Cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tập hợp cơ sở dữ liệu địa chính của tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh. Cơ sở dữ liệu địa chính cấp Trung ương là tổng hợp cơ sở dữ liệu địa chính của tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh trên phạm vi cả nước. 

4. Các quy định kỹ thuật về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

Trong thực tế sử dụng dữ liệu địa chính đặt ra các nhu cầu khác nhau, các nhu cầu này cũng có các đòi hỏi khác nhau. Chính vì vậy, xuất phát từ yêu cầu thực tế là các hệ thống thông tin nói chung và các hệ thống thông tin dữ liệu địa chính nói riêng luôn có nhu cầu giao tiếp với nhau, nghĩa là thông tin sẽ được truyền tải từ hệ thống này sang hệ thống khác.

Vì vậy yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các hệ thống có thể trao đổi thông tin với nhau, phương pháp đơn giản và có hiệu quả nhất là các hệ thống phải xây dựng cấu trúc thông tin của mình theo một tập các quy tắc chung.

Xuất phát từ các yêu cầu đó, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng quy định kỹ thuật chuẩn dữ liệu địa chính Việt Nam ban hành áp dụng thống nhất trong cả nước đối với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo thông tư 17/2010/TT-BTNMT, để Quy định kỹ thuật về chuẩn địa chính Việt Nam được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu chuẩn hoá cho các hoạt động sau:

  • Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính: dữ liệu địa chính phải được xây dựng trên cơ sở một quy định chung, nhằm đảm bảo toàn bộ dữ liệu địa chính đều được xây dựng dựa trên các mô hình khái niệm và các quy tắc chung;
  • Trao đổi và chia sẻ dữ liệu địa chính: dữ liệu địa chính được trao đổi và chia sẻ trên cơ sở mọi dữ liệu địa chính được định nghĩa và xây dựng theo một quy định chuẩn dữ liệu địa chính chung, được mã hoá theo quy định, độc lập nền tảng, và được chia sẻ thông qua các dịch vụ về dữ liệu mở;
  • Cập nhật dữ liệu địa chính: các quy định kỹ thuật về chuẩn dữ liệu địa chính được thiết kế sao cho có thể hỗ trợ tối đa cho các hoạt động cập nhật dữ liệu địa chính.

Quy định kỹ thuật về chuẩn dữ liệu địa chính gồm 06 quy định cụ thể sau đây:

  1. Quy định nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin dữ liệu địa chính;
  2. Quy định hệ quy chiếu tọa độ áp dụng cho dữ liệu địa chính;
  3. Quy định siêu dữ liệu địa chính;
  4. Quy định chất lượng dữ liệu địa chính;
  5. Quy định trình bày dữ liệu địa chính;
  6. Quy định trao đổi, phân phối dữ liệu địa chính.

Quy định kỹ thuật  về chuẩn dữ liệu địa chính được xây dựng trên quan điểm kế thừa của chuẩn thông tin địa lý quốc gia, do đó, nó có quan hệ mật thiết với các thành phần:

  • Các chuẩn thông tin địa lý quốc tế đang được áp dụng để chuẩn hoá dữ liệu địa lý cơ sở quốc gia;
  • Các quy phạm kỹ thuật và các quy định hiện hành có liên quan đến việc chuẩn hoá thông tin dữ liệu địa chính [các loại danh mục đối tượng bản đồ, các quy phạm thành lập bản đồ địa chính, hướng dẫn thẩm định chất lượng sản phẩm bản đồ địa chính…];
  • Các sản phẩm dữ liệu địa chính có được từ việc áp dụng các quy định chuẩn hóa dữ liệu địa chính;
  • Các loại đối tượng sử dụng các sản phẩm dữ liệu địa chính, cũng như các sản phẩm dẫn xuất từ dữ liệu địa chính;
  • Các quy trình kỹ thuật – công nghệ và công cụ phần mềm cần thiết nhằm thúc đẩy việc áp dụng và triển khai quy định chuẩn dữ liệu địa chính trong thực tiễn.[4]

5. Một số phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu địa chính đang áp dụng tại Việt Nam

5.1. Phần mềm xây dựng bản đồ địa chính

Tại nước ta nói chung hiện nay chủ yếu sử dụng các phần mềm như Auto Cad, Microstion SE, Microstion V8,.. để thành lập bản đồ địa chính. Các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực đo đạc bản đồ đang sử dụng các phần mềm được xây dựng từ các dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp tư nhân:

Phần mềm FAMIS: một modul chạy trên nền Microstion SE, phần mềm này được xây dựng từ khá sớm trong giai đoạn đầu ứng dụng công nghệ số vào công tác đo đạc và thành lập bản đồ địa chính. Phần mềm này được cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp, các Sở Tài nguyên và Môi trường để ứng dụng thành lập bản đồ địa chính;

Phần mềm eMap: phần mềm này được xây dựng bởi công ty TNHH Tin học eK. Phần mềm này hiện đang được sử dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp của Bộ, các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực đo đạc bản đồ và một số Sở Tài nguyên  và Môi trường;

Phần mềm CESMAP: phần mềm này được xây dựng trong môi trường AutoCAD bởi công ty Địa chính công trình;

Phần mềm TMV.MAP: phần mềm được xây dựng bởi Công ty cổ phần công nghệ thông tin địa lý EK thuộc Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường.

5.2. Phần mềm xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu

Phần mềm CiLIS, ELIS: Các phần mềm được xây dựng bởi Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Phần  mềm ViLIS:  phần mềm được  xây dựng bởi Trung  tâm Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Phần mềm TMV.LIS: phần mềm được xây dựng bởi Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường.

Xem thêm: 

Tổng quan về quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng

Cơ quan hành chính Nhà nước là gì? Đặc điểm và phân loại

Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết nhất về cơ sở dữ liệu địa chính. Hi vọng bài viết có thể giúp ích được cho bạn. Thường xuyên ghé thăm trang web của chúng tôi để bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé.

Nguồn: Khoaluantotnghiep.com

Tôi là Nguyễn Thủy Tiên, tôi theo học chuyên ngành kinh tế nhưng lại rất yêu thích viết lách. Đến nay, tôi đã có hơn 5 năm kinh nghiệm viết bài cũng như trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện tại tôi là người đảm nhiệm vị trí Content Leader tại Khóa Luận Tốt Nghiệp, tất cả nội dung trên website đều được tôi lên kế hoạch và kiểm duyệt.

Hy vọng với vốn kiến thức và chuyên môn của mình, tôi có thể giúp các bạn tiếp cận thêm được thật nhiều những kiến thức bổ ích nhất!

Video liên quan

Chủ Đề