Nội dung và cách trình bày nhan đề của văn bản

Nhan đề, thể loại, văn phong, thời đại và kiểu tác giả….

Cách đặt nhan đề trong tác phẩm tự sự và thơ trữ tình rất đa dạng.

Nhan đề truyện ngắn có thể trở thành một điểm nhấn về một hiện tượng, một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh, hay mảnh nhỏ nào đó của thế giới. Đối với tự truyện, nhan đề bộc lộ rõ cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư hoặc nhấn mạnh tiểu sử, sự trải nghiệm [Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi - Gorki...]. Nhan đề tiểu thuyết có xu hướng khái quát [Chiến tranh và hoà bình, Sông Đông êm đềm...]. thời trung đại, nhiều nhan đề tiểu thuyết thông báo trước cho người đọc tính chất ghi chép của tác phẩm, chú ý đến các biến cố, sự kiện trong không gian thực [Hoàng Lê nhất thống chí; Tây Dương Gia Tô bí lục...]. Về sau, nhan đề phản ánh sự quan tâm của nhà văn tới phương diện dòng ý thức, tức là chú ý nhiều hơn đến bề sâu nội tâm [Sống mòn, Đi tìm thời gian đã mất...].

Chúng ta thường gặp những nhan đề thông báo nhân vật trung tâm của tác phẩm [Chí Phèo, Lão Hạc…], có khi cho biết trước hai, ba nhân vật chính của truyện [ví dụ: Ngọc Kiều Lê tân truyện, Kim Vân Kiều truyện, Tống Trân -Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa]. Nhan đề cũng có thể nêu bật một nhận xét, quan điểm nào đó của tác giả hay của nhân vật chính trong truyện: Trẻ con không được ăn thịt chó, Cái mặt không chơi được [Nam Cao]; Đời là một cuộc chiến đấu [Vũ Trọng Phụng], Rồi cũng tới nơi thôi, Mùa đông ấm áp ,Với tay là đến [Nguyễn Thị Thu Huệ]; Đời thế mà vui, Sống dễ lắm [Nguyễn Huy Thiệp]; Lít, người gác chắn can đảm [Ma Văn Kháng]... Nhan đề hé mở một phần nội dung câu chuyện: Ông tiên ăn mày [Vũ Trinh], Con chó nhà nghèo có nghĩa [Phạm Quí Thích], Nghiệp oan của Đào thị, Từ Thức lấy vợ tiên [Nguyễn Dữ], Giấc mơ của bà nội [Ma Văn Kháng], Đứa con trở về, Tìm chồng cho má [Lê Văn Thảo]... Nhan đề nêu phẩm chất, tính cách nhân vật: Con người điêu trá [Vũ Trọng Phụng].

Ngoài ra còn có các kiểu đặt nhan đề sau: Nhan đề nêu thời gian không gian địa danh cụ thể, “chỉ ra sự hình thành của cá nhân, hành trình và cả những khủng hoảng lớn của nó” [Tadié]. Nhan đề nêu tình huống và sắc điệu thẩm mỹ, ví dụ “Vợ nhặt” [Kim Lân] - một bên biểu tượng cho khao khát hạnh phúc, thông báo chuyện hệ trọng lớn lao, thiêng liêng của đời người [vợ], một bên biểu tượng cho sự tầm thường, giản đơn như một chuyện đùa [nhặt]. Nhan đề tác phẩm có thể nêu sự kiện gặp gỡ, có ý nghĩa tổng kết một vài hành động cách ứng xử. Nhan đề nêu ngoại hình nhân vật, nguồn gốc sự việc, con vật, mối quan hệ của nhân vật này với nhân vật kia; gợi một sự tích nào đó. Nhan đề giới thiệu vị trí, vai trò, quyền tước, xuất xứ của nhân vật; cũng có thể là câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao hay luận đề nào đó [Sống chết mặc bay - Phạm Duy Tốn, Đôi mắt - Nam Cao…]. Nhan đề là câu hỏi [Làm gì?]. Nhan đề nêu một giả định, một sự phi lí, bất thường, nêu một sự hi hữu lạ lẫm hoặc một lời khuyên... Thôi thì muôn hình vạn trạng!

Thơ trữ tình có kiểu đặt nhan đề khác với loại hình tự sự. Nhan đề của kiểu tác giả ngôn chí trong văn học trung đại thường nêu lý tưởng, chí hướng của loại người nào đó hay của chính tác giả. Cũng có khi nhan đề nêu hoàn cảnh cảm hứng, cách thức thể hiện tình cảm, tâm trạng, cho biết tâm thế trữ tình của người phát ngôn: Thuật hoài, ngôn hoài, cảm hoài, cảm tác, tự tình,tự thuật, tự trào, ngẫu tác, ngẫu thành, cảm thành, hữu cảm, tức sự, mạn hứng, hứng, ngâm, vịnh, than, thán, mộng... Nhan đề gợi trạng huống nhân tình, thế thái [Thầy đồ ve gái goá, Anh giả điếc - Nguyễn Khuyến…] nêu cảnh tượng, cảnh tình nào đó [Học trò ngủ gật, Tiếng đập vải đêm thu, Không chồng mà chửa, Thiếu nữ ngủ ngày, Lũ ngẩn ngơ...], đôi lúc thể hiện quan niệm, thái độ, nhận xét của nhà thơ.

thơ, kiểu nhan đề thể hiện tâm trạng chiếm số lượng lớn hơn cả. Nếu thi đề nhắc đến nhân vật thì thường là một nhân vật được xác định về phẩm chất, khác với truyện thường xác định về nguồn gốc hoặc vai trò và cách ứng xử... của chính nhân vật đó. Đây đó, người đọc bắt gặp nhan đề là hình ảnh nhân hoá, là một ấn tượng, kỷ niệm….

Nhà thơ trào phúng, hoặc nội dung thơ có ý nghĩa trào phúng thường đặt nhan đề có từ bỡn, giễu, chế, phú, chửi, mừng, đùa, khen người này người kia, sự việc này hay khác. Người thâm trầm kín đáo hoặc thích “tế nhị” thì biến nhan đề trở thành kiểu chơi chữ [Hỏi tham quan tuần mất cướp - Nguyễn Khuyến…]. Người bốp chát thì nêu ngay sự bất thường để chĩa ngòi bút vào mà chọc tức, chửi rủa, lên án. Nói chung, ngay nhan đề đã bộc lộ rõ sự mỉa mai hờn mát, chế giễu đối tượng. Khi nhà thơ nói về những cái hỏng, cái xấu, cái dở của mình, nhan đề thường có từ tự, than, thán; các danh từ, đại từ xưng hô bao giờ cũng gắn với các tình từ chỉ đặc tính chưa hoàn thiện của mình. Đối với nhà thơ bất đắc chí, nhan đề thường gắn với tên gọi như: than, buồn, ngán, cảm….

Kẻ “tài tử đa cùng” như Nguyễn Du chẳng hạn, trong nhan đề thường xuất hiện các địa danh, con đường, cảnh, việc chiếm vị trí quan trọng trong nhan đề: Giữa đường ngẫu hứng, Trên đường trạm Đào hoa, Sớm đi trên đường Phương Hoàng, Vượt sông long Vĩ, Cảm xúc ở chốn Giang Đình, Từ biệt Nguyễn Đại Lang... Nguyễn Công Trứ, nhan đề thường nói tới những thú vui chơi tài hoa, hơn người khác đời, chủ yếu vẫn là tài - tình - sắc; hoài tài, đắc ngộ, ngất ngưởng đều có. Ông vịnh cái nhàn, tự do tự tại, vịnh phú qúy bần hàn bầu rượu túi thơ, cuộc cờ chén trà... Dù vịnh về các mùa trong năm thì cũng được soi ngắm từ cái nhìn của người tài tử đa tình phóng khoáng, coi thường xa mã, đủng đỉnh “cười ra rả”, “xênh xang hội gió mây”... Nhan đề thơ Hồ Xuân Hương có ý nghĩa biểu tượng, cái tục của nhan đề gợi nhớ cái thanh. Tên tác phẩm giản dị nhưng ý tứ triển khai trong bài rất công phu tài tình. Đó là những đồ vật, những hang động, hòn đá, cái trống, cái giếng, cái quạt. Hồ Xuân Hương có biệt tài khám phá những nét tương đồng, mối liên hệ xa xôi giữa các sự vật hiện tượng. Thi sĩ, nhìn đâu cũng thấy những biểu tượng. Với Xuân Hương, đọc thơ sẽ thấy những cái ngoài thơ. Chữ nghĩa trở thành những cửa ải đối với người đọc. Vượt qua nhan đề như là vượt qua các cửa ải chữ nghĩa để đến với các thông điệp.

Nhìn một cách tổng quát, cách đặt nhan đề tác phẩm chịu sự chi phối của đặc trưng thể loại, phong cách, kiểu tác giả, tư tưởng chủ đề, chất liệu đề tài, cách thức thể hiện và hệ thống nhân vật trung tâm, ý thức văn phong, lối viết của từng thời đại.

Thời trung đại, nhà văn miêu tả thực tại theo tinh thần thực lục, sử luận, không thể loại nào mang tính chất thuần tuý nghệ thuật. “Thể loại trong văn học trung đại là một phạm trù chủ đạo được thể hiện trong cách thường xuyên nêu bật nó lên ngay ở tên gọi tác phẩm” [1]. Cách đặt nhan đề thường theo khuôn mẫu nghiêm ngặt. Cấu tạo nhan đề có xu hướng chứa đựng yếu tố thuộc tên gọi của thể loại sử học: Chích quái, mạn lục, mộng lục, bí lục, diễn chí, kí sự, liệt truyện, du kí... Những chữ đứng đầu hoặc cuối nhan đề ấy đều nêu rõ chức năng ngoài văn học của thể loại [công vụ, tôn giáo, nghi lễ…]: Cáo, hịch, chiếu, biểu, bi, kí, điếu… Nếu có nhan đề phản ánh, thiên hướng ghi chép, thì cũng có nhan đề nảy sinh từ nhu cầu biểu đạt nỗi buồn đau, thương khóc, thở than [Chinh phụ ngâm khúc, Ai tư vãn…]. Nhan đề thơ chữ Hán của các nhà Nho, thường trang trọng, đậm chất quan phương và chất kí. Thơ chữ Nôm, nhan đề hướng về phía trần tục, riêng tư. Nhiều truyện thơ Nôm nhấn mạnh tính chất đổi mới, tính sáng tạo của cốt truyện: “Ngọc Kiều Lê tân truyện”, “Phù Dung tân truyện” , “Đoạn trường tân thanh”, “Hoàng Tú tân truyện”, “Sơ kính tân trang”… Đến thời hiện đại, cá tính cá nhân được giải phóng khỏi những ràng buộc khe khắt; cách đặt nhan đề tự do phóng túng hơn, ít khi nhan đề trùng nhau như chúng tôi đã nhắc đến ở trên.

 

Nhan đề, sự đọc và người tiếp nhận

Nhan đề giữ vị trí quan trọng đối với không chỉ người sáng tác mà đối với cả người tiếp nhận.

Việc đặt nhan đề nói riêng và quá trình sáng tạo tác phẩm nói chung, có quan hệ mật thiết với vốn sống, kỉ niệm sâu sắc của tác giả. Trường hợp, Nguyễn Trung Thành viết “Rừng xà nu” là như vậy. Cái đêm ngồi viết truyện, nhà văn nhớ về cuộc chia tay của mình với Nguyễn Thi tại khu rừng xà nu bát ngát, vạm vỡ phía tây Thừa Thiên. Hình ảnh đầu tiên đến dưới ngòi bút tác giả, chảy ra tự nhiên thành mạch truyện mênh mang là một rừng xà nu hùng vĩ. Nếu không có sự từng trải, không được sống trong không khí tráng ca của thời đại chống Mỹ, chắc chắn Nguyễn Trung Thành không có “Rừng xà nu”. Nhan đề tác phẩm ghi lại cái ngọn nguồn của ý đồ nghệ thuật.

Nhan đề còn phản ánh ý thức trách nhiệm, sự trăn trở về lẽ sống, đặc biệt là hứng thú thẩm mỹ của người cầm bút. Còn nhớ, khoảng cuối năm 1947, Chính Hữu bị ốm, lúc đó nhà thơ nghĩ: Chỉ có đồng đội mới giúp mình làm tròn trách nhiệm, tình đồng đội gần như là chỗ dựa duy nhất để tồn tại, để chiến đấu. Ý thức công dân ở Người thơ chuyển hoá thành ý thức sáng tạo nghệ thuật: “làm thơ cao xa quá là vô trách nhiệm với những người cùng chiến đấu và hi sinh với mình”. Đấy là cảm hứng thôi thúc nhà thơ sáng tác và đặt thi đề một cách giản dị, chân thật: “Đồng chí”. “Văn bản mang đầu đề khiến bạn đọc chú ý đến những sự kiện báo trước” ví dụ: Thầy cáu [Nguyễn Công Hoan], Chuyện người con gái Nam Xương” [Nguyễn Dữ] và “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” [Phạm Đình Hổ]…

Khi bắt đầu cấu trúc văn bản, nhà thơ nghiêng về tư duy hình tượng, còn khi đặt nhan đề, thì tư duy lôgíc, tư duy khái quát tổng hợp được sử dụng, nhà thơ lúc này tỉnh táo hơn. Nhan đề tựa như cái khung của thế giới nghệ thuật. Có nhà thơ, lấy một câu thơ trong bài để làm nhan đề, thậm chí một từ nào đó trong câu có khả năng gọi được hồn cốt của thi phẩm ấy. Có nhà văn lấy sự kiện trung tâm, hoặc tình huống nhân sinh làm nhan đề... Đặt nhan đề là một nghệ thuật, đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, nhiều khi tiêu tốn lượng thời gian không nhỏ. Nếu nghệ sĩ thận trọng trong từng khâu sáng tác, thì anh ta thường sáng tạo được nhan đề độc đáo, hấp dẫn độc giả.

Nhan đề luôn gợi ra những câu chuyện thú vị, bất ngờ nếu chúng ta khảo kĩ xuất xứ của nó. Còn nhớ dạo nọ, Hoàng Cầm đặt tên cho tác phẩm của mình là “Lá Diêu Bông”. Thật ra trong đời làm gì có loại lá Diêu Bông nào. Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng đấy thôi! Sáng tạo ra chiếc lá, Hoàng Cầm muốn diễn tả suy cảm của mình về những gì xa xôi không bao giờ trở thành hiện thực được. Nhan đề ấy đã kín đáo bộc lộ cảm quan bi kịch về tình yêu lứa đôi. Tôi lại nhớ đến truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao. Lúc đầu có tên “Cái lò gạch cũ”, khi in thành sách nhà xuất bản tự ý đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi”. Việc đặt nhan đề không bao giờ nằm ngoài tầm nhìn cuộc sống và con người của tác giả. Việc đặt nhan đề có liên hệ với thị hiếu thẩm mỹ của độc giả. Theo PGS. Nguyễn Đăng Na, nhìn vào nhan đề sẽ “hiểu nỗi lòng người sinh thành ra nó, hiểu nội dung chủ yếu của tác phẩm và hiểu khát vọng sáng tạo của tác giả”[2]. Đôi khi nhan đề thực hiện chức năng khu biệt thế giới nghệ thuật này với thế giới nghệ thuật kia; từ nhan đề người tiếp nhận đã có thể bước đầu hình dung ra đặc điểm lời văn, và cấu trúc tác phẩm.

Nhan đề gắn chặt với tìm tòi của tác giả, ở một vài trường hợp như bằng chứng về những đóng góp cụ thể của nhà văn trong lao động nghệ thuật. Độc giả không biết đến nhan đề, hoặc không xuất phát từ nhan đề - hiệu quả giao tiếp có thể giảm đi khá nhiều. Dĩ nhiên, không phải nhan đề nào cũng thâu tóm đầy đủ tư tưởng chủ đề tác phẩm, biểu hiện nội dung chính văn một cách độc đáo. Nhưng nó thường giữ vị trí quan trọng như những tín hiệu chỉ dẫn con đường đi vào nghệ thuật của tác phẩm .

Nhan đề, thảy đều góp phần tạo tâm thế tiếp nhận. Thi thoảng nhan đề gợi nhắc về một “hiện tượng văn học” đặc biệt [Tướng về hưu, Cánh đồng bất tận...]. Nếu nhan đề nêu trước vấn đề sẽ được thể hiện trong tác phẩm thì nghĩa là nó đã tạo ra tâm thế tiếp nhận ban đầu thuận lợi. Nhan đề tác phẩm là cửa sổ nhìn thế giới do nghệ sĩ mở ra, là “chìa khoá nghệ thuật” giúp người đọc mở ra cánh cửa chìm của tác phẩm. Nhiều khi nó được dùng làm “cái báo hiệu để tạo nên ở độc giả tâm trạng cần thiết” [A.X.LiKhastep]. Ví như: “Chữ người tử tù”. Từ “chữ” nhấn mạnh nét chữ tươi tắn chứa đựng hoài bão tung hoành đẹp đẽ của một đời con người, gợi nhắc người đọc liên tưởng tới thú chơi chữ thanh cao. Hai chữ “tử tù” thông báo cảnh ngộ của người viết chữ. Gắn “chữ” với “tử tù” ta thấy quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân: Cái đẹp có thể nảy sinh ở chốn tù ngục; thiên lương cao cả có thể xuất hiện trong môi trường tội ác.

Đặt nhan đề như đặt tên đứa con tinh thần. Trong nhân gian, các bậc cha mẹ đặt tên con phong phú thế nào, thì đặt nhan đề tác phẩm văn chương cũng đa dạng nhường ấy

Thùy Dương

[1] B.L.Riptin. Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học trung cổ của phương Đông theo phương pháp loại hình. Tạp chí Văn học số 2,1974, tr.114.

[2]: Nguyễn Đăng Na. Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam. Nxb Giáo Dục, 2006. Tr. 261.

Video liên quan

Chủ Đề