Pháp luật thực hiện và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân bằng cách nào

Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Đại biểu QH tỉnh Lào Cai phát biểu ý kiến tại Hội trường. Ảnh: ANH TUẤN

Hôm qua 26-10 là ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ 10, Quốc hội [QH] khóa XIII. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự [sửa đổi] và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật này.

Giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh trong đời sống nhân dân

Một nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm là về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại các Điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo Bộ luật. Về vấn đề này, các đại biểu Huỳnh Nghĩa [Đà Nẵng], Trần Hồng Hà [Vĩnh Phúc] và nhiều đại biểu khác nhất trí với dự thảo. Theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đồng thời cho rằng, đây là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân [TAND] là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, kịp thời giải quyết các vụ việc, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật quy định.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, cần tiếp tục nghiên cứu thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bởi ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp [Cần Thơ] và một số đại biểu cho rằng, đây là những nội dung quan trọng và đề nghị cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Theo đó, nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện hoặc bảo đảm thực hiện tranh tụng. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng, tranh luận trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Làm rõ hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát

Về vị trí, vai trò, sự tham gia và việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân [KSND] [các Điều 46, 57 và 58], các đại biểu QH còn ý kiến khác nhau. Các đại biểu Giàng Thị Bình [Lào Cai], Nguyễn Bá Thuyền [Lâm Đồng] và một số đại biểu nhấn mạnh: Viện KSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên là cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, khi tham dự các phiên tòa thì có quyền phát biểu ý kiến, quan điểm và điều này sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, trong tố tụng dân sự Viện KSND không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, cho nên Viện KSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng.

Đề cập vấn đề này, đại biểu Lương Văn Thành [TP Hải Phòng] và một số đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật lần này được tiếp thu, chỉnh sửa, tiếp tục khẳng định Viện KSND là cơ quan tố tụng là phù hợp lý luận và thực tiễn, đúng quy định của Hiến pháp năm 2013. Cùng với đó, thực tế thời gian qua, thực hiện vị trí, vai trò của mình, Viện KSND vẫn thực hiện tốt hai quyền: tố tụng và kiểm sát tư pháp; không để xảy ra vướng mắc và không làm ảnh hưởng đến việc xét xử, giúp cho Hội đồng xét xử, nhất là thẩm phán thêm tự tin trong xét xử vụ án. Nếu bản án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Viện KSND có quyền kháng nghị lại bản án đã tuyên, bảo đảm công bằng, đúng pháp luật.

Làm rõ hơn nữa vai trò của Viện KSND, đại biểu Ngô Thị Minh [Quảng Ninh] và một số đại biểu nêu ý kiến: Sự có mặt của kiểm sát viên được quy định tại dự thảo Bộ luật [quy định Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện KSND cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa] là không phù hợp Hiến pháp năm 2013. Vì tại Khoản 1, Điều 107 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Viện KSND thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp. Như vậy, trong hoạt động xét xử đều có sự tham gia của kiểm sát viên. Do đó, cần có sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành để cơ quan này kiểm sát tất cả các hành vi tố tụng của tòa và những người tham gia tố tụng trước, trong và sau khi tòa diễn ra. Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và phiên họp. Do đó, nếu Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa, phiên họp sẽ không thực hiện được tốt quyền kiểm sát của mình.

Về quy định này, có đại biểu cho rằng, việc vắng mặt của kiểm sát viên không phải là căn cứ để hoãn hay dừng phiên tòa. Việc hoãn phiên tòa khi không có mặt kiểm sát viên chỉ trong những trường hợp đặc biệt khi Tòa án xét thấy cần thiết phải có ý kiến đại diện của Viện kiểm sát để cân nhắc trước khi đưa ra bản án quyết định của Tòa án. Bên cạnh đó, có đại biểu nhất trí đề nghị quy định đối với trường hợp kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa

Chúng tôi cũng như nhiều đại biểu khác ủng hộ quyền yêu cầu tòa án bản vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và cũng đồng ý tòa án không được từ chối giải quyết các vụ việc. Tuy nhiên, tòa án không được từ chối nhưng tòa án xử lý thế nào, tòa án cấp nào được quyền xử lý, không thể quy định tòa án chung chung, vì tòa án cấp huyện khác, tòa án cấp tỉnh khác... Vì vậy, cần phải tiếp tục làm rõ để không vướng mắc trong triển khai sau khi bộ luật có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Trần Đình Nhã [Thừa Thiên - Huế]

Điều 232 của dự thảo Bộ luật về sự vắng mặt của Viện KSND quy định đại diện Viện kiểm sát không có mặt tại phiên tòa thì phiên tòa đó vẫn tiến hành xét xử, tôi thấy như vậy không bảo đảm, bởi Viện kiểm sát thực hành quyền công tố. Đề nghị, cần có những quy định trong luật yêu cầu đại diện Viện kiểm sát phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp bất khả kháng...

Đại biểu Phạm Trường Dân [Quảng Nam]

PV

Video liên quan

Chủ Đề