Phương pháp sân khấu hóa là gì

ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP “SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC” TRONG DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN

       Sân khấu khóa tác phẩm văn học là một trong những hình thức dạy học đa dạng được áp dụng tại trường THPT Minh Quang trong nhiều năm trở lại đây. Hoạt động này được tổ chức nhằm khơi dậy trong các em học sinh tình yêu đối với tác phẩm văn chương, đồng thời tạo ra một sân chơi để các em học sinh thỏa sức sáng tạo.

       Có một nhà văn từng nói: “Văn là người. Học văn là để học làm người. Làm người hơn muôn loài ở chỗ có cảm xúc, biết yêu thương cái đẹp, ghét chê cái xấu, cảm thông chia sẻ, biết rơi lệ trước nổi đau, biết cười trong cuộc sống…”

      Nhưng làm thế nào để học sinh có thể cảm được những cái hay, cái đẹp trong môn Ngữ văn? Làm thế nào để các em yêu thích môn Ngữ văn trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay? Đó là điều mà các thầy cô trong tổ bộ môn Khoa học xã hội 1 nói riêng và thầy cô trường THPT Minh Quang nói chung luôn trăn trở.

      Những năm học trước, phương pháp “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” đã được các giáo viên trong nhóm văn trường THPT Minh Quang áp dụng trong một số tiết học văn bản nhưng chưa mang lại hiệu quả cao trong việc giúp học sinh chủ động tìm hiểu nội dung tác phẩm. Tháng 1 năm 2018, trong Hội thảo chuyên đề: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” trường THPT Minh Quang, phương pháp: “sân khấu hóa tác phẩm văn học” được đưa ra trao đổi, phân tích về tính khả thi trong dạy học môn Ngữ văn. Phương pháp này giúp học sinh chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm  để cảm nhận về các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm sau đó tái hiện trên sân khấu lớp học. Ngoài ra học sinh còn được tự mình sáng tạo trong cách diễn xuất làm sao để diễn tả được sâu sắc tính cách, nội tâm của nhân vật mình đóng vai. Với những học sinh không tham gia diễn xuất cũng cần đọc văn bản thật kĩ và cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật được tái hiện trên sân khấu lớp học và đưa ra nhận xét của mình. Từ đó tiết học thực sự gây được hứng thú cho nhiều đối tượng học sinh để các em học tập hiệu quả hơn.

      Sau đây là một số hình ảnh trong hoạt động: “sân khấu hóa tác phẩm văn học”:

Học sinh lớp 10a1 đang tái hiện truyện “Tấm Cám”

        Học sinh tái hiện lại truyền thuyết “Sơn Tinh Thủy Tinh” trong giờ học

Khi chuyển thể tác phẩm văn học thành tiểu phẩm, vở kịch là khi các em học sinh được hóa thân thành các nhân vật quen thuộc trong tác phẩm. Để rồi qua quá trình nỗ lực nhập vai, các em tự suy ngẫm, trăn trở, thấm thía hơn ý nghĩa của mỗi tác phẩm ấy.

      Trên thực tế, khi học sinh nhập vai vào nhân vật cũng gặp không ít khó khăn, đôi khi còn mâu thuẫn với tính cách của nhân vật vì tính cách của học sinh khác nhau và chưa hiểu hết được đặc điểm của nhân vật đó. Học sinh sẽ trao đổi  với giáo viên và khi được giải thích, định hướng lại, học sinh sẽ  hiểu rõ hơn về nhân vật của mình tái hiện, đây cũng là một lần khắc sâu kiến thức rất hiệu quả.

Mặt khác, phương pháp “sân khấu hóa tác phẩm văn học” cũng làm tăng tính đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Các em biết tự phân công nhiệm vụ, có trách nhiệm với mỗi phần việc được giao.

        “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” góp phần mở ra một cách tiếp cận tác phẩm văn học mới của học sinh. Trả lại các em vai trò tự chủ trong việc học, không bị giới hạn bởi những điều cho sẵn của giáo viên. Khi các em được thể hiện quan điểm của mình và được công nhận sẽ giúp cho các em thêm tự tin và hứng thú trong các giờ học. Nếu được nhân rộng sẽ là một trong những phương pháp học hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Đồng thời góp phần phát hiện những nhân tố có năng khiếu nghệ thuật để phát triển phong trào văn nghệ trong các nhà trường, các địa phương.

Tác giả: Nhóm Ngữ văn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Chủ Đề