Qua trình hoạt động cách mạng của Phan Ngọc Hiển

11/12/2015 15:39

Tháng 6/1940, Tỉnh uỷ Bạc Liêu [nay là Cà Mau và Bạc Liêu] phân công Phan Ngọc Hiển ra Hòn Khoai hoạt động cách mạng. Công việc đầu tiên của Phan Ngọc Hiển là thâm nhập, giáo dục nội dung cách mạng và nắm bắt tâm tư những gia đình người lao động, các gia đình phụ huynh học sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn gặp trực tiếp tên sếp đảo Olivie và hắn cho phép Phan Ngọc Hiển mở lớp dạy học cho con em trên đảo.

Dựa vào công việc dạy học mà Phan Ngọc Hiển đi sâu vào quần chúng, nhanh chóng được quần chúng, nhân viên trên đảo yêu mến và kính trọng. Nhờ vậy mà Phan Ngọc Hiển mau chóng nắm bắt tình hình về hoàn cảnh, về tâm tư, nguyện vọng của bà con lao động, của từng nhân viên và nắm chặt tình hình, quy luật hoạt động của địch trên đảo Hòn Khoai.

Ngọn Hải đăng - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai 1940. Ảnh: VŨ TRÂN

Hòn Khoai nằm giữa biển khơi, cách đất liền 20 cây số, nên hoạt động ngoài đó liên hệ với Chi bộ Rạch Gốc rất khó khăn, chi bộ giao cho Phan Ngọc Hiển thành lập tổ Ðảng ở đảo để tiện trong hoạt động. Khi đặt chân tới Hòn Khoai, Phan Ngọc Hiển kết nạp đồng chí Quýt vào Ðảng và bồi dưỡng cảm tình Ðảng một số quần chúng tiêu biểu. Ðặc biệt, Phan Ngọc Hiển nhanh chóng cảm hoá, xây dựng ý thức cách mạng cho nhân viên phụ trách điện đài, gác đèn… trên đảo như anh Sến, anh Ðắc, anh Tự và một số anh khác…

Trưa ngày 12/12/1940, đồng chí Bông Văn Dĩa, đảng viên Chi bộ Rạch Gốc đến Hòn Khoai trao thư lệnh khởi nghĩa cho Phan Ngọc Hiển tại Bãi Lớn.

Trưa ngày 13/12/1940, Phan Ngọc Hiển tập hợp tất cả đảng viên và những quần chúng có nhiệm vụ trong khởi nghĩa để tiến hành triển khai 3 nội dung quan trọng:

- Kiểm tra các công việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

- Xác định mục tiêu cuộc khởi nghĩa: bắt sống tên sếp đảo Olivie.

- Tuyên bố kết nạp 2 đảng viên: Sến và Ðắc - cả 2 là nhân viên của Hải đăng Hòn Khoai.

Sắp đến giờ hành động, Phan Ngọc Hiển nói lời quyết tâm với mọi người: “Giờ phút thiêng liêng này, chúng ta hạ quyết tâm hoàn thành thắng lợi cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đúng theo nghị quyết của Tỉnh uỷ và kế hoạch của chi bộ. Tỉnh uỷ và đồng bào trong nội địa đang theo dõi và mong chờ chúng ta chiến thắng trở lại”.

…Theo thông lệ, 23 giờ, tên sếp đảo Olivie đến điện đài giao bản mật mã cho nhân viên điện báo điện về Sài Gòn. Nhưng đêm nay lực lượng ta phục kích chờ quá 23 giờ mà chưa thấy tên sếp đảo tới, làm mọi người sốt ruột, lo lắng. Phan Ngọc Hiển khuyên: “Các anh bình tĩnh, yên tâm, nhất định nó sẽ tới”.

23 giờ 15 phút, tên sếp đảo xuất hiện, hắn đi từ nhà đến phòng điện đài đưa bức điện báo, xong bước ra. Ðồng chí Sến quật ngã tên sếp đảo và các đồng đội nhanh chóng hỗ trợ… Bị bất ngờ nhưng tên sếp đảo dùng sức mạnh giãy giụa, phản kháng dữ dội. Trong khi đó, có một lực lượng ta cầm trên tay tảng đá nện vào đầu tên sếp đảo Olivie làm hắn ngã chết tại chỗ.

Lực lượng khởi nghĩa Hòn Khoai làm chủ tình hình trên đảo và thu dọn chiến trường. Trên chiếc ca-nô và chiếc tàu đánh cá, đoàn quân khởi nghĩa Hòn Khoai dựng lá cờ đỏ búa liềm phất phới trong gió biển và trương tấm băng mang dòng chữ: “Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế muôn năm”. Trời hừng sáng, tại bãi biển Rạch Gốc, đông đảo bà con kéo đến reo hò đón mừng đoàn quân khởi nghĩa chiến thắng trở về.

Khi về tới đất liền, đoàn quân khởi nghĩa của Phan Ngọc Hiển không liên hệ được lực lượng ta như kế hoạch. Trước khó khăn này, 9 giờ ngày 15/12/1940, đoàn quân khởi nghĩa đánh Ðồn Kiểm lâm Tân Ân tại Thủ Tam Giang. Bọn lính đầu hàng giao nộp vũ khí và Phan Ngọc Hiển giáo dục tên Ðốc Ðông [Trưởng Ðồn Kiểm lâm Tân Ân] rồi thả tại chỗ.

Nhận định bọn Pháp sẽ đưa quân đến Rạch Gốc phản kích, khi đánh chiếm Ðồn Kiểm lâm Tân Ân xong, Phan Ngọc Hiển kéo quân về Rạch Gốc bàn với chi bộ nơi đây thực hiện kế hoạch di tản, tránh giặc gây tổn thất cho Nhân dân.

Củng cố tư tưởng, ổn định lực lượng và chuẩn bị mọi mặt cho đoàn quân khởi nghĩa để chống giặc phản kích.

Trong Nam Kỳ khởi nghĩa, có lệnh cấp trên đình hoãn cuộc khởi nghĩa nhưng số nơi lệnh không đến kịp. Và cuộc khởi nghĩa do Phan Ngọc Hiển lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy giành thắng lợi trọn vẹn.

Tuy nhiên, ngày 16/12/1940, bọn lính mã tà, lính nguỵ ồ ạt kéo đến Tân Ân phản kích, đánh phá rất dã man, tàn bạo, đốt nhà dân, bắn giết dân, bắt dân đưa đi tù đày.

Ðoàn quân khởi nghĩa Hòn Khoai tổ chức chiến đấu chống phản kích nhiều ngày, từ ngày 16/12/1940. Do không còn bám được Nhân dân, không còn lương thực, không có nước uống, đoàn quân khởi nghĩa kiệt sức. Tại bãi Khai Long, ngày 22/12/1940, các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai sa vào tay giặc.

***

Xu hướng cách mạng, khát vọng đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giải phóng giai cấp cần lao, giải phóng dân tộc được ươm mầm, bén rễ trong lòng Phan Ngọc Hiển thời còn là một cậu học trò trung học. Tại Trường Trung học Sư phạm Normal, Phan Ngọc Hiển đi đầu, vận động cuộc đấu tranh bãi khoá chống chế độ hà khắc của nhà trường; vận động học sinh, sinh viên tham gia biểu tình trong cuộc đưa tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh và viết báo chống nhà cầm quyền thực dân phong kiến tại “lãnh địa thủ đô Sài Gòn” của chúng. Vào những năm học trung học sư phạm, Phan Ngọc Hiển bị nhà trường đuổi học rồi nhiều lần kêu lại học, phải nhận lấy hình phạt khắc nghiệt. Ðặc biệt, Phan Ngọc Hiển trở thành mục tiêu trong tầm mắt của mật thám, theo dõi gắt gao và ghi tên vào danh sách trong "sổ bìa đen".

Tốt nghiệp trung học sư phạm, mùa hè năm 1931, nhà cầm quyền quyết định đưa Phan Ngọc Hiển đến làng Tân Ân - Mũi Cà Mau, ngụ ý tại miền đất hoang vu hiểm trở để Phan Ngọc Hiển sẽ bỏ cuộc đấu tranh. Về đến Rạch Gốc - Tân Ân, Phan Ngọc Hiển mở trường dạy học, truyền bá nội dung yêu nước, tuyên truyền nội dung cách mạng và thành lập các tổ chức như hội đờn ca, đội bóng đá… tập hợp quần chúng giáo dục cách mạng và lãnh đạo đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Nhà cầm quyền Sài Gòn ra lệnh cấm không cho Phan Ngọc Hiển dạy học và cho mật thám truy nã, Phan Ngọc Hiển chuyển sang mở lớp học bí mật. Bị mật thám truy nã gắt gao không còn đứng chân tại làng Tân Ân được nữa, Phan Ngọc Hiển đến nhiều nơi khác bí mật mở lớp dạy học và tiếp tục vận động quần chúng làm cách mạng.

Nhà cầm quyền “đày” Phan Ngọc Hiển đến vùng đất hoang vu hiểm trở Mũi Cà Mau chẳng những ông “sống tốt”, “không bỏ cuộc” và những nơi đặt chân đến ông luôn được trò yêu, phụ huynh học sinh quý mến, Nhân dân tôn trọng. Ông là thủ lĩnh đầy niềm tin và uy tín, luôn được mọi người kính yêu và ra sức đùm bọc, bảo vệ.

Ðặc biệt, miền đất hoang vu hiểm trở Mũi Cà Mau trở thành miền đất hứa chắp cánh cho Phan Ngọc Hiển bay cao, bay xa, không dừng lại đất Mũi Cà Mau mà đến khắp Nam Kỳ. Ðiều khiến mọi người ngạc nhiên là sự nghiệp cầm bút của Phan Ngọc Hiển. Phan Ngọc Hiển đã cho ra đời hàng loạt bài điều tra, ký sự, xã thuyết [bút chiến], truyện… phản ánh đời sống cùng cực của Nhân dân lao động ở Cà Mau và ở khắp Nam Kỳ và cực lực lên án chế độ hà khắc, bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến. Phan Ngọc Hiển từng làm phóng viên trụ cột của tuần báo Tân Tiến [trụ sở ở Sa Ðéc - Ðồng Tháp Mười] đi khắp Nam Kỳ hoạt động báo chí và hoạt động cách mạng. Năm 1938, Phan Ngọc Hiển được bổ nhiệm làm thành viên Ban Biên tập tờ báo Lao động - cơ quan ngôn luận của tổ chức Công Hội Ðỏ. Và năm 1939, Tỉnh uỷ Bạc Liêu [nay 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu] xin Phan Ngọc Hiển về thành lập Ban Biên tập tờ báo Ðảng của tỉnh…

Tác phẩm báo chí của Phan Ngọc Hiển có sức công phá như vũ bão, tấn công vào bộ máy quan lại phản động, thối nát và chế độ thực dân phong kiến cướp nước - bán nước. Nhà cầm quyền Sài Gòn 3 lần nhốt Phan Ngọc Hiển vào nhà lao. Bị vào tù ra khám, bị đàn áp của kẻ thù không làm Phan Ngọc Hiển lùi bước mà càng thúc giục ngòi bút của ông - tác phẩm của ông càng cất cao ngọn lửa chiến đấu. Tác phẩm Phan Ngọc Hiển bám chặt và nhất quán mục tiêu: lên án tội ác kẻ thù và đánh đổ chế độ cướp nước, bán nước thực dân, phong kiến; kêu gọi đồng bào, giai cấp cần lao đoàn kết, vùng lên đấu tranh giải phóng cho mình, xây dựng xã hội ấm no - văn minh - tiến bộ. Ðối diện với nhà cầm quyền vô cùng tàn bạo nhưng Phan Ngọc Hiển luôn luôn giữ lòng trung kiên, bất khuất.

***

Gần 6 tháng giam cầm, ngày 12/7/1941, bọn cầm quyền đưa Phan Ngọc Hiển cùng 9 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai và các đồng chí có liên quan trong cuộc khởi nghĩa này ra xử bắn tại Sân vận động thị trấn Cà Mau [nay là TP Cà Mau]. Ðứng trước đông đảo đồng bào, trước bọn đao phủ tay ghìm chặt súng, Phan Ngọc Hiển xin nói lời cuối cùng với đồng bào. Tên chỉ huy cuộc hành quyết không cho, nhưng Phan Ngọc Hiển nói dõng dạt: “Chúng tôi là những Cộng sản, coi cái chết là tầm thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no. Nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp, Việt Nam nhất định sẽ độc lập”.

Nói xong, Phan Ngọc Hiển hô khẩu hiệu:

- Ðả đảo thực dân Pháp!

- Việt Nam độc lập muôn năm!

 - Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm!

Tiếng hô khẩu hiệu của Phan Ngọc Hiển, của đồng chí, đồng đội của ông cất cao trước pháp trường và âm vang mãi.

Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do nhà cách mạng tiền bối Phan Ngọc Hiển lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy giành thắng lợi, trở thành ngày truyền thống cách mạng của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau, đã tròn 75 năm nhưng tinh thần và hào khí anh hùng và tư tưởng cách mạng vẫn luôn sáng ngời. Ðó là ngọn đuốc thiêng sáng mãi trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng bộ và Nhân dân Cà Mau trên đường phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp - văn minh./.

Phạm Văn Tri

13/12/2021 08:10

Qua 81 năm, tinh thần cách mạng của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai sống mãi trong lòng Nhân dân Cà Mau. Và tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Nhà giáo - Nhà báo - Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Ngọc Hiển, người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai sống mãi trong lòng người Cà Mau qua những công trình, những mái trường, những tên đường, tên cầu giao thông... mang tên Phan Ngọc Hiển.

Khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13/12 với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử đã được tỉnh Cà Mau quyết định chọn làm Ngày truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân tỉnh. 

Di tích lịch sử cấp tỉnh Cây Me truyền thống xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển. Đây là địa điểm sinh hoạt, hội họp của các lực lượng cốt cán ở Rạch Gốc, Tân Ân tạo nền móng cách mạng, gắn liền với các hoạt động của người thầy yêu nước Phan Ngọc Hiển [Ảnh tư liệu]

Đảo Hòn Khoai - Nơi Phan Ngọc Hiển lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ngày 13/12/1940

3 giờ15 phút sáng ngày 13/12/1940, tổ xung kích 1 gồm: Phan Ngọc Hiển, Bông Văn Nở, Dương Văn Giai đánh chiếm tháp Hải Đăng Hòn Khoai, ghi dấu cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử.

 Sau khi đánh chiếm đảo Hòn Khoai, các đồng chí khởi nghĩa đã trở vào đất liền và tại bãi Khai Long, ngày 22/12/1940, các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai sa vào tay giặc.

Nơi đây, ngày 12/7/1941 thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Phan Ngọc Hiển và các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12/1940

Ngôi mộ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai tại Đền thờ 10 anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai được xây dựng rất trang trọng, tọa lạc tại khóm 6 phường 9,Tp Cà Mau. 

Người dân Cà Mau đến tham quan, tưởng niệm 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai

Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai do Anh hùng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo được xây dựng vào ngày 13/12/1990 và đuợc trùng tu rất đẹp tại Năm Căn, đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay

 

Hải đăng Hòn Khoai được mô phỏng xây dựng tại Đền thờ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, tạo điểm nhấn về giáo dục truyền thống cách mạng 

Thực hiện: Huỳnh Lâm

Video liên quan

Chủ Đề