Quốc hội thông qua cách tính lương từ năm 2023

Chiều 9/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phát thông báo về Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, trong đó cho biết Trung ương đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước ba năm 2023-2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023.
Sau khi thảo luận, Ban chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương và báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh, ban hành kết luận. Đồng thời, Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh các báo cáo nêu trên, trong đó có phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Sáng cùng ngày, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách, quy hoạch và phương án điều chỉnh tiền lương.
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 kéo dài, chủ trương này liên tục phải lùi. Tháng 11/2021, Quốc hội đồng ý lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương; đồng thời, chưa nâng lương cho người thu nhập thấp, mới đi làm trong năm 2022; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
  Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm [hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34] sẽ nhận lương 3.486.600 đồng.
  Tại phiên họp tháng 6/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp.
  Ngày 29/9, tiếp xúc cử tri Hải Phòng trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trong ba năm gần đây, do nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19, lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết, do đó Quốc hội sẽ bàn vấn đề này tại kỳ họp thứ tư vào cuối năm.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ việc tăng lương cơ sở trong thời điểm hiện nay là hợp lý, kiến nghị có thể điều chỉnh ngay từ thời điểm 1/1/2023.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận.

Theo đại biểu, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ. Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn, nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, cử tri kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng. Tức là thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm sau, từ 1/1/2023.

Đặt vấn đề lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không, đại biểu Nguyễn Huy Thái cho biết, nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi, mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.

Đại biểu đề nghị, nếu năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định bền vững không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua, thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương và đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm.

“Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại, nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường”, đại biểu Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh.

Do đó, theo đại biểu, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản, cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

Đại biểu khẳng định, khi thị trường kinh tế lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh phải giữ chân những người tài những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống cán bộ công chức viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng đề cập đến tình trạng “lương chưa tăng thì giá cả đã nhanh chân mà chạy trước”, câu chuyện giá lương tiền cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm….

Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, việc tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Cũng cho rằng cần sớm cải cách tiền lương, Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị Quốc hội cho phép tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/1/2023, đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương, đồng thời cũng cần tính toán việc tăng lương hưu cho các lao động đã về hưu. 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tính đến các cơ chế chính sách đảm bảo an sinh xã hội như nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, mở rộng hơn đối tượng được nhà nước chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...

Chủ Đề