Quy định về kiểm tra của Quản lý thị trường

Ngày 30/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường [QLTT]. Thông tư thay thế Thông tư số 35/2018/TT-BCT ngày 12/10/2018, được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, công chức Quản lý thị trường; Cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường.

Nội dung Thông tư quy định về: Xây dựng, phê duyệt, ban hành, định hướng chương trình kiểm tra, kế hoạch kiểm tra; Tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành phương án kiểm tra đột xuất; Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vu việc vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; Thẩm quyền, trình tự thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó:

* Về xây dựng, phê duyệt, ban hành, định hướng chương trình kiểm tra, kế hoạch kiểm tra.

Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác QLTT hoặc theo chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoặc cấp trên có thẩm quyền, Tổng cục QLTT có trách nhiệm xây dựng Định hướng chương trình kiểm tra của năm tiếp theo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định phê duyệt trước ngày 15/11 hằng năm. Đối với kế hoạch kiểm tra của Cục Nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh bao gồm Kế hoạch kiểm tra định kỳ [thời gian thực hiện từ ngày 1/1 và kết thúc trước ngày 15/11 của năm kiểm tra] và Kế hoạch kiểm tra chuyên đề [được tổ chức thực hiện trong 1 khoảng thời gian cụ thể trong năm].

* Về tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành phương án kiểm tra đột xuất.

Thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật gồm: Thông tin từ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cụ thể; Thông tin từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Thông tư này hoặc từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính;

Thông tin từ văn bản của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp chuyển giao thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; Thông tin từ văn bản yêu cầu, đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này; Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật; Thông tin từ tin báo, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng hoặc của tổ chức, cá nhân khác về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9, công chức Quản lý thị trường thu thập, tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại Điều 8 của Thông tư phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường trực tiếp của mình để xử lý thông tin đã tiếp nhận.

* Về nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vu việc vi phạm hành chính.

Về nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra, thông tư quy định rõ việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chỉ được ban hành quyết định kiểm tra khi có căn cứ quy định tại Điều 20 Pháp lệnh QLTT.

Khi bắt đầu tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải tiến hành các thủ tục sau: xuất trình thẻ kiểm tra thị trường; công bố và giao quyết định kiểm tra cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; thông báo cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm ra về thành phần đoàn kiểm tra và người chứng kiến [nếu có] và yêu cầu cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với đoàn kiểm tra.

Cơ quan Quản lý thị trường chỉ tiếp nhận, thụ lý vụ việc vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước khác chuyển giao trong trường hợp xét thấy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt của lực lượng Quản lý thị trường.

* Về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ kết quả kiểm tra hoặc kết quả thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, người có thẩm quyền của Quản lý thị trường quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

* Về thẩm quyền, trình tự thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

Quản lý theo địa bàn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại. Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin. Giám sát hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Xây dựng cơ sở cung cấp thông tin.

Lực lượng Quản lý thị trường được sử dụng người không thuộc biên chế, có khả năng, điều kiện tham gia làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin, đầu mối liên hệ để thường xuyên cung cấp nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động của Quản lý thị trường/.

Nguồn Trang TTĐT Tổng cục QLTT

//dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/quy-%C4%91inh-ve-hoat-%C4%91ong-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-va-thuc-hien-cac-bien-phap-nghiep-vu-cua-luc-luong-qltt-co-hieu-luc-thi-hanh-tu-ngay-01-12-2020-26429-3.html

Video liên quan

Chủ Đề