Review phim sex and the city năm 2024

Những ngày đầu tháng 10/2014, tin đồn râm ran khắp Instagram, Twitter và các báo lớn nhỏ tại US rằng chúng ta sắp được gặp lại bốn người phụ nữ trong Sex and the city movie 3. Mặc dù sự háo hức của công chúng có thể hơi giảm nhiệt do dư âm không mấy tốt đẹp của phần 2. Tuy vậy, nhân dịp khổ chủ ngồi hóng tin chính thức từ nhà sản xuất về sự có mặt của Sex and the city (SATC) phần tiếp, xin gửi các bạn vài ý review về series phim.


Tên phim: Sex and the city

Bao gồm (theo trình tự ra mắt):

  1. Sex and the city TV series (1998 – 2004): 6 seasons – 94 tập; mỗi tập khoảng 30 phút IMDB rating: 6.9/10
  2. Sex and the city movie (2008): 2 tiếng 25 phút IMDB rating: 5.4/10
  3. Sex and the city movie 2 (2010): 2 tiếng 25 phút IMDB rating: 4.1 /10
Đối tượng phù hợp: Phụ nữ đã/đang/sẽ yêu, đàn ông mong muốn hiểu tâm tư của một phần phụ nữ hiện đại, thanh niên mới lớn có thể xem nhưng cần có người lớn định hướng  Recommend: 100% CÓ!

Những mọt phim thường dựa vào IMDB để tìm thông tin chắc hẳn sẽ không có hứng thú với bộ phim này do rating khá thấp. Tuy nhiên, đứng ở góc độ một người phụ nữ, một công dân yêu phim bình thường như số đông, thiên về nội dung, hình thức của phim hơn là phạm trù nghệ thuật làm phim thì đây là một series phim hay.

SATC là câu chuyện về 4 người phụ nữ sống tại New York, trên hành trình đi tìm hạnh phúc cho riêng mình: Carrie Bradshaw: Một nhà văn, fashionista, một người yêu thời trang, vô cùng cuồng nhiệt trên chặng đường tìm Mr.Right cho bản thân nhưng luôn có giới hạn. Cô ấy có hàng trăm đôi giày hàng hiệu, quần áo hàng hiệu, túi xách hàng hiệu, nhưng chật vật lắm mới mua được căn hộ cho riêng mình. Charlotte York: Cô có công việc là một nhà bán tranh nghệ thuật nhưng nhanh chóng bỏ việc để chăm lo gia đình ngay sau khi kết hôn. Cô là người nai tơ nhất và tin vào sự lãng mạn trong tình yêu nhất trong 4 nhân vật chính. Trớ trêu thay chính cô là người duy nhất trong 4 người bạn phải li dị và bước đến cuộc hôn nhân thứ hai. Miranda Hobbes là tuýp phụ nữ mạnh mẽ, luôn lấy công việc làm trọng, là người lí trí nhất. Cô tốt nghiệp Harvard, là nữ luật sư tại New York. Cô dần trở nên mềm dịu hơn trong suốt series khi có thai ngoài ý muốn, làm mẹ đơn thân một thời gian ngắn và cuối cùng kết hôn cùng một ông chủ quán bar – bố đứa bé. Samantha Jones: Người ta nói rằng mỗi phụ nữ đều có một Samantha trong tiềm thức. Samantha ngủ với rất nhiều đàn ông, không bao giờ kết hôn, không đặc biệt yêu mến trẻ con. Samantha là một người phụ nữ vô cùng thành đạt với lối sống mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng, yêu bản thân. Cô đến với đàn ông với sự kiêu hãnh cao nhất của một người phụ nữ. Dù phải chiến đấu với bệnh ung thư, Samantha vẫn rất ngang tang, cô vẫn phải là người đẹp nhất và tuyệt vời nhất.

SATC không phải là một bộ phim dung tục. Với tôi, chuỗi phim đó có những quan điểm sống rất táo bạo và khác thường về phụ nữ. Nó cũng là một bộ phim giải trí rất tuyệt vì những cảnh nóng được làm hài hước và phong cách tưng tửng của các diễn viên. Cần nhớ rằng phim được liệt vào nhóm “comedy, drama, romance”, vì vậy cách thể hiện của phim không tránh khỏi đôi lúc cường điệu. Nếu bạn là phụ nữ thì bộ phim cũng có thể làm bạn mê mệt vì yếu tố thời trang rất phong phú, hợp mốt (ở thời điểm phim phát hành) và rất đẹp. Nếu bạn muốn luyện nghe tiếng Anh thì chuỗi phim này cũng là gợi ý không tồi vì phim có nhiều lời thoại, diễn viên sử dụng tiếng Anh Mỹ rất dễ nghe và dễ thương; và chắn chắn vốn từ vựng về sex của bạn sẽ tăng lên đáng kể!

4 nhân vật chính trong phim đều đại diện cho những tuýp phụ nữ ngoài xã hội. Có những người “chuẩn phụ nữ”, luôn mềm mại dịu dàng chờ đợi hoàng tử bạch mã của đời mình, cung phụng họ và luôn tin vào giá trị truyền thống. Có những người “ngoài chuẩn”, chỉ muốn phá vỡ những giá trị cũ mòn để sống một cuộc sống tự do, sống cho chính họ. SATC đưa ra những quan niệm khác thường về tình yêu, cuộc sống và giá trị người phụ nữ. Có đời nào phụ nữ có suy nghĩ mình sẽ làm tình như một thằng đàn ông cơ chứ? (Tức là làm tình đầy kiêu hãnh, trong thế làm chủ, sáng hôm sau là người nói lời chào thân ái và bỏ đi, để lại chàng ngơ ngác trên giường). Chồng không “lên” được và chỉ thích thủ dâm với tạp chí người lớn ư? Charlotte cắt ảnh khuôn mặt mình dán đầy lên tạp chí của chồng. Với Samantha và Miranda – hai người phụ nữ thành đạt luôn đề cao sự nghiệp thì khái niệm “tình yêu là việc quan tâm đến người kia và nhu cầu của người đó trước khi suy xét đến nhu cầu bản thân mình” là một sự thiệt thòi lớn cho phụ nữ. Với Carrie, “mỗi cặp đôi đều có quyền xây dựng những nguyên tắc của riêng mình”, bất chấp quan điểm xã hội. Cô ấy không muốn có con, họ thống nhất và vui vẻ rằng cả đời “just us two” – chỉ có hai ta. Cô ấy và chồng có 2 ngày/tuần được “nghỉ” khỏi hôn nhân: mỗi người một nơi, tùy ý làm những việc mình thích mà người kia ghét như gác chân lên bàn đọc báo, xem phim, viết lách,… Xuyên suốt series phim, khán giả sẽ thấy những sự đối lập, so sánh giữa các nhân vật để làm bật lên những quan điểm sống khác thường ấy. Carrie không bao giờ nấu ăn, sau khi kết hôn cũng vậy, họ sẽ ăn ngoài, hoặc order đồ ăn về nhà – Charlotte miệt mài làm nguyên một bàn các loại bánh lớn nhỏ, bất chấp hai nách hai con khóc lóc ầm ĩ. Samantha “kinh” qua đủ thể loại sex: three-some, three-some với gay, đấu vật, đu dây (xem phim sẽ rõ, haha), với lesbian, với anh gác cửa, với anh đưa thư, với anh “bé như mẩu xúc xích khô”,… – Charlotte quyết tâm để dành đêm tân hôn mới bóc tem chồng để rồi cay đắng nhận ra “cờ không thể lên nổi”. Miranda sẵn lòng thuê giúp việc, quay cuồng với công việc ở công ty và con nhỏ chứ không chịu nghỉ làm – Với Charlotte, việc ở nhà trang trí nội thất, nấu ăn, chăm sóc con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất không gì sánh bằng…

Mỗi người xem sẽ có những đánh giá khác nhau về hệ giá trị mà bộ phim muốn truyền tải. Những quan niệm khác thường đó chắc chắn ít nhiều mâu thuẫn với giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Nhưng không thể phủ nhận rằng những quan điểm đó đang xuất hiện ngày càng nhiều trong lối sống, tư duy của phụ nữ hiện đại quanh ta. Tôi yêu thích series SATC vì tôi học được những bài học về sự độc lập, sự kiêu hãnh của người phụ nữ. Tôi thích vô số chi tiết trong phim để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Tôi yêu Carrie Bradshaw xuất hiện trong những bộ cánh thời trang, sành điệu; và đặc biệt nhất là những đôi giày cao gót. Yeah, high-heel! Nó không nói rằng phụ nữ lúc nào cũng phải hàng hiệu. Nó nói rằng phụ nữ lúc nào cũng phải đẹp và kiêu hãnh; và nếu bạn chi 40,000 đô vào giày dép mà không có tiền backup hay không có khả năng mua nhà thì thật là ngu dốt. Hãy thể hiện tình yêu với chính bản thân mình qua những bộ đồ chỉn chu và những sải chân dài, mạnh mẽ, hiên ngang; hãy là người phụ nữ đẹp và thông minh. Tôi yêu cách Miranda và Samantha yêu công việc của mình và luôn là người chuyên nghiệp nhất, bossy nhất. Tôi yêu cả những niềm vui nho nhỏ giản dị của Charlotte như trang trí nội thất, làm bánh, chạy bộ kể cả khi mang thai. Tôi không phải chọn trở thành một trong số họ, nhưng tôi có thể chọn trở thành những gì tốt đẹp nhất ở những nhân vật ấy.

Rating của series nhìn chung tuy không cao, nhưng Sex and the city xứng đáng để bạn xem một lần trong đời. Tôi thì đã xem đi xem lại tỉ lần rồi. Những lúc ở một mình tôi vẫn thường bật bản movie 2008 hoặc 2010 để giọng nói líu lo vui vẻ của 4 người phụ nữ ấy vang lên trong phòng. Lời khuyên là bạn hãy xem tuần tự từng tập phim một, rồi đến movie năm 2008, rồi đến movie năm 2010; rồi cuối mỗi tập phim khi nhân vật Carrie nói câu thoại kinh điển: “I couldn’t help but wonder…”, hãy tự đặt ra cho bản thân mình những câu hỏi riêng.