Single Mom là gì trên facebook

"Mẹ đơn thân" chắc hẳn là cụm từ không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta trong xã hội hiện đại ngày nay rồi các bạn nhỉ? Vì chúng ta thấy cụm từ này xuất hiện không ít trên báo chí, truyền hình, phim ảnh, và nhất là các trang mạng xã hội [như facebook, instagram, zalo], hoặc là được truyền tai nhau ra rả khắp mọi nơi, khi có một ai đó nói về phụ nữ. Nhưng bạn đã thật sự hiểu hết ý nghĩa của cụm từ này chưa? Nếu chưa thì cùng tôi khám phá nhé!

1. Mẹ Đơn Thân Là Gì?


Đầu tiên, chúng ta sẽ xét về định nghĩa của từng từ trước:

- Mẹ: được định nghĩa thông thường nhất chính là người phụ nữ mang thai và sinh ra, hoặc nhận về, rồi nuôi nấng và dạy dỗ bé sơ sinh/ trẻ em khôn lớn trưởng thành.

Còn theo từ Hán - Việt:

- Đơn: có nghĩa là lẻ, một mình, đơn độc, cô đơn.

- Thân: có nghĩa là tự, chính mình.

Vậy, ta có thể hiểu đơn giản "Mẹ đơn thân" có nghĩa là một người phụ nữ tự mình mang thai và sinh ra, hoặc tự mình nhận về, rồi nuôi lớn và dạy dỗ bé sơ sinh/ trẻ em, trong đơn độc và lẻ loi.

Ngoài ra, Mẹ đơn thân được dịch sang:

- Tiếng Anh là: Single Mom

- Tiếng Trung là: 单亲妈妈 [Dānqīn māmā]

- Tiếng Nhật là: シングルマザー [Shingurumazā]

2. Mẹ đơn thân có những kiểu nào?



Với định nghĩa về Mẹ đơn thân [Single Mom] ở trên, chắc chúng ta ai cũng cảm thấy cực kỳ vô lý, thậm chí là thiếu khoa học và thiếu logic. Vì bản thân mỗi người trưởng thành đều biết rõ rằng, người phụ nữ không thể tự mình thụ thai, nếu không có sự tác động và trợ giúp của "nửa còn lại" và y học hiện đại. Thế nên, Mẹ đơn thân sẽ được chia theo các kiểu sau đây:

- Kiểu Bị Phản Bội: là nhóm những người Mẹ đơn thân có tuổi đời còn khá trẻ, và cũng là nhóm phổ biến trong xã hội bây giờ. Vì sự nhẹ dạ cả tin, một mực hết lòng trong tình yêu, và chưa trang bị được nhiều vốn sống cho chính mình ở cái thời thanh xuân ngây dại, mà họ đã một phút lầm lỡ bị người đàn ông dụ dỗ, lừa gạt, và phản bội. Thậm chí là không thừa nhận đứa con mà họ đang mang trong bụng. Nhưng thay vì bỏ đi giọt máu của mình thì họ vẫn can đảm giữ lại để nuôi dưỡng, khi trong tay không có chút tài sản cũng như không có cả một công việc ổn định. Có thể miệng lưỡi thế gian sẽ chê bai, khinh thường phẩm hạnh của những người Mẹ đơn thân này, nhưng với tôi, tôi dành cho họ một sự cảm phục vì ít nhất họ cũng dám đối mặt với sai lầm của bản thân.

- Kiểu Sau Ly Hôn: chắc các bạn cũng thắc mắc giống tôi, "sau ly hôn" có nghĩa là những người phụ nữ đó đã từng kết hôn, vậy họ có chồng, con họ có cha, từng được thừa nhận và hợp pháp. Thế sau còn được gọi là Mẹ đơn thân? Là như vầy đây, những người phụ nữ lập gia đình nhưng họ không cảm thấy hạnh phúc với cuộc hôn nhân đó vì vô vàn những lý do khác nhau, nên dẫn đến việc ly hôn. Khi ly hôn, họ thường giành được phần nuôi con, và nhận sự trợ cấp từ người chồng. Nhưng đời không như mơ, lúc còn ở bên nhau "quỹ đen" của chồng còn không giữ được, huống chi đã ly hôn thì tiền trợ cấp từ người chồng dần dần biến mất là điều không thể tránh khỏi. Và từ đó, họ được gọi là Mẹ đơn thân, phải một mình chèo chống nuôi con. Nhóm những người Mẹ đơn thân này chiếm số đông trong xã hội người nay.

- Kiểu Chủ Động: còn đây là nhóm những người Mẹ đơn thân cool ngầu nhất vì họ là dạng phụ nữ chỉ cần con không cần chồng. Với họ, một người chồng không trách nhiệm, thiếu mẫu mực và vô tích sự, cùng những mối quan hệ gia đình phức tạp nhức não như mẹ chồng, chị em chồng, vợ chồng cãi nhau.. là những điều họ "don't care" trong cuộc sống. Vì họ độc lập, bản lĩnh có thể tự tạo dựng sự nghiệp, và kiếm ra được nhiều tiền nên việc họ muốn một mình sinh con, nuôi con cũng là điều đơn giản và dễ dàng, với phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hoặc có thể họ là những người giàu lòng nhân ái, muốn trao yêu thương để xoa dịu những nỗi đau, những tổn thương đã gánh chịu quá nhiều trong cuộc sống với cách nhận nuôi con. Tôi có chút ngạc nhiên, ấn tượng, và nhiều cảm xúc về nhóm này. Còn vì sao lại vậy, thì tôi sẽ giải bày cùng các bạn ở phần bên dưới.

- Và cuối cùng là những người phụ nữ vẫn đang rất hạnh phúc bên chồng con. Nhưng do "đức lang quân" của họ quá tài giỏi, quá bận rộn, và chăm chút cho sự nghiệp, danh vọng, hay tài chính để cho vợ con an nhàn nhiều quá, nên đành phải giao luôn toàn quyền quyết định trong việc nuôi dạy con cái cho họ. Theo một góc độ nào đó, thì số ít này vẫn được gọi là Mẹ đơn thân.

3. Khó Khăn Và Thuận Lợi Của Mẹ Đơn Thân:

Không có gì là dễ dàng hết khi bạn phải làm một việc gì đó một mình, kể cả khi bạn có thừa năng lực. Sinh con đã là điều vô cùng gian nan, chết đi sống lại, thì việc nuôi con lại càng khó khăn hơn gấp bội.

Những khó khăn không thể tránh khỏi của một người Mẹ đơn thân có thể kể đến là:

- Tiền lo cho con cái ăn mặc và học hành. Đây có thể nói là nỗi lo chung của tất cả các bậc làm cha làm mẹ, khi vật chất ngày càng leo thang. Nếu còn đủ vợ đủ chồng thì khó khăn này phần nào được chia đôi, nhưng với những người Mẹ đơn thân thì họ phải gánh vác một mình. Dù là nhóm những người Mẹ đơn thân chủ động đi nữa thì đôi khi vẫn vướng phải khó khăn này, vì "Sông có khúc, người có lúc" mà.

- Họ có quá nhiều việc phải làm, từ những công việc ở công ty cho đến việc ở nhà, từ việc bếp núc nội trợ của một người vợ đến việc sửa chữa điện nước, vật dụng linh tinh trong nhà của một người chồng. Rồi việc của một người mẹ quan tâm chăm sóc con. Tất tần tật đều đổ dồn lên họ.

- Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa, đầy nhạy cảm của con trẻ khi chúng bước vào lứa tuổi biết nhận thức [ví dụ như: Cha con đâu? Cha con là ai].

- Đồng thời phải chịu nhiều áp lực tinh thần, thậm chí là tổn thương về tâm lý vì những lời phê phán, dèm pha, điều tiết, và mỉa mai của dư luận xã hội. Vì có thể ở những nước phát triển hơn, Single Mom không phải là điều gì quá nghiêm trọng. Nhưng với những phong tục tập quán, lễ giáo tiết hạnh bao đời nay của người dân Việt Nam thì sẽ khó chấp nhận một người phụ nữ "không chồng mà có con". Việc này cũng ảnh hưởng không ít đến đời sống của hai mẹ con sau này, nếu lỡ đứa trẻ không hiểu chuyện, và không có cái nhìn đúng đắn về mẹ của mình.

- Từ đó, những người Mẹ đơn thân sẽ có những lúc cảm thấy chạnh lòng, cô đơn, và cả tủi thân. Vì dẫu sao họ vẫn là những người phụ nữ có trái tim mềm yếu.


Nhưng bù lại, họ nhận được những thuận lợi sau:

- Có được trọn vẹn tình yêu thương từ người con, không bị san sẻ. Và ngược lại, họ cũng có thể dành toàn bộ tâm huyết của mình cho con.

- Tự do trong cách dạy dỗ - định hướng con, mà không cần phải lo lắng bất đồng quan điểm, hay phụ thuộc vào bất kỳ ai.

- Sự trưởng thành và khôn lớn nhanh hơn ở người con. Và có thể trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ.

4. Cách Nuôi Dạy Con Của Mẹ Đơn Thân:


Liệu có khác gì với những người Mẹ thông thường?

- Họ phải tập kiềm chế cảm xúc của bản thân và luôn luôn phải biết vị tha, để không phải phát ra những ngôn từ hành động gây tổn thương cho đứa trẻ vì những áp lực mình gánh chịu, hay vì "giận cá chém thớt ai kia". Một phút thiếu kiểm soát trong lời nói hay cử chỉ của họ trước mặt con cái cũng có thể sẽ khiến họ trượt dài với việc tạo ra những ám ảnh trong quá trình khôn lớn của đứa trẻ. Nên hiểu rằng bên cạnh họ không có "nửa đồng hành" để kịp thời ngăn họ lại được trong những lúc ấy, như những người Mẹ khác thì có "Chồng đấm Vợ xoa" hay "Vợ đấm Chồng xoa" đại loại vậy.

- Họ phải dạy cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất nhưng phải thiết thực nhất như đánh răng để không bị sâu ăn chứ không phải là sẽ bị "Ông kẹ" bắt, đi vệ sinh nơi công cộng như thế nào, vì sao phải đề phòng người lạ, vì sao không để các ông/bác/chú ôm hôn.. để con có thể biết cách tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Cũng như nên nới lỏng vòng tay bảo bọc của mình ra từng chút theo từng độ tuổi của con, để con có thể va chạm dần dần với cuộc đời, rồi tự khắc sẽ được đời dạy cho trưởng thành. Đặc biệt, không nên tiêm nhiễm vào đầu đứa trẻ những oán hờn, trách móc, căm ghét về "nửa kia".

- Không nhất thiết phải quá mạnh mẽ và "biết tuốt" trong mắt con trẻ vì họ chỉ cần hiểu tâm lý và thỏa mãn được ước muốn nguyện vọng của con theo cách họ nghĩ ra, hoặc thay thế là được rồi. Ví dụ như con thích học võ, họ không cần phải đi học võ rồi về dạy con, mà chỉ cần tìm cho con một trường/thầy uy tín để huấn luyện là ổn.

- Dùng tình thương để bù đắp sự thiếu thốn tình thương. Không đặt nặng quá nhiều về vật chất. Đừng nghĩ cứ cho con một cuộc sống đủ đầy nhung lụa xa hoa là con sẽ vui và hạnh phúc. Điều này hoàn toàn sai lầm. Chỉ có trái tim mới chạm được đến trái tim. Thế nên, họ sẽ phải dành cho con những khoảng thời gian riêng mỗi ngày để hỏi han, tâm sự, chia sẻ và chơi đùa cùng nhau.

- Cuối cùng nhưng cũng là mấu chốt đó chính là họ phải yêu thương chính bản thân mình trước, chăm sóc cho cả tâm hồn và thể xác của mình thì mới có đủ năng lượng để nuôi con chăm con. Họ không nên tự ti mặc cảm về số phận của mình. Phải luôn yêu đời, lạc quan. Vì năng lượng tích cực đó của họ cũng phần nào tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người con, cùng họ đương đầu mọi thử thách và khó khăn trong cuộc sống. Và cũng giống như họ, người con cũng muốn họ hạnh phúc.

5. Có Nên Làm Mẹ Đơn Thân:

Như chúng ta đã thấy ở trên, làm một người Mẹ đơn thân [Single Mom] có nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Thế nên, sẽ tùy vào từng trường hợp mà chúng ta có thể đưa ra quyết định sáng suốt, khéo léo và đúng đắn nhất. Và nên đặt "người con" lên hàng đầu.

- Với kiểu Mẹ đơn thân bị phản bội: trường hợp này là bất khả kháng và không mong muốn nhất, bắt buộc bạn phải trở thành như vậy. Thế nên, tôi thấy thương cảm và khích lệ. Vì điều này ít nhất cũng tốt hơn rất nhiều so với việc từ bỏ, hay không thừa nhận máu mủ của mình. Tuy nhiên, để làm được Mẹ đơn thân trong trường hợp này thì đòi hỏi bạn phải có một tình yêu thương cũng như sự hy sinh lớn lao. Đồng thời cũng phải rất kiên cường và chịu thương chịu khó, mới có thể thực hiện được nghĩa vụ của bản thân với người con. Nhưng, nếu cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh [người thân, bạn bè], thì bạn cũng nên tận dụng để tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho mình nha.


- Với kiểu Mẹ đơn thân sau ly hôn: vì bản thân tôi không có chút kinh nghiệm gì về hôn nhân, nên tôi e ngại khi nói lên quan điểm này sẽ vướng phải bất đồng và nhận về gạch đá. Nhưng tôi vẫn nghĩ trường hợp này là không nên. Không nên ở đây không phải là không nên nuôi con sau ly hôn, mà là không nên ly hôn. Nhất là khi đã có con. Bởi vì mọi quyết định của bạn đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, và cuộc sống của người con sau này. Một cuộc ly hôn trong ôn hòa thì không nói gì, nếu ngược lại thì thật là tệ đối với đứa con. Thế nên, hãy cố gắng dung hòa, hàn gắn, và vun vén lại tình cảm cũng như cuộc sống hôn nhân của bạn bằng mọi cách trước. Đến khi nào không còn tác dụng gì nữa, hãy nghĩ đến việc ly hôn cũng như nuôi con một mình vẫn chưa muộn nè.

- Với kiểu Mẹ đơn thân chủ động: như tôi đã nói là có khá nhiều cảm xúc về kiểu này, và đây là nguyên nhân của tôi. Tôi chia thành hai trường hợp nhé:

+ Nhận nuôi: tôi hoàn toàn tán đồng với kiểu Mẹ đơn thân này, vì nó mang một giá trị nhân văn sâu sắc, và xứng đáng được trân trọng. Những người Mẹ đơn thân chủ động nếu với mục đích thật tâm thì sẽ hết sức cao đẹp. Họ vừa có thể đem đến một tương lai mới, một thế giới mới cho những mảnh đời bé nhỏ đầy bất hạnh và cơ cực [như trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ], lại vừa có thể sưởi ấm cho trái tim vốn có nhiều vết thương khó hồi phục trong cuộc sống tình cảm của bản thân họ, hoặc có thể xoa dịu đi nỗi đau của những người phụ nữ không có khả năng sinh con và không có nhiều điều kiện về kinh tế.

+ Tự sinh tự nuôi: còn đây là kiểu Mẹ đơn thân khiến tôi đắn đo nhất. Thú thật là tôi không thích chút nào, cũng như không chấp nhận và đồng tình được kiểu này. Có thể quan điểm của tôi sẽ động chạm không ít người. Tôi xin lỗi vì điều này, nhưng vẫn muốn nói rằng có thể những người Mẹ đơn thân này họ theo chủ nghĩa độc thân, có một sự phóng khoáng trong cách sống, và tư tưởng của họ tân tiến, hiện đại hóa vô cùng. Cộng thêm việc họ quá đầy đủ và bản lĩnh nên họ nghĩ đến việc làm Mẹ đơn thân chỉ để bù đắp đi sự trống trải và cô đơn trong lòng họ. Điều đó không hẳn là sai, chỉ là hơi ích kỷ. Thà là bất khả kháng như những trường hợp ở trên thì tôi còn có thể cảm thông được, hơn là việc tự tạo ra nghịch cảnh này. Chẳng khác nào họ vì bản thân mình nhiều hơn là vì đứa bé. Chúng ta nên nhớ một đứa trẻ thiếu cha hay mẹ đều không thể nào có được một tình yêu thương trọn vẹn, đều sẽ có những khuyến khuyết trong tâm hồn và đời sống tinh thần không thể nào bù đắp được. Thật sự rất đáng thương!

Cuối cùng, tất cả những người Mẹ đơn thân [Single Mom] đều có quyền "tiến thêm bước nữa" trong tình cảm và hôn nhân của mình. Nhưng bạn nên đắn đo, suy xét thật kỹ, và nghĩ đến cảm nhận của "người con" nhiều hơn một chút.

Kết: Qua bài viết này, chúng ta có một góc nhìn khác về những người Mẹ. Nhưng suy cho cùng tình mẫu tử vẫn luôn là thiêng liêng nhất. Thế nên, hãy luôn trân trọng, đồng thời hãy dành một tình cảm đặc biệt và to lớn nhất cho những người Mẹ của các bạn, cũng như những "người Mẹ của con" các bạn. Vì họ luôn xứng đáng được yêu thương. Và hãy thể hiện tình cảm đó mỗi ngày, đừng chỉ đợi đến những ngày Lễ bạn nhé!

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Ảnh minh họa có thể có bản quyền.

Nhật Thiên Thanh

P/s: Nhân dịp 8.3. 2021 - Quốc Tế Phụ Nữ, kính chúc cho Mẹ của Mẹ, Mẹ của tôi, Mẹ của các bạn, và những người đã, đang và sẽ làm Mẹ có thật nhiều sức khỏe, bình an, hạnh phúc, may mắn, vui vẻ và thành công trong cuộc sống nha. ^^

Video liên quan

Chủ Đề