Suy tĩnh mạch chi dưới là gì

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới ảnh hưởng trực tiếp sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh nên thăm khám sớm với bác sĩ để điều trị kịp thời, hiệu quả.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh gì?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Từ đó, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng ở vùng chân, biến đổi về huyết động và gây biến dạng tổ chức mô xung quanh.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường tiến triển âm thầm, từ từ, ít gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày. Bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao gấp 3 lần so với nam giới.

Phân loại cấp độ suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Ở người, tĩnh mạch chi dưới bao gồm:

  • Tĩnh mạch nông: Tĩnh mạch hiển bé, tĩnh mạch hiển lớn
  • Tĩnh mạch sau: gồm tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch chày trước, tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch chày sau.
  • Tĩnh mạch xuyên” là đoạn nối các tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu với nhau.

Suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí tĩnh mạch nào. Người ta phân loại các cấp độ suy giãn tĩnh mạch thành các giai đoạn:

  • Suy giãn tĩnh mạch chi dưới độ 1: Người bệnh chưa có biểu hiện bệnh, không nhìn thấy hay sờ thấy được.
  • Độ 2: Suy giãn tĩnh mạch với đường kính trên 3mm.
  • Độ 3: Có hiện tượng phù chi dưới nhưng chưa bị biến đổi trên da.
  • Độ 4: Xuất hiện triệu chứng xơ mỡ da, chàm tĩnh mạch, loạn dưỡng gây biến đổi sắc tố da.
  • Độ 5: Sắc tố da biến đổi kèm một vài vết loét đã lành.
  • Độ 6: Sắc tố da biến đổi rõ rệt, các vết loét đang tiến triển, không lành.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới trải qua nhiều cấp độ từ nhẹ tới nặng

Nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bao gồm:

Nguyên nhân tiên phát

Giãn tĩnh mạch vô căn thường là do bất thường về mặt di truyền hoặc là do huyết động của hệ tĩnh mạch nông gây ra. Còn giãn tĩnh mạch sâu tiên pháp là do bất thường giải phẫu như bờ tự do của van quá dài, dẫn đến sa van, giãn vòng van.

Nguyên nhân thứ phát

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể do các nguyên nhân sau gây nên:

  • Do bị chèn ép bởi khối u, hội chứng Cockett
  • Do hội chứng hậu huyết khối
  • Bị chèn ép về huyết động như chơi thể thao thường xuyên, có thai
  • Dị sản tĩnh mạch.

Có thể bạn quan tâm:

  • BV Hồng Ngọc tổ chức Hội thảo Chẩn đoán và điều trị dị dạng động tĩnh mạch ngoại vi
  • Bệnh mạch vành: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng tránh
  • Chuyên khoa Tim mạch BV Hồng Ngọc – Địa chỉ uy tín trong thăm khám và điều trị các bệnh lý tim mạch

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Tùy vào tình trạng, mức độ bệnh, các biểu hiện sẽ khác nhau. Mỗi người sẽ có những triệu chứng nặng nhẹ khác nhau tùy vào cơ địa. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới đều có những triệu chứng phổ biến dưới đây:

Giai đoạn đầu

Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Thường xuyên cảm thấy mỏi chân, phù nhẹ khi đừng lâu hoặc ngồi nhiều
  • Có cảm giác kim châm, dị cảm như kiến bò ở vùng cẳng chân vào ban đêm
  • Thường bị chuột rút vào buổi tối
  • Xuất hiện các mạch máu nhỏ li ti nổi ở chân, nhất là vùng cổ chân, bàn chân
  • Xuất hiện tình trạng phù chân, đặc biệt là vùng mắt cá chân, bàn chân
  • Màu sắc da vùng cẳng chân thay đổi.

Giai đoạn biến chứng

Ở giai đoạn này, các triệu chứng nặng nề hơn. Gồm:

  • Chảy máu do tĩnh mạch giãn vỡ
  • Viêm tĩnh mạch nông huyết khối
  • Nhiễm khuẩn các vết loét
  • Đau nhức chân mức độ nặng
  • Các búi tĩnh mạch trương phồng lên, nổi rõ.

Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới như thế nào?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể được chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng khi bác sĩ quan sát và khai thác các yếu tố nguy cơ từ người bệnh. Các triệu chứng này có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy khi tĩnh mạch giãn ra và căng nhanh khi người bệnh chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định kỹ thuật siêu âm Doppler mạch máu để chẩn đoán chính xác nhất bệnh lý này. Máy siêu âm sẽ xác định được tổn thương của các van tĩnh mạch hiển lớn và bé, tĩnh mạch sâu, van tĩnh mạch sâu… Từ đó, xác định được phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào mức độ bệnh cũng như khả năng của bệnh nhân. Các phương pháp thường được sử dụng gồm:

Điều trị nội khoa

Với những trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị phù hợp. Việc sử dụng thuốc giúp ngăn chặn sự trào ngược và tăng cường dòng chảy của tĩnh mạch tốt hơn.

Một số loại thuốc có thể được sử dụng như thuốc làm bền thành mạch. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng khi mới ở giai đoạn đầu của bệnh.

Phẫu thuật

Bác sĩ tiến hành phẫu thuật để lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng những dụng cụ chuyên dụng.

Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát cực thấp. Tuy nhiên ngày nay ít được sử dụng do người bệnh phải gây mê, gây tê khi thực hiện, thời gian nằm viện dài, hồi phục sau mổ lâu và có thể gặp biến chứng như tụ máu vùng đùi, huyết khối tĩnh mạch, dị cảm chi dưới…

Phương pháp làm lạnh bằng nitơ lỏng -90 độ C

Phương pháp này có tác dụng làm nghẹt lòng tĩnh mạch bằng ống thông trong lòng tĩnh mạch. Nhược điểm là có tỷ lệ tái phát cao, tới 30%.

Tiêm xơ

Nguyên lý của phương pháp này là tiêm một loại chất xơ vào hệ thống tĩnh mạch nông chi dưới. Chất này gây tổn thương nội mạc tĩnh mạch, thành phần lân cận lớp trung mạc. Từ đó, dẫn đến hình thành huyết khối gây tắc lòng tĩnh mạch bị suy và máu sẽ không ứ trệ tại tĩnh mạch bị suy giãn nữa.

Can thiệp nội tĩnh mạch

Phương pháp này có thể sử dụng laser hoặc sóng cao tần để phá hủy tĩnh mạch. Trong đó, laser nội tĩnh mạch sử dụng các ống dẫn phát ra chùm tia laser [nguồn ánh sáng] với bước sóng thường dùng là 1470nm, trong khi RFA nội tĩnh mạch sử dụng ống dẫn phát ra các chùm sóng cao tần.

Cả hai kỹ thuật này đều tạo ra năng lượng nhiệt, phá hủy collagen thành tĩnh mạch, dẫn đến viêm thành tĩnh mạch, xơ hóa và tắc nghẽn hoàn toàn tĩnh mạch.

Phương pháp đốt suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần hoặc laser là kỹ thuật hiện đại, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn cao, hệ thống máy móc tân tiến.

Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới tại BV Hồng Ngọc

Hiện tại, BVĐK Hồng Ngọc đã triển khai áp dụng phương pháp đốt suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần và đã điều trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân, giúp họ không còn phải khổ sở với các triệu chứng bệnh.

Đăng ký thăm khám và nhận tư vấn từ chuyên gia tại đây:

Biện pháp phòng tránh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể được phòng tránh từ sớm nếu thực hiện tốt các biện pháp dưới đây:

  • Không nên mặc quần quá bó, quá chật
  • Hạn chế mang giày cao gót nhiều
  • Nằm, ngồi đúng tư thế, không nên đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu
  • Khi nằm nên kê chân cao hơn để tạo thuận lợi cho máu về tim qua tĩnh mạch
  • Tập thể dục thường xuyên, đều đặn với cường độ vừa phải để tăng cường lưu thông máu và nâng cao sức khỏe thể chất
  • Đảm bảo uống đủ 2 lít nước mỗi ngày với người lớn
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin và chất xơ
  • Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân béo phì.

Khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh. Phát hiện và điều trị từ giai đoạn đầu sẽ đem lại hiệu quả cao và ít tốn kém hơn.

Chủ Đề