Tại sao bệnh viện mang tính chất xã hội

1. Lịch sử công tác xã hội trong bệnh viện
Ngay từ cuối thế kỷ XVII, với cuộc cách mạng công nghiệp, xã hội Phương Tây đã bắt đầu phải chứng kiến những vấn đề phức tạp mới với quy mô rộng lớn. Trước những vấn đề này, đã có nhiều hoạt động từ thiện của các cá nhân, các tổ chức được thực hiện nhằm hỗ trợ cá nhân vượt qua khó khăn. Song, không những không thay đổi tình thế mà còn tạo ra thói quen ỷ lại trong các nhóm đối tượng yếu thế. Các hoạt động từ thiện chỉ có tác dụng xoa dịu nỗi đau nhất thời, không tìm ra căn nguyên vấn đề mà đối tượng đang gặp phải cũng như không giúp đối tượng tìm ra cách tháo gỡ. Vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước, những nhà hoạt động xã hội ở Anh, Mỹ từ chỗ thấu hiểu sâu sắc những tác hại của cách làm từ thiện theo kiểu ban phát đã bắt đầu mở các khóa đào tạo ngắn hạn đầu tiên về CTXH và vận dụng các môn Tâm lý, Xã hội học, Kinh tế học,vào chương trình đào tạo. Cho đến giữa thế kỷ XX, CTXH đã trở thành một ngành học được đào tạo chính quy ở hầu hết các nước trên thế giới, cả ở các nước tư bản cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trên thế giới đã hình thành mạng lưới quốc tế về CTXH với nhiều tổ chức như: Hiệp hội các trường CTXH, Liên đoàn chuyên nghiệp xã hội, Các tổ chức và bảo vệ an ninh nhi đồng, dịch vụ gia đình,Nhiều tổ chức Liên hiệp quốc như UNDP, UNICEF, ESCAP đã đặc biệt đề cao CTXH như một cách tiếp cận khoa học và thích hợp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển xã hội ở những nước chậm phát triển. CTXH vì vậy mà đã trở thành một ngành nghề được xã hội trọng dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Nghề CTXH ở Việt Nam có thể được coi là chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. CTXH trong ngành y tế cũng đã được hình thành ngay sau đó khi mà Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 về việc phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020. Và gần đây nhất là Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định lấy ngày 25 tháng 03 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Như vậy chúng ta có thể thấy, CTXH trong bệnh viện ngày càng phát triểnthực sự có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.
2. Vai trò quan trọng của công tác xã hội tại các bệnh viện
Xã hội càng phát triển càng cần đến CTXH. Sự xuất hiện của nhân viên CTXH trong chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng là phương thức để mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe đến với người dân ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm khuyến khích họ tích cực tham gia giải quyết những vấn đề sức khỏe bằng chính khả năng của mình với những phương pháp thích hợp.
Hoạt động CTXH tại bệnh viện lại càng cần thiết hơn, là yếu tố cần được phát huy nhất. Sự hỗ trợ của nhân viên CTXH đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.
Tại bệnh viện, nhân viên CTXH có vai trò quan trọng trong trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhân viên CTXH có nhiệm vụ hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất, là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân thông qua việc tư vấn các vấn đề xã hội có liên quan cho bệnh nhân và gia đình của họ trong quá trình điều trị; tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ trên cơ sở tìm hiểu và phân tích các yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân; kết nối các dịch vụ hỗ trợ cho từng bệnh nhân; nghiên cứu cung cấp bằng chứng từ thực tế hoạt động để đề xuất chính sách; hỗ trợ giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế Nhân viên CTXH cũng có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của bệnh nhân và theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện. Chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng như: truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp các nhóm đặc thù phục hồi, phát triển thể chất và tinh thần,Ngoài ra, sau khi điều trị bệnh, nhân viên CTXH còn giúp bệnh nhân hồi phục và tái hòa nhập đời sống bình thường của gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, CTXH trong bệnh viện còn có nhiệm vụ giúp đỡ và tìm nguồn tài trợ cho các người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, công tác truyền thông, quan hệ công chúng và tham gia công tác đào tạo tại bệnh viện
Như vậy, CTXH trong bệnh viện thực sự có vai trò rất quan trọng, ngành CTXH trong lĩnh vực y tế cũng đã có hướng đi rõ ràng. Mong rằng trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Y tế tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa để CTXH phát huy tác dụng, góp một phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.


Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thảo Nguyên
[Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh]

Video liên quan

Chủ Đề