Tại sao phải thống nhất nước Đức

'Deutschland über alles' nước Đức sau 30 năm hoàng kim sẽ đi về đâu?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tuần qua, nước Đức kỷ niệm 30 năm thống nhất có vẻ hơi khiêm tốn quá.

Ngoài lễ khai trương tượng Mikhail Gorbachev ở Dessau-Rosslau, bang Saxony-Anhalt người Đức vẫn cảm ơn ông đã cho phép các bang miền Đông trở về với nước mẹ Đại Đức thì có các buổi hòa nhạc ở nhiều nơi khác.

Berlin 28 năm chia cắt và 'Bức màn Sắt' phân định Đông-Tây

Bức tường cắt đôi ngôi làng 'Tiểu Berlin' của Đức

Quảng cáo

Ngôi làng Đức, nơi từng đe dọa hủy diệt châu Âu

Tổng thống Frank-Walter Steinmeier hôm thứ Bảy 03/10 có tới Potsdam, cách Berlin 25 km dự lễ Ngày Thống nhất Đức [German Unity Day] và cảm ơn những người biểu tình Đông Đức 30 năm trước đã mở đầu phong trào đòi dân chủ, tạo đà cho công cuộc thống nhất.

Hè vừa qua tôi cũng có dịp thăm lại Potsdam và chú ý nhiều hơn đến những biểu tượng kiến trúc của Đế chế Phổ, công viên to đẹp nhưng tượng ít và không đẹp bằng Versailles của Pháp.

Tôi rất thích 'đồi nho' [weinberg] được xây thành bậc xanh um ngay trước Cung Vô ưu [Sanssouci]: thật là thực dụng kiểu Đức. Cung vua mang dáng dấp nông trại.

Khi ấy, tức là thế kỷ 18, các vua Phổ [dòng Đức phía Đông Bắc] còn 'nông dân' lắm nếu so với vua chúa phía Tây Đức và không thể sánh bằng các triều đại Pháp, Anh, Tây Ban Nha trong cuộc chơi xa hoa, quyền quý.

Thế nhưng Phổ đã dùng quân sự đưa các vương quốc nói tiếng Đức hợp nhất lại thành Đế chế Đức năm 1871 sau trận thắng kẻ thù cũ là Pháp ở Sedan [1870], bắt sống Hoàng đế Napoleon III.

Vì thua Đức, nước Pháp đã cố đem quân đánh Đại Nam ở vùng Đông Nam Á xa tít mù khơi nhằm phục hồi danh dự ở châu Âu, theo sử gia Pháp Etienne Francois [Đại học Sorbonne] viết cho tạp chí Die Zeit Geschichte trong chuyên đề về Cuộc chiến Pháp-Phổ 1870/71.

Tạm để sang một bên chuyện Việt Nam không chỉ một lần là nạn nhân gián tiếp của các cuộc tranh hùng châu Âu, cần phải nói kỷ nguyên Đức: 1871-1945 là đại họa cho chính người Đức và các láng giềng bởi chủ nghĩa quân phiệt Phổ sắt máu.

Vì thế, sự kiện 30 năm trước, hai miền đông và tây của Đức thống nhất trong hòa bình, lại càng đặc biệt.

Chụp lại video,

Bức tường Berlin trông thế nào?

Có lẽ vì sợ chính mình nên người Đức không cho phi cơ ném bom bay ào ào qua cổng Brandenburg ngày 03/10/2020 vừa qua, kỷ niệm Ngày Thống nhất.

Quá khứ luôn ám ảnh nước Đức

Nhưng đừng ai nghĩ nước Đức quên đi quá khứ của họ.

Quốc ca Đức từng mở đầu bằng câu 'Deutschland, Deutschland über alles, über alles in der Welt'.

Nước Đức trên hết, hơn tất cả trên toàn thế giới.

Trước khi Donald Trump muốn Making America Great Again, trước khi Tập Cận Bình muốn phục hưng Trung Hoa thì lời ca của Hoffmann von Fallersleben năm 1841 với nhạc của Joseph Hayden đã vang vọng khắp các xứ nói tiếng Đức.

Nay, lời mở đầu quốc ca Đức chỉ còn hát "Thống nhất, quyền và tự do cho Tổ quốc Đức", nhưng vẫn có các fan bóng đá dùng lời cũ.

Ca từ còn gắn với lịch sử Thế Chiến II: Tháng 11/1944, chiến hạm khủng Tirpitz bị Không quân Hoàng gia Anh đánh bom ở bờ biển Na Uy, và các vụ nổ đã lật nhào con tàu.

Đội cấp cứu chỉ đục vỏ thép cứu được ra 82 người, còn rất nhiều chịu chết bên trong.

Tiếng hát Deutschland über alles của họ vọng ra từ con tàu dần chìm xuống biển được kể lại hoặc dựng lại trong phim ảnh chiến tranh sau này.

Nguồn hình ảnh, Nguyen Giang

Tất nhiên, không một quân nhân Đức nào trong Thế Chiến II có thể được coi là hoàn toàn vô can.

Tường Berlin sụp đổ: 'Người Đức may mắn hơn người Việt'

Đổ tường Berlin: 'Tôi ra Cổng Thành tìm người Việt'

Đổ tường Berlin: 'Tôi sang phía tự do và làm lại cuộc đời'

Tàu Tirpitz đã bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu hàng và hỗ trợ các đội Sói biển của Hitler săn cả tàu khách Anh, Mỹ ở Đại Tây Dương.

Nói thế để thấy ấn tượng về cuộc thế chiến vẫn còn rất kinh khủng tại châu Âu và nhiều thế hệ người Đức ngày nay tiếp tục hối lỗi cho cha ông họ.

Vì vậy, các câu hỏi lớn được đặt ra nhân dịp 30 năm Đức thống nhất.

Di sản Đông Đức

Đầu tiên là về di sản Đông Đức.

Một số trí thức Đức, như triết gia Jurgen Habermas, sử gia Steffen Mau đang đặt câu hỏi phải chăng việc nhập Đông Đức vào CHLB Đức diễn ra quá nhanh, thiếu một quá trình chuyển đổi chính trị ở chính xã hội Đông Đức.

Hậu quả là chia rẽ trong lòng người Đông Đức đến nay về quốc gia chung vẫn còn.

Việc đòi có tiếng nói riêng, đặc thù cho văn hóa của họ là một trong số các lý do đảng phái cực hữu, tân phát-xít nảy nở mạnh hơn tại vùng Đông Đức cũ.

Cộng thêm vào đó là kinh tế vùng Đông, sau nhiều đầu tư, trợ cấp vẫn chỉ đạt thu nhập bằng 88% của phía Tây.

Tóm lại, bị áp đặt mô hình, kể cả mô hình ưu việt hơn từ phía Tây, và nhận 'bao cấp dân chủ' khiến người Đông Đức cũ không đi tới các giải pháp tối ưu cho chính họ.

Muốn tự chủ, có tư cách ngang hàng thì phải tự làm, như Ba Lan, Czech, Hungary, Lithuania, Latvia, Estonia đã vượt khó khăn sau 1990/91 để thăng hoa.

Nhà văn Phạm Thị Hoài ở Berlin viết trên Facebook cá nhân:

Ba mươi năm tất nhiên chưa đủ để hàn gắn bốn mươi năm chia cắt. 90% dân chúng hài lòng với chất lượng sống hiện tại. 73% thấy mình là người Đức không phân biệt Đông Tây. 64% hài lòng hoặc rất hài lòng với sự vận hành của các thiết chế dân chủ. Song 2/3 thấy công cuộc thống nhất vẫn chưa hoàn thành. Quá nửa người bên Đông thấy mình vẫn là công dân hạng hai. 10% bên Đông và 3% bên Tây vẫn muốn phục hồi CHDC Đức. Lịch sử vẫn là một chiếc bập bênh, dù nó đã dành cho nước Đức nhiều may mắn.

Vấn đề thống nhất thế nào cho đúng hóa ra không chỉ đặt ra, và bị quên đi, với Việt Nam, mà vẫn hiện hữu ở Đức sau 30 năm thực sự thành công.

Thứ nhì là câu hỏi lớn cho tương lai sắp tới của Đức.

Cây bút nổi tiếng ở Anh, Timothy Garton Ash viết trên trang The Guardian hôm 03/10:

Lịch sử Đức chưa bao giờ tốt đẹp như 30 năm qua.

Quốc gia giàu nhất, to nhất châu Âu đã là hình mẫu của thống nhất lãnh thổ phi chiến tranh, xây dựng hòa bình, thịnh vượng và là tấm gương dân chủ khỏi chê.

Nhưng nay, theo ông Garton Ash, người Đức và cả châu Âu đang hỏi tiếp đến 30 năm nữa, Đức sẽ làm gì với di sản 'hoàng kim' này.

Bởi Đức làm gì, hay dở ra sao đều có tác động mạnh đến châu Âu.

Nay Anh đã ra khỏi EU nhưng kể cả khi còn ở lại, Anh có ảnh hưởng toàn cầu hơn Đức mà luôn thua về các chỉ số cứng.

Các sách của Anh dạy trẻ con mà tôi đọc ké của con gái đang học cấp ba đều luôn nhắc: Đức có dân số 83 triệu, đông hơn Anh 1/3, có diện tích cũng to hơn United Kingdom 1/3, 'vốn đất, vốn người' về cơ bản luôn trội hơn.

Nay EU còn lại 'hai ông khổng lồ': Đức và Pháp.

Nhưng trong quan hệ đó, Đức cũng to hơn Pháp [65 triệu dân], dù mỗi nước có vị trí địa chính trị khác nhau.

Pháp án ngữ cả ba cửa biển: Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và eo biển La Manche, Đức lại là địa bàn không thể trung tâm hơn: nối với Bắc Âu, Đông Âu, Baltic và Nga.

EU không thể làm gì với Nga nếu thiếu nước Đức.

Pháp muốn Đức chi tiền để Pháp... lo ngoại giao EU.

Còn nhìn từ Anh, Timothy Garton Ash tin rằng Anh Quốc ra khỏi EU sau Brexit có bị xô đẩy thế nào bên rìa châu Âu thì cũng ảnh hưởng gì đến ai nữa, nhưng không thể hình dung ra nước Đức liên bang thiếu EU và EU thiếu Đức.

Ông cũng cảnh báo Đức chưa chắc đã có 30 năm tới yên lành. Ba mươi năm qua Đức lên vù vù nhờ cả thị trường Trung Quốc, nhờ 'dự trữ' nhân lực rẻ mà có trình độ ở các láng giềng Đông Âu và nhờ môi trường EU nói chung khá ổn định.

Vị học giả Anh từ Oxford mong đợi nước Đức sẽ mạnh hơn, dân chủ hơn để đối đầu với chế độ 'Leninist-tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc', và giúp châu Âu bớt lệ thuộc vào một Hoa Kỳ ích kỷ hơn, bất định hơn.

Hiền lành và yên ổn quá mức?

Đạp xe thăm nhà ga mới của Deutche Bahn, qua trung tâm chính trị ở Berlin mùa hè vừa qua trong một ngày nóng nực, tôi không thấy nước Đức sẵn sàng cho vai trò lãnh đạo thế giới.

Đường phố xanh, sạch và hiền hòa, con người cũng thế và chẳng hề thấy bóng dáng cảnh sát nào cả vì dân tự giác quá.

Nguồn hình ảnh, Nguyen Giang

Chụp lại hình ảnh,

Nguyễn Giang đứng trước Điện Bellevue, tức Dinh Tổng thống Đức, trong mùa hè 2020

Lượn một vòng sát tường Dinh Thủ tướng rồi tới cả Điện Bellevue là Dinh Tổng thống Liên bang, tôi để xe đạp vào giữa bãi cỏ đứng chụp ảnh.

Khác với Downing Street ở London luôn có cảnh sát vũ trang lăm lăm súng MP5-SF đứng gác, Dinh Tổng thống Đức có hai anh cảnh sát đứng xa xa nhìn uể oải 'đuổi ruồi' trong trời nắng.

Người Đức cũng chán ý thức hệ lắm rồi.

Cặp tượng hai triết gia Marx và Engels từ thời Đông Đức được dọn về một góc công viên rất khiêm nhường, không xa bến một tàu thủy trên sông Spree.

Không chỉ Berlin mà thành phố nào ở Đức tôi qua cũng chú ý tới thành tích môi trường, về nghệ thuật đường phố.

Các tượng đài chiến tranh nếu có thì để dân Đức tưởng nhớ nạn nhân chế độ phát-xít, không bao giờ thấy khoe 'tính chiến đấu' của cha ông họ.

Chỗ nào chiều xuống cũng có ca nhạc, nhảy múa, bia rượu vui vẻ. Cuộc sống sướng quá rồi chăng?

Đúng là giữa hè 2020 Đức có biểu tình chỗ này chỗ kia chống các hạn chế dịch Covid, có nhóm xông cả lên thềm nhà Quốc hội Liên bang.

Nhưng so với biểu tình ngồi chật cứng London hay phong trào Áo vàng đốt phá khói mù Paris thì tôi thấy tính kiềm chế của dân Đức vẫn còn rất cao.

Mà thế giới, nói như Thủ tướng Justin Trudeau của Canada trước LHQ hôm vừa rồi thì thế giới sẽ còn gặp khủng hoảng sâu nặng hơn nữa.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủt ướng Đức Angela Merkel gặp gỡ lực lượng hải quân Đức khi bà đi thăm chiến hạm 'Braunschweig' hồi 1/2016 tại Kiel, Đức

Châu Âu rất cần Đức có vai trò gì đó mạnh mẽ hơn.

Chỉ mỗi tội họ làm mạnh chút thì các nước nạn nhân của Thế Chiến 2 lại muốn chỉ Berlin thật hiền hòa, chi tiền nhiều mà không gây sức ép ngoại giao.

Gần đây, Đức tung ra chiến lược châu Á - Thái Bình Dương để nhắn gửi cho thế giới biết là họ đã để ý đến sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhưng từ tuyên bố đến hành động vẫn là đoạn đường xa, và còn chờ châu Âu hậu Brexit cho phép nước Đức tái vũ trang.

Hiện nay, Bundeswehr, lực lượng vũ trang 'hiền khô' của Đức, hoàn toàn không có kinh nghiệm tác chiến.

Quân đội này chỉ ghi nhận đúng 57 tử sĩ bên ngoài biên giới tính từ Thế Chiến II, con số thương vong của Đức trong sứ vụ Nato nhằm kiến tạo hòa bình ở Afghanistan.

Nghĩ lại lịch sử, chỉ một chiến dịch Citadel đánh trận Vòng cung Kursk ở Liên Xô [cũ], Wehrmacht tung vào 800 nghìn quân và bị thương vong hàng trăm nghìn.

Với sức mạnh công nghệ và kinh tế to lớn, việc phục hồi lực lượng vũ trang không khó và có vẻ lãnh đạo Đức và giới tinh hoa cũng biết về nhu cầu an ninh riêng chứ không phải muốn nằm mãi dưới tấm chăn Nato bất cập.

Cách đây vài năm, Berthold Kohler, chủ bút tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung nêu ý tưởng rằng Đức cần tính chuyện có vũ khí nguyên tử.

Bà Angela Merkel muốn Đức có quân đội mạnh với tư cách là quân đội của châu Âu, sẵn sàng đảm trách nghĩa vụ quốc tế, theo lời ông Werner Kraetschell, một tuyên uý trong quân đội Đức, người quen biết bà Merkel nói với báo chí.

Bản thân bà Merkel chưa công khai nêu kế hoạch như vậy vì biết xã hội Đức chưa sẵn sàng.

Anh nhà giàu to xác sau vài vại bia Erdinger vẫn vui vẻ ngủ trên bãi cỏ bên sông để tối về xem bóng đá mà không hề mơ làm lính thủy.

Chụp lại hình ảnh,

Năm 1871, sau khi thắng Pháp, Phổ trở thành thhế lực quân sự và kinh tế hùng mạnh ở Trung Âu, đưa các vương quốc nói tiếng Đức hợp nhất lại thành Đế chế Đức

Video liên quan

Chủ Đề