Thị trường đồ uống Việt năm 2021

Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng của thị trường thực phẩm và đồ uống không cồn Việt Nam sẽ chậm lại sau khi thị trường này tăng trưởng cao hơn mức bình thường trong năm 2020. Đây là kết quả khi đại dịch Covid tác động lên hành vi mua hàng của người tiêu dùng.

Chi tiêu cho đồ uống có cồn dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, khi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng trở lại bình thường sau Covid-19. Tuy nhiên, một vài rủi ro từ phía người tiêu dùng sẽ làm hạn chế chi tiêu cho những sản phẩm không thiết yếu trong ngắn hạn. Về trung hạn, tín hiệu tích cực sẽ đến từ sự gia tăng số hộ gia đình và sự đa dạng trong chế độ ăn của người tiêu dùng.

Cập nhật thị trường mới nhất:

  • Vào năm 2021, người tiêu dùng sẽ khá nhạy cảm về giá, theo sau những ảnh hưởng tiêu cực gây ra bởi Covid-19 lên các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập khả dụng của họ. Chi tiêu cho thực phẩm, vốn chiếm tỷ trọng lớn, sẽ tăng trưởng chậm hơn như một hệ quả tất yếu sau cơn hoảng loạn mua sắm và tích trữ vào năm 2020.
  • Dự báo tăng trưởng chi tiêu cho thực phẩm ở Việt Nam sẽ giảm từ trăng trưởng ước tính 12,6% trong năm 2020 xuống 7,9% trong năm 2021. Cho giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm [CAGR] dự kiến ở mức 8.9%.
  • Mức chi tiêu cho đồ uống không cồn cũng tăng trưởng theo xu hướng tương tự của thực phẩm, giảm từ tăng trưởng ước tính 10.6% trong năm 2020 xuống 6.7% trong năm năm 2021.
  • Mức tiêu thụ cho đồ uống có cồn dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2021, ở mức tăng trưởng 3,3%, trái ngược với sự suy giảm -1,0% trong năm 2020.
  • Nhìn chung, thực phẩm và đồ uống không cồn, vốn là một phân khúc chi tiêu thiết yếu, vẫn tránh được làn sóng tiêu cực của đại dịch Covid đến chi tiêu nói chung của người tiêu dùng.

SWOT của thị trường thực phẩm và đồ uống

1. Điểm mạnh [Strength]

  • Mật độ dân số trẻ, đông đúc, đang phát triển đem đến nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ
  • Một trong các thị trường bán lẻ có mức độ tăng trưởng cao trong khu vực Châu Á
  • Các nhà bán lẻ phương Tây đã hiện diện tại các thành phố lớn, kéo theo cơ sở hạ tầng và logistics cần thiết cũng đã sẵn sàng ở những thành phố này.
  • Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ và giới có tiền, có khả năng nhận biết thương hiệu tốt. Nhờ vậy, các sản phẩm nổi tiếng của phương Tây có xu hướng thành công cao khi ra mắt.
  • Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực đồ uống, thúc đẩy sự năng động và tăng trưởng lớn hơn trong lĩnh vực này.

2. Điểm yếu

  • Từ tháng 1/2020, bộ luật mới khắt khe trong việc cấm lái xe khi say rượu đã làm giảm mức độ tiêu thụ và phát triển của ngành đồ uống có cồn.
  • Có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa thành thị và nông thôn dẫn đến sự khác biệt lớn trong thói quen mua sắm ở từng vùng.
  • Nền văn hóa vốn ưa chuộng mô hình tạp hóa nhỏ, của gia đình và cửa hàng truyền thống kìm hãm sự phát triển của hệ thống bán lẻ phương Tây.
  • Mạng lưới phân phối bán lẻ của Việt Nam chưa phát triển. Các công ty, định hướng vào việc mở rộng thị trường, cần đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng song song với việc mở các cửa hàng mới.
  • Sự hiện diện ngày càng đông của các công ty đa quốc gia làm tăng mức độ cạnh tranh. Tuy nhiên các công ty địa phương vẫn dẫn đầu trong thị trường bia.

3. Cơ hội

  • Hiệp định thương mại tư do đã giúp cho thị trường Việt Nam thêm kết nối với một số thị trường, bao gồm EU, Chile và Australia.
  • Thị trường cà phê mang đi phân khúc bình dân đang phát triển mạnh ở Việt Nam, với sự đầu tư của nhiều công ty / tập đoàn trong việc mở các cửa hàng mới, bao gồm Trung Nguyên, Highlands Coffee, Passio và Vincafe trong năm 2019 và 2020.
  • Từ năm 2018, những tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ giúp ngành chế biến thực phẩm Việt nam hưởng lợi khi mà có nhiều công ty quyết định chuyển thị trường sang Việt Nam do chi phí cao hơn ở Trung Quốc.
  • Thu nhập tăng cùng với những thay đổi về lối sống, đặc biệt là ở thành thị làm tăng nhu cầu về các loại snack, đồ ăn & thức uống xa xỉ và tiện lợi.
  • Khi Chính phủ Việt Nam có kế hoạch giảm cổ phần của mình trong các doanh nghiệp nhà nước, sự quan tâm từ các công ty trong khu vực và toàn cầu sẽ tăng lên, chuyển thành cơ hội để hiện đại hóa ngành.

4. Thách Thức

  • Làn sóng thứ hai hoặc thứ ba của đại dịch Covid sẽ tiếp tục làm yếu thêm triển vọng tiêu dùng năm 2020 do việc thực thi chính sách giãn cách có thể dẫn tới việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng bán lẻ.
  • Về lâu dài, lĩnh vực bán lẻ ở các thành phố lớn sẽ trở nên bão hòa.
  • Việt Nam trở thành thành viên WTO có thể dẫn đến các công ty nhỏ hơn không đủ khả năng ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng và buộc phải ngừng kinh doanh.
  • Nếu quan hệ với Trung Quốc xấu đi, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và có thể mất đi một đồng minh chính trị và đối tác thương mại quan trọng.

1. Tổng quan

Chi tiêu cho thực phẩm vào năm 2021 sẽ chậm lại, do người tiêu dùng không còn ưu tiên các nhu yếu phẩm, vốn là trọng tâm trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng vẫn mạnh mẽ nhờ các nhân khẩu học tốt và sự cải thiện mức độ thu nhập khả dụng của các hộ gia đình.

Trong khi đó, các mặt hàng thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh và các mặt hàng nhu yếu phẩm [gạo, bánh mỳ, ngũ cốc], thịt, gia cầm tiếp tục chiếm ưu thế trong giai đoạn trung hạn. Tuy nhiên khi người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn, chi tiêu cho bánh kẹo dự đoán sẽ tăng chậm hơn.

2. Cập nhật ngành mới nhất

  • Dự báo tăng trưởng chi tiêu ngành thực phẩm sẽ giảm từ tăng trưởng ước tính 12,6% trong năm 2020 xuống còn 7.8% trong năm do các ảnh hưởng của dịch Covid-19.
  • Trong giai đoạn trung hạn [2021-2024], chi tiêu cho thực phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm [CAGR] ở mức 10,1%. Điều này sẽ đưa chi tiêu cho thực phẩm từ 757 nghìn tỷ đồng vào năm 2021 lên 1.000 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.
  • Cá và các sản phẩm từ cá được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn, đạt mức CAGR là 10,5%.
  • Trái cây, rau củ và các sản phẩm từ sữa dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh, tuy nhiên chi tiêu cho ngành thực phẩm vẫn bị chi phối bởi các nhu yếu phẩm [gạo, bánh mì và ngũ cốc], thịt và gia cầm.
  • Chi tiêu cho đường và các sản phẩm làm từ đường tiếp tục tăng trưởng chậm, với mức dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm 2020. Con số này sẽ tăng nhẹ vào năm 2021.

3. Xu hướng các phân khúc

Xu hướng trung hạn

  • Theo dự báo, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất trong khu vực đến năm 2024.
  • Thực phẩm chiếm phần lớn và đang tăng trong sản lượng sản xuất toàn quốc. Tổng doanh thu thực phẩm dự đoán sẽ tăng với tốc độ trung bình 10% so với dự báo trung hạn [thu nhập hộ gia đình tăng, kinh tế phát triển, lạm phát giảm].
  • Phân khúc tạp hóa bán lẻ truyền thống chưa phát triển nhiều mang lại nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp thực phẩm cho đến năm 2024.
  • Nhu yếu phẩm [bánh mì, gạo, ngũ cốc] chiếm phần lớn trong các giao dịch, gần 37% tổng doanh số thực phẩm toàn quốc.
  • Các lĩnh vực chưa phát triển như các sản phẩm làm từ sữa được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh, bình quân 10,5% trong giai đoạn trung hạn.
  • Chi tiêu cho thực phẩm tăng nhanh nhất được dự đoán là cá và các sản phẩm từ cá, tăng trung bình 10,6% một năm.

Bánh kẹo

  • Đường và các sản phẩm từ đường sẽ có mức tăng trưởng bình quân khiêm tốn là 6,2%
  • Thu nhập khả dụng tăng nhanh có thể dẫn đến việc chi tiêu tùy ý hơn đối với các dòng sản phẩm bánh kẹo cao cấp
  • Nhu cầu về bánh kẹo được tin rằng sẽ tăng và là một thị trường màu mỡ bởi gần một nửa dân số Việt dưới 30 tuổi. Đây là nhóm nhân khẩu học dễ tiếp thu thị hiếu phương Tây và các sản phẩm có tính đổi mới.
  • Nhận thức về sức khỏe thúc đẩy sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng đối với các sản phẩm bánh kẹo chức năng và tốt cho sức khỏe, việc tận dụng xu hướng đem lại ưu thế trong cạnh tranh. Tan Tan Food & Foodstuff và VinaMit đã và đang mở rộng dịch vụ của mình trong lĩnh vực này.

Pasta

  • Phân khúc sản phẩm mì ống dự báo sẽ tăng trưởng trung bình CAGR 12,4% đến năm 2024.
  • Thị trường mì ống [pasta] Việt Nam còn kém phát triển dù sản phẩm này đã trở nên phổ biến hơn nhờ lối sống ngày càng phương Tây hóa, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
  • Barilla cùng với các nhà nhập khẩu quan trọng khác bao gồm Italpasta và Pasta Zara chiếm khoảng một nửa thị trường bán lẻ.
  • Tuy nhiên thị trường mì đã hình thành nền tảng vững chắc với nhà cung cấp thị trường kết hợp sản phẩm quốc nội và nhập khẩu [Masan Consumer và Acecook Vietnam]
  • Mì ăn liền được kỳ vọng sẽ ngày càng phổ biến nhờ vào giá cả phải chăng, tính linh hoạt có thể sử dụng như một nguyên liệu, tiện lợi và luôn có sẵn.

Sữa

  • Ngành sữa Việt Nam đã có sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ trong những năm gần đây [nhờ tăng tỷ lệ đô thị hóa, thu nhập tăng, thay đổi thói quen ăn uống] và theo dự kiến sẽ tiếp tục phát triển với doanh thu ​​tăng bình quân 10,1% hàng năm.
  • Xu hướng chính trong tương lai của các công ty lớn đang nỗ lực đầu tư vào chăn nuôi gia súc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây cũng là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành.
  • Một số công ty bơ sữa ở Việt Nam:
    • Vinamilk: công ty chủ chốt trong ngành và đặt mục tiêu trở thành một trong 50 các hãng sữa lớn nhất thế giới.
    • Dutch Lady
    • Hanoimilk
    • Vietnam Nutrition Food
    • Asahi Group Holdings: liên doanh nước giải khát với tham vọng đưa sữa chuẩn Nhật tới trẻ em Việt Nam [ra mắt 1/2019]

Dự báo ngành Đồ uống

1. Tổng quan

Tăng trưởng chi tiêu và tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ nhanh chóng phục hồi vào năm 2021, do nền kinh tế mở cửa trở lại. Mặt khác chi tiêu cho đồ uống không cồn sẽ chậm lại nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, bia chiếm phần lớn trong mức tiêu thụ sản phẩm có cồn.

Đồ uống có ga sẽ là một điểm sáng, nhờ nhu cầu của người tiêu dùng trẻ Việt Nam và sự gia tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên bộ luật cấm uống rượu khi lái xe, bắt đầu từ đầu năm 2020, khiến tốc độ tăng trưởng của đồ uống có cồn chậm hơn phân khúc đồ uống không cồn.

2. Cập nhật mới nhất

  • Mức chi tiêu và tiêu thụ của đồ uống có cồn sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021. Chi tiêu cho đồ uống có cồn được dự đoán tăng 16,6% trong năm 2021, trong khi tổng mức tiêu thụ [theo sản lượng] sẽ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Ngược lại, đối với đồ uống không cồn thì năm 2021 sẽ là năm không mấy hiệu quả, như một hiệu ứng nền sau khi phát triển vượt bậc trong năm 2020. Chi tiêu cho phân khúc này dự kiến sẽ tăng 6,7% trong năm 2021.
  • Rượu vang đỏ chiếm lĩnh thị trường rượu vang tại Việt Nam, chiếm khoảng 76% tổng lượng rượu vang tiêu thụ vào năm 2020. Rượu vang trắng chiếm hơn 18% tổng lượng tiêu thụ, tiếp theo là rượu vang sủi bọt [2,3%] và rượu mạnh [2,9%].

3. Xu hướng các phân khúc

Đồ uống có cồn

  • Bối cảnh nhân khẩu học thuận lợi, thu nhập tăng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho thấy tiềm năng tiêu dùng rộng lớn đối với đồ uống có cồn tiêu dùng bất kể thuế đối với các mặt hàng này đã tăng. Hơn nữa, ngành du lịch đang phát triển mạnh ở Việt Nam có khả năng thúc đẩy tiêu thụ đồ uống có cồn.
  • Trong trung hạn, chi tiêu cho rượu sẽ tăng trung bình 10,9% hàng năm, vượt mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ, dự kiến ​​sẽ tăng 3,8% so với cùng kỳ.
  • Ngành bia được cho rằng sẽ tăng trưởng tốt năm 2021 và tổng lượng bia tiêu thụ tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 3,8%. Bên cạnh đó, phân khúc này cũng được kỳ vọng sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi mà các công ty bia toàn cầu đẩy mạnh chiến dịch tăng nhận diện thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.
  • Một số hãng bia lớn:
    • Hanoi Alcohol Beer and Beverage Company [Habeco]
    • BeerCo
    • ThaiBev
    • Carlsberg
  • Tăng trưởng doanh số bán hàng trong phân khúc rượu vang và rượu mạnh được kỳ vọng sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng của ngành bia nhưng có được điều này là do ngành rượu phát triển từ quy mô thấp hơn ngành bia.
  • Theo truyền thống, rượu chủ yếu được tiêu thụ thông qua các khách sạn, nhà hàng và quán bar cho khách du lịch và một cộng đồng nhỏ người nước ngoài ở Việt Nam. Rượu vang vì vậy có giá cao hơn. Mức giá cao như vậy vượt qua mức gia có khả năng chi trả của người tiêu dùng trong nước nên bia vẫn được tiêu thụ nhiều hơn.
  • Rượu vang của thế giới mới [New World] [thông qua các hiệp định thương mại tự do] đã vào kênh bán lẻ đại trà ở Việt Nam, làm tăng khả năng hiển thị của các loại rượu với người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay, không lạ khi thấy các loại rượu vang từ Chile, Pháp, Ý và Úc được bày bán tại các siêu thị địa phương.
  • Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về việc tiêu thụ rượu trong các bữa ăn nhưng loại đồ uống này đã trở thành mặt hàng chủ lực của nhiều mối quan hệ tương tác xã hội, chẳng hạn như bữa tối kinh doanh.

Đồ uống không cồn

  • Nhóm nhân khẩu học [từ 0-14 tuổi] chiếm nửa dân số Việt và là nhóm khách hàng mục tiêu của việc tiêu thụ nước giải khát, đặc biệt là loại đồ uống có ga. Do đó nước ngọt có ga sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong phân khúc này, vượt trội so với toàn bộ ngành hàng và thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành. Một dòng vốn đầu tư mạnh mẽ cũng là yếu tố trọng yếu khác thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng.
  • Các nhà sản xuất nước giải khát trong nước không ngừng đổi mới sản phẩm bằng cách thay đổi hình dạng và kích cỡ chai khác nhau nhằm để đáp ứng các thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng. Chẳng hạn, đồ uống có lợi cho sức khỏe như nước trái cây và trà pha sẵn, được đẩy mạnh đầu tư nhằm nắm bắt xu hướng sống lành mạnh và ý thức về sức khỏe đang phát triển trong nước.
    • Nước trái cây nhãn hiệu Casino Bio của Big C
  • Dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong vài năm tới cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm có giá trị cao hơn và các sản phẩm đồ uống như cà phê.
  • Dân số trẻ của Việt Nam, những người mà đối với họ việc đến quán và uống cà phê là một phần không thể thiếu, là một yếu tố tích cực khác thúc đẩy sự tăng trưởng. Khi nhóm người tiêu dùng này gia nhập lực lượng lao động, sự gia tăng thu nhập sẽ đóng vai trò thúc đẩy thêm nhu cầu về dòng sản phẩm cà phê cao cấp hơn. Vì vậy sản lượng cà phê Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
  • Ngành chè cũng sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn dự báo 5 năm được thúc đẩy bởi sự gia tăng thu nhập và nhu cầu trong nước.

Source: Fitch Solutions

Lược dịch và hiệu đính: Bảo Châu [Babuki]

Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, chiến lược kinh doanh và chuyển đổi số. Anh/ chị có thể bấm vào đây để gửi yêu cầu.

Video liên quan

Chủ Đề