Trương Định được nhân dân suy tôn là gì

Trong dòng chảy lịch sử khoa bảng Việt Nam, dòng họ Trương là một dòng họ hiếu học, có nhiều đóng góp cho đất nước. Nếu như ở con đường khoa bảng, họ Trương có Tiến sĩ Trương Công Giai, là vị Tiến sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến, hay Tiến sĩ Trương Đăng Quế, người khai khoa đất Quảng Ngãi. Thì ở ngạch tướng võ có Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, ông là võ quan triều Nguyễn và là thủ lĩnh phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ giai đoạn nửa sau thế kỷ 19.

Lăng mộ và đền thờ Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định tại Gò Công, Tiền Giang. Nguồn: Internet

Trương Định sinh năm 1820, tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi [nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi]. Ông còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Trường Định, là hậu duệ dòng họ Trương khai khoa vùng Quảng Ngãi xưa. Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.

Ngược thời gian tìm về lịch sử, theo ghi chép của các sử gia dưới triều Nguyễn, Trương Định sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh tiếng, lại sống tại vùng đất hiếu học, nên mặc dù không muốn quan tâm theo con đường cử nghiệp nhưng Trương Định vẫn được giáo dục bài bản, thông hiểu binh thư và võ nghệ, đặc biệt là tài bắn.

Thời vua Thiệu Trị, vào năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam và trở thành bậc tiền hiền khai mở vùng đất Tân An - Định Tường. Sau khi cha mất, ông ở lại vùng Gò Công và kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa [Gò Công Đông ngày nay]. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay và được bổ chức Phó Quản Cơ của đồn điền. Thực ra, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Trương Định đã sớm mang trong mình tư tưởng kháng Pháp, nên việc quyết định ở lại chiêu mộ quân sĩ, lập đồn điền còn mang nhiều ý nghĩa, trong đó quan trọng nhất là chuẩn bị lực lượng để kháng Pháp.

Cùng với việc tập hợp lực lượng, xây dựng các chiến lược chống lại quân Pháp, Trương Định còn tiến hành nhiều hoạt động khác để xây dựng nguồn lực lâu dài. Trong đó, việc cưới người vợ thứ 2 vừa là cơ duyên, vừa là thêm động lực chống lại quân xâm lược. Bởi người vợ này của ông không phải ai khác mà chính là bà Trần Thị Sanh, là chị em con cô con cậu với bà Từ Dũ Thái Hậu, mẹ của vua Tự Đức. Giới nghiên cứu sử học đánh giá đây là cuộc hôn nhân đặc biệt xứ Nam Kỳ bởi nó liên quan đến vận mệnh của đất nước. Bà vợ này là 1 trong 4 người giàu nhất vùng Gò Công lúc đó, thêm một sự hậu thuẫn để Trương Định kháng Pháp.

Tháng 4/1861, thực dân Pháp chiếm thành Định Tường, tháng 11/1861 chiếm thành Biên Hòa và đến tháng 3/1862, giặc Pháp tấn công chiếm thành Vĩnh Long. Triều đình ký hòa ước "Nhâm Tuất" vào ngày 5/6/1862 cắt 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Tiếp đó, triều đình ra lệnh cho Trương Định bãi binh, phong làm Lãnh binh An Hà, buộc phải bãi binh ở Tân Hoà và gấp rút nhận chức mới ở An Giang.

Nhưng lòng dân và nghĩa quân không chịu, trong lúc đang lưỡng lự giữa ý dân và lệnh vua chưa biết ngã về đâu thì Trương Định nhận được thư của nghĩa hào huyện Tân Long [Chợ Lớn], tỏ ý muốn cử ông làm chủ soái 3 tỉnh để giết giặc. Cảm kích sự tín nhiệm của những người yêu nước và nhân dân, ông đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu "Bình Tây Đại Nguyên Soái" do nhân dân phong, tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp.

Bức tranh "Nhân dân suy tôn Trương Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái" trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nguồn: Internet

Từ đó, Trương Định lấy Gò Công làm địa phận chính để mở các trận tấn công Pháp, lấy biệt danh căn cứ là “Đám lá tối trời” và xây dựng binh pháp riêng của nghĩa quân để kháng Pháp. Một mặt, ông xây dựng lại lực lượng, mặt khác ông kêu gọi các sĩ phu yêu nước hãy đứng lên góp công góp sức, hiến kế đánh giặc, đó là  lời hịch tháng 8/1864. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Trương Định, khắp nơi một làn sóng kháng chiến lại nổi lên ở Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Chợ lớn và vùng giáp ranh Biên Hoà. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Hội Khoa học Lịch sử Tiền Giang phân tích, sở dĩ Trương Định tập hợp được lực lượng đông đảo như vậy là do ông đã dành được lòng tin của nhân dân và có sự yểm trợ ngầm từ phía triều đình.  

Sau hàng loạt cuộc nổi dậy của nghĩa quân của Trương Định mở rộng từ Gò Công đến Gia Định, lan sang nhiều địa phương khác như Bà Rịa, Tây Ninh, quân Pháp tập trung lực lượng đàn áp và  ra sức truy tìm để diệt ông. Đêm 19/8/1864, dò biết nơi ở của Trương Định, tên phản bội Huỳnh Công Tấn cho quân bao vây đột nhập vào nhà. Trương Định và những nghĩa quân của ông chiến đấu chống trả quyết liệt, diệt được một số quân địch, nhưng lại bị thương nặng. Biết mình không sống được và quyết không để rơi vào tay giặc, Trương Định đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng, năm ấy ông tròn 44 tuổi.

GS Trương Minh Nhật, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhà nghiên cứu cũng là hậu duệ dòng họ Trương cho rằng, cuộc khởi nghĩa của Trương Định chỉ kéo dài 5 năm nhưng đã để lại nhiều ý nghĩa: “Thứ nhất là tập hợp được lực lượng nhân dân yêu nước đánh Pháp. Thứ 2 là thể hiện tinh thần độc lập tự chủ trong việc đề ra đường lối kháng Pháp. Thứ 3, cuộc khởi nghĩa của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất vùng Nam Bộ trong giai đoạn đầu của phong trào kháng Pháp” - GS Trương Minh Nhật nhấn mạnh.  

Sau khi Trương Định mất, bà Trần Thị Sanh là người vợ thứ của ông và nhân dân mang ông về an táng rất trọng thể, tại một địa điểm nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ và đền thờ ông được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay. Còn ở tại quê nhà phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi, năm 1871 vua Tự Đức sai truy tặng ông phẩm hàm, và cho lập đền thờ ông tại Tư Cung, nơi ông sinh trưởng và giao cho các quan tỉnh Quảng Ngãi tế tự hàng năm.

Đền thờ anh hùng Trương Định tại Quảng Ngãi. Nguồn: Internet

Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, nhưng anh hùng dân tộc Trương Định đã để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân và tinh thần kiên trung, bất khuất. Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo mãi mãi lưu danh cùng non sông đất nước.                     

Biết ơn vị thủ lĩnh “Đám lá tối trời”, anh hùng Trương Định, hàng năm, đến ngày giỗ ông [20 tháng 8] nhân dân vùng Gò Công nhà nào cũng lập bàn thờ ngoài trời và làm lễ tại đình. Lễ giỗ ông ngày nay trở thành ngày hội của nhân dân trong vùng, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và tấm lòng thành kính của con cháu hậu duệ đối với vị nhân sỹ nặng lòng yêu nước, thương dân, có công lao to lớn trong sự nhiệp chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Mời nghe âm thanh tại đây: 

Khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa có sức ảnh hướng nhất và được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp thời phong kiến của nước ta. Hãy cùng ôn lại thêm nhiều kiến thức lịch sử về cuộc chiến đấu anh dũng này cùng BachKhoaWiki nhé.

Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định là ai?

Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định [1820 – 1864] là người dẫn đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1858. 

Bình Tây Đại Nguyên soái còn được gọi bằng những cái tên như là Trương Công Định hoặc Trương Trường Định sinh ra và lớn lên ở làng Phù Sơn, Quảng Ngãi. Đến năm 24 tuổi, ông vào Gia Đình cùng cha là Lãnh binh Trương Cầm giữ chức Chưởng lý Thủy sư thời vua Thiệu Trị. 

Năm 1850, ông được phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm sau khi chiêu mộ được 500 dân nghèo hưởng ứng chính sách khai hoang và lập ấp. Đây cũng là một lý do người đời gọi ông là “Quản Định”. 

Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định có hai người vợ là bà Lê Thị Thưởng, con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa tức Gò Công Đông ngày nay và bà Trần Thị Sanh, họ hàng xa của Thái Hậu Từ Dũ [mẹ vua Tự Đức].

Sau khi qua đời vào ngày 20/8/1864, do tử trận trong kháng chiến chống Pháp, ông đã được Vua Tự Đức truy tặng phẩm hàm và lập đền thờ tại quê ông năm 1871. 

Lăng mộ của Bình Tây Đại Nguyên soái được người vợ thứ của ông là bà Trần Thị Sanh xây dựng tại Gò Công, Tiền Giang. Ngoài ra, nhân dân còn lập đền dựng tượng Trương Định tại huyện Gò Công Đông, nơi ông và nghĩa quân từng lấy làm căn cứ chống Pháp để thờ cúng. Ngày 19,20/8 âm lịch hằng năm được dùng làm lễ hội tưởng niệm của ông và được nhân dân Gò Công dùng để tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao của ông. 

Các lăng mộ và đền thờ của Bình Tây Đại Nguyên soái được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia ngày 6/12/1989.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng làm sáng tác 1 bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn để tưởng nhớ công lao của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định cũng như thể hiện sự đau đớn vì mất đi một Anh hùng dân tộc của nước nhà. 

“Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ,

Cái ấn Bình Tây đất vội chôn.

Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy,

Lâm tâm ba chữ điếu linh hồn.

[Điếu Trương Định bài I]

Hay:

Trên trại đồn điền hoa khóc chủ,

Dưới Vàm bạo ngược

              sóng kêu quan

Mấy dặm non sông đều xửng vững,

Nạn dân ách nước để ai toan.”

[Điếu Trương Định bài VII]

Ngày nay, cái tên Trương Định được dùng để đặt tên cho nhiều con đường ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Tiền Giang để ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với kháng chiến chống Pháp. 

Cuộc khởi nghĩa Trương Định diễn ra khi nào?

Hưởng ứng phong trào chống Pháp cứu nước có nhiều nhân vật phất cờ khởi nghĩa. Khi đó các trung tâm kháng chiến được hình thành như Trần Xuân Hòa ở Mỹ Tho; Nguyễn Trung Trực ở Tân An; Vũ Duy Dương [Thiên hộ Dương] ở Đồng Tháp Mười; Quản Là ở Tây Ninh nhưng cuộc khởi nghĩa Trương Định năm 1859 – 1864 là có quy mô lớn nhất và gây tổn thất nặng nề nhất cho Pháp. 

Cuộc khởi nghĩa Trương Định diễn ra như thế nào?

Giai đoạn 1859 đến 1864 nổi lên nhiều trung tâm kháng chiến, trong đó có cuộc khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công. 

Năm 1859,  giặc Pháp đưa quân đánh chiếm Gia Định. Trương Định đã đem nghĩa quân lên đóng chiếm ở Thuận Kiều, Gia Định để phòng ngự và lập được nhiều chiến công trên phòng tuyến từ Gò Cây Mai đến Thị nghè và các trận đánh ở đây. 

Năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Định được triều đình phong chức Phó lãnh binh tham gia giữ đồn Kỳ Hòa. 

Đầu năm 1861, đồn Kỳ Hòa thất thủ, Trương Định rút quân về Gò Công quyết tâm kháng chiến lâu dài. Lúc này, Trương Định đã mua thêm nhiều vũ khí và chiêu mộ thêm nhiều binh sĩ và xây dựng căn cứ địa kháng chiến, tổ chức nhiều cuộc tấn công và giành thắng lợi tại Gò Công, Tân An và Mỹ Tho, Chợ Lớn kéo dài đến 2 nhánh sông Vàm Cỏ đến tận biên giới Campuchia. 

Dưới sự chỉ dẫn của Trương Định, số lượng binh sĩ vượt mức ngàn người và còn nổi danh khắp chốn lôi kéo bộ phận nhân dân tham gia hưởng ứng chống giặc Pháp. 

Tháng 3 năm 1862, phần lớn các huyện của Gia Định và Định Tường đều được giải phóng, quân Pháp đã rút lui khỏi nhiều đồn vì sợ quân ta tập kích tiêu diệt, số khác bị cô lập dẫn đến hoang mang, lo sợ. 

Ngày 5/6/1862, triều đình nhà Nguyễn kí Hiệp ước Nhâm Tuất đồng ý giao 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho thực dân Pháp và phải đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân. Vì lẽ đó, triều đình ra lệnh cho Trương Định phải ngừng chiến đấu và giải tán nghĩa quân. 

Trước sự bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn, Trương Định đã cương quyết chống lại lệnh của triều đình và cùng nhân dân tiếp tục kháng chiến chống Pháp tại Gò Công. 

Nhờ lòng yêu nước và sự dũng cảm, hy sinh chống giặc cứu nước mà ông được quân và dân tôn làm lên Bình Tây Đại Nguyên soái. 

Phan Thanh Giản đã từng nhận lệnh vua Tự Đức dẫn dụ Trương Định ngừng bắn nhưng chỉ nhận được câu trả lời:” Nhân dân ba tỉnh muốn như xưa nên họ suy tôn chúng tôi đứng đầu. Chúng tôi không thể làm khác hơn điều mà chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến ở cả miền Đông và miền Tây. Chúng tôi chống địch, đánh địch và cuối cùng sẽ thắng địch. Nếu ngài còn nói tới hòa nghị với giặc thì chúng tôi phản đối mệnh lệnh của triều đình”.

Lúc bấy giờ, nghĩa quân theo ông đã lên đến con số 6000 người và được nhân dân và nhiều nhân sĩ ủng hộ. 

Ngày 26/2/1863, Pháp mở đợt tấn công căn cứ Tuy Hòa của nghĩa quân tại Gò Công, cuộc chiến diễn ra ác liệt suốt ba ngày liền. Đến ngày 28/2/1863, căn cứ Tuy Hòa bị mất, Trương Định phải rút về Biên Hòa và đưa một số nghĩa quân về Thủ Dầu Một của Tây Ninh để tiếp tục chiến đấu.

Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa của Trương Định cũng bị dập tắt do sự tương quan về lực lượng của ta và địch ngày càng có sự chênh lệch lớn theo hướng không có lợi cho nghĩa quân Trương Định. 

Có nhiều giai thoại về cái chết của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định. Một trong số đó là vào ngày 20/88/1864, trong một trận chiến quyết tử với quân địch ở đồn Tuy Hòa, ông bị rơi vào tay của giặc Pháp do sự phản bội của thuộc hạ làm cho ông bị bắn gãy xương sống. Vì không muốn bị rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự vẫn bảo vệ khí tiết khi mới 44 tuổi. 

Sự hi sinh của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định là một sự tổn thất lớn cho phong trào kháng chiến chống Pháp của nước ta thời bấy giờ, làm bao nhiêu nghĩa sĩ, nhân dân thương tiếc. 

Một số câu hỏi về cuộc khởi nghĩa Trương Định 

Tình hình lúc bấy giờ: Trong trận Gia Định mở đầu vào ngày 1/9/1858, thực dân Pháp tấn công cửa biển Đà Nẵng làm tiền đề “giáng cho Huế một đòn quyết định” để chiếm đóng nước ta. Đầu tháng 2/1859, kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp đã thất bại nên chúng kéo quân vào Gia Định tấn công. 

Dưới sự chống trả yếu ớt và thiếu phòng bị của triều đình nhà Nguyễn, nhân dân các tỉnh đã chủ động đứng lên phất cờ chống giặc. Quân Pháp đã liên tục nếm mùi thất bại trước sự tấn công dồn dập và thông minh của nhân dân ta. 

Sau khi Định Tường thất thủ do sự bạc nhược của triều đình, phong trào khởi nghĩa vũ trang chống Pháp nổi lên nhiều nơi trên cả nước dưới hình thức các đơn vị nghĩa quân, trong đó hoạt động mạnh nhất là đơn vị nghĩa quân của Trương Định, gồm hơn 6.000 người, đóng căn cứ ở Tân Hòa, Gò Công.

Khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định cùng nghĩa quân chống giặc như thế nào?

Dựa vào khẩu dụ khẩn hoang của vua Tự Đức năm 1854, Trương Định xuất tiền nhà vợ lập đồn điền ở Gia Thuận, một vùng đất của Gia Định. Khi có chiến tranh, dân tá điền sẵn có của Trương Định có thể cùng tham gia chiến đấu với quân đội chính quy. Họ được trang bị các loại vũ khí thô sơ bằng giáo mác và theo như quy định thì trong mỗi một cơ có 500 lính đồn điền.

Lập được đồn điền thì Trương Định đã có thể luyện tập cho “lính đồn điền” của mình và từ đó tiếng tăm của ông được vang xa nhờ tài thao lược và sự từng trải của mình. Nhiều người dân tự nguyện tham gia vào đội quân của ông làm cho cơ của ông để chống giặc bảo vệ đất nước. Ngoài ra ông cũng nổi tiếng là thương dân nghèo, tá điền nhà ông luôn đủ ăn đủ mặc làm cho càng nhiều người muốn quy tụ về dưới trướng của ông hơn. 

Tháng 9 năm 1858, khi Trương Định đang lo xây dựng và tổ chức đồn điền thì giặc Pháp tấn công Đà Nẵng. Trương Định nhận thấy trách nhiệm của mình trước họa xâm lăng liền chiêu mộ thêm những trai tráng quanh vùng cùng với dân trong đồn điền lập thành một đạo nghĩa binh chuẩn bị đánh Pháp. Trang bị của nghĩa binh chủ yếu các loại vũ khí thô sơ và một ít vũ khí như súng đạn đại bác. 

Ngày 9/2/1859, tướng Charles Rigault de Genouilly đem hơn 2.000 quân tấn công Vũng Tàu. Ngày 10/2, chúng bắt đầu tấn công vào các pháo đài, thành lũy của Gia Định. 

Hay tin, Trương Định kéo đội nghĩa binh của mình phối hợp tác chiến với quan quân triều đình. Lúc bấy giờ, quan trấn thủ Gia Định là Võ Duy Ninh, do sự chuẩn bị lỏng lẻo và sự nhút nhát của binh lính, thành Gia Định thất thủ dù nghĩa quân dưới trướng Trương Định đã có nhiều cố gắng trong việc đánh chặn giặc Pháp trên đường tiến quân của chúng.

Thành bị mất, binh lính thất thủ, Võ Duy Ninh tự tử. Hàng ngũ binh sĩ triều đình trở nên hoang mang, sợ hãi. Trước tình thế ấy, Trương Định không hề nao núng động viên quân dân chiến đấu.

Chỉ một thời gian ngắn, uy danh nghĩa quân Trương Định đã vang dội khắp nơi.  Ai ai cũng muốn noi gương nghĩa quân Trương Định. Hơn 5.000 nông dân huyện Bình Dương đã tụ nghĩa quanh cựu tri huyện Trần Thiện Chánh và cựu xuất đội Lê Huy. Ở các nơi khác như Gò Công có Đỗ Trình Thoại, ở vùng Biên Hòa có Phan Văn Đạt và Trịnh Quang Nghi, ở Mỹ Tho có Trần Xuân Hòa phất cờ khởi nghĩa.

Trước sự chống đối mạnh mẽ của nghĩa binh từ nhiều nơi, giặc Pháp vô cùng lúng túng. Chúng không thể nào giữ được Gia Định và Đà Nẵng cùng một lúc vì sự chống trả mãnh liệt và số lương quân ít ỏi, nhất là trong khi tình hình giữa Trung Quốc và Anh – Pháp rất căng thẳng. 

Tướng Charles Rigault de Genouilly phải đem quân chủ lực quay ra giữ Đà Nẵng sau khi đã đốt phá thành Gia Định. Ở đây giặc chỉ còn để lại một số quân nhỏ dưới quyền chỉ huy của Jauréguiberry. 

Căn cứ nghĩa quân của Trương Định ở Tân Hòa được xây dựng như thế nào?

Tháng 2 năm 1861, sau khi Chí Hòa thất thủ, quan quân nhà Nguyễn rút lui về phía bắc cố thủ Biên Hòa. Trương Định không theo họ, ông dẫn nghĩa quân của mình tiến vào vùng địch kiểm soát, bám sát giặc chiến đấu. Để có chỗ dựa cho mọi hoạt động của mình về lâu về dài, Trương Định chọn và xây dựng Tân Hòa ở Gò Công, một vùng đồng bằng nhiều sông ngòi làm căn cứ kháng Pháp. Hơn nữa, Tân Hòa không nằm trong khu vực chiếm đóng của giặc Pháp, lại ở gần Gia Định, tiện cho việc tấn công giặc Pháp. 

Trương Định quyết định “về ở Tân Hòa, đắp lũy đồn binh, giữ một góc bày lòng địch khái” và lấy “núi đất” làm “thành đồng lũy sắt” để tiến hành cuộc “giáo tre nghìn dặm đánh Tây.”

Trương Định chiêu tập thêm nghĩa binh để đánh giặc. Quân của ông đã tăng lên đến 6.000 người, được chia thành 6 cơ để luyện tập. Trương Định cũng đồng thời gấp rút xây dựng một hệ thống đồn lũy ở vùng căn cứ Tân Hòa và ở các nhánh sông nối với Tân Hòa như Rạch Lá, Soài Rạp, hoặc ở các ngả đường như Chợ Gạo, v.v…

Để có lương thực, súng đạn đánh Pháp, Trương Định đã cho nghĩa quân phối hợp với nhân dân sản xuất lương thực và vũ khí. 

Để thực hiện chủ trương vừa xây dựng vừa chiến đấu, không để cho kẻ thù rảnh tay đánh nghĩa quân, Trương Định cho các tướng đem quân đánh mai phục ở chung quanh thành Gia Định, chặn đường tiến công của chúng đến Vĩnh Long. Trong những cuộc chiến đấu này, Trương Định và các tướng sĩ của ông đã biết sử dụng các chiến thuật phù hợp để đánh kẻ địch mạnh hơn về trang bị vũ khí. Các cuộc chiến đấu với hình thức phục kích, đánh sau lưng, đánh ngang hông địch xuất hiện ngày càng nhiều vào những lúc bất ngờ, làm cho giặc Pháp hoang mang lo sợ.

Trong thời gian này, nghĩa quân của Trương Định đã có khu vực hoạt động trải dài Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gia Định, đến hai bên nhánh sông Vàm Cỏ tới tận biên giới Campuchia. Trương Định cũng liên hệ các văn thân ở nơi khác và tập trung được gần 10000 nghĩa quân tham gia chiến đấu. 

Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Trương Định đã xây dựng được căn cứ Tân Hòa để chống Pháp. Ông biết phát huy được sức mạnh của nhân dân để tổ chức xây dựng lực lượng, chuẩn bị vũ khí, trang bị và lương thực, thực phẩm để thực hiện chủ trương đánh Pháp lâu dài.

Trương Định đã xây dựng chính quyền kháng chiến bí mật bên cạnh chính quyền của địch như thế nào?

Để tổ chức nhân dân kháng chiến chống Pháp lâu dài, sau khi họp bàn với các nhân sĩ, Trương Định chủ trương thành lập chính quyền kháng chiến và cử Huân Nghiệp giữ chức tri phủ Tân Bình. Ngoài ra, Trương Định còn đặt một hệ thống chính quyền từ phủ xuống huyện trong toàn Gia Định. Hệ thống chính quyền này có nhiệm vụ lo cả về dân sự lẫn quân sự.Chính quyền của quân khởi nghĩa không chỉ hạn chế trong phạm vi tỉnh Gia Định, mà sau này còn lan rộng khắp ba tỉnh miền Đông.

Tư tưởng của Trương Định hoàn toàn vượt xa thời bấy giờ. Ông biết rằng cần phải xây dựng chính quyền để thay thế chính quyền thối nát tạo ra chỗ dựa vững chắc cho nhân dân an tâm rèn luyện và đánh giặc. 

Sự tồn tại của chính quyền bí mật của Trương Định đã làm cho giặc Pháp không thể nào kiểm soát và thu thuế được các tỉnh miền Đông suốt cả thời thời kỳ 1861 -1864.

Trong những năm đầu hoạt động, Trương Định đã tỏ ra có thiên phú về mặt quân sự, chính trị và tổ chức và có ý thức tự lực xây dựng lực lượng, tổ chức chính quyền để tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước. 

Sự việc này đã xây dựng lòng tin tuyệt đối của nhân dân đối với Trương Định đến nỗi vua tôi nhà Nguyễn nhiều lần mua chuộc ông nhưng thất bại. 

Khi thực dân Pháp tấn công Biên Hòa, nghĩa quân Trương Định cùng nhân dân chống giặc như thế nào?

Tháng 11/1861, phía Pháp tuyên bố sẽ tấn công Biên Hòa và Huế. Trước tình hình đó, triều đình Huế vẫn dùng dằng, chậm chạp, gần như bỏ cuộc. Người có trách nhiệm trong việc phòng thủ Biên Hòa là Nguyễn Bá Nghi lại sợ hãi không chịu chống trả sợ Pháp viện cớ: ”triều đình nhà Nguyễn có ý không muốn giảng hòa và lấy cớ đó để tấn công ta.”

Tháng 12/1861, Bô-na tấn công lên Biên Hòa bằng cả hai đường thủy, bộ. Quân triều đình không dám chống cự, chỉ rút lui về Bình Thuận, bỏ thành Biên Hòa rơi vào tay địch trước khi quân của Nguyễn Tri Phương đến tiếp viện. Nhân dân Nam Kỳ đau lòng trước cảnh tan nát, tang thương của quê hương xứ sở.

Trước tình thế đó, Trương Định vẫn giữ vững quyết tâm của mình, chiếm cứ Quy Sơn chống giặc. Sau khi Biên Hòa bị mất vào tháng 1/1862. Lúc này, triều đình nhà Nguyễn lại mưu tính thu phuc lại Tân Hòa để lực lượng của Trương Đình giảng hòa với Pháp. 

Lúc này Trương Định còn hy vọng tin tưởng ở thái độ của quan quân triều Nguyễn, nên đã thuận ý giao cho Nguyễn Túc Trưng làm tổng chỉ huy liên quân triều đình và nghĩa quân. 

Từ khi lên nắm quyền chỉ huy, Nguyễn Túc Trưng không chủ trương mở rộng địa bàn của quân khởi nghĩa, không tìm giặc để đánh mà cứ “cố thủ” trong phạm vi hạt Tân Hòa. Trương Định lúc bấy giờ đã thấy rằng quyết định tin tưởng triều đình là sai lầm. Lúc đó thì phong trào ứng nghĩa dâng lên ở khắp Lục tỉnh, nghĩa quân các nơi liên tiếp nổi lên tấn công địch.

Trương Định quyết không theo Túc Trưng nữa mà ra lệnh cho nghĩa quân của ông triển khai hoạt động ngoài căn cứ. Nhiều đồn địch ở quanh Sài Gòn – Chợ Lớn bị bao vây ngặt. Tháng 3/1862, địch bị bức rút khỏi các đồn Gò Công, Chợ Gạo, Cái Bè, Phước Lộc. 

Giặc Pháp phải thừa nhận rằng quân pháp không dám đuổi đánh nghĩa quân Trương Định khi đã rút quân. 

Phong trào kháng Pháp của nghĩa quân Nam Kỳ lên cao đến nỗi bọn Pháp phải thú nhận là “các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho luôn luôn bị quấy nhiễu, nhiều trung tâm khởi nghĩa đã có ở  trong hai tỉnh này”.

Vì sao Trương Định lại nhận chức Bình Tây Đại nguyên soái nhân dân phong?

Khi giặc Pháp gặp nhiều bất lợi và nhân dân ta đang kiên cường chống trả thì triều đình nhà Nguyễn khiếp nhược không cùng nhân dân chống giặc mà lại ký hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 phản bội nhân dân.

Triều đình dâng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho giặc Pháp và phải bồi thường cho Pháp 2 triệu 800 nghìn lạng bạc, phải mở các cửa biển Đà Nẵng, Quảng Yên, Ba Lạt [Thái Bình] cho Pháp vào tự do thông thương và đàn áp các cuộc khởi nghĩa nhân dân. Pháp cam kết sẽ trả lại thành Vĩnh Long cho triều đình Huế khi mà triều đình làm cho nhân dân ba tỉnh miền Đông không chống Pháp nữa. 

Triều đình ép buộc Trương Định phải bãi quân và đi nhận chức ở An Giang. Nhận được tin tức, Trương Định đang dằn vặt lựa chọn thì nhân dân Nam kì vội vàng bày tỏ nguyện vọng muốn ông ở lại lãnh đạo nhân dân chống Pháp:

_ Bọn Tây bị dân ta nhiều lần đánh lui, nay chúng được triều đình giảng hòa, chắc chúng sẽ giết hại bọn ta. Vả lại, bọn Tây lấy binh lực ăn hiếp ta bắt hòa, nhưng chúng không thành thực, nay triều đình giảng hòa với chúng, bọn ta không nơi nương tựa, sao bằng hợp lực đánh lại chúng, giữ lấy một mảnh đất để cùng nhau bảo toàn sinh mạng”.

Phạm Tuấn Phát ở Tân Long đem thư các nghĩa hào đến tỏ ý muốn cử Định làm chủ soái để ra sức trừ giặc và được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ nhiệt liệt. Họ yêu cầu ông vứt bỏ “cân đai, áo mũ” của triều đình và nhận chức “Bình Tây Đại nguyên soái” do nhân dân phong. C

ảm động vì sự nhiệt tình của dân chúng đối với mình, lại thấy rõ thêm được âm mưu thâm độc của quân cướp nước và hành động của triều đình, Trương Định trọng trách và quyết tâm sánh vai cùng nhân dân đánh Pháp. 

Khi nhận chức Bình Tây Đại nguyên soái, Trương Định đã truyền hịch kêu gọi tướng sĩ và nghĩa quân đứng lên chống giặc như thế nào?

Sau khi nhận chức Bình Tây Đại nguyên soái, Trương Định đã viết lên lá cờ khởi nghĩa tám chữ “Phan – Lâm mại quốc, triều đình khí dân” có nghĩa là “Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ dân” và truyền hịch kêu gọi tướng sĩ, nghĩa quân đứng lên chống giặc đến cùng.

      “Tưởng có lời ca rằng:

      Nước có nguồn, cây có gốc,

      Huống người sinh có da có tóc.

      Mà sao không biết chúa biết cha?

      Huống người sinh có nóc có gia

      Mà sao không biết trung biết hiếu?

      Hai vai nặng trĩu, gánh chi bằng gánh cang thường!

      Tấc dạ trung lương, gồng chi bằng gồng xã tắc!”.

Sau khi vạch mặt bọn Việt gian bán nước “vong ơn bội tổ” và điểm mặt từng kẻ lầm đường lạc lối bởi lòng tham ham hố bạc đồng… Bản hịch viết tiếp:

      “Làm người sao khỏi thác,

      Thác trung thần, thác cũng thơm danh!

      Làm người ai chẳng tham sanh,

      Lòng địch khái xin cho rõ tiết!

      Đêm năm canh thương người chính liệt,

      Ngày sáu khắc nhớ kẻ trung thần.

      Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng binh,

      Cờ đề chữ: “Bình Tây đại tướng”.

Sau cùng bài hịch kêu gọi:

      “Bớ trẻ già, bé lớn ai ai,

      Đều bội ám đầu minh cho kíp!

      Chiếu phụng dù ta lãnh đặng,

      Mũi thiên oai5 thương kẻ sanh linh.

      Phải cạn lời tỏ hết chơn tinh,

      Cho kẻ dân đen đặng biết!”

Bài hịch vừa là một bài cổ vũ tha thiết kêu gọi nhân dân chống giặc, vừa là bản án kết tội triều đình phản bội Tổ quốc, từ bỏ nhân dân theo giặc. 

Khẩu hiệu “Phan – Lâm mại quốc, triều đình khí dân” và bài hịch cứu nước đẩy cao sự căm phẫn của nhân dân đối với sự phản bội của quan quân nhà Nguyễn và làm cho lòng yêu nước của nhân dân sục sôi hơn bao giờ hết.

Khi Trương Định đã thoát ly hẳn triều đình, dựa vào nhân dân, tự lực chống Pháp, ông đã xây dựng căn cứ như thế nào để thực hiện kháng chiến lâu dài?

Khi đã thoát ly hẳn triều đình, Trương Định đã bí mật xây dựng chính quyền kháng chiến chống Pháp dựa vào nhân dân. 

Ông cử Trịnh Quang Nghi làm tham tán quân vụ, sắp xếp lại bộ tham mưu và bố trí binh lực ở các nơi hiểm yếu. Chung quanh căn cứ, từ động Cây Đa đến đập Ông Canh đều đắp lũy, đào hào phòng ngừa quân giặc tấn công vào căn cứ. 

Ông mở rộng công binh xưởng, chế tạo thêm đại bác và chiêu mộ thanh niên khỏe mạnh ở địa phương chung quanh căn cứ để tham gia vào các đơn vị phòng bị. 

Đại quân của Trương Định đóng trong vùng Gò Công, Phạm Tuấn Phát đóng giữ ở vùng Hắc Khâu, Gò Đen, Bùi Huy Diệu đóng giữ ở vùng Cần Đước và Nguyễn Văn Trung đóng giữ ở Tân Thịnh. Các đội quân này tạo thành một hệ thống tiền đồn hình tam giác, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Tân Hòa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Định, nghĩa quân khắp nơi cũng ráo riết chuẩn bị tham gia chiến đấu chống Pháp. Các văn thân khác như Thiên Hộ Dương cũng tích cực xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười, Đốc Binh Kiều tăng cường hoạt động trên sông Vàm Cỏ, thủ khoa Huân mở rộng những hoạt động du kích ở vùng Mỹ Quý, Tam Bình…

Với sự bố trí và tổ chức lực lượng hợp lý, ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất của các tướng sĩ nghĩa quân và sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân các tỉnh, căn cứ kháng chiến của Trương Định có đủ tiềm lực để chủ động tấn công quân Pháp

Trước khí thế tiến công và thắng lợi giòn giã của nghĩa quân Trương Định, giặc Pháp đã phải làm gì?

Khi nghĩa quân Trương Định tập kích đồn Rạch Tra, tấn công đồn Long Thành, đồn Thuộc Nhiêu buộc quân địch phải  tiêu hao nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh để chống trả. Chúng buộc phải thú nhận rằng người dân Việt Nam ngoan cường và dày dặn kinh nghiệm trong chiến đấu. 

Trong đợt tấn công thứ nhất này, ở trung tâm lãnh đạo Gò Công, Trương Định đã chỉ huy các mặt trận hiệp đồng chiến đấu rất tài tình. 

Chỉ riêng đợt tấn công đầu, nhờ sự chỉ huy tài tình của Trương Định, nghĩa quân đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề về quân số, khiến chúng không có đủ lực lượng để bảo vệ các vị trí vừa chiếm được. Giặc Pháp đã phải thừa nhận rằng khẩu hiệu và bài hịch của Trương Định có sức rung cảm mạnh mẽ và cổ vũ nhân dân rất lớn. 

Quân Pháp phải chấp nhận sự thật rằng phán đoán của họ đã sai lầm và phải tốn rất nhiều sức lực để phòng thủ trước sự tấn công của nhân dân Việt Nam. 

Những chiến tích để lại cho thấy rằng nếu có sự hậu thuẫn và hợp tác của nhà Nguyễn thì những cuộc khởi nghĩa chống Pháp tiêu biểu là khởi nghĩa Trương Định có thể tiến xa hơn. 

Tuy giặc Pháp đã dùng nhiều cách dẫn dụ triều đình nhà Nguyễn kêu gọi nhân dân giải tán và cầu thêm cứu viện từ Pháp, song sự cố gắng này có thể nói là vô ích vì các cuộc khởi nghĩa nhân dân hoàn toàn không có dấu hiệu ngừng lại.  

Xem thêm:

Trên đây là tổng hợp các thông tin về Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định và cuộc khởi nghĩa Trương Định. Độc giả hãy theo dõi BachkhoaWiki để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé.

Video liên quan

Chủ Đề