Văn hóa của vùng sông nước tây nam bộ năm 2024

Mỗi khi nhắc đến Miền Tây, mỗi chúng ta lại liên tưởng ngay đến miệt vườn, đến hệ thống kênh rạch chằng chịt. Và điều đặc biệt mà gần gũi thân thương nhất có lẽ là những phiên chợ nổi tại miền Tây luôn tấp nập hối hả, mang đậm thương hiệu miền Tây Nam Bộ, với các đặc sản vùng miền mang đậm nét sống của một vùng sông nước trữ tình.

Miền Tây Nam Bộ có khoảng 54.000km chiều dài sông rạch. Ngoài hệ thống sông rạch tự nhiên mà người địa phương gọi là sông rạch “Trời sanh”, còn vô số những con kênh đào ngang, xẻ dọc chằng chịt, mà nếu được nhìn trên đồ hình có cảm tưởng là cái mạng nhện chồng lên một bàn cờ.

Sông Cái – Tiền Giang, Hậu Giang tức sông Mẹ sinh ra hàng trăm sông con, mỗi nhánh sông con lại sinh ra cơ man con rạch nhỏ, mỗi con rạch nhỏ lại rẽ ra các con xẻo, khóm, mương, ngòi… Nước và nước… mênh mang… Nói đến sông nước thì không thể thiếu những con thuyền, mà ở miền này được gọi ghe, xuồng. Ghe, xuồng ở miền Tây Nam Bộ là bộ sưu tập phong phú, đa dạng cả kiểu dáng lẫn chức năng, mỗi loại đặc trưng cho một vùng sông nước.

Người dân buôn bán tại Chợ nổi [Ảnh: Indyorg]

Chợ nổi là nơi tập trung cư dân thương hồ đến từ khắp các tỉnh ĐBSCL, cũng có một số ghe xuồng ở các tỉnh ngoài hoặc ghe bầu gom hàng đưa lên thành phố, các tỉnh miền Đông, Campuchia… Những chủ ghe có mối quan hệ gia đình, dòng họ hoặc cùng quê, buôn bán những mặt hàng cùng loại, họ thường kết các ghe lại với nhau thành những chiếc bè lớn, thuận lợi cho việc sinh hoạt và mua bán trên sông nước.

Đời thương hồ lênh đênh trên sông nước, cuộc sống sinh hoạt gia đình, làm ăn buôn bán của họ gắn liền với chiếc ghe. Hình thức truyền nghề của cư dân thương hồ hầu hết theo dạng “cha truyền con nối”. Các chủ ghe tập trung neo đậu gần nhau, buôn bán cùng loại mặt hàng thường có mối quan hệ thân tộc với nhau.

Vào những ngày tết, ghe xuồng đến chợ nổi neo đậu buôn bán đông gấp 3 lần so với ngày thường. Hoạt động của chợ nổi đông đúc, nhộn nhịp nhất vào buổi sáng từ 5 – 10 giờ. Các ghe xuồng từ miệt dưới lên đây bỏ hàng, ghe từ miệt ngoài đến ăn hàng, các ghe khác đến lấy hàng bỏ mối các chợ…. Buổi tối, chỉ còn những ghe còn hàng chưa bán hết neo đậu chờ đến sáng để bán.

Cảnh chợ nổi vào lúc bình minh. [Ảnh: sưu tầm]

Ở tại miền Tây hầu như vùng sông nước nào cũng có chợ nổi, đôi khi chỉ là dăm ba thuyền buôn bán trên sông, nhưng đôi khi là một cái chợ lớn tụ tập đông đúc nơi ngã ba sông lớn, nơi khúc sông tiếp giáp với nhiều tỉnh khác nhau. Một số chợ nổi được nhiều người biết đến phải nói đến chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ, chợ nổi Phong Điền [Cần Thơ], chợ nổi Ngã Bảy [Phụng Hiệp – Cần Thơ], chợ nổi Ngã Năm [Thạnh Trị – Sóc Trăng], chợ nổi Sông Trẹm [Thới Bình – Cà Mau]… nhưng có lẻ nổi tiếng nhất và được du khách trong và ngoài nước biết đến là chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi mặt trời chưa lên và sương còn giăng bảng lảng mặt sông. Trên tất cả những dòng kênh, dù mặt người chưa tỏ nhưng tiếng máy nổ, tiếng chèo khua đã vang động hướng về phía chợ. Và dù chỉ mới 5 giờ sáng nhưng chợ nổi đã đông người mua kẻ bán , những du khách muốn một lần khám phá chợ nổi cũng tranh thủ dậy thật sớm đi chơi chợ và trải nghiệm khung cảnh nhộn nhịp của họp chợ.

Bạn có thể thư thả ngồi trên chiếc ghe nhỏ len lỏi giữa chợ xem bà con buôn bán và thưởng thức cà phê, ăn tô bún riêu, bánh canh ngay trên xuồng. Đây chắc hẳn sẽ là những trải nghiệm mà bạn sẽ không giờ quên.

Chợ nổi có lẽ chẳng thiếu thứ gì từ bánh mì, bánh bao, bún, hủ tiếu, trái cây, rau củ, vé số… hay đến các loại bánh tét, bánh nếp lá dứa, bánh đậu hũ, bánh phồng.

Chợ nổi vào lúc hoàng hôn. [Ảnh: sưu tầm]

Tây Nam Bộ không những nổi tiếng với những đồ ăn, bánh đặc sản mà còn được biết đến với vựa trái cây lớn nhất cả nước. Mùa nào thức nấy trái ngon của vùng Nam bộ như sầu riêng, măng cụt, khóm, xoài, chôm chôm… được bày bán rộng rãi gây nức lòng người.

Chợ nổi khác chợ trên bờ ở chỗ người bán chẳng cần rao hàng, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại có sức thu hút khách. Người mua chỉ cần nhìn các mặt hàng treo trên cây bẹo ngay mũi ghe là biết chủ ghe bán gì, đây cũng là nét riêng biệt và nổi bật của chợ nổi miền Tây.

Cảnh mua bán ở chợ nổi cũng rất thú vị, muốn ăn quà, mua trái cây thì cặp ghe xuồng nhỏ vào sát chiếc ghe bán hàng, rồi có thể leo sang thuyền hàng mà lựa mua rồi thưởng thức luôn. Ở chợ nổi du khách còn được chứng kiến những màn “tung hứng” hoa quả, rau củ từ thuyền này sang thuyền khác vô cùng điệu nghệ.

Người miền Tây vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng quý hơn. Họ sống với nhau bằng cái tình sông nước, phóng khoáng và thoải mái nghĩa tình. Họ nhường nhịn, chia sẻ và biết giúp đỡ nhau. Các thuyền khách sẵn sàng để thuyền hàng cặp sát nạm thuyền của mình để bán hàng… Nên chợ nổi chẳng mấy khi có chuyện va chạm ghe, tranh cãi ồn ào.

Chiếc ghe không chỉ là cửa hàng mà còn là ngôi nhà di động của dân thương sông nước, mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Do vậy, chợ nổi không chỉ là chợ mà còn là nhà, không chỉ là văn hóa chợ mà còn là nét sinh hoạt của bà con miệt vườn sông nước miền Tây.

Bạn có thể mua quà về cho người thân và cùng trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của những người lái buôn nơi đây. Thời điểm khi về chiều tối, cũng là lúc khu chợ nổi khi trở lên im lặng lãng mạn, khung cảnh yên bình. Những chiếc ghe lúc sáng giờ đây trở thành những căn nhà nổi bồng bềnh trên mặt nước. Những em nhỏ ngồi câu cá, vui đùa,…tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, mờ ảo.

Có một nét văn hóa vùng này làm bất kỳ ai khi rời khỏi đều mang theo một cảm giác bâng khuâng khó tả. Đó là những điệu hò sông nước và những khúc nhạc tài tử vọng cổ để nhớ.

Hò chèo ghe, hò mái đoản, hò mái trường, mái nhất, mái nhì… cùng điệu buồn phương Nam qua bàn tay những nghệ sĩ dân gian khảy trên các phím đàn. Âm điệu da diết thấm đẫm hồn sông nước nghe man mác, mênh mang diệu vợi, một chút cảm hoài xa vắng, khó quên.

Thực sự là một thiếu sót nếu không nhắc tới một nét văn hóa rất đặc trưng của miền sông nước Tây Nam Bộ – Văn hóa ẩm thực đậm nét thời khẩn hoang 4 – 5 thế kỷ trước. Các món nướng, cái gì cũng có thể nướng được, không chỉ tôm, cua, cá, heo, gà, vịt, chim, rùa, rắn… mà các lọai rau củ quả cũng nướng như: Khoai, cà tím, lá lốt… là những món ăn tuyệt ngon, đầy hương vị lạ.

Nướng cũng có nhiều cách: Nướng trực tiếp trên lửa, nướng trui, nướng trên khói, bọc đất nướng, bọc lá vùi vào lửa… Nướng bằng lửa than đước, rơm lúa nếp, chân rạ, hay lá cây khô…

Những loại rau ăn kèm là cả một khám phá về “thực vật” sông nước Nam Bộ, những tên lá tên hoa vừa lạ vừa quen: Đọt lục bình, đọt bông súng, đọt lá xoài, bông điên điển, bông so đũa, rau kèo nèo, lá vị… hàng chục thứ bông, lá, rau mà chỉ có người dân địa phương mới biết tên. Các loại rau lá này ăn kèm với các món thịt nướng kia, không những làm món ăn ngon hơn, tăng thêm hương vị hấp dẫn mà còn có tác dụng như những vị thuốc dân gian, bổ tì vị, mát gan mật, thông khí huyết…

Bất kể ai khi đến với miền Tây Nam Bộ sẽ chẳng thể quên được miền đất đầy cuốn hút bởi nét nguyên sơ, nếp sống bình dị và dân dã của người nông dân, những món ngon đặc sắc, những con người đôn hậu, nhiệt thành sẽ giúp bạn chữa lành tâm hồn. Xin đừng vì bất cứ lý do gì mà “đô thị hóa” miền đất này, để mất đi báu vật di sản văn hóa miền sông nước Tây Nam Bộ.

Chủ Đề