Ví dụ về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

    Thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thương mại trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.

    Công ty tôi và công ty TNHH MTV K có lập hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong hợp đồng có điều khoản lựa chọn cơ quan giải quyết khi xảy ra tranh chấp là Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam [VIAC] và giải quyết tranh chấp theo quy chế của Trung tâm này. Hiện nay, giữa công ty tôi và công ty K xảy ra tranh chấp, mặc dù đã thương lượng nhưng không thể giải quyết được. Do đó tôi có thể khởi kiện ra Tòa án thay vì yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết không? Nếu trường hợp bắt buộc phải giải quyết bằng trung tâm trọng tài thì nếu không đồng ý với nội dung của Trung tâm trọng tài thì tôi có thể yêu cầu Tòa án hủy phán quyết đó không?.

Dựa trên yêu cầu tư vấn của bạn, sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật Công ty TNHH MTV FDVN [FDVN] thuộc Đoàn Luật sư Đà Nẵng; Đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

[1]. Quy định pháp luật về trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại hiện nay là một phương thức giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết do các bên thỏa thuận, có thể được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án. Hiện nay phương thức này được quy định chi tiết tại Luật Trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó:

Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.”

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010: Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Khoản 1 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại quy định về hình thức thỏa thuận trọng tài thương mại: “Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng”

Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.”

Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010 về việc thỏa thuận trọng tài thương mại vô hiệu trong các trường hợp sau:

  • Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
  • Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  • Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Như vậy, đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, giữa hai bên đã có một thỏa thuận trọng tài để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán đã ký kết. Theo dữ liệu được cung cấp FDVN chưa nhận thấy được các dấu hiệu của một thỏa thuận trọng tài thương mại vô hiệu hay không thể thực hiện được. Do vậy, khi không thuộc các trường hợp này thì thỏa thuận về việc giải quyết tại trung tâm trọng tài VIAC giữa các bên là có hiệu lực. Tranh chấp sẽ phải được giải quyết tại VIAC, nếu có bên nào khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý giải quyết.

 [2]. Quy định pháp luật về phán quyết trọng tài thương mại.

Khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.” Khi đó, phán quyết này là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Đồng thời, phán quyết của trọng tài thương mại chỉ bị hủy theo yêu cầu của một trong các bên khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1,2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 hướng dẫn tại Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, ngày 20/3/2014; cụ thể:

  1. Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
  2. Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật: trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật Trọng tài thương mại về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án.

Ví dụ: Các bên thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên và áp dụng luật nội dung của Việt Nam để giải quyết vụ tranh chấp nhưng thực tế việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên duy nhất, pháp luật áp dụng là pháp luật nội dung của Singapore mặc dù một bên có phản đối nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp nhận thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.

  1. Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ: trường hợp Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại; hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết.

Về nguyên tắc, Tòa án chỉ hủy phần quyết định có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài mà không hủy phán quyết trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết không bị huỷ. Trường hợp không thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì Tòa án hủy phán quyết trọng tài đó.

  1. Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài.

Tòa án chỉ xem xét việc xác định chứng cứ giả mạo nếu có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó và chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết. Tòa án phải căn cứ vào quy định Luật TTTM, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc để xác định chứng cứ giả mạo.

  1. Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.

Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài.

Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba.

Ví dụ: Các bên đã tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội nhưng Hội đồng trọng tài không ghi nhận sự thỏa thuận đó của các bên trong phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong lĩnh vực thương mại quy định tại Điều 11 Luật Thương mại và Điều 4 của Bộ luật dân sự… Tòa án xem xét, quyết định việc hủy phán quyết trọng tài này vì trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã được Luật Thương mại và Bộ luật dân sự… quy định.

Như vậy, Anh/Chị chỉ có thể yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài khi cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng phán quyết của trọng tài đã vi phạm và thuộc các trường hợp nêu trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của bạn trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng các ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho bạn.

Theo CVPL Dương Hoài Thương

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email:    

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: //www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Video liên quan

Chủ Đề