Viet lach la gi

Tôi là một người viết. Và kể từ khi trở thành người viết hàng ngày trên The Introvert Writer, tôi nhận được nhiều băn khoăn về viết lách của độc giả ở khắp mọi nơi. Câu hỏi phổ biến nhất tôi thường xuyên được hỏi đó là: “Chị/Em/Tớ rất thích (và muốn) viết nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu?”

Tôi không thể đưa ra một câu trả lời chính xác cho mọi trường hợp. Vì mỗi người sẽ có hoàn cảnh, xuất phát điểm cũng như niềm đam mê với viết lách không giống nhau. 

Nhưng tôi có vài gợi ý nho nhỏ giúp bạn tìm ra cách thức hữu hiệu nhất với mình để bắt đầu trở thành người viết.

Khi tìm hiểu về bất kỳ điều gì, thông thường, tôi sẽ cố gắng định nghĩa vấn đề theo cách hiểu của bản thân và làm rõ lý do vì sao mình nên làm điều đó. Mục đích là để đưa ra quyết định chính xác xem có nên dành thời gian, công sức đào sâu vào chủ đề đó không? 

Thời gian có hạn. Dù có nhiều điều bạn muốn học, muốn làm, nhưng bạn không thể nào học hết, làm hết mọi thứ. Vì vậy, ưu tiên cho điều thực sự quan trọng với bạn trong thời điểm hiện tại là điều bạn nên làm.

Theo đó, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi phía trên, trước hết, chúng ta hãy cùng định nghĩa viết lách theo cách của riêng của mình và trả lời câu hỏi vì sao viết lách lại cần thiết với bạn. Rất nhanh thôi, bạn sẽ có manh mối về việc nên bắt đầu viết lách thế nào. 

  • Viết lách là gì?
  • Viết lách đóng vai trò thế nào trong cuộc sống?
    • Viết lách giúp phát triển kỹ năng tự nhận thức
    • Viết lách giúp bạn học hỏi và phát triển hơn 
    • Viết lách giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn.  
    • Viết lách giúp bạn ra quyết định tốt hơn. 
    • Viết lách giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. 
    • Viết lách giúp bạn sáng tạo hơn
    • Viết lách giúp bạn cải thiện đời sống tinh thần. 
    • Viết lách giúp bạn lưu giữ kỷ niệm
    • Viết lách giúp bạn cải thiện thu nhập
    • Viết lách giúp bạn hạnh phúc hơn. 
    • Chú ý nho nhỏ
  • Để trở thành người viết, tôi nên bắt đầu từ đâu? 
    • Bước thứ nhất: Vì sao bạn viết và muốn trở thành người viết?
    • Bước thứ 2: Gọi bản thân là người viết.
    • Bước thứ 3: Tạo blog cá nhân
    • Bước thứ 4: Đọc nhiều hơn
    • Bước thứ 4: Viết nhiều hơn. Viết mỗi ngày
    • Bước thứ 5: Chia sẻ. Nhận phản hồi. Cải thiện.
    • Bước thứ 6: Kết nối với những người viết cùng chí hướng
    • Bước thứ 7: Đăng ký khóa học viết. 
    • Bước thứ 8: Kiên trì. Đừng bỏ cuộc.
      • Khi bạn sẵn sàng, đây là 3 cách mình có thể giúp bạn:

Người nổi tiếng trên thế giới nghĩ viết lách là…

Warren Buffett cho rằng viết lách là một cách giúp ông thanh lọc suy nghĩ. Bill Gates chia sẻ viết là quá trình ông ấy nhìn lại những gì đã xảy qua và đánh giá suy nghĩ trong ngày. 

Frank Smith, một nhà tâm lý ngôn ngữ học thì định nghĩa: ”Nhờ viết lách, chúng ta tìm ra những gì chúng ta biết, chúng ta nghĩ. Viết lách là một cách cực kỳ hiệu quả để tiếp cận với những kiến thức mà chúng ta không thể trực tiếp khám phá.” 

Trong khi đó, John Dixon viết: “Viết lách là điểm giao nhau giữa kinh nghiệm, ngôn ngữ và xã hội. Nó gắn bó mật thiết với sự phát triển về trí tuệ, tình cảm, xã hội và tinh thần của một cá nhân.”

The Introvert Writer nghĩ viết lách là… 

…việc truyền tải suy nghĩ, hiểu biết, thông điệp hay mong muốn của bản thân qua con chữ, giúp mình hiểu mình hơn, hiểu người hơn đồng thời giúp người hiểu mình hơn. Viết lách đóng vai trò to lớn trong giao tiếp, sáng tạo, và phát triển bản thân.

Còn bạn, bạn nghĩ gì về viết lách? Hãy dừng lại vài phút để viết câu trả lời của mình nhé!

Vừa rồi chúng ta đã cùng định nghĩa viết lách, vậy người viết lách thì sao?

Tôi cho rằng, định nghĩa đơn giản và tuyệt vời nhất về người viết chính là “NGƯỜI + VIẾT” – “A person who writes”.

Theo đó, mỗi chúng ta đều là người viết. Có điều, chúng ta viết theo các dạng thức khác nhau. Có thể là bài văn, tin nhắn, email, tiểu luận, luận văn, báo cáo, blog, báo chí, sách,…

Định nghĩa như vậy đã khiến bạn tự tin hơn để trở thành người viết?

Nếu vẫn chưa chắc chắn, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về lợi ích của viết lách trong cuộc sống hàng ngày nhé!

Viết lách đóng vai trò thế nào trong cuộc sống?

Chắc hẳn, bạn cũng biết viết lách có nhiều lợi ích trong cuộc sống. Nhưng đó cụ thể là những điều gì?

Viết lách giúp phát triển kỹ năng tự nhận thức

Liên tục đào sâu suy nghĩ về những vấn đề của bản thân và tái hiện chúng thông qua con chữ, bạn sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về chính mình, mà không cần sự giúp sức của bất kỳ nhà tâm lý học nào. 

Viết nhật ký mỗi ngày về cảm nhận của bản thân với những điều xảy ra xung quanh bạn. Dần dần, bạn sẽ hiểu hơn về con người và các giá trị của mình. Từ đó, bạn có thể sống tỉnh thức hơn và hạnh phúc hơn trong hiện tại. 

Đọc thêm: Tự Nhận Thức – Một Trong Những Kỹ Năng Quan Trọng Nhất Để Thành Công

Viết lách giúp bạn học hỏi và phát triển hơn 

Viết lại những gì đã học, đã đọc, đã tiếp nhận chính là một cách tự học và phát triển bản thân hiệu quả. Nhờ việc xuất bản gần 100 bài viết trên The Introvert Writer (chưa kể các nền tảng khác), tôi học hỏi thêm một lượng kiến thức khổng lồ so với mấy chục năm qua. 

Mỗi một lần viết là một lần tôi học, khắc ghi kiến thức và thực hành vào cuộc sống. Vì thế, tôi phát triển hơn. 

Viết lách giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn.  

Bạn sử dụng từ ngữ, kết nối chúng với nhau để mô tả đích xác điều mình cần nói thông qua lập luận, dẫn chứng. Bạn biểu đạt suy nghĩ của bản thân và truyền tải những ý tưởng phức tạp thông qua viết một cách hiệu quả. Vì vậy, viết mở ra cánh cửa giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp.

Viết lách giúp bạn ra quyết định tốt hơn. 

Tôi thường đưa ra quyết định bằng cách viết. Viết ra giúp mọi thứ rõ ràng hơn và không còn rối rắm như lúc bạn “nhốt’ dòng suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu. 

Trước đây, khi phải quyết định bất kỳ việc gì, tôi thường viết bằng cách chia tờ giấy làm hai cột. Một bên tôi viết ra lợi ích và một bên là khó khăn của từng quyết định. Thay vì tập trung vào lợi ích như nhiều người từng làm, tôi thường nhìn vào khó khăn và tự hỏi bản thân có thể vượt qua điều đó. 

Nếu tôi sẵn sàng “trả giá” cho quyết định của mình, tôi sẽ lựa chọn phương án đó đến cùng. Với hầu hết các quyết định được đưa ra dựa trên cách thức này, tôi đều hài lòng với lựa chọn của mình. 

Viết lách giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. 

Thông qua việc ghi chép và lên kế hoạch, bạn có thể chia nhỏ, theo dõi, rà soát việc thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, bạn có thể hoàn thành mục tiêu dễ dàng hơn.  

Viết lách giúp bạn sáng tạo hơn

Quá trình viết lách gợi mở nhiều ý tưởng cho công việc và cuộc sống. Càng viết nhiều, bộ não càng hoạt động mạnh mẽ để cung cấp cho bạn nhiều ý tưởng thú vị, độc đáo. 

Viết lách giúp bạn cải thiện đời sống tinh thần. 

Mỗi khi có chuyện không vui (cãi nhau với chồng, bực mình chuyện họ hàng, mệt mỏi vì con cái, căng thẳng vì công việc), tôi thường viết nhật ký. Khi viết, tôi lần lượt mô tả cảm xúc của mình, suy nghĩ về nguyên nhân, bóc tách lý do để nhìn mọi việc rõ ràng hơn. Tôi dần dần loại bỏ được cảm giác khó chịu, giảm thiểu căng thẳng và trở về với hiện tại. Đời sống tinh thần của tôi cũng được cải thiện rõ rệt, khác hẳn với lúc chưa duy trì thói quen viết nhật ký.

Viết lách giúp bạn lưu giữ kỷ niệm

Kỷ niệm không chỉ được lưu giữ bằng hình ảnh. Bạn còn có thể lưu giữ chúng thông qua con chữ. Nhờ viết lách, những kỷ niệm bạn đã trải qua sẽ trở nên sống động và thú vị hơn nhiều. Một số người đã trở thành tác giả sách nổi tiếng do biết cách lưu giữ những kỷ niệm đặc biệt của họ và truyền tải chúng một cách độc đáo cho độc giả. 

Viết lách giúp bạn cải thiện thu nhập

Không phải ai viết cũng nghèo. Trong thời đại hiện nay, viết lách hoàn toàn có thể trở thành một công cụ đắc lực giúp bạn kiếm thêm thu nhập. Sẽ thật là tuyệt vời nếu bạn có thể vừa sống và viết.

Đọc thêm: 15+ Ý Tưởng Nghề Tay Trái Giúp Gia Tăng Thu Nhập Trong Năm 2021

Viết lách giúp bạn hạnh phúc hơn. 

Chắc chắn rồi. Vì đây chính là hệ quả tất yếu của những lợi ích phía trên.

Chú ý nho nhỏ

Tôi thường nói, khi quyết định làm một điều gì đó, nên hiểu rõ những thách thức chúng ta sẽ phải đối mặt để chuẩn bị tốt hơn. 

Vậy khó khăn để trở thành người viết là gì? 

Tìm hiểu thêm: Tôi Học Được Gì Sau 4 Tháng Gắn Bó Với Công Việc Freelancer?

Vậy làm thế nào để vượt qua?

Hãy ghi nhớ câu nói của Nora Roberts.

“Bạn cần phải có 3”K”: Kiên trì, Kỷ luật và Khao khát. Nếu thiếu đi một trong những điều này thì dù có giỏi đến mấy, sẽ rất khó khăn để bạn có thể hoàn thành mọi việc, với tư cách là một người viết.”

Nora Roberts.

Liệu bạn có thực sự khao khát trở thành người viết? 

Bạn đã sẵn sàng đối mặt với khó khăn để trở thành người viết? 

Và bạn có thể dành 30 phút mỗi ngày để viết liên tục trong 30 ngày tới? 

Không ngắt quãng. 
Không trì hoãn. 
Không bỏ cuộc.

Bạn có làm được?

Để trở thành người viết, tôi nên bắt đầu từ đâu? 

Có lẽ, không phải người viết nào cũng nhớ chính xác hành trình viết lách của họ bắt đầu từ đâu. Nhưng một khi bạn bắt đầu nhen nhóm mong muốn được viết , đó là khi hành trình của bạn thực sự bắt đầu.

Nào, cùng tiến tới.

Bước thứ nhất: Vì sao bạn viết và muốn trở thành người viết?

Dù tôi đã đưa ra rất nhiều lợi ích của viết lách, bạn vẫn sẽ có (cần có) những lý do khác của riêng mình. Đừng nên chỉ đóng khung vào những điều bài viết này chia sẻ. 

Nhiệm vụ của bản là tìm hiểu thật kỹ lý do vì sao bạn muốn bắt đầu viết. Mục đích của bạn là gì? Không có lý do và mục đích cụ thể sẽ chẳng dẫn bạn đi đến đâu. Có lẽ, đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người cho rằng mình muốn viết nhưng không biết bắt đầu như thế nào. 

Nếu bạn đơn giản muốn viết vì sở thích thì bạn chỉ cần viết thôi. Ngoài ra, bạn có thể lập một blog nhỏ hoặc viết bài trên Facebook cá nhân. Nhưng nếu muốn kiếm tiền, bạn sẽ cần nhiều hơn thế. Bạn sẽ phải tìm cách cải thiện kỹ năng viết của mình và chủ động tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. 

Lúc này, bạn có thể hỏi bản thân tiếp, làm thế nào để cải thiện kỹ năng viết, làm thế nào để tiếp cận những cơ hội chất lượng. Sau đó, bạn sẽ tìm ra được đáp án cho mình. Ví dụ như là phải viết nhiều hơn, đọc nhiều hơn, hay tham gia một khóa học viết chẳng hạn. 

Những điều này không cần Google bạn cũng có thể nghĩ ra. Kể cả không có ý tưởng gì, bạn vẫn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng, qua bạn bè và các mối quan hệ khác. Chỉ cần có mục đích cụ thể, bạn sẽ tìm thấy con đường của mình.

Khi đã hoàn thành bước một, đừng bỏ qua…

Bước thứ 2: Gọi bản thân là người viết.

James Clear từng chia sẻ một câu chuyện như thế này trong cuốn sách nổi tiếng “Atomic Habits”. Một người hút thuốc là đang muốn cai thuốc. Khi người khác đưa cho anh ấy một điếu thuốc, thay vì trả lời, tôi đang cố gắng cai thuốc lá, anh ấy đã nói tôi không hút thuốc. 

Định nghĩa bản thân là người không hút thuốc có thể thay đổi hoàn toàn hành động của anh ấy. Nếu nói đang cố gắng cai thuốc lá, anh ấy vẫn có thể bị dụ dỗ và hút điếu thuốc đó. Nhưng nếu nói không hút thuốc, điều này như một cách khẳng định chắc nịch về lựa chọn của anh ấy. Đó là sẽ không bao giờ hút thuốc.

Tương tự như vậy, định nghĩa bản thân là người viết sẽ giúp bạn hành động là người viết. Bạn sẽ không suy nghĩ giống như mình chỉ viết chơi chơi, viết cho vui để rồi nay thích mai bỏ. Là người viết, bạn sẽ viết. Không chỉ vậy, bạn còn biết tìm cách để phát triển tư duy viết lách và trở thành người viết tốt hơn.

Đừng ngần ngại gọi mình là người viết và nói cho cả thế giới biết bạn là người viết. Làm như vậy sẽ định hướng cho những hành động tích cực tiếp theo trên con đường viết lách của bạn.

Bước thứ 3: Tạo blog cá nhân

Bạn có thể đang tự hỏi “Liệu điều này có thực sự cần thiết?”

Tôi cho rằng đây là bước thực sự cần thiết.

Bạn sẽ cần một nơi để lưu trữ tất cả bài viết của mình, cho bản thân bạn và những người yêu mến bạn. Blog cá nhân là một nơi lý tưởng để thực hiện những điều này.

Đặc biệt, blog còn có chức năng như một bản CV chuyên nghiệp trực tuyến, giúp bạn tiếp cận thêm nhiều công việc chất lượng cao trong tương lai.

Bạn không cần mất tiền để tạo blog. Với người mới bắt đầu viết lách, chỉ cần tạo blog trên các nền tảng miễn phí như WordPress.com hay Wix.com là đủ. Đơn giản nhất bạn có thể viết trên Facebook (Fanpage), và đặc biệt là Linkedin. 

Sau này, khi trở thành người viết chuyên nghiệp và có mong muốn tiếp cận độc giả hiệu quả hơn, bạn có thể đầu tư cho blog cũng chưa muộn.

Đọc thêm:  9 Bước Đơn Giản Giúp Bạn Tự Tin Tạo Blog Cá Nhân Dù Không Biết Lập Trình

Bước thứ 4: Đọc nhiều hơn

“If you want to be a writer, you must do two things above all others: read a lot and write a lot.”

Stephen King

Chắc hẳn, tôi sẽ không cần phải giải thích nhiều về lợi ích của việc đọc. Vì ai trong chúng ta đều biết đọc giúp mở mang tư duy, kiến thức, trải nghiệm, và cả vốn từ. 

Càng đọc nhiều, bạn sẽ càng viết tốt hơn. Nói đơn giản, để đầu ra – bài viết được hiệu quả, thì đầu vào – kiến thức, suy nghĩ cần phải tốt. Điều này sẽ được cải thiện qua việc đọc.

Tham khảo: Làm Thế Nào Đọc Sách Hiệu Quả Hơn Và Nhớ Lâu Hơn?

Một số gợi ý sách về viết lách dành cho bạn:

  • Everybody writes – Ann Handley
  • Bird by Bird: Some Instructions on Writing and Life – Anne Lamott
  • The War of Art – Steven Pressfield
  • Breakthrough Copywriting –  David Garfinkel
  • Wired for Story – Lisa Cron
  • On Writing: A Memoir of the Craft – Stephen King
  • Telling True Stories – Mark Kramer and Wendy Call

Bước thứ 4: Viết nhiều hơn. Viết mỗi ngày

“Just write every day of your life. Read intensely. Then see what happens. Most of my friends who are put on that diet have very pleasant careers.”

Ray Bradbury

Bạn không đọc nhầm đâu ạ. Đọc và viết mỗi ngày là hai việc cần làm song song với nhau, nên tôi dùng một số thứ tự cho hai bước này.

Đọc thêm: 

  • Làm Thế Nào Để Duy Trì Thói Quen Viết Mỗi Ngày
  • Ebook ““Write to Done – Dấn thân để Viết”

Gợi ý công cụ viết:

  • Sổ Dot Grit KLONG
  • Sổ Planner Dotgrid
  • Bút Muji

Bước thứ 5: Chia sẻ. Nhận phản hồi. Cải thiện.

Bạn sẽ không thể biết những gì mình viết ra có hiệu quả hay không cho đến khi chia sẻ chúng cho người khác. Vì vậy, hãy chia sẻ bài viết trên mạng xã hội hoặc tham gia vào các hội nhóm viết để nhận phản hồi từ bạn bè, người đọc. 

Rất có thể, bạn sẽ nhận được những phản hồi chưa tốt về bài viết, đó là chuyện bình thường. Luôn có người khen, kẻ chê. Quan trọng là bạn học hỏi được từ những điều đó. Để rồi, bạn trưởng thành hơn, vững vàng hơn khi viết. 

Mở rộng tư duy một chút, dũng cảm lên một chút, ánh sáng sẽ soi rọi con đường của bạn.

Một cách khác nữa bạn có thể sử dụng là tìm kiếm cho mình một mentor – người hướng dẫn. Họ có thể truyền thụ cho bạn kiến thức, kinh nghiệm và tiếp thêm động lực cho bạn trên con đường viết lách.

Đọc thêm: Muốn tạo ra thay đổi trong công việc, hãy tìm cho mình một “mentor”

Những hội nhóm về viết bạn nên theo dõi:

  • Những người viết hàng ngày (On Writing Daily – Viết đi đừng sợ!)
  • Tâm Sự Con Sen
  • A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành
  • Người Viết Lách
  • Viết Lách Mỗi Ngày – GenZ
  • A Better You – Hoàn Thiện Bản Thân Mỗi Ngày (Được thành lập bởi The Introvert Writer, dù không phải là một nhóm chuyên về viết lách, nhưng đây là một cộng đồng tốt để bạn thể hiện và phát triển kỹ năng viết)

Bước thứ 6: Kết nối với những người viết cùng chí hướng

Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trên hành trình của mình. Nếu đi một mình, bạn dễ dàng đầu hàng trước cảm xúc tiêu cực, thói quen không tốt như sự thất vọng, nản lòng, bất lực, trì hoãn, mệt mỏi. Nhưng nếu đi cùng với những người khác, bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vững tin hơn vào bản thân và tiếp tục công việc của mình. Kết nối và xây dựng mối quan hệ cùng giúp các bạn học hỏi lẫn nhau cả về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kỹ năng viết.

Bước thứ 7: Đăng ký khóa học viết. 

Nếu thấy cần thiết, bạn cũng có thể đăng ký một khóa học viết để cải thiện kỹ năng của bản thân. Học hỏi từ những người có kinh nghiệm và chia sẻ những giá trị phù hợp với bạn sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm bắt các kiến thức cần thiết mà không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, phân loại và lựa chọn thông tin. Đây là một khoản đầu tư thông minh giúp tiết kiệm thời gian và công sức của bạn.

Bước thứ 8: Kiên trì. Đừng bỏ cuộc.

“A professional writer is an amateur who didn’t quit.”

Richard Bach

Trở thành người viết không đơn giản chỉ là bắt đầu viết mà còn là tiếp tục viết đều đặn, mỗi ngày. Sẽ có những lúc bạn bí ý tưởng, không biết phải viết gì. Sẽ có khoảnh khắc bạn trì hoãn, bỏ bê việc viết. Có những lúc bạn muốn bỏ cuộc dù vẫn tin rằng đó là đam mê thực sự của đời mình. Những lúc như vậy, hãy kiên trì với việc viết. Đừng bỏ cuộc.  

Bắt đầu bằng những nỗ lực nhỏ mỗi ngày. 

100 từ. 200 từ. 500 từ. 800 từ. Dần dần, khó khăn sẽ đi qua. Bạn sẽ viết theo một thói quen, như thể bạn không bao giờ quên đánh răng kể cả lúc đó đã là 1 giờ sáng và mắt bạn đã díu lại.

“I try to write a certain amount each day, five days a week. A rule sometimes broken is better than no rule.”

Herman Wouk

Cuối cùng, có hai điều bí mật tôi muốn bật mí cho bạn.

Đầu tiên, ai cũng có thể trở thành người viết. Kể cả khi bạn không có bất kỳ bằng cấp gì liên quan đến viết lách. 

Thứ hai, không bao giờ là quá muộn để trở thành người viết. Kể cả khi đã 30, 40, 50, 60, 70 đi chăng nữa. Thời điểm tuyệt vời nhất để viết có thể đã là ngày hôm qua, và bạn đã đánh mất nó. Tuy nhiên thời điểm tuyệt vời thứ hai, cơ hội để bạn làm lại thật tốt, chính là hôm nay.

Bởi vậy, đừng bỏ lỡ một lần nữa, nhé!

Khi bạn sẵn sàng, đây là 3 cách mình có thể giúp bạn:

1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, phát triển kỹ năng phù hợp (đặc biệt là viết lách và blog) giúp xây dựng sự nghiệp tự do từ đam mê.

2. Sử dụng dịch vụ cài đặt blog trọn gói của The Introvert Writer để nhanh chóng bắt tay vào việc sáng tạo nội dung mà không phải tốn thời gian cho các vấn đề kỹ thuật rắc rối khác,

3. Sử dụng dịch vụ đồng hành 1:1 để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn xây dựng sự nghiệp, làm chủ thời gian, thay đổi cuộc đời. Đặc biệt phù hợp với người mới bắt đầu, người hướng nội, người làm việc tự do, người muốn theo đuổi một nghề tay trái. Tặng kèm gói tạo blog trọn gói trị giá 2.299.000. Đặc biệt trong tháng 10 này, bạn còn được tặng kèm khóa học Writing Online Jumpstart dành cho người mới bắt đầu viết trị giá 3 triệu đồng.