Ý nghĩa của đạo đức cách mạng đối với sinh viên

Nhân kỉ niệm 63 năm ngày Bác Hồ về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, xin giới thiệu bài viết về Giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên theo Tư tưởng của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ và sinh viên Học viện [ngày 24/5/1959]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên - lực lượng kế cận đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Ra đi tìm đường cứu nước lúc còn trẻ, những năm tháng bôn ba ở nước ngoài đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có được cách nhìn nhận toàn diện về vai trò của thanh niên. Người nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” [1]. Người cũng khẳng định, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới.

Theo Người, thế hệ trẻ là một lực lượng hùng hậu bao gồm thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trong đó thanh niên, có vai trò quan trọng nhất. Đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, nhiệt tình, năng động, dám nghĩ, dám làm... Do vậy, nếu được giáo dục, định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ phát huy được vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của mình. Người đã khẳng định: “Thanh niên ta rất hăng hái, ta biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ” [2]. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin lớn vào thế hệ thanh niên đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng nước nhà. Người đã cổ vũ, lôi cuốn thanh niên, đưa họ đến với cách mạng bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng và khát khao đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào của mình.

Người chỉ rõ, đã là người cách mạng cần phải có sức mạnh, đó chính là sức mạnh của đạo đức cách mạng, vì “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang"[3]. Hồ Chí Minh đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, vì theo Người “có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình"[4]; giúp mỗi người cộng sản khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá, v,v..

Trong công tác xây dựng Đảng, Người luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng"[5] và nếu xét mối quan hệ giữa đức và tài trong mỗi con người thì đạo đức chính là “gốc”. Do vậy, trong công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, sinh viên, thanh niên nói riêng, thì giáo dục đạo đức cách mạng là nội dung quan trọng nhất, vì đó chính là yếu tố tạo nên cái “chất”, cái “gốc”, cái “nền tảng” vững chắc của người cách mạng.

Đảng và Nhà nước Việt Nam với giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự tham gia của các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường, toàn xã hội, sự nỗ lực của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam, công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần đào tạo ra một thế hệ thanh niên đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Tuổi trẻ Việt Nam ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để học tập, rèn luyện, trưởng thành, góp phần nâng cao trình độ, hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, từng bước hoàn thành nhân cách. Đa số sinh viên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước; sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Phần lớn sinh viên Việt Nam luôn tin tưởng và đồng thuận với đường lối chính trị của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra sức học tập, rèn luyện và lao động sản xuất. Nhiều sinh viên có thái độ, nhận thức tốt và ý thức chính trị cao, có ý chí vươn lên, phát huy mạnh mẽ truyền thống xung kích của những thế hệ thanh niên lớp trước, trở thành tấm gương sáng cho đông đảo thanh niên noi theo. Ở nhiều cuộc thi trí tuệ thế giới, học sinh, sinh viên nước ta luôn đạt giải cao. Cùng với đó là những tấm gương điển hình tiên tiến, xung kích đi đầu trong học tập và công tác, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ; là kết quả và minh chứng sinh động cho quá trình bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cách mạng kế cận của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên ở nước ta hiện nay còn một số hạn chế: Nội dung giáo dục hiện nay chưa kết hợp tốt giữa giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa với giáo dục khoa học, công nghệ và kỹ thuật, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đặc biệt có một thời gian dài, chúng ta xem nhẹ việc giáo dục đạo đức cho thanh niên, nếu có thì chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả. Nhìn chung, nội dung giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay vẫn chỉ mới tập trung vào những vấn đề như giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục tri thức, giáo dục nghề nghiệp, công ăn, việc làm... Trong khi đó có những nội dung cơ bản, quan trọng và cấp bách vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong đó đặc biệt là những vấn đề giáo dục đạo đức. Phương pháp giáo dục thanh niên thời gian qua vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống, còn lạc hậu, chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa, chưa gắn với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa phát huy tính năng động, sáng tạo và năng lực thực hành của thanh niên…

Vẫn còn một bộ phận sinh viên không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, ít quan tâm đến tình hình của đất nước, quốc tế. Một bộ phận sinh viên “nhạt Đảng, phai Đoàn, xa chính trị”, không có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, có những sinh viên giảm sút niềm tin, thiếu niềm tin, bản lĩnh non kém, thậm chí bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Một bộ phận sinh viên hiện đang chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân của mình. Số này chỉ quan tâm đến việc học tập chuyên môn; tập trung vào việc đi học, sau đó, đi làm thêm, ít quan tâm tới các vấn đề xã hội, chính trị; ít tham gia các phong trào, các hoạt động xã hội. Một bộ phận sinh viên còn chịu tác động ảnh hưởng của các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch; tư tưởng còn bị dao động; nhiều lúc còn mơ hồ, thiếu kiên định, thiếu hoài bão, không tích cực tham gia các phong trào và hoạt động xã hội.

Bác Hồ thăm phòng thí nghiệm nhân ngày về thăm Học viện Nông Lâm [ngày 24/5/1959]

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam và lời căn dặn của Bác 63 năm trước

Ngày 24 tháng 5 năm 1959, Học viện Nông Lâm[6] có vinh dự lớn được đón Bác Hồ về thăm Học viện tại cơ sở Văn Điển. Cùng đi với Bác có Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Nghiêm Xuân Yêm. Bác đi thăm từ nơi ở, nhà ăn, nhà trẻ, nhà vệ sinh đến chỗ học, phòng thực tập, trại thực tập thí nghiệm của sinh viên.

Sau đó, Bác nói chuyện với giáo viên, công nhân viên và sinh viên trong hội trường nhà lá. Lời nói giản dị, thân tình, ấm áp của Bác đã truyền ngọn lửa đam mê học tập, nghiên cứu khoa học và khát khao cống hiến của Thầy và Trò Học viện. Bác khen ngợi sự tiến bộ về học tập, nghiên cứu, lao động, về tư tưởng của Nhà trường. Bác khẳng định: "Bây giờ chỉ có hai con đường, phải chọn lấy một. Nước ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, nếu tiến sang con đường Tư bản chủ nghĩa, kết quả lại bị áp bức bóc lột, cho nên ta chỉ có một con đường Xã hội chủ nghĩa chứ không có con đường nào khác. Phải nhận rằng con đường XHCN không phải là dễ, có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng rất vẻ vang". Bác nhắc, làm thí nghiệm phải bền chí, khiêm tốn, thua keo này ta bày keo khác. Qua nhiều thất bại mới đến thành công, như cuộc kháng chiến của chúng ta vậy. Bác căn dặn sinh viên phải yêu ngành nghề, phải đoàn kết. Bác dạy phải học chuyên môn nhưng cũng phải học chính trị. Bác nói: "Tiến lên CNXH là con người tiến lên, cho nên chúng ta phải công tác, phải lao động chứ không phải CNXH trên trời rơi xuống. Một người XHCN phải có tư tưởng đạo đứcXHCN có đầu óc XHCN mới có con người XHCN, có con người XHCN nước mình mới tiến lên CNXH được".

Cuối cùng Bác động viên mọi người phải cố gắng để góp phần xây dựng miền Bắc, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hoà binh thế giới.

Kết thúc bài nói chuyện, Bác hỏi: Các cháu có làm được không? Có quyết tâm không?

Mọi người đồng thanh trả lời: Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!

Sau đó, Bác đã ghi vào trang đầu cuốn Sổ vàng Truyền thống của Học viện lời dạy:

"Đoàn kết chặt chẽ

Cố gắng không ngừng

Để tiến bộ mãi”

Bác Hồ ghi sổ vàng truyền thống của Học viện [ngày 24/5/1959]

Lời dạy ấy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của Học viện. Để từ một cơ sở đào tạo có 3 khoa và 27 giáo viên, đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về khoa học kỹ thuật phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế cả nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phấn đấu liên tục, vượt qua mọi khó khăn, bám sát nhiệm vụ cách mạng của đất nước, không ngừng vận động, đổi mới và phát triển, tự chủ và hội nhập để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

---------------

[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216.

[2]. Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Hà Nội, 1980, tr.83-85.

[3], [4]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.11, tr.601, 602.

[5]. Sđd, t.5, tr.309.

[6]: Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 1958 - 1963

                                                                                                 Ban CTCT&CTSV

           Sưu tầm và phát triển

Video liên quan

Chủ Đề