Acr là một thiết bị đối xứng là gì năm 2024

Mỗi lần sửa đổi BI-RADS lại được thêm vào các thành phần quan trọng để làm rõ, quản lý, hoặc đảm bảo chất lượng. Ấn bản BI-RADS lần thứ ba kết hợp một tập tranh ảnh (atlas) cung cấp hình ảnh minh họa đã qua xử lý (artist’s rendering) các mẫu hình của mỗi từ mô tả. Ấn bản lần thứ tư có một số thay đổi đối với thuật ngữ từ vựng [27]. Để tránh nhầm lẫn giữa thuật ngữ mô tả mật độ vú nói chung và cụm từ mô tả “mật độ” (density là dấu hiệu không bị vôi hóa chỉ nhìn thấy ở một trong hai hướng chụp X quang vú chuẩn), các tác giả đã dùng cụm từ “không đối xứng” (asymmetry) thay cho cụm từ “mật độ” (density). Song song với thay đổi về thuật ngữ này, cụm từ “mô vú không đối xứng” (asymmetric breast tissue) được đổi thành “không đối xứng toàn bộ” (global asymmetry) (một dấu hiệu không phải khối nhưng chiếm chỗ ít nhất là góc ¼ vú và nhìn thấy ít ra là ở hai hướng), “mật độ không đối xứng khu trú” (focal asymmetric density) được đổi thành “không đối xưng khu trú”( focal asymmetry) (một dấu hiệu không phải khối nhưng chiếm chỗ ít hơn góc ¼ vú và nhìn thấy ít nhất là ở hai hướng). Hơn nữa, một nghiên cứu dã chứng minh rằng các vi vôi hóa vô định hình (amorphous microcalcifications) mang 20% nguy cơ ác tính [28] đã thúc đẩy ủy ban BI-RADS chia nhỏ các từ mô tả vi vôi hóa nghi ngờ ác tính thành “nguy cơ trung gian” (gồm cả từ mô tả vô định hình) và “khả năng ác tính cao hơn”. Số liệu bổ sung đã công bố liên quan đến các từ mô tả vi vôi hóa đã chứng minh rằng từ mô tả “đa hình thái” ( pleomorphic) cần phân nhỏ nguy cơ ra so với nguy cơ chung đối với các vi vôi hóa nghi ngờ ác tính [29]. Đáp lại, ủy ban BI-RADS đã chia vi vôi hóa “đa hình thái” thành hai loại nhỏ hơn: “không đồng đều thô” và “không đồng đều mịn”. Sự phân biệt này sau đó đã được chứng minh là phân tầng có hiệu quả xác suất ác tính các loại vôi hóa [30]. Để giúp nhiều hơn sự phân tầng nguy cơ, ấn bản lần thứ tư đã cung cấp lựa chọn để chia nhỏ phân loại BI-RADS 4 thành 4A (mức nghi ngờ thấp đối với bệnh ác tính), 4B (mức nghi ngờ trung gian đối với bệnh ác tính), và 4C (lo ngại vừa phải nhưng không có dấu hiệu cổ điển cho bệnh ác tính). Sự phân chia nhỏ này cung cấp sự đánh giá và lựa chọn báo cáo giúp cho cả bác sỹ lâm sàng và bệnh nhân hiểu được khả năng phát hiện của sinh thiết và các khuyến cáo theo dõi [27,31].

Từ vựng siêu âm vú (BI-RADS – Ultrasound) được công bố lần đầu tiên trong ấn bản BI-RADS lần thứ tư, nó cũng có những chủ đề tương tự X quang vú. Năm 1998, Hội X quang Mỹ (ACR) nhận được tài trợ từ “Office on Women’s Health of the US Department of Health and Human Services” (Sở Y tế Phụ Nữ của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa kỳ) để giúp đỡ phát triển protocol nghiên cứu về siêu âm vú (contract 282-97-0076, Federal Technology Transfer Program to Advance Novel Breast Imaging Technologies). Một nhóm làm việc gồm các chuyên gia của ACR (quốc gia và quốc tế) về chẩn đoán hình ảnh vú có quan tâm đặc biệt tới siêu âm vú đã họp ở Maine để thiết kế các dự án nghiên cứu thúc đẩy việc sử dụng siêu âm cùng kết hợp với chụp X quang vú và các phương tiên chẩn đoán hình ảnh khác. Những nghiên cứu tiềm năng đó gồm có 1) xác định tiêu chuẩn để phân biệt khối lành tính với các khối đặc ác tính, 2) siêu âm sàng lọc ung thư vú, và 3) sử dụng siêu âm để hướng dẫn can thiệp để chẩn đoán và là một tác nhân điều trị (siêu âm tần số cao). Cho đến thời điểm đó, siêu âm được dùng chủ yếu để phân biệt nang với tổn thương đặc, cho dù có chứng nhận của FDA trước khi đưa ra thị trường đối với công nghệ “tạo ảnh độ phân giải cao” của Advanced Technology Laboratories (Bothell, Washington; hiện nay là Philips Medical Systems, Andover, Massachusetts) vào năm 1996. Chứng nhận này dựa vào một nghiên cứu quốc tế, đa trung tâm liên quan đến đánh giá siêu âm ở gần 1000 tổn thương vú (được xuất bản dưới dạng một chuyên khảo của Advanced Technology Laboratories chứ không phải là một tài liệu y khoa được bình duyệt). Nghiên cứu cho thấy siêu âm cải thiện độ đặc hiệu đối với những khối trung gian (giữa lành tính và ác tính) khi chụp X quang vú và khám lâm sàng. Nghiên cứu này xác định sự cần thiết phải nghiên cứu bổ sung để xác định tiêu chuẩn phân loại các khối đặc của vú trên siêu âm.

Nhóm làm việc của các chuyên gia ACR đã đề xuất một hệ thống từ vựng chuẩn hóa, tương tự với BI-RADS cho X quang vú, để tạo cơ sở mô tả đặc điểm nghiên cứu các khối đặc nhằm mục địch phân tầng nguy cơ và quản lý dựa trên bằng chứng. Ngay sau cuộc họp ở Maine, một tiểu ban của Ủy ban BI-RADS của ACR đã chính thức phát triển BI-RADS – ULTRASOUND. Sau một vài lần lặp lại, tài liệu đồng thuận đã được trình bày và thử nghiệm ở các cuộc họp chuyên ngành chọn lọc, gồm cả cuộc họp hai năm một lần của Society of Breast Imaging (hội chẩn đoán hình ảnh vú) ở San Diego vào năm 2001. Các từ mô tả và phân loại đánh giá đã được phê chuẩn nhờ vào phân tích thống kê tính nhất quán giữa các người đọc kết quả (κ), có sự tương đồng tốt đối với phần lớn các thuật ngữ được sử dụng giữa những người có kinh nghiệm và người mới vào nghề chẩn đoán hình ảnh vú [31].

BI-RADS – ULTRASOUND được xác định dựa trên các hình ảnh chất lượng cao và các quan sát siêu âm thời gian thực, đồng thời khuyến khích việc đánh giá những đặc điểm kết hợp. Sử dụng các từ mô tả từ một vài phân loại đặc điểm có thể làm cân bằng nguy cơ liên quan đến tất cả những đặc điểm thích hợp, nhưng thông thường thì đặc điểm nghi ngờ nhất sẽ chi phối đánh giá cuối cùng và khuyến cáo [32].

Việc thông qua các nhóm đặc điểm được điểm bắt nguồn từ các phân tích đơn biến, hai biến và đa biến mô tả đặc điểm các tổn thương. Các kết quả phân tích này là bằng chứng để FDA chứng nhận cho các hệ thống chẩn đoán hình ảnh độ phân giải cao của Advanced Technology Laboratories trước khi đưa ra thị trường. Các nhóm đặc điểm cũng được dùng để phát triển thuật toán phân loại khối do Stavros và đồng sự đề xuất [33]. Đối với BI-RADS – ULTRASOUND, ba đặc điểm phân loại quan trọng nhất là hình dạng, bờ, và hướng, trong đó hướng là đặc điểm chỉ áp dụng với siêu âm.

BI-RADS – ULTRASOUND cũng có thể đóng góp để nghiên cứu những công nghệ mới nổi. Chương trình chẩn đoán được máy vi tính trợ giúp sử dụng segmentation và feature extraction (tạm dịch: phân đoạn và trích rút đặc điểm, có thể tìm hiểu thêm ở lĩnh vực nhận dạng mẫu-pattern recognition) để phân loại các khối của vú trên cơ sở các đặc điểm tương tự BI-RADS – ULTRASOUND. Báo cáo có cấu trúc ban đầu được thiết kế cho X quang vú (hiện nay tiến triển nhanh và sẵn có trong các phần mềm báo cáo hình ảnh vú) được dùng cho BI-RADS – ULTRASOUND để xây dựng các báo cáo chuẩn hóa và khuyến khích việc truyền đạt thông tin nhất quán.

Sự phát triển của BI-RADS – ULTRASOUND bắt đầu cách đây từ hơn một thập kỷ sẽ còn tiếp tục. Các phân loại đặc điểm mới (thí dụ tính chất đàn hồi-elasticity) sẽ yêu cầu được chuẩn hóa, có bằng chứng, và chứng nhận. Những mục tiêu liên tục của BI-RADS cung cấp các hướng dẫn toàn diện, hữu ích cho các nhà chẩn đoán hình ảnh vú để phân tích, đánh giá, báo cáo, và quản lý các tổn thương vú là đặc biệt quan trọng cho phương pháp siêu âm vú, một phương pháp từ lâu được coi là phụ thuộc người thực hiện.

Ấn bản BI-RADS lần thứ tư cũng kết hợp công bố các từ mô tả MRI vú (cộng hưởng từ vú). Trong khoảng thời gian từ đầu những năm 1970 đến cuối những năm 1990, MRI vú tiêm thuốc đối quang từ đã cho nhiều kết quả hứa hẹn. Các nghiên cứu cho thấy độ nhạy gần 100% trong phát hiện ung thứ vú xâm lấn giai đoạn sớm, cho dù những kết quả này bị giảm giá trị đi do độ đặc hiệu ở mức khiêm tốn hơn [34]. Tuy nhiên, các nỗ lực để đánh giá một cách hệ thống y văn bị cản trở bởi các phương pháp không thống nhất trong thu nhận hình ảnh và báo cáo kết quả. Sự khác nhau về cường độ từ trường, phần cứng máy cộng hưởng từ, các chuỗi xung, và mô tả đặc điểm hình ảnh tổn thương (cả số liệu hình thái và động học thuốc đối quang từ) đã dẫn đến sự tự do đổi mới nhưng cũng cản trở sự phát triển đồng thuận. Một cuộc điều tra dựa vào Web (trang mạng) của các thành viên Hội chẩn đoán hình ảnh vú (Society of Breast Imaging) tiến hành từ tháng 9 năm 2006 tới tháng 1 năm 2007 cho thấy các protocol chụp MRI vú được chuẩn hóa kém là một vấn đề nghiêm trọng [35]. Trong 551 trả lời, 84% cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi đọc các phim MRI vú tiêm thuốc đối quang từ được thực hiện ở các cơ sở khác bởi vì protocol chụp khác nhau.

Nhận thấy nhu cầu rõ ràng cần có sự đồng thuận đối với các kỹ thuật MRI và thuật ngữ tổn thương, Public Health Service’s Office on Women’s Health (phòng dịch vụ y tế công cộng của Sở y tế phụ nữ) đã tài trợ cho Nhóm làm việc quốc tế (International Working Group) về MRI vú vào năm 1997. Mục tiêu của nhóm này là phổ biến sự đồng thuận dựa trên bằng chứng về hiệu suất (performance) và các diễn giải (đọc) MRI vú. Một bộ phận của nhóm làm việc quốc tế này gọi là Nhóm làm việc chẩn đoán tổn thương (Lesion Diagnosis Working Group) gồm có các nhà nghiên cứu MRI vú được quốc tế công nhận đã lãnh trách nhiệm phát triển một hệ thống thuật ngữ MRI vú và hệ thống báo cáo [36]. Sau đó nhóm này trở thành Tiểu ban thuật ngữ MRI ung thư vú (Subcommittee on MRI Lexicon Breast Cancer).

Trong năm 1998, Nhóm làm việc chẩn đoán tổn thương (Lesion Diagnosis Working Group) đã phát triển những tiêu chuẩn báo cáo tối thiểu về kỹ thuật chụp MRI, thu nhận đường cong động học vùng quan tâm (region-of-interest kinetic curve acquisition), cấu trúc tổn thương, các diễn giải đường cong động học này. Những chuyên gia trong nhóm đã dùng tài liệu MRI vú để biên soạn các từ mô tả quan trọng nhất cho các chẩn đoán tổn thương, các từ mô tả này sẽ thúc đẩy các khuyến cáo quản lý bệnh nhân cụ thể, thí dụ như sinh thiết. Những từ mô tả này đã được chọn dựa trên các thuật ngữ sử dụng trong từ vựng X quang vú để dễ dàng sử dụng và chấp nhận trong thực hành lâm sàng. Sau khi phát triển sơ bộ từ vựng MRI vú, nhóm này đã thực hiện một vài nghiên cứu người đọc kết quả để đánh giá độ tin cậy (reproducibility) của các từ mô tả trong mô tả đặc điểm các bất thường phát hiện trong MRI được chứng minh bằng sinh thiết [37]. Sử dụng kết quả của các nghiên cứu này đã từ từ, từng bước mở rộng hoặc loại bỏ các phần của hệ thống thuật ngữ sơ bộ.

Việc tối ưu hóa và kiểm định hệ thống thuật ngữ còn tiếp tục kéo dài trong 6 năm, kết quả là BI-RADS – MRI xuất hiện lần đầu tiên trong ấn bản thứ tư của BI-RADS vào năm 2003 [24]. Từ vựng MRI vú hiện nay đã được sử dụng rộng rãi để báo cáo kết quả MRI vú, giảng dạy, nghiên cứu, và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, công việc của Tiểu ban thuật ngữ MRI ung thư vú (Subcommittee on MRI Lexicon Breast Cancer) vẫn chưa kết thúc; độ chính xác và độ tin cậy của thuật ngữ tiếp tục được kiểm tra trên các đấu trường khoa học và lâm sàng [38-41], những đặc điểm và kỹ thuật mới xuất hiện nhanh chóng. Thí dụ, tầm quan trọng của ngấm thuốc nền, sử dụng các chuỗi xung T2W, và chụp vú hai bên [42-44] đã thúc đẩy ủy ban khuyến cáo sử dụng thường quy các kỹ thuật này. Các tiến bộ chủ yếu về phần cứng, phần mềm, từ trường nam châm, và sự phát triển chuỗi xung bao gồm kỹ thuật tạo ảnh song song (parallel imaging), cộng hưởng từ khuếch tán và phổ học cộng hưởng từ (MR spectroscopy) trong số nhiều tiến bộ khác đã hứa hẹn góp phần cải thiện khả năng chẩn đoán, cũng như cộng thêm sự phức tạp vào hệ thống từ vựng [45]. Thí dụ việc tăng sử dụng chẩn đoán được vi tính trợ giúp (computer-aided diagnosis, CAD) đã dẫn tới những thay đổi lớn trong việc diễn giải MRI vú [35]. Hơn nữa, sinh thiết được MRI hướng dẫn cho phép chẩn đoán mô học những bất thường chỉ nhìn thấy trên MRI, giúp chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm cũng như việc thu thập và tính toán hiệu xuất độ chính xác. Trong thực tế, Ủy ban thuật ngữ MRI của ACR đang lập kế hoạch một ấn bản mới vào năm 2010 để làm sáng tỏ các từ mô tả hiện có, và loại trừ những từ không có tác dụng trong thực hành lâm sàng, và thêm vào T2W, ngấm thuốc nền, các từ mô tả với cấy vú (nâng ngực) Rõ ràng, BI-RADS – MRI là một tài liệu đang phát triển và tiếp tục phát triển để cung cấp hệ thống thuật ngữ cập nhật, chuẩn dựa trên bằng chứng để tiếp tục góp phần cải thiện độ chính xác của MRI vú. Sự phát triển công nghệ, tiến triển đa phương tiện chẩn đoán hình ảnh vú, duy trì thuật ngữ hướng theo bằng chứng số liệu là cơ sở của ấn bản BI-RADS lần thứ năm, trong đó bao gồm các bản BI-RADS – ULTRASOUND và BI-RADS – MRI lần thứ hai. BI-RADS luôn luôn là tài liệu “sống”, thay đổi khi có số liệu mới và có các mẫu hình chăm sóc vú phức tạp hơn nổi lên.

Bài học kinh nghiệm

Từ khi ra đời, hệ thống BI-RADS đã theo đuổi một con đường hợp lý và dựa trên bằng chứng. Các ủy ban của ACR đã nhấn mạnh và những đặc điểm tiên đoán được phát hiện thông qua nghiên cứu khoa học bất cứ khi nào có thể. BI-RADS đã phát triển từ số liệu khoa học, hướng dẫn chuyên môn từ các chuyên gia hàng đầu trong chẩn đoán hình ảnh vú, và đầu vào từ các bác sỹ lâm sàng và các bên liên quan khác. Hệ thống BI-RADS có thể dùng làm khuân mẫu về thuật ngữ chuẩn rất thành công để mô hình hóa các lĩnh vực khác.

(Lược dịch từ The ACR BI-RADS® Experience: Learning From History. Journal of the American College of Radiology Volume 6, Issue 12 , Pages 851-860, December 2009)

Tham khảo

21. American College of Radiology. Breast Imaging Reporting and Data System® (BI-RADS®) Reston, Va: American College of Radiology; 1992.

22. American College of Radiology. Breast Imaging Reporting and Data System® (BI-RADS®) 2. Reston, Va: American College of Radiology; 1995.

23. American College of Radiology. Breast Imaging Reporting and Data System® (BI-RADS®) 3. Reston, Va: American College of Radiology; 1998.

24. American College of Radiology. Breast Imaging Reporting and Data System® (BI-RADS®) 4. Reston, Va: American College of Radiology; 2003.

25. Heilbrunn KS. The American College of Radiology’s mammography lexicon: barking up the wrong tree? AJR Am J Roentgenol. 1994;162:593–4.

26. D’Orsi CJ, Kopans DB. The American College of Radiology’s mammography lexicon: barking up the only tree. AJR Am J Roentgenol. 1994;162:595.

27. D’Orsi CJ, Newell MS. BI-RADS® decoded: detailed guidance on potentially confusing issues. Radiol Clin North Am. 2007;45:751–63.

28. Berg WA, Arnoldus CL, Teferra E, Bhargavan M. Biopsy of amorphous breast calcifications: pathologic outcome and yield at stereotactic biopsy. Radiology. 2001;221:495–503.

29. Liberman L, Abramson AF, Squires FB, Glassman JR, Morris EA, Dershaw DD. The Breast Imaging Reporting and Data System: positive predictive value of mammographic features and final assessment categories. AJR Am J Roentgenol. 1998;171:35–40.

30. Burnside ES, Ochsner JE, Fowler KJ, et al. Use of microcalcification descriptors in BI-RADS® 4th edition to stratify risk of malignancy. Radiology. 2007;242:388–95.

31. Lazarus E, Mainiero MB, Schepps B, Koelliker SL, Livingston LS. BI-RADS lexicon for US and mammography: interobserver variability and positive predictive value. Radiology. 2006;239:385–91.

32. Mendelson EB, Berg WA, Merritt CR. Toward a standardized breast ultrasound lexicon, BI-RADS: ultrasound. Semin Roentgenol. 2001;36:217–25.

33. Stavros AT, Thickman D, Rapp CL, Dennis MA, Parker SH, Sisney GA. Solid breast nodules: use of sonography to distinguish between benign and malignant lesions. Radiology. 1995;196:123–34.

34. Stomper PC, Herman S, Klippenstein DL, et al. Suspect breast lesions: findings at dynamic gadolinium-enhanced MR imaging correlated with mammographic and pathologic features. Radiology. 1995;197:387–95.

35. Bassett LW, Dhaliwal SG, Eradat J, et al. National trends and practices in breast MRI. AJR Am J Roentgenol. 2008;191:332–9.

36. Ikeda DM. Progress report from the American College of Radiology Breast MR Imaging Lexicon Committee. Magn Reson Imaging Clin North Am. 2001;9:295–302.

37. Ikeda DM, Hylton NM, Kinkel K, et al. Development, standardization, and testing of a lexicon for reporting contrast-enhanced breast magnetic resonance imaging studies. J Magn Reson Imaging. 2001;13:889–95.

38. Macura KJ, Ouwerkerk R, Jacobs MA, Bluemke DA. Patterns of enhancement on breast MR images: interpretation and imaging pitfalls. Radiographics. 2006;26:1719–34.

39. Nie K, Chen JH, Yu HJ, Chu Y, Nalcioglu O, Su MY. Quantitative analysis of lesion morphology and texture features for diagnostic prediction in breast MRI. Acad Radiol. 2008;15:1513–25.

40. Raza S, Vallejo M, Chikarmane SA, Birdwell RL. Pure ductal carcinoma in situ: a range of MRI features. AJR Am J Roentgenol. 2008;191:689–99.

41. Schnall MD, Blume J, Bluemke DA, et al. Diagnostic architectural and dynamic features at breast MR imaging: multicenter study. Radiology. 2006;238:42–53.

42. Jansen SA, Fan X, Karczmar GS, Abe H, Schmidt RA, Newstead GM. Differentiation between benign and malignant breast lesions detected by bilateral dynamic contrast-enhanced MRI: a sensitivity and specificity study. Magn Reson Med. 2008;59:747–54.

43. Kuhl C. The current status of breast MR imaging. Part I. Choice of technique, image interpretation, diagnostic accuracy, and transfer to clinical practice. Radiology. 2007;244:356–78.

44. Kuhl CK. Current status of breast MR imaging. Part 2. Clinical applications. Radiology. 2007;244:672–91.

45. Yabuuchi H, Matsuo Y, Okafuji T, et al. Enhanced mass on contrast-enhanced breast MR imaging: lesion characterization using combination of dynamic contrast-enhanced and diffusion-weighted MR images. J Magn Reson Imaging. 2008;28:1157–65.