Bác Hồ với nền giáo dục nước nhà

LTS: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc.

Chia sẻ về những tư tưởng giản đơn mà sâu sắc của Người đối với nền giáo dục nước nhà, nhà giáo Nguyễn Cao đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn thông tin đại chúng, trong các phiên thảo luận của Quốc hội, chúng ta đã thấy có nhiều ý kiến bàn, hỏi về triết lý giáo dục Việt Nam.

Những ý kiến đó đều rất tâm huyết, đều mong muốn giáo dục nước nhà có một triết lý giáo dục đúng đắn để làm kim chỉ nam cho sự phát triển.

Tuy nhiên, có những điều rất tâm đắc, phù hợp với giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, đã bàn cách đây hàng mấy chục năm nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nếu chúng ta làm được những điều di huấn của Người, chúng tôi tin là giáo dục Việt Nam sẽ khởi sắc và nhận được nhiều đồng thuận của dư luận xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục [Ảnh: tư liệu].

Hàng chục năm nay, trong khi Đảng ta đang phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cũng đã hàng chục năm qua, ngành giáo dục cứ loay hoay đi tìm sự đổi mới cho giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, những đổi mới của ngành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của đất nước.

Những đổi mới vẫn liên tục vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Bởi, thực tế việc đổi mới cứ đổi hoài mà vẫn không thấy…mới, không vượt qua được những triết lý sâu xa của Hồ Chủ Tịch đã nói trước đây.

Điều Bác mong muốn việc dạy và học của ngành giáo dục nước nhà rất giản đơn thôi nhưng thiết thực vô cùng, đó là:

“Dạy mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy thì phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu.

Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây non lên tốt. Dạy trẻ nhỏ được tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt.

Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Bậc tiểu học cần giáo dục các cháu yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công.

Cách dạy phải vui vẻ, nhẹ nhàng, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các cháu.

Thầy cô giáo phổ thông phải đảm bảo cho học trò phổ thông những kiến thức chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng phát triển của đất nước.

Sinh viên đại học đã đến tuổi trưởng thành, thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới kết hợp với thực tiễn nước ta để thiết thực giúp cho công cuộc xây dựng nước nhà”. 

Từ chuyện phát triển giáo dục, ngẫm lời Bác dạy

Chỉ cần thế thôi thì chúng ta đã có những thế hệ học trò tiêu biểu, kế cận được sự nghiệp cách mạng của nước nhà một cách vững chắc cả về đạo đức, lý tưởng sống và năng lực chuyên môn.

Nhìn vào những lời của Bác ta thấy thấm thía vô cùng và cũng có thể xem là những triết lý của Người.

Bác đã chỉ ra từng đặc điểm của các bậc học để có thể mang lại những hiệu quả thiết thực và phù hợp nhất khi giảng dạy và học tập.

Có lẽ, khi nói những lời này, Bác cũng chẳng bao giờ nghĩ đến những triết lý sâu xa mà chỉ căn cứ vào đặc điểm giáo dục nước nhà, đặc điểm lứa tuổi của người học để đưa ra những nhận định của mình.

Nhưng, đến tận bây giờ, những lời giáo huấn của Bác vẫn là mong mỏi của mọi người bởi ngành giáo dục hiện tại vẫn chưa đạt được những mong muốn của Bác, của xã hội.

Bây giờ, cứ nhìn vào thực tế của ngành giáo dục, chúng ta thấy có vô vàn điều đáng bàn. Những tiêu cực trong ngành vẫn thường xuyên xảy ra, những tình trạng vi phạm đạo đức của cả thầy và trò vẫn là nỗi bất an cho xã hội.

Hệ quả này cũng bắt nguồn từ việc chúng ta chưa chú trọng dạy người, dạy đạo đức cho học trò một cách thấu đáo, chưa đưa những điều thiết thực vào giảng dạy trong nhà trường.

Chúng ta đang dạy học trò rất nhiều thứ, cái gì cũng cao siêu, cũng hàn lâm, cũng chạy theo theo và bắt chước người khác.

Nhưng, rốt cuộc, đa phần học sinh học cái gì xong cũng mơ hồ, nặng lý thuyết mà rất khó bắt tay vào những công việc thực tế sau khi học.

Những người kiến tạo giáo dục chưa thể hiện được bản lĩnh của mình khi đối mặt với khó khăn, áp lực của ngành. Điều cốt lõi là chưa thể hiện được tính tiên phong “tiên ưu, hậu lạc”.

Thời của Bác - đất nước vừa độc lập, kinh tế muôn vàn khó khăn, lúc bấy giờ có tới 95 % dân số mù chữ.

Vậy mà, chỉ một chuyến sang Pháp, Bác đã đưa được hàng loạt trí thức tiêu biểu đang sống ở một đất nước hoa lệ về với chiến khu Việt Bắc để cùng tham gia vào việc kiến tạo giáo dục nước nhà và tham gia kháng chiến.

Và, ngành giáo dục lúc đó đã có những người tham gia vào kiến tạo tiêu biểu như Vũ Đình Hòe, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu…

Những thầy cô trực tiếp giảng dạy học trò có thể xuất phát từ những lớp Bình dân học vụ, học cấp tốc nhưng họ đúng chất là những “ông giáo làng” biết gợi mở những giá trị cốt lõi, tốt đẹp nhất đến với học trò.

Luôn tiếp cho học trò những động lực cần thiết để sau này có thể cống hiến một cách tận tâm cho đất nước.

Sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”

Đất nước đang phát triển, hội nhập đang rất cần sự đột phá của ngành giáo dục nhưng rồi những tiêu cực trong quản lý nhân sự, tài chính, những vụ việc bạo lực học đường, một số thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo vừa qua khiến cho chúng ta có những lúc lo lắng.

Nghĩ lại những lời dạy của Bác khi xưa ta lại càng thấm thía vô cùng và không bao giờ xưa cũ:

 “Trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải cá đối bằng đầu”.

Giờ đây, quy chế dân chủ được liệt kê ra thì có rất nhiều, ngành cũng có, trường cũng có nhưng hình như nó vẫn là một thứ xa xỉ ở đâu đâu.

Đâu đó vẫn là sự áp đặt, mệnh lệnh giữa lãnh đạo với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, thành ra mọi thứ vẫn chênh vênh, nghi hoặc…

Thôi thì, trong lúc giáo dục nước nhà chưa tìm được…triết lý mà toàn Đảng, toàn dân lại đang học tập theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí mình thì việc hoàn thiện những tâm nguyện của người xem chừng vừa hay mà lại rất đúng.

Chỉ cần những điều mong muốn giản đơn của Bác mà ngành giáo dục đạt được thì xem chừng cũng đã thành công lắm rồi.

Triết lý giáo dục cho nước nhà có cần lắm không? Vẫn biết là rất cần nhưng khi chưa tìm ra triết lý ưu việt nhất thì ngành giáo dục phải cần hạn chế được bất cập, sai sót.

Hạn chế được tiêu cực trong quản lý, hạn chế được bạo lực học đường thì đó cũng đã là…triết lý cho ngành giáo dục rồi.                                                          

Nguyễn Cao

[TG] -Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục của đất nước. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dan tộc yếu”; cả cuộc đời, người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1].

COI TRỌNG TÀI VÀ ĐỨC

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”[2]. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khoẻ để trở thành những người chủ tương lai của đất nước, “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”.

Với một tầm nhìn thời đại và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để sửa chữa tư tưởng”; “Học để tu công đạo đức cách mạng”; “Học để tin tưởng”...

Muốn đạt được những mục tiêu đó, nội dung giáo dục phải toàn diện, phù hợp với tính chất của trường học dưới chế độ mới; phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới. Nội dung đó bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, các ngành nghề liên quan trực tiếp tới công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên quan tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục phải có tính toàn diện, trong đó giáo dục đạo đức là gốc rễ, nền tảng. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường 24/10/1955, Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có:

- Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”.

Cả bốn nội dung trên của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Người khẳng định: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?”.

Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 21/10/1964, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” .

ĐỔI MỚI VỀ PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC, XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC

Để đạt được mục tiêu đề ra và nội dung giáo dục trở thành hiện thực, cần phải có phương châm, phương pháp giáo dục đúng đắn, nhằm làm cho học sinh học tập, rèn luyện một cách tự giác và tích cực để tiếp thu được nội dung giáo dục, chuyển hoá nội dung giáo dục thành phẩm chất tốt đẹp của nhân cách.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục là một mặt trận quan trọng, giáo dục cho tất cả mọi người và làm sao hướng tới cả dân tộc được học, mọi người được học Ý tưởng kiến tạo “nền giáo dục cho tất cả mọi người” đã được Hồ Chí Minh đề ra và luôn theo đuổi trên con đường cách mạng. Năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây, Người nêu rõ điểm thứ 6 ghi rõ phải có quyền “Tự do học tập”[3] cho tất cả các giai tầng ở Việt Nam. Học tập, giáo dục không phải là đặc quyền của riêng một nhóm người nào, mà là quyền chung, quyền cơ bản của tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi, giới tính trong xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, học và hành là hai khâu của quá trình nhận thức gắn bó khăng khít với nhau, chỉ khi học đi đôi với hành, học tập kết hợp với lao động sản xuất thì người học mới rèn luyện được cả tri thức và kỹ năng, mới gắn tri thức với thực tiễn xã hội.Người chỉ rõ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên [hoặc viên đạn]. Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành...”[4].

Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Người nhấn mạnh “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, của trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương cho các em trước mọi việc”[5]. Vì vậy, giáo dục phải kết hợp cả ba khâu giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Người nhận thấy, “trồng người” là sự nghiệp vẻ vang nhưng rất công phu, bền bỉ, khó khăn và phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng mới đạt kết quả tốt

Quan điểm kết hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội của Người đã trở thành phương châm giáo dục được các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục cố gắng thực hiện. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp, các ngành và toàn dân, kết quả giáo dục tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tham gia tích cực, sự giúp đỡ thiết thực và sự giác ngộ về trách nhiệm đối với giáo dục của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội. Để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần phát huy dân chủ, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa nhà trường với nhân dân. Để gắn kết các yếu tố nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục cần chú trọng các phong trào thi đua. Người dành sự quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao các phong trào thi đua, như phong trào “Người tốt, việc tốt” trong toàn quốc, phong trào “Dạy tốt - học tốt” trong nhà trường, đề xuất công tác Trần Quốc Toản, phong trào “Kế hoạch nhỏ” cho các cháu thiếu niên và nhi đồng,.. nhằm tạo nên môi trường xã hội rộng lớn và thuận lợi cho công tác giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền giáo dục mới hướng vào các giá trị dân tộc, nhân văn, đồng thời kết hợp chặt chẽ với những tinh hoa văn hóa nhân loại. Nền giáo dục đó phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cách mạng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, do đó khi tình hình thực tiễn có sự thay đổi thì nền giáo dục cũng phải có sự điều chỉnh, đổi mới cho hợp với hoàn cảnh mới.

ĐỔI MỚI VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạy học nhằm phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong giáo dục, người học bao giờ cũng là trung tâm, Hồ Chí Minh luôn lưu ý những người dạy, những nhà giáo phải chú ý tới đặc điểm của đối tượng, phải “đóng giầy theo chân”, không phải “khoét chân cho vừa giầy”. Điều này đòi hỏi người thầy phải bám sát, hiểu rõ đặc điểm đối tượng người học từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức. Người nhiều lần bày tỏ quan điểm chống lại cách dạy, cách học không hướng vào sự phát triển của người học, không kích thích sự suy nghĩ trong học tập. Người yêu cầu phải tránh lối dạy nhồi sọ. Người thầy cần phải có phương pháp dạy sao cho phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của người học. Cần phải thực hành dân chủ trong giáo dục. Đối với mọi vấn đề “thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt”[6]. Đây là quan điểm mới trái ngược với phương pháp giáo dục nhồi sọ, áp đặt của chế độ thực dân, phong kiến.

Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tính thiết thực của việc dạy. Người nhiều lần nhắc nhở phải tránh lối dạy học ôm đồm, chạy theo số lượng, chạy theo thành tích,vừa không đạt hiệu quả đặt ra, vừa gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền của. Người cho rằng giáo dục phải bảo đảm tính vừa sức, phải căn cứ vào đặc điểm của đối tượng, trình độ, năng lực và tâm lý người học, không nên tham nhiều sẽ tạo tâm lý chán nản, không hứng thú trong học tập, vì thế sẽ không phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học

Trong toàn bộ di sản tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về tự học, đặc biệt là tấm gương mẫu mực tự học và học suốt đời của Người là bài học vô cùng quý giá đối với các thế hệ người Việt Nam, vấn đề cơ bản nhất, nổi bật nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Trong tác phẩm [năm 1947], khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có những chỉ dẫn xác đáng “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”[7]. Sau này, khi nói về công tác huấn luyện và học tập [năm 1950], Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”[8]. Những lời dạy ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ đề tham gia vào quá trình tự học.

Học tập là công việc đòi hỏi mỗi người phải luôn tự trau dồi kiến thức của mình qua nhiều hình thức học tập đa dạng, học mọi nơi, mọi lúc. Hồ Chí Minh lưu ý: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhay và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”[9]. Với Người học tập là một sống việc suốt đời, là một nhiệm vụ cách mạng. Xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng nhiều, máy móc ngày càng tinh xảo, để không lạc hậu, không bị đào thải, phải không ngừng học tập. Người khẳng định “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”[10]. Sự học là vô cùng vì “dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải mình trước”[11].

LUÔN ĐỀ CAO VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ THẦY CÔ GIÁO

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Người luôn có sự tin tưởng và mong muốn các thế hệ học sinh không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năn châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”[12]. Lời dạy của Người đã hiệu triệu, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trên cả nước tích cực thi đua dạy tốt- học tốt; trở thành chỉ dẫn mang tính chân lý phát triển của Việt Nam từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, bị thực dân, đế quốc đàn áp, bóc lột đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây chính là một lời khẳng định của Người về vị trí, vai trò to lớn của giáo dục.

Theo Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chủ động thích ứng với điều kiện và đối tượng trong quá trình dạy - học hiện nay. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”, và lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ rồi thì người đó dốt nhất.

Người luôn nhắc nhở các nhà giáo và cán bộ quản lý phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”[13] và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”[14] …

Bên cạnh việc nêu lên những điều mà nhà giáo phải làm cho tốt, Người còn dặn dò các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể… và quyết tâm: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”[15].

Có thể khẳng định, những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và học tập suốt đời và đổi mới về giáo dục của Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong 35 năm đổi mới và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “”[16] và “xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

TS. Lê Thị Mai Hoa

[1] [12] Hồ Chí Minh: , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 7, 187, 35.

[2] [11] Hồ Chí Minh: , Sđd, t.12, tr.647, 266.

[3] Hồ Chí Minh: , Sđd, t.1, tr.469.

[4] [7] Hồ Chí Minh: , Sđd, t.5, tr.684, 253, 235, 235, 312.

[5] Hồ Chí Minh: , Sđd, t.10, tr.175.

[6] Hồ Chí Minh: , Sđđ, t.9, tr.266.

[8] [9] [10] Hồ Chí Minh: , Sđđ, t.6, tr. 360, 361, 361.

[13] Hồ Chí Minh: , Sđđ, t.14., tr.403

[14] [15] Hồ Chí Minh: , Sđđ, t.15, tr.507, 507

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. II, tr.338.

Video liên quan

Chủ Đề