Bài tập về tính phổ quát về quyền con người năm 2024

Quyền con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội như luật học, triết học, xã hội học, dân tộc học, văn hóa, lịch sử, tôn giáo học, khoa học phát triển, v.v… Ở Việt Nam , việc nghiên cứu quyền con người không phải là mới và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến quyền con người vẫn cần phải đi sâu nghiên cứu. Có thể nói, việc nghiên cứu quyền con người ở Việt Nam thời gian qua vẫn tập trung trong khía cạnh luật học, nghĩa là nghiên cứu các cơ chế mang tính pháp lý cho việc đảm bảo và phát triển văn hóa học, v.v… quyền con người chưa được đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống. Có một học giả nước ngoài đã đưa ra một nhận xét đáng lưu ý rằng: "Thật khó khăn để nhận ra một nền tảng triết học rõ ràng hay nền tảng đạo đức về quyền con người từ những tư liệu của Việt Nam liên quan đến chủ đề này".

Như chúng ta đã biết, trong triết học, quyền con người từ lâu đã trở thành một đối tượng nghiên cứu của nhiều trường phái tư tưởng, học thuyết và các nhà triết học nổi tiếng. Những tư tưởng triết học về quyền con người, đặc biệt là những tư tưởng về các quyền tự nhiên và các quyền pháp lý là nền tảng lý luận cho việc pháp điển hoá các quyền con người vào pháp luật quốc gia và quốc tế, cũng như trong việc bảo đảm thực hiện các quyền trên thực tế. Sự hình thành, phát triển của con người phản ánh quy luật phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao. Cụ thể, nó phản ánh quá trình phát triển mang tính quy luật trong nhận thức của loài người từ những khái niệm sơ khai nhất về công bằng, bình đẳng, tự do và nhân phẩm cho đến những tư tưởng, học thuyết và những quy phạm pháp luật về quyền con người. Quyền con người gắn liền với cuộc đấu tranh cho tự do của con người qua hàng ngàn năm lịch sử, đó chính là khía cạnh triết học của quyền con người.

Việc làm rõ nền tảng triết học hay cơ sở triết học của quyền con người không hẳn là nghiên cứu những vấn đề lý luận về quyền con người nói chung, như đặc điểm, bản chất, tính phổ biến, tính đặc thù của quyền con người, v.v… mà còn là nghiên cứu tồn tại xã hội tác động đến quyền con người với tư cách là một yếu tố cấu thành của ý thức xã hội, hay nghiên cứu những cơ sở hạ tầng tác động đến quyền con người như một yếu tố cấu thành của kiến trúc thượng tầng. Trên phương diện triết học, quyền con người được xem như một yếu tố cấu thành của kiến trúc thượng tầng.

Nghiên cứu quyền con người từ phương diện triết học chúng ta sẽ hiểu được quyền con người từ đâu ra, tại sao chúng ta lại có nó, nó có vai trò và ý nghĩa gì trong cuộc sống của con người và xã hội loài người? v.v... phải chăng quyền con người có nguồn gốc từ đạo đức, từ nhu cầu và lợi ích của con người? nghiên cứu quyền quyền con người từ phương diện triết học cũng giúp chúng ta hiểu rõ nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội của con người. Mặt khác, nghiên cứu quyền con người từ phương diện triết học cũng có nghĩa là đặt quyền con người trong mối quan hệ không thể tách rời với bản thân con người, với các điều kiện tồn tại và hoàn cảnh xã hội của con người. Nghĩa là nghiên cứu quyền con người cũng chính là nghiên cứu con người, nghiên cứu sự phát triển của con người trong mối quan hệ với các yếu tố của đời sống xã hội.

Nghiên cứu quyền con người từ phương diện triết học để thấy “quyền con người như vậy là sản phẩm, hệ quả trực tiếp của phát triển, chứ không phải là ngược lại. Cũng giống như mọi bộ phận khác, thuộc kiến trúc thượng tầng, trình độ bảo đảm quyền con người, xét đến cùng, phụ thuộc và chịu sự quy định của trình độ kinh tế và phương thức sản xuất xã hội”, cũng như thấy được quyền con người có tính độc lập tương đối và khả năng tác động trở lại hoặc tích cực hoặc tiêu cực đối với phát triển. Nghiên cứu quyền con người từ phương diện triết học còn giúp chúng ta hiểu rõ những đặc điểm, tính chất của quyền con người cũng như nguồn gốc của các đặc điểm, tính chất đó.

2. Phương pháp luận triết học nghiên cứu tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người

Để xem xét tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người trên phương diện triết học, theo chúng tôi, cần phải gắn với cặp phạm trù cái chung - cái riêng. Đứng trên quan điểm biện chứng, không thể có một sự vật, hiện tượng nào chỉ chứa đựng trong nó thuộc tính vốn có của tất cả mọi sự vật hiện tượng. "Phạm trù cái riêng dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình nhất định; còn phạm trù cái chung dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những yếu tố, những quan hệ,… tồn tại phổ biến ở nhiều sự vật, hiện tượng. Trong mỗi sự vật, ngoài cái chung còn tồn tại cái đơn nhất, đó là những đặc tính, những tính chất,.. chỉ tồn tại ở một sự vật, một hiện tượng nào đó mà không lặp lại ở các sự vật, hiện tượng khác.

Triết học Mác-Lênin cho rằng, vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng nên chỉ có thể tìm cái chung trong cái riêng, chứ không thể ở ngoài cái riêng. Để phát hiện cái chung cần xuất phát từ những cái riêng, từ những sự vật, hiện tượng, quá trình riêng lẻ cụ thể chứ không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người. Mặt khác, vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng như một bộ phận của cái riêng, bộ phận đó tác động qua lại với những bộ phận, những yếu tố còn lại của các riêng - những cái không gia nhập vào cái chung - nên bất cứ cái chung nào cũng tồn tại trong cái riêng, dưới dạng đã bị cải biến. Từ đó, một kết luận được rút ra là, bất cứ cái chung nào khi áp dụng vào từng trường hợp riêng cũng cần được cá biệt hóa. Nếu không chú ý tới sự cá biệt hóa đó, đem áp dụng nguyên xi cái chung, tuyệt đối hóa cái chung thì sẽ rơi vào sai lầm của những người tả khuynh, giáo điều. Ngược lại, nếu xem thường cái chung, chỉ chú ý đến cái đơn nhất, tuyệt đối hoá cái đơn nhất, thì sẽ rơi vào sai lầm của những người hữu khuynh, xét lại.

Như vậy, trên cơ sở phương pháp luận triết học như vừa trình bày ở trên khi nghiên cứu tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người, theo chúng tôi, cần đặt tính phổ biến trong mối quan hệ không thể tách rời với tính đặc thù. Tính đặc thù là biểu hiện cụ thể của tính phổ biến, hay là sự cụ thể hóa của tính phổ biến. Tính phổ biến tồn tại thông qua tính đặc thù nên chắc chắn không thể có việc chỉ có tính phổ biến tồn tại một cách độc lập, đơn nhất. Nói cách khác, từ cơ sở phương pháp luận triết học, cho phép chúng ta khẳng định quyền con người vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù, đó là hai mặt không thể tách rời của quyền con người.

3. Tính phổ biến của quyền con người:

Như đã trình bày ở trên, quyền con người vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù. Tính phổ biến gắn với cái chung, tính đặc thù gắn với cái riêng. Do đó, quan điểm cho rằng quyền con người chỉ có tính phổ biến hoặc chỉ có tính đặc thù là quan điểm có tính chất siêu hình, phiến diện, không xem xét sự vật, hiện tượng trong ý nghĩa đầy đủ của nó. Trong lịch sử phát triển của quyền con người, đã tồn tại nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau, chẳng hạn như khuynh hướng quyền tự nhiên, khuynh hướng thực định, khuynh hướng kinh tế, mỗi một quan điểm đã tuyệt đối hoá một khía cạnh khác nhau của quyền con người, do đó chỉ có thể nhận thức một cách đúng đắn về quyền con người khi xem xét một cách đầy đủ, tính phổ biến, toàn diện trên các phương diện khác nhau.

Cần đặc biệt lưu ý là, tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người khác với quyền phổ biếnvà quyền đặc thù. Chẳng hạn, quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người đồng tính, v.v… là quyền đặc thù. Quyền phổ biến; quyền của những người bị hạn chế quyền, quyền được áp dụng bình đẳng và rộng rãi cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì, chẳng hạn như về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân… Ngược lại, quyền đặc thù không được áp dụng cho tất cả các thành viên trong xã hội mà chỉ được áp dụng đối với một nhóm người, một bộ phận người cụ thể trong xã hội. Nhưng cho dù đó là quyền phổ biến hay quyền đặc thù thì trong bản thân nó đều bao chứa tính phổ biến và tính đặc thù.

Chẳng hạn, quyền tự do được xem như một quyền phổ biến, trong nó bao chứa tính phổ biến và tính đặc thù. Tính phổ biến của quyền tự do thể hiện ở chỗ đã là con người, bất kể dân tộc tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, v.v… đều có quyền tự do. Còn tính đặc thù của quyền tự do được thể hiện ở chỗ, trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, nó bị hạn chế đối với một số người, nhóm người như những người tội phạm; hay trong điều kiện một dân tộc bị thực dân, phong kiến đô hộ, bị mất quyền độc lập tự chủ, thì người dân có thể bị hạn chế hoặc thậm chí là tước bỏ quyền tự do. Chính việc hạn chế ở phạm vi, mức độ, quy mô, v.v.. đã tạo nên tính đặc thù của quyền tự do. Nếu như tính phổ biến của quyền con người không bị chi phối bởi thời gian, không gian, hay những điều kiện lịch sử cụ thể, thì những yếu tố đó lại gắn chặt và tạo nên tính đặc thù của quyền con người.

Như thế có thể nói, tính phổ biến là thuộc tính căn bản nhất của quyền phổ biến, tính đặc thù là thuộc tính căn bản nhất của quyền đặc thù. Quyền phổ biến và tính phổ biến của quyền gắn chặt với nhau, nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Cũng tương tự, quyền đặc thù gắn liền với tính đặc thù của quyền nhưng giữa chúng vẫn có những điểm khác biệt.

Theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, tính phổ biến của quyền con người được xem như một tính chất cơ bản bên cạnh tính không thể phân chia, tính không thể chuyển nhượng, tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. Tính phổ biến (universal) thể hiện ở chỗ quyền con người mang tính chất bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì, chẳng hạn như về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi thành phần xuất thân.. Liên quan đến tính chất này, cũng cần lưu ý là bản chất của sự bình đẳng về quyền con người không có nghĩa là cào bằng mức độ hưởng thụ các quyền, mà là bình đẳng về tư cách chủ thể của quyền con người.

Ngoài ra, tính phổ biến của quyền con người còn thể hiện ở chỗ: thứ nhất, quyền con người là một giá trị chung của con người. Tính phổ biến gắn liền với những quyền cơ bản nhất (hay quyền phổ biến) của con người - đã là con người ai cũng có quyền tồn tại, có quyền phát triển và có quyền mưu cầu hạnh phúc. Do đó, nếu xét từ phương diện tính phổ biến thì quyền con người có thể đem áp dụng cho tất cả các khu vực, quốc gia, dân tộc trên thế giới. Với ý nghĩa đó, tính phổ biến của quyền con người thể hiện ở chỗ nó vượt qua những khác biệt về văn hóa.

Thứ hai, tính phổ biến của quyền con người cũng bao hàm ý nghĩa có thể áp dụng đối với tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử. Chẳng hạn, những quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc thì đều tồn tại trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào. Do đó, không phải chỉ khi xuất hiện Nhà nước, chỉ khi có những định chế pháp lý thì khi đó mới có quyền con người, mà quyền con người đã có ngay từ khi con người xuất hiện với tư cách là con người.

Thứ ba, tính phổ biến của quyền con người thể hiện ở tính không bị giới hạn bởi phạm vi, đối tượng, không gian, thời gian; không bị chi phối bởi bản chất tự nhiên hay bản chất xã hội của con người; không bị giới hạn bởi thiết chế chính trị xã hội nào không phụ thuộc vào giai cấp, địa vị xã hội, giới tính, trình độ phát triển của xã hội hay trình độ nhận thức của con người, v.v… Như chúng ta đã biết, quyền con người gắn bó chặt chẽ với trình độ phát triển của xã hội, là hệ quả của sự phát triển, quyền con người cũng như trình độ nhận thức của con người. Tuy nhiên, trình độ nhận thức cao hay thấp quyền con người vẫn được thừa nhận trong tính đầy đủ của nó.

Thứ tư, tính phổ biến của quyền con người phản ánh sự nhận thức chung của con người. Chẳng hạn, đối với các quyền căn bản như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc thì đều có sự nhận thức chung của tất cả mọi người, tất cả mọi quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp, v.v… rằng đó là những quyền cơ bản, không ai có thể xâm phạm.

Thứ năm, tính phổ biến của quyền con người gắn với tính căn bản. Một quyền có thể phổ biến thì nhất định quyền đó phải là quyền căn bản của con người. Chẳng hạn quyền được sống, quyền tự do, v.v… Hay nói cách khác, tính phổ biến của quyền con người gắn liền với tính không thể thiếu.

Thứ sáu, không chỉ vậy tính phổ biến của các quyền con người còn được thể hiện trong sự đa dạng của các quyền con người, cũng như trong tính đa dạng của những cách thức đặc thù về bảo đảm các quyền con người ở những nước và dân tộc khác nhau. Tính phổ biến của quyền con người không chỉ thể hiện đó là sự nhận thức chung, mục tiêu chung của con người, giá trị chung của con người mà còn thể hiện ở cơ chế đảm bảo chung của quyền con người. Nói cách khác, tính phổ biến không chỉ thể hiện trên khía cạnh nhận thức, lý luận chung mà còn cả trên thực tiễn đảm bảo quyền con người. Khi xem xét cơ sở tính phổ biến của quyền con người, chúng ta nhận thấy tính phổ biến gắn liền với yếu tố tự nhiên, gắn với những gì bẩm sinh, vốn có của con người, trong khi tính đặc thù gắn liền với yếu tố xã hội của con người. Tính phổ biến thì tương đối ổn định, bền vững trong khi tính đặc thù tương đối không ổn định, không bền vững.

4. Tính đặc thù của quyền con người

Nếu như tính phổ biến của con người thể hiện ở chỗ tính không giới hạn, tính có thể phổ cập, có thể áp dụng đối với tất cả mọi người, thì tính đặc thù chỉ có thể áp dụng đối với một số nhóm người nhất định. Gắn liền với tính có giới hạnở phạm vi, đối tượng hay chủ thể hưởng quyền. Chẳng hạn, quyền của người đồng tính, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, v.v…

Mặt khác, nếu như tính phổ biến gắn liền với những thuộc tính căn bản, bản chất của con người thì có thể nói, tính đặc thù gắn liền với những thuộc tính không căn bản, không bản chất của con người. Chẳng hạn, tồn tại, tự do, bình đẳng, v.v… là những thuộc tính căn bản nhất của con người, trong khi được chuyển đổi giới tính, được kết hôn với người cùng giới (đối với người đồng tính), v.v… không phải là những thuộc tính căn bản của con người. Tính không căn bản được xem xét trên góc độ nếu thiếu nó, con người vẫn có thể tồn tại, con người vẫn không bị mất đi danh dự, không mất đi giá trị làm người.

Quyền con người, một mặt gắn với bản tính tự nhiên của con người, nhưng mặt khác gắn với sự phát triển của bản thân con người và xã hội loài người. Con người càng phát triển, người ta càng nhận thức và ý thức một cách đầy đủ về các quyền của mình. Xã hội càng phát triển, các điều kiện đảm bảo cho quyền con người ngày càng được hoàn thiện hơn. "Thực tế cho thấy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, xã hội loài người tồn tại những quan niệm khác nhau về các quyền, tự do và nghĩa vụ, cũng như những quy phạm và cơ chế khác nhau để thực hiện, giám sát và bảo vệ các quyền, tự do và nghĩa vụ đó. Theo dòng lịch sử, ảnh hưởng và tác động của quyền con người ngày càng mở rộng, từ ý niệm, tư tưởng đến các quy tắc, quy phạm và cơ chế; từ cấp độ cộng đồng đến cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong suốt quá trình phát triển này, quyền con người luôn mang những dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hoá của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của xã hội loài người.

Như thế, cùng với sự phát triển của con người và xã hội loài người, nội dung của quyền con người cũng có sự phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ hơn, nhân văn hơn. Chính sự phát triển của nội dung quyền con người trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của con người và xã hội loài người tạo nên tính đặc thù của quyền con người. Chẳng hạn, nội dung của quyền tự do, dân chủ, bình đẳng không phải ngay từ đầu đã đầy đủ và hoàn thiện như trong giai đoạn hiện nay, mà trong mỗi giai đoạn lại được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Những dấu ấn của các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tôn giáo, v.v… trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử tạo nên tính chất đặc thù của quyền con người. Mặt khác, các điều kiện để đảm bảo cho các quyền con người trong xã hội hiện nay cũng khác với các xã hội trước đó.

Nhiều quan điểm cho rằng, tính đặc thù của quyền con người gắn với mỗi quốc gia, dân tộc và từng khu vực trên thế giới. Có quan điểm nhấn mạnh tính phổ biến của quyền con người chỉ có thể được đảm bảo chắc chắn khi tính đến những đặc thù khác nhau ở mỗi khu vực, trong những điều kiện cụ thể về lịch sử, văn hoá, tôn giáo, chế độ chính trị, chế độ kinh tế. Có quan điểm nhấn mạnh rằng, trong số các yếu tố tạo ra tính đặc thù của quyền con người, thì văn hóa truyền thống có ảnh hưởng sâu đậm nhất, và điều này tồn tại lâu dài theo thời gian.

Có thể trong cùng một giai đoạn lịch sử, cùng các điều kiện về kinh tế xã hội, chính trị, v.v.. nhưng nội dung và tính chất của quyền con người có thể có sự khác biệt do bị chi phối bởi yếu tố văn hóa truyền thống. Chẳng hạn, phương Đông có truyền thống đề cao cộng đồng hơn đề cao cá nhân, trong khi đó phương Tây đề cao cá nhân hơn đề cao cộng đồng. Điều đó dẫn đến nội dung, tính chất quyền tự do cá nhân ở phương Đông và quyền tự do cá nhân ở phương Tây có sự khác biệt, chính sự khác biệt đó đã tạo nên tính đặc thù của quyền tự do cá nhân nói riêng và quyền con người nói chung. Sự khác biệt về văn hóa dẫn đến sự khác biệt trong nhận thức, ý thức của con người về quyền của mình. Điều đó cùng với những dấu ấn của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, v.v.. đã tạo nên tính đặc thù về nội dung, tính chất, đặc điểm, v.v… của quyền con người.

Tóm lại, tính đặc thù của quyền con người bị quy định bởi các điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, khu vực, v.v.. Tính đặc thù phản ánh tính có giới hạn về phạm vi, đối tượng, phản ánh mức độ, tính chất khác nhau của quyền con người, qua đó cũng thể hiện tính phong phú, đa dạng của quyền con người.

5. Mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người

Như trên đã nói, tính phổ biến của quyền con người gắn với cái chung, tính đặc thù gắn với cái riêng. Bất cứ cái chung nào khi áp dụng vào từng trường hợp riêng cũng cần được cá biệt hóa. Nếu không chú ý tới sự cá biệt hoá đó, đem áp dụng nguyên xi cái chung, tuyệt đối hóa cá chung thì sẽ rơi vào sai lầm của những người tả khuynh, giáo điều. Ngược lại, nếu xem thường cái chung, chỉ chú ý đến cái đơn nhất, tuyệt đối hoá cái đơn nhất, thì sẽ rơi vào sai lầm của những người hữu khuynh, xét lại.

Tính phổ biến và tính đặc thù là hai mặt đối lập, cùng tồn tại không thể tách rời trong phạm trù quyền con người. Sự phát triển của quyền con người chính là quá trình đấu tranh giữa hai mặt đối lập đó. Tính phổ biến và tính đặc thù tuy đối lập nhau nhưng không triệt tiêu nhau, chúng cùng tồn tại trong quyền con người. Một quyền có tính phổ biến không có nghĩa là quyền đó không có tính đặc thù và ngược lại. Trong tính phổ biến của quyền con người ẩn chứa tính đặc thù, trong tính đặc thù có ẩn chứa tính phổ biến, tính phổ biến và tính đặc thù có thể chuyển hóa lẫn nhau.

Do đó, việc tách tính phổ biến và tính đặc thù để phân tích ở trên có tính chất tương đối nhằm giúp cho chúng ta có thể hiểu một cách đầy đủ, toàn diện về quyền con người.