Ca sĩ ngọc sơn bao tuổi là ai?

Ngọc Sơn là một nhạc sĩ và nhà hoạt động nghệ thuật lão thành của miền Nam Việt Nam trước và sau năm 1975.

Nhạc sĩ Ngọc Sơn khi ông xuất hiện trong chương trình Thúy Nga Music Box số 33

Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Nền Âm Nhạc Việt Nam

Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Nền Âm Nhạc Việt Nam

PBN TNMB Live Khác
1 1 0 0

- Nhạc sĩ Đài Phương Trang [cháu - con chị/em gái, sinh năm 1940]

Tiểu sử

Thái Ngọc Sơn sinh ngày 14 tháng 9 năm 1934 tại Sài Gòn. Sau này ông có một người cháu cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng là Đài Phương Trang, sinh năm 1940. Dù không được sinh ra trong gia đình nghệ thuật nhưng từ nhỏ Ngọc Sơn đã yêu thích âm nhạc. Vì nhà nghèo không có tiền đi học và theo đuổi đam mê, ông đã đến với nghệ thuật ở tuổi 20 bằng cách nhờ một người bạn giới thiệu với nghệ sĩ Trần Văn Trạch để xin vô ban Sầm Giang. Dù lúc đó Ngọc Sơn chưa biết một chút gì về âm nhạc, nhưng vì nể bạn nên “quái kiệt” Trần Văn Trạch vẫn nhận Ngọc Sơn vào hát chung trong ban hợp xướng để đi diễn ở các nhạc hội vào thập niên 1950.

Được theo đoàn hát, dù chỉ là hát chung trong hợp ca nhưng chàng trai Thái Ngọc Sơn vẫn thấy thoả nguyện vì được sống nhờ nghệ thuật, nhưng dần dần ông cũng nhận thấy giọng hát của mình không thể thành danh được. Trong các lần đi diễn, ông quen với vũ sư Lưu Hồng, kết nghĩa và thân như anh em và xin theo Lưu Hồng để học khiêu vũ, sau đó gia nhập đoàn vũ Lưu Bình Hồng.

Tuy đã trở thành vũ công nhưng Ngọc Sơn vẫn chưa dứt niềm đam mê ca nhạc. Lúc đó các ca khúc của nhạc sĩ trẻ Lam Phương đang nổi đình đám khắp miền Nam, Ngọc Sơn rất hâm mộ vị nhạc sĩ kém ông ba tuổi [Lam Phương sinh năm 1937] và thường ra sạp bán nhạc tờ của nhà xuất bản Minh Phát để xem, rồi mua rất nhiều bản nhạc yêu thích về tự nghiên cứu. Ông đã học sáng tác những nốt nhạc đầu tiên bằng cách mua sách kẻ nhạc về rồi ký âm lại dựa theo các bài hát nổi tiếng, nhưng cách này không thành công. Ngọc Sơn còn là một nhiếp ảnh gia từ năm 19 tuổi.

Nói về lĩnh vực sáng tác của ông, năm năm trước khi đến với nghệ thuật [1949], ông đã sáng tác 2 ca khúc đầu tiên là Ngõ Vào Đời và Có Những Đêm Buồn, tuy nhiên cả hai bài đều không được chú ý. Sau đó ông tiếp tục tự học nhạc lý qua sách, đặc biệt là sách của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ [xuất bản năm 1951]. Một hôm nhạc sĩ Ngọc Sơn gặp nhạc sĩ Thăng Long [tác giả bài Quen Nhau Trên Đường Về] và được nhạc sĩ này chỉ cho một cách là mua cuốn sách dạy viết nhạc tên là Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất bản năm 1955. Đây có thể xem là cuốn sách “gối đầu giường” của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam thời đó, như là Thanh Sơn, Thăng Long,… Nhờ sách của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mà cả một thế hệ nhạc sĩ đã thành danh, trong đó có nhạc sĩ Ngọc Sơn.

Sau đó, nhờ có nhạc sĩ Thu Hồ giới thiệu, Ngọc Sơn được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhận vào làm trong hãng dĩa Continental, và ca khúc Ngõ Vào Được được đưa cho ca sĩ Hoàng Oanh thu âm. Ngay sau đó ông viết Đầu Năm Đi Lễ và được Hà Thanh thu âm vào dĩa nhạc Continental. Năm 1960, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ký hợp đồng với ông thâu âm 2 bài đầu tay vào đĩa nhựa Continental, ông lại tiếp tục sự nghiệp sáng tác.

Cũng tại hãng Continental, nhạc sĩ Ngọc Sơn được giao cho kèm cặp ca sĩ Giao Linh. Trước đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã nhận cô ca sĩ mới 16 tuổi này làm học trò, lên chương trình đào tạo để lăng xê, nhưng ông không trực tiếp dạy nhạc mà giao xuống cho cấp dưới phụ trách, từ đó ca sĩ Giao Linh theo học Ngọc Sơn và được ông tập cho nhiều bài hát đã làm nên tên tuổi của cô, như Màu Tím Pensee, Đom Đóm, Không Bao Giờ Quên Anh.

Nói về mối tình đầu của nhạc sĩ, năm 1968 biến cố Mậu Thân diễn ra ở đô thành, lúc đó Ngọc Sơn ở trong quân ngũ và đơn vị đóng quân ở Trường trung học Bác Ái Học viện [Collège Fraternité], nay là Đại Học Sài Gòn ở đường Nguyễn Trãi. Thời điểm đó bên quận 8 có trận đánh, người dân chạy loạn qua bên trường để tản cư và tạm trú, đơn vị của nhạc sĩ Ngọc Sơn nhận được lịnh sắp xếp cho những người này có chỗ ở tạm thời, chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người dân. Trong số những người chạy loạn này có một cô gái còn rất trẻ chỉ mới 17 - 18 tuổi, đang học trung học ở trường Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh [nay là trường Sân Khấu Điện Ảnh]. Ngọc Sơn và cô gái phải lòng nhau. Tuy nhiên cô gái trẻ này không hề biết gì về chuyện những người lính đang bị cấm trại 100% ở vào lúc dầu sôi lửa bỏng đó [Mậu Thân], không người lính nào được ra đường. Cô gái rủ đi xem phim, rủ đi Vũng Tàu… nhưng chàng lính Ngọc Sơn không thể đi được. Để xin lỗi người yêu, ông viết ca khúc 100 Phần Trăm. Họ yêu nhau được hơn 1 năm thì phải chia tay vì gia đình của cô gái không đồng ý, một phần là do không muốn cô gái quen với nghệ sĩ. Đêm chia tay, họ đứng yên lặng bên nhau trong sân trường Bác Ái. Cô gái đã khóc không ngừng. Dù rất yêu nhưng cô cùng đành vì chữ hiếu mà lìa xa. Sau đêm đó, nhạc sĩ Ngọc Sơn đã viết ca khúc Còn Gì Nói Đêm Nay và Nét Son Buồn để ghi dấu một đêm buồn định mệnh - chuyện tình này sau đó đã được trung tâm Thúy Nga nhắc đến trong chương trình Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Nền Âm Nhạc Việt Nam.

Thành công với sự nghiệp sáng tác, ông mở nhà xuất bản - hãng đĩa hát Dư Âm và lớp nhạc Ngọc Sơn trên đường Phạm Ngũ Lão vào đầu thập niên 1970. Lớp nhạc khoảng 400 người và nhiều người đã nổi danh như Chí Tâm, Yến Linh, Đắc Chung, Phượng Vũ [tác giả Cánh Thư Mùa Hạ],... Vì hãng đĩa còn mới nên ngoài chức danh giám đốc, nhạc sĩ Ngọc Sơn còn kiêm luôn biên tập, giám sát thu âm và sản xuất… Ông có ba tác phẩm tuy được đề tên ông nhưng lại do chính cháu của mình, nhạc sĩ Đài Phương Trang, sáng tác như Hoa Mười Giờ, Màu Tím Pensée và Mùa Pensee Nở, và để giải thích cho điều này, ông nói rằng ông cố tình để tên của hai người trên trang đầu bản nhạc nhằm mục đích để cho dễ phổ biến hơn.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Ngọc Sơn vẫn ở lại Việt Nam và sống tại Bình Thạnh, và vẫn tiếp tục tham gia hoạt động nhiếp ảnh, viết nhạc phim cho đến nay. Ông còn là một hoạ sĩ vẽ minh hoạ cho các tạp chí, và đó cũng là nghề ông đã mưu sinh trong thời gian khó khăn sau năm 1975: vẽ tranh thuỷ mặc, sơn mài, sơn dầu, vẽ áo dài… Ông cũng là hội viên PSA [Photographic Society of America] Mỹ, hội viên ISF [Image Sans Frontiere] Pháp và hội viên Câu Lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định. Năm 2021, trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Thúy Nga Music Box số 33, tựa đề Tình Ca Ngọc Sơn giới thiệu những ca khúc của ông, với sự tham gia của người học trò cũ của ông là Giao Linh, cùng với Như Quỳnh và Hoàng Nhung. Facebook cá nhân của ông đăng tải rất nhiều những hình ảnh mà chính tay ông đã chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp hoặc điện thoại thông thường.

Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night

Nhạc sĩ Ngọc Sơn được nhắc đến cùng với câu chuyện tình thời chiến của ông vào năm 1968 trong chương trình Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Nền Âm Nhạc Việt Nam. Cũng trong chương trình này, ca khúc Nét Son Buồn được sáng tác từ chính câu chuyện tình này được trình bày bởi nữ ca sĩ Ngọc Liên.

Thông tin bên lề

  • Khán giả rất dễ nhầm lẫn giữa hai nhạc sĩ cùng sử dụng nghệ danh Ngọc Sơn, khi có một nhạc sĩ khác thuộc thế hệ sau năm 1975 cũng sử dụng nghệ danh là Ngọc Sơn [thường được biết đến là "anh Ba Ngọc Sơn"]. Cần chú ý rằng "Ngọc Sơn" sau năm 1975 có nhiều tác phẩm được trình bày trên sân khấu Paris By Night như Tình Cha, Lời Tỏ Tình Dễ Thương 1 - 2, Nhớ Anh Đêm Nay,... trong khi nhạc sĩ Ngọc Sơn được mô tả trong bài viết này có rất ít ca khúc được trình bày trên sân khấu Paris By Night: Nét Son Buồn trong PBN 103 và Đẹp Lòng Người Yêu trong PBN 121.

Video liên quan

Chủ Đề