Cách sáng tạo trong học tập

Người đã tìm hiểu, tiếp thu những yếu tố dân chủ, tiến bộ, nhân văn của các học thuyết khác theo tư tưởng của Lênin: Chỉ những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại.

Năng động là tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo là sự say mê, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào cái đã có. Năng động là cơ sở để sáng tạo và sáng tạo là động lực để năng động.

Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại. Nó giúp con người có thể vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đã đề ra một cách nhanh chóng, tốt đẹp; nhờ có năng động mà con người làm nên những kì tích vẻ vang, mang lại niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và đất nước. Trong xu thế phát triển của xã hội ngày nay, yếu tố năng động và sáng tạo là một trong những yếu tố cần thiết đối với mỗi con người, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh là quá trình học hỏi, thấm nhuần sâu sắc di huấn của các bậc thầy cách mạng vô sản, không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, mà phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy, thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga. Đó chính là quan điểm thực tiễn, cơ sở của sự sáng tạo.

Tính năng động, sáng tạo trong Hồ Chí Minh được thể hiện nhiều ở cách nói, lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: Nước lấy dân là gốc, Không có gì quý hơn độc lập, tự do, Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người,...

Khi nói, khi viết, Hồ Chí Minh thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay hơn, bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh con đỉa hai vòi để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví lý luận như cái tên [hoặc viên đạn], thực hành như cái đích để bắn; có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là cái hòm đựng sách Cách diễn đạt của Hồ Chí Minh cũng luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng; đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo [trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp], sôi nổi trong tranh luận, thiết tha trong kêu gọi, ân cần trong giảng giải, sáng sủa trong thuyết phục Người dạy: Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.

Trong làm việc, ứng xử, Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự đổi mới, linh hoạt và biến hóa. Người nói: Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức khêu gợi, kích thích sự đổi mới, sáng tạo cho mỗi chúng ta. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp. Khi tới Biarít, ra sân bay đón Người chỉ có một mình ông Tỉnh trưởng, sau đó họ đưa Người về nghỉ tại một khách sạn khá sang, nhưng bên ngoài vẫn còn sơn phết dang dở. Chị Phương Tiếp, một trí thức Việt kiều, được cử làm phiên dịch cho Người, tỏ ý thắc mắc về sự đón tiếp không được trịnh trọng: Tại sao họ chưa có chính phủ mà Cụ đã sang?. Người trả lời hóm hỉnh: Thế nếu có chính phủ rồi, họ đổi ý không mời mình sang nữa thì sao?. Với tầm suy nghĩ vừa xa rộng, vừa uyển chuyển, Người đã tranh thủ được một cơ hội đưa lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta tới Pari, vào lúc nước ta chưa được một quốc gia nào công nhận.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được rằng, tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Người cán bộ, đảng viên có phong cách tư duy cách mạng, khoa học sẽ luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ và hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nâng cao tính cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên có nhiều biện pháp, nhưng dù có thực hiện biện pháp nào đi nữa đều đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả; tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; phải gắn lý luận với thực tiễn cách mạng để nắm được bản chất khoa học và cách mạng của sự vật, hiện tượng, làm cơ sở cho nhận thức thực tiễn đúng đắn và có biện pháp giải quyết thấu đáo, năng động, sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, phải rèn luyện phong cách làm việc có kế hoạch, có chuẩn bị, có quan điểm thực tiễn; đặc biệt phải học cách nói của quần chúng, học cách làm của quần chúng.

Đó là con đường dẫn đến nhận thức đúng và phương pháp, hành động đúng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... ./.

Q.Hùng

Video liên quan

Chủ Đề