Chân bị phù là bị bệnh gì

Nguyễn Thị Nga (Hà Nội)

Phù nề là sự tích tụ chất lỏng trong các mô ở chân khiến chân bị sưng, phổ biến ở người già. Phù chân ở người già nhiều nguyên nhân như: khẩu phần ăn nhiều muối và carbohydrate; chấn thương; suy tim; viêm tắc tĩnh mạch; suy van tĩnh mạch chân; đái tháo đường; thiếu vitamin B1; do thuốc... Đứng nhiều, ngồi nhiều, tăng cân quá mức cũng là yếu tố nguy cơ. Để điều trị phù chân ở người cao tuổi cần điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Bệnh ở giai đoạn sớm được điều trị sẽ giảm triệu chứng nhanh và không gây biến chứng. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần được thăm khám và chữa trị kịp thời. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thảo dược có tác dụng lợi tiểu như: râu ngô, mã đề,... để đào thải bớt lượng chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Đồng thời người cao tuổi cần có chế độ ăn uống tốt, cân bằng dinh dưỡng, hạn chế ăn mặn, uống đầy đủ 2 lít nước/ ngày, nên bổ sung nhiều rau, củ, quả, tránh ăn nhiều thịt... Có chế độ tập luyện phù hợp, nên di chuyển thường xuyên, massage các khớp để tăng cường lưu thông máu. Người bệnh cần tập thể dục thường xuyên cho chân từ 10-15 phút, 3-4 lần/ngày để tăng việc lưu thông cho máu. Cứ mỗi 1-2 giờ, nên đứng dậy và đi bộ. Không ngâm chân nước nóng. Kê chân cao hơn khi ngủ.


Chân bị phù là hiện tượng tăng kích thước của chân, vị trí dễ phát hiện phù là mặt trước xương chày, mu bàn chân, hoặc ở mắt cá chân. Vậy bị phù chân là bệnh gì? Bị phù chân có nguy hiểm không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tóm tắt nội dung

  • 1 Chân bị phù là bệnh gì?
  • 2 Nguyên nhân phù chân
    • 2.1 Chân bị phù khi mang thai
    • 2.2 Chân bị phù do suy tim phải
    • 2.3 Chân bị phù do viêm tắc tĩnh mạch
    • 2.4 Bệnh lý về gan
    • 2.5 Bệnh lý về thận
    • 2.6 Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết
    • 2.7 Chân bị phù do giãn tĩnh mạch chi dưới
    • 2.8 Những nguyên nhân làm chân bị phù còn lại
      • 2.8.1 Chân bị phù vì trời nóng
      • 2.8.2 Chân bị phù do uống rượu
      • 2.8.3 Chân bị phù do chấn thương
      • 2.8.4 Ung thư giai đoạn cuối bị phù chân
  • 3 Cách chữa phù chân

Chân bị phù là bệnh gì?

Chân bị phù là bị bệnh gì
Chân bị phù là bệnh gì

Phù là tình trạng gia tăng thể tích dịch mô kẽ và mô ngoài mạch máu, vị trí phù có thể khu trú 1 nơi trên cơ thể hoặc toàn thân. Người bình thường không thể bị phù vì cơ thể luôn duy trì một sự cân bằng tương đối chính xác giữa các áp suất huyết động trong lòng mạch và sự dẫn lưu thông suốt của hệ thống bạch huyết.

Hiện tượng phù chỉ xảy ra khi:

  • Huyết động của vùng mao mạch bị thay đổi, gây ra sự di chuyển của dịch từ lòng mạch thấm ra ngoài mô kẽ.
  • Dịch thấm ra ngoài mô kẽ không được dẫn lưu tốt vào đường bạch huyết để vào hệ thống tĩnh mạch
  • Tình trạng ứ đọng muối và dịch(do truyền dịch, do chế độ ăn) gây tăng thể tích hệ tuần hoàn và từ đó tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng mạch.

Chân bị phù khi mang thai

Vào những tuần cuối của thai kỳ, kích thước của thai đã khá to, có thể gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, dẫn đến sự gia tăng áp lực thủy tĩnh, đẩy dịch ra khỏi lòng mạch vào mô kẽ gây hiện tượng phù 2 chân. Tình trạng chân bị phù khi mang thai không hiếm gặp mà cực kì phổ biến. Chân sưng phù có thể nhiều hơn vào bàn đêm hoặc vào những ngày thời tiết nóng nực. Tuy nhiên tình trạng chân bị phù này là tạm thời, sau khi sinh sẽ tự động khỏi bệnh.

Tuy nhiên, nếu chân bị phù khi mang thai ở những đối tượng có bệnh tăng huyết áp, đau bụng vùng thượng vị, đau đầu, tiểu ít,…bạn cần đến ngay cơ sở y tế về sản khoa gần nhất để khám xem có nguy cơ bị chứng tiền sản giật hay không, vì tình trạng bệnh lý này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Chân bị phù do suy tim phải

Khi bị suy tim phải, máu ở hệ thống tĩnh mạch trước tim không được lưu thông tốt nên bị ứ trệ lại, gây tăng áp lực thủy tĩnh trong hệ tĩnh mạch, mao mạch và đẩy dịch từ lòng mạch chảy vào mô kẽ. Ngoài ra, những tổn thương của thành mạch cũng gây tăng tính thấm thành mạch, kéo dịch trong lòng mạch ra ngoài gây phù.

Máu ứ ở tuần hoàn ngoại vi (hệ tĩnh mạch trước tim) gây sưng phù chân. Ban đầu có thể phù 2 chi dưới, sau đó có thể diễn tiến từ từ đến phù toàn thân, đứng lâu có thể khiến sưng phù chân nhiều hơn, tăng khi về chiều, giảm khi nằm nghỉ, ngoài ra bệnh nhân có thể kèm triệu chứng tiểu ít.

Chân bị phù do viêm tắc tĩnh mạch

Khi có cục máu đông (huyết khối) gây bít tắc lòng tĩnh mạch, khu vực thượng lưu nơi bị tắc nghẽn sẽ có tình trạng gia tăng nghiêm trọng áp lực thủy tĩnh, đẩy máu ra khỏi tĩnh mạch vào các mô kẽ gây phù chân, nếu tắc ở những vị trí quan trọng có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Những yếu tố nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch bao gồm: thừa cân, béo phì, nghiện rượu bia, thuốc lá, ung thư, suy tim, phụ nữ  có thai hoặc đang sử dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là những đối tượng do đặc thù công việc phải ngồi nhiều sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông – lý giải cho nghi vấn “ngồi lâu bị phù chân là bệnh gì?”.

Bệnh lý về gan

Khi bị xơ gan, có rất nhiều cơ chế gây phù chân cho bệnh nhân. Gan mất chức năng do tổn thương cấu trúc nhu mô, làm hạn chế lưu lượng máu chảy vào gan, từ đó tăng áp tĩnh mạch cửa dẫn đến cổ chướng và chân bị phù. Ngoài ra, chức năng cơ bản của gan là tổng hợp albumin – 1 protein có vai trò giữ áp suất keo (giữ dịch) trong lòng mạch cân bằng với áp suất thủy tĩnh. Xơ gan sẽ mất nguồn tổng hợp albumin, dẫn đến giảm áp keo, bệnh nhân dễ bị phù chân.

Bệnh lý về thận

Chân bị phù do thận, cũng giống cơ chế do thiếu albumin, nhưng nguyên nhân là do thận không còn hoạt động tốt, trong quá trình lọc máu không giữ lại albumin được mà bài tiết phần lớn ra ngoài qua nước tiểu, điều này cũng gây giảm áp lực keo, tuy nhiên phù toàn thân bệnh nhân chứ không chỉ chân bị phù. Ở người bệnh thận, tình trạng này còn được gọi là tiểu protein (hay tiểu đạm).

Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết

Chân bị phù là bị bệnh gì
Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết

Thông thường, quá trình thẩm thấu qua thành mao mạch cũng hình thành 1 lượng ít dịch ngoại bào (hay còn gọi là dịch mô kẽ). Phần lớn chúng được chảy trở lại về mao mạch nhờ sự chênh lệch áp suất thấp, số còn lại được dẫn lưu vào một hệ thống ống dẫn đặc biệt gọi là mạch bạch huyết. Tuy nhiên, dịch cũng sẽ được hệ bạch huyết đem trở lại hệ tuần hoàn lớn.

Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết thường do đường dẫn lưu dịch vào mạch bạch huyết bị tắc nghẽn, nguyên nhân chủ yếu của bệnh thường là nhiễm ký sinh trùng như giun chỉ bạch huyết, chúng chủ yếu gây tắc nghẽn mạch bạch huyết ở chi dưới, gây ra một căn bệnh giống với tên gọi của nó – phù chân voi.

Chân bị phù do giãn tĩnh mạch chi dưới

Chân bị phù là bị bệnh gì
Chân bị phù do giãn tĩnh mạch chi dưới

Tình trạng suy giảm chức năng hoạt động của tĩnh mạch hay còn gọi là giãn tĩnh mạch: khả năng lưu thông  máu trở về tim của hệ tĩnh mạch tứ chi không tốt, tất yếu gây hiện tượng ứ đọng máu lại ở các chi, đặc biện gây giãn tĩnh mạch chi dưới

Triệu chứng phổ biến là mỏi, nhức, đau, nặng chân, chân bị phù, tê hoặc dị cảm, cảm giác kiến bò, dễ bị chuột rút khi ngủ ban đêm… Biến chứng của bệnh nếu không được điều trị kịp thời bao gồm: loét chân, mạch máu vỡ, viêm tĩnh mạch nông do huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, giãn tĩnh mạch nông…

Những nguyên nhân làm chân bị phù còn lại

Chân bị phù vì trời nóng

Thời tiết nóng cũng khiến các tĩnh mạch phải giãn ra để tự làm mát cơ thể. Tuy nhiên, sự giãn nở tạm thời đó của tĩnh mạch có thể không đảm bảo mang đầy đủ máu về tim, dẫn đến việc tích tụ máu ở hệ tĩnh mạch chi dưới, thể hiện qua việc phù mu bàn chân, mắt cá chân.

Chân bị phù do uống rượu

Cơ thể có xu hướng giữ nước nhiều hơn sau khi uống rượu. Thông thường chân bị phù tạm thời sau khi uống rượu, và sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày.

Chân bị phù do chấn thương

Chân bị phù là bị bệnh gì
Đừng nhầm lẫn phù chân với bong gân

Những chấn thương tại chân như bong gân, gãy xương thì sẽ có tình trạng viêm (sưng, đau, đỏ) tại nơi tổn thương, tuy nhiên tình trạng này khác hoàn toàn so với phù qua biểu hiện đau. Phù thực sự không gây đau dù bạn có ấn vào đi chăng nữa.

Ung thư giai đoạn cuối bị phù chân

Các tình trạng ung thư khi đã vào giai đoạn cuối có thể cho di căn vào ổ bụng, và gia tăng kích thước khối u. Nếu xảy ra phù chân, khả năng cao là tĩnh mạch chủ dưới hoặc tĩnh mạch chậu bị các khối u đó chèn ép, làm gia tăng áp lực thủy tĩnh gây phù.

Cách chữa phù chân

Việc điều trị tình trạng chân bị phù còn tùy thuộc nhiều vào căn nguyên gây ra nó. Nếu thực sự tình trạng phù chân chỉ là tạm thời, chúng tôi đề xuất một số mẹo có thể giúp giảm phù chân như sau:

  • Cắt giảm bớt lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, hạn chế dùng nước chấm.
  • Uống đủ nước.
  • Nằm kê cao chân.
  • Tập thể dục chân thường xuyên từ 10 đến 15 phút, khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày để hỗ trợ lưu thông máu ở chân. Cứ mỗi 1đến 2 giờ ngồi, hãy đứng dậy để đi bộ xung quanh chứ không nên ngồi 1 chỗ quá lâu.
  • Tránh lạm dụng thuốc nhuận trường.
  • Chú ý tác dụng gây phù của một số loại thuốc như kháng viêm.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Chân bị phù: 8 nguyên phổ biến bạn có thể chưa biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.

Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com