Chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là ai

[Bqp.vn] - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một một kỳ tích vẻ vang, là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. [ảnh tư liệu]

Đường lối chiến tranh - xuất phát điểm cho mọi thắng lợi của cuộc kháng chiến

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi cao nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam tiến hành một cuộc chiến tranh trong điều kiện hiện đại. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến tranh trong điều kiện hiện đại rất gian khổ và khó khăn. Nếu không dùng toàn lực của nhân dân mà đánh thì không thể nào thắng được giặc. Người khẳng định: Địch chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân. Tin vào truyền thống yêu nước của nhân dân, vào sức mạnh và năng lực sáng tạo của quần chúng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc kháng chiến toàn quốc và khẳng định kháng chiến nhất định thắng lợi.

Đường lối kháng chiến của Đảng được vạch ra ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, được bổ sung và hiện thực hoá trong quá trình phát triển của cuộc kháng chiến. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của nhân dân trong chiến tranh cách mạng, chủ trương động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, thực hiện mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi khu phố là một trận địa, thực hiện toàn dân đánh giặc bằng mọi vũ khí có trong tay. Đảng coi sức mạnh của toàn dân vũ trang là một ưu thế tuyệt đối của chiến tranh nhân dân để đánh thắng chiến tranh xâm lược của mọi kẻ thù. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng nêu rõ: “Toàn dân kháng chiến”, “Kháng chiến khắp nơi”, “Mỗi phố là một trận địa”, “Mỗi làng là một pháo đài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc, dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”. “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” [1].

Trước một kẻ thù lớn mạnh, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện phương châm chiến lược đánh lâu dài, nhằm chống lại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, không cho địch phát huy lối đánh sở trường của chúng; đồng thời tạo điều kiện về thời gian để nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng hậu phương và vận động quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”, “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Người phân tích: “Với binh nhiều, tướng đủ, khí giới tối tân, chúng định đánh mau thắng mau. Với quân đội mới tổ chức, với vũ khí thô sơ, ta quyết kế trường kỳ kháng chiến”. “Thắng lợi với trường kỳ phải đi đôi với nhau”.

Tự lực cánh sinh là một phương châm chiến lược rất quan trọng, nhằm phát huy cao độ nguồn sức mạnh chủ quan, tránh tư tưởng bị động, trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. Mặc dù rất coi trọng sự giúp đỡ của quốc tế nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh bên trong, phát huy đến mức cao nhất mọi nỗ lực của dân tộc trong chiến tranh chống đế quốc xâm lược. Người nói: “Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh. Trông vào sức mình... Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

Chiến tranh nhân dân - Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, của nghệ thuật quân sự Việt Nam; là sức mạnh của cả quân đội và nhân dân, của cả ba thứ quân, của sự kết hợp tiền tuyến và hậu phương, kết hợp mặt trận chính với các mặt trận phối hợp. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”. Bộ Chính trị khẳng định: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta, cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong lúc Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp họp. Bởi vậy ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Để đảm bảo thắng lợi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng huy động sức mạnh của hậu phương, tổ chức chi viện tiền tuyến, đảm bảo tốt công tác hậu cần chiến dịch. Biến chủ trương chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành ý chí và hành động của toàn quân, toàn dân, ngay từ đầu tháng 12/1953, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành hết sức khẩn trương. Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, chỉ đạo các ngành kinh tế, tài chính dốc sức chi viện chiến trường. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh vào vùng tự do Khu IV, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về đồng bằng Khu III chỉ đạo huy động nhân, tài, vật lực cho mặt trận. Từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc, đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc bộ đều dồn sức người, sức của cho Điện Biên. Cả hậu phương hùng hậu một lòng hướng ra mặt trận với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ để tiếp tế ra tiền tuyến. Nhân dân các dân tộc Tây Bắc, mặc dù mới được giải phóng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, cũng góp được 7.300 tấn gạo, nhiều gia đình mang cả thóc giống cung cấp cho bộ đội.

Hàng chục vạn dân công và thanh niên xung phong được huy động phục vụ chiến dịch. Mặc dù Pháp đã “sử dụng tận lực không quân để phá tuyến đường vận tải”, nhưng với tinh thần dũng cảm, quên mình, dân công cùng các chiến sỹ công binh, vận tải đã vô hiệu hoá mọi thủ đoạn của kẻ thù. Dưới sự uy hiếp thường xuyên của máy bạy địch, những xe ô tô vận tải vẫn vượt đèo Pha Đin, những chiếc mảng chở từ 2 - 3 tạ gạo do dân công phụ trách theo dòng Nậm Na vượt hơn 100 ghềnh thác, những đoàn xe đạp thồ, mỗi chiếc chở hàng tạ gạo, cao nhất tới 352 kg, vượt hàng trăm km đường đèo dốc ngày đêm chuyển hàng ra tiền tuyến. Cựu Đại tá Không quân Pháp Giuyn Roa [G. Roy] nhận xét: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông, nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt. Chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơgiô thồ được từ 200 - 300 kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni-lông. Tướng Na-va đã bị đánh bại không phải bởi các phương triện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”.

Sức mạnh của sự phối hợp, hiệp đồng giữa các chiến trường

Trong khi các đơn vị bộ đội chủ lực bao vây và tiến công địch ở Điện Biên Phủ, các chiến trường trong cả nước, từ trung du và đồng bằng Bắc bộ, đến Bình - Trị - Thiên, Nam Trung bộ và Nam bộ đều đẩy mạnh hoạt động tác chiến với sự phối hợp của cả ba thứ quân, kết hợp tiến công quân sự của lực lượng vũ trang với phong trào nổi dậy phá tề của quần chúng. Các lực lượng vũ trang cùng nhân dân nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, kiên trì chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao và giam chân địch rộng rãi ở khắp nơi, giảm đến mức tối đa khả năng của quân Pháp tăng thêm lực lượng cho Điện Biên Phủ.

Cả vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ rung chuyển mạnh, liên tục cắt đứt các trục đường giao thông; tập kích các sân bay Cát Bi, Gia Lâm, cản đường tiếp tế của địch cho Điện Biên, mở hàng loạt trận tập kích, phục kích, bao vây, binh vận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng căn cứ du kích, giải phóng phần lớn đồng bằng, bao vây, chia cắt và cô lập các vị trí địch, làm cho quân Pháp rơi vào tình trạng phân tán chiếm đóng bất động. Lực lượng dân quân du kích hoạt động mạnh mẽ và đều khắp, phối hợp với bộ đội hoặc độc lập chống địch càn quét, sục sạo, liên tục đánh phá giao thông, phục kích, tập kích, diệt tề trừ gian... Đặc biệt hình thức bao vây vị trí địch phát triển mạnh chưa từng thấy, buộc địch phải đối phó lúng túng, bị động, tổ chức càn quét giải vây, dùng máy bay thả dù tiếp tế. Quân dân đồng bằng Bắc bộ đẩy mạnh tác chiến, đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao, diệt hơn 40 nghìn quân địch, tiêu diệt bức hàng 250 vị trí, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng một bộ phận địa bàn, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích, góp phần giam chân nhiều binh đoàn cơ động của địch, chia cắt lực lượng địch trên toàn vùng đồng bằng, làm chúng phải đỡ đòn xuôi ngược và lún sâu vào thế bị động đối phó lúng túng. Hình thái chiếm đóng của địch ở nhiều nơi từ diện rộng, biến thành những tuyến dài, nhất là ở Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Nam Trung bộ và Tây Nguyên đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích ở các vùng sau lưng địch từ Phú Yên, Khánh Hoà, đến Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk; lực lượng vũ trang tập kích thị xã Plây-cu và khu vực Đak Đoa; diệt Đồn Đắk Bớt ở Nam Đường 19, phá khu dồn dân quanh đồn; tiến công cơ quan chính quyền địch ở trung tâm thị trấn Cheo Reo; phục kích địch từ An Khê rút chạy trên Đường số 19, đoạn từ Ka-tung đến Đak Pơ, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch...

Ở Nam bộ, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, các lực lượng vũ trang đẩy mạnh tiến công quân sự trong vùng địch tạm chiếm thuộc các tỉnh Gia Định, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá… đánh địch trên các trục đường số 1, 13, 14, các tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi Nha Trang và Lộc Ninh. Nhân dân nhiều nơi như Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre… nổi dậy biểu tình, bao vậy, binh vận, bức rút hàng loạt đồn bốt địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng vùng giải phóng. Ngay trong các đô thị, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh, đòi hòa bình, quyền dân sinh, dân chủ, đòi chồng con, chống giặc đàn áp, bắt lính… Những cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị nổ ra liên tiếp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Cả nước hướng về Điện Biên Phủ. Từ vùng tự do đến vùng tạm bị chiếm, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nông dân phát động đoàn viên, hội viên viết thư cho các chiến sỹ ở Điện Biên Phủ, báo tin những thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc ở quê hương, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho tiền tuyến. Ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội và nhân dân không chỉ thể hiện ở Điện Biên Phủ với những chiến sỹ “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, mà còn ở mỗi con người Việt Nam, ở cả một dân tộc anh dũng chiến đấu với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong tác phẩm “Đông Dương hấp hối”, chính tướng H. Na-va cũng nhận rõ rằng “quân đội viễn chinh Pháp không phải chỉ chống chọi với một quân đội chính quy, mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”.

Sự phát triển mới trong lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng

Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về chiến lược, Đảng chỉ đạo “lấy ít đánh nhiều”, nhưng trong chiến dịch thì có thể “lấy nhiều đánh ít”. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch được tập trung binh lực đến mức cao nhất. Để tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng Chỉ huy quyết định sử dụng một lực lượng quân đội lớn hơn Pháp, khoảng 45.000 quân, gồm 5 đại đoàn [4 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công pháo]. Theo đánh giá của Bộ Tổng Tham mưu, Điện Biên Phủ “là trận công kiên lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước đến nay… Trận này thắng lợi sẽ đánh dấu một bước tiến vượt bực trong quá trình trưởng thành của quân đội chúng ta và do bước tiến đó, trận công kiên này sẽ có ảnh hưởng nhiều đối với tình hình quân sự sau này”. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách Bí thư Đảng uỷ, Chỉ huy trưởng mặt trận.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những nơi có tầm quan trọng về chiến lược nhưng địch tương đối yếu. Giữa tháng 11/1953, Đại đoàn 316 tiến quân lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu. Ngày 20 và 21/11/1953, H. Na-va buộc phải đổ quân xuống Điện Biên Phủ để giữ Lai Châu, bảo vệ Thượng Lào. Quân Pháp ở Điện Biên Phủ ngày càng được tăng cường. H. Na-va chỉ thị phải xây dựng Điện Biên Phủ thành một “pháo đài khổng lồ không thể phá vỡ được”, vì cho rằng đối phương sẽ sử dụng nhiều đại đoàn bộ binh và đưa pháo lớn vào Điện Biên Phủ; đồng thời, dự kiến cuộc chiến đấu sẽ diễn ra gay go, ác liệt, “không thể khinh suất được”, nên đã ráo riết kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng thủ và gặp gỡ động viên binh lính dưới quyền, triệt để lợi dụng các điểm cao giữa cánh đồng và sân bay để tổ chức phòng ngự, xây dựng một tập đoàn cứ điểm gồm nhiều trung tâm đề kháng mạnh. Ngoài lực lượng bộ binh, thiết giáp, pháo binh, Bộ Chỉ huy quân Pháp đã ném tất cả lực lượng không quân vào cuộc chiến ở Điện Biên Phủ. Chưa bao giờ sự tập trung không quân lớn như thế ở chiến trường Đông Dương.

Ngày 6/12/1953, khi địch đã tập trung lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Từ chỗ chọn nơi địch tương đối yếu, đến chỗ nhằm vào nơi mạnh nhất của địch để đánh là một thay đổi lớn về phương hướng tiến công. Đó là sự cân nhắc thận trọng của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng Chỉ huy, bởi vì xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một âm mưu hết sức nguy hiểm của quân Pháp, nhưng địch ở Điện Biên Phủ có những chỗ yếu rất cơ bản, vì đây là sản phẩm của thế bị động về chiến lược, chứ không phải là sản phẩm của thế thắng, thế mạnh, thế chủ động; và Điện Biên Phủ lại nằm sâu giữa rừng núi Tây Bắc hiểm trở, quân Pháp chỉ có đường tiếp tế duy nhất là đường không, nên rất dễ bị bao vây, cô lập.

Sau khi bộ đội chủ lực tiêu diệt địch ở Lai Châu và hình thành thế bao vây ở Điện Biên Phủ, là lúc quân Pháp ở đây chưa nhiều, thế đứng chưa vững, hệ thống công sự phòng ngự chưa được xây dựng kiên cố. Trạng thái “lâm thời phòng ngự” của địch là thời cơ để có thể tiêu diệt địch theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Trong quá trình chuẩn bị, địch cũng có thời gian tăng cường thêm lực lượng, xây dựng hệ thống công sự vững chắc, cùng hệ thống chướng ngại vật dày đặc. Trong khi đó, có đơn vị bộ đội, trong đó có pháo binh chưa kịp chiếm lĩnh trận địa, chưa có khả năng tiêu diệt hàng chục tiểu đoàn địch ở một tập đoàn cứ điểm trong thời gian ngắn, còn thiếu kinh nghiệm đánh bộ pháo hiệp đồng, chưa thạo đánh ban ngày… Nếu tiếp tục “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không thể giành thắng lợi. Để đảm bảo đánh chắc thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang đánh chắc, tiến chắc”. Đó là sự thay đổi táo bạo theo phương châm chiến lược “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Quyết định đó được Đảng uỷ Mặt trận thông qua.

Bằng cách vây hãm quân Pháp trong một thời gian dài, triệt đường tiếp tế và hoả lực của đối phương, tập trung lực lượng đột kích từng bộ phận quân địch, tiến tới tổng tiến công trên toàn mặt trận, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đứng về ý nghĩa quyết chiến chiến lược mà nói cũng như đứng về quy mô và hình thức của chiến dịch, cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đánh dấu một bước chuyển biến mới, một sự phát triển mới trong sự lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như trong quá trình lớn mạnh của quân đội ta”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. “Thắng lợi này là thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành được trong cuộc đấu tranh anh dũng để chống lại một kẻ địch được trang bị những vũ khí tối tân, ưu việt hơn” [2] - Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ Uy-li-am Phô-xtơ nói.

[1] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 89.

[2] - Báo Công nhân, ngày 10/5/1954.

PGS. TS Vũ Quang Hiển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Video liên quan

Chủ Đề