Chính sách phát triển năng lượng sinh khối ở Việt Nam

Việt Nam là nước nông nghiệp lâu đời, nguồn nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh khối (NLSK) khoảng 118 triệu tấn/năm. Nếu quy đổi ra dầu sẽ tương đương 80,7 triệu tấn quy dầu, gấp 2 lần tổng lượng khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tiềm năng lớn như vậy nhưng hầu hết các nguồn NLSK của chúng ta vẫn chưa thể tận dụng, lãng phí thậm chí là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn năng lượng dồi dào

Hiện nay, trên thế giới NLSK là nguồn năng lượng thứ tư, chiếm tới 15% tổng năng lượng tiêu thụ toàn thế giới. Ở các nước đang phát triển, NLSK thường là nguồn năng lượng lớn nhất, chiếm 35-45% tổng cung cấp năng lượng. Sẽ không ngoa khi nói NLSK giữ vai trò sống còn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới cũng như ở Việt Nam.

Ðất nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi như nóng ẩm, mưa nhiều, đất đai phì nhiêu… nên sinh khối phát triển rất nhanh. Do vậy, nguồn phụ phẩm từ nông, lâm nghiệp phong phú, liên tục gia tăng. Tuy nhiên, những nguồn phụ phẩm đó lại đang bị coi là rác thải tự nhiên, đang bị lãng phí, nguy hiểm hơn lại trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như tình trạng đốt rừng, rơm rạ, mùn cưa ở miền Bắc hoặc đổ trấu xuống sông, kênh rạch ở Ðồng bằng sông Cửu Long… NLSK nằm trong trong chu trình tuần hoàn ngắn, được các tổ chức về phát triển bền vững và môi trường khuyến khích sử dụng. Tận dụng được nguồn nhiên liệu này sẽ đồng thời cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế và đảm bảo bảo vệ môi trường.

Chính sách phát triển năng lượng sinh khối ở Việt Nam

Sản xuất than sinh khối bằng rơm rạ

Tiềm năng về NLSK của Việt Nam được đánh giá là rất đa dạng và có trữ lượng khá lớn. Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm bao gồm khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía và trên 50 triệu tấn vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ... Nguồn sinh khối chủ yếu của nước ta gồm gỗ và phụ phẩm cây trồng, trong đó gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, cây trồng phân tán, cây công nghiệp và cây ăn quả, phế phẩm gỗ công nghiệp. Theo Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô. Riêng tiềm năng năng lượng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Ðặc biệt nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Công nghệ khí sinh học, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguồn sản xuất nhiên liệu sinh học gồm tinh bột và rỉ đường có tổng sản lượng khoảng 87 triệu lít/năm, tương đương với 57,42 triệu tấn dầu thô. Trong đó, tỷ lệ phân bố khá chênh lệch khi lượng tinh bột chỉ chiếm 1/5 tổng sản lượng bởi hầu hết đất sản xuất nông nghiệp nước ta sản xuất gạo và nông sản. Nguồn khí sinh học từ phụ phẩm cây trồng, chất thải gia súc của Việt Nam có khối lượng không hề nhỏ. Tổng khối lượng hiện nay vào khoảng gần 5 tỉ m3, tương đương 2,5 triệu tấn dầu. Nguồn khí sinh khối mới được khai thác trong các hộ gia đình, quy mô nhỏ và chủ yếu để chiếu sáng, đun nấu thức ăn.

Mặc dù được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, lợi ích nhiều và hầu hết là vô hại nhưng NLSK vẫn tồn tại một số nhược điểm như phân bố không tập trung, nhiệt trị thấp, khối lượng riêng nhỏ nên rất phức tạp khi vận chuyển và chứa trữ. Ngược lại, giá thành cực kỳ rẻ, thích hợp nhất với quy mô hộ gia đình và các mô hình công nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, cùng với hoàn thiện công nghệ sử dụng nhiên liệu thì phát triển công nghệ phụ trợ như tiền xử lý, đóng gói, chuyên chở… cũng là một trong những yếu tố cần quan tâm khi phát triển NLSK.

Tồn tại nhiều hạn chế

Trong những năm gần đây, sự quan tâm phát triển các công nghệ NLSK đã tăng mạnh trên toàn cầu để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Ngay cả những nước phát triển như Mỹ cũng đã có những chính sách để thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch. Nguyên nhân là do các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt dần và chi phí cho nhiên liệu này ngày càng tăng cao. Nếu với tốc độ tiêu thụ năng lượng hiện tại thì trữ lượng dầu của thế giới được dự báo sẽ cạn kiệt trước năm 2050 và các nguồn năng lượng này còn là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khác với các công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ NLSK không chỉ thay thế năng lượng hóa thạch mà còn góp phần xử lý chất thải vì chúng tận dụng các nguồn chất thải để tạo ra năng lượng. Rào cản lớn nhất để tiếp cận và khai thác những nguồn năng lượng này chính là công nghệ và chi phí thiết bị đắt hơn so với thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc hiện nay, NLSK vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn 50%. Mặc dù giá trị tuyệt đối vẫn tăng nhưng tỷ lệ giảm dần do năng lượng thương mại tăng nhanh hơn. Vấn đề là năng lượng sinh khối hiện nay chủ yếu vẫn chỉ sử dụng để sản sinh nhiệt lượng trong đun nấu thức ăn, kinh tế hộ gia đình với tỷ lệ gấp 3 lần tổng năng lượng tiêu thụ so với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chỉ có 1/4 NLSK được sử dụng sản xuất, bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng như gốm, sứ, gạch, sản xuất đường như tận dụng bã mía để đồng phát nhiệt và điện ở 43 nhà máy đường trong cả nước. Mới đây Viện Cơ điện Nông nghiệp đã nghiên cứu thành công dây chuyền sử dụng phụ phẩm sinh khối đồng phát điện và nhiệt để sấy sản phẩm mía đường. Mặt khác, NLSK đang được sử dụng để sấy lúa, nông sản tại Ðồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, hiện nay, một số nhà máy đường đã sử dụng bã mía để phát điện nhưng chỉ bán được với giá hơn 800 đồng/kWh (4 cent/kWh). Cuối năm 2013 Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ sản xuất điện từ năng lượng sinh khối. Theo đó, mức giá cao nhất mà ngành điện mua lại điện được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sinh khối lần lượt là 1.200-2.100 đồng/kWh. Mức giá như đề xuất trên sẽ góp phần tạo động lực cho việc phát triển nguồn điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối ở nước ta.

Ðể phát huy tiềm năng NLSK, Việt Nam đang phải đối mặt với những rào cản tự nhiên cũng như sự cạnh tranh từ bên ngoài. Các vấn đề về môi trường, thu hẹp đất nông nghiệp, công nghệ, thiết bị… khiến Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn để xây dựng một lộ trình phát triển NLSK. Ðể biến tiềm năng NLSK thành năng lượng chất lượng cao vẫn đang là một vấn đề chờ lời giải.

Tổng nguồn nguyên liệu NLSK khoảng 118 triệu tấn/năm, quy đổi ra dầu sẽ tương đương 80,7 triệu tấn gấp 2 lần tổng lượng khai thác dầu khí.

Trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc hiện nay, NLSK vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn 50%. Mặc dù giá trị tuyệt đối vẫn không ngừng tăng nhưng tỷ lệ giảm dần do năng lượng thương mại tăng nhanh hơn.

Cuối năm 2013 Bộ Công Thương đã có tờ trình Chính phủ xem xét thông qua cơ chế hỗ trợ sản xuất điện từ năng lượng sinh khối.