Có bao nhiêu chuyên hiệu rèn luyện đội viên

CHƯƠNG TRÌNH RÈN LUYỆN ĐỘI VIÊN SỬA ĐỔI

Chương trình rèn luyện đội viên TNTP Hồ Chí Minh là chương trình giáo dục tổng hợp đồng tâm, mang tính định hướng gồm những kiến thức về truyền thống lịch sử dân tộc; truyền thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; về nghiệp vụ công tác Đội; kiến thức về môi trường, sức khỏe, thể dục thể thao; về quân sự, giao thông, chăn nuôi, trồng trọt và những vấn đề quốc tế… dành cho đội viên TNTP Hồ Chí Minh.

Từ khi ban hành đến nay [từ năm học 1992-1993], Chương trình rèn luyện đội viên đã được tổ chức triển khai, thực hiện và đã thu được những kết quả tích cực, được đông đảo các em đội viên trong cả nước phấn khởi đón nhận, từ đây tính tự giác của đội viên, tính tự quản của tổ chức Đội được phát huy; công tác xã hội hóa các hoạt động thiếu nhi được mở rộng, thu hút sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và sự vào cuộc của các lực lượng xã hội, của các cấp, các ngành. Thực tiễn cho thấy Chương trình rèn luyện đội viên ra đời đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội viên; chất lượng hoạt động của tổ chức Đội ở cơ sở và chất lượng giáo dục trong nhà trường; giúp cho đội viên rèn luyện phát triển toàn diện, sớm trở thành người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh và người công dân có ích cho đất nước.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác giáo dục thiếu nhi, đòi hỏi ở các em sự năng động, sáng tạo và khối lượng tri thức phong phú hơn, đống thời cũng đòi hỏi việc triển khai Chương trình rèn luyện đội viên hiệu quả hơn, gắn với những vấn đề có tính thời sự như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nâng cao kiến thức tin học, ngoại ngữ và bồi dưỡng kỹ năng cho thiếu nhi. Trên cơ sở giữ nguyên những nội dung cốt lõi, bám sát những yêu cầu không ngừng biến đổi của công tác bồi dưỡng, giáo dục đội viên, Hội đồng Đội Trung ương tiến hành sửa đổi Chương trình rèn luyện đội viên cho phù hợp với tình hình mới

Chương trình rèn luyện đội viên được sửa đổi là sự kết hợp giữa lý luận và thực hành, chú trọng khả năng triển khai, vận dụng tại từng địa phương, đơn vị, thông qua các mô hình cụ thể có tính mới như: Học kỳ quân đội, Trại hè xanh… kết hợp chặt chẽ với các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, triển khai gắn với thực hiện cuốn Sổ theo dõi rèn luyện nhi đồng và đội viên sẽ tạo ra những sân chơi học tập, rèn luyện bổ ích cho các em đội viên ngày từ lứa tuổi nhi đồng.

Quá trình sửa đổi tất yếu không tránh khỏi những thiếu sót cũng như Chương trình rèn luyện đội viên gắn với nhịp chuyển động đầy sôi động của công tác Đội và phong trào thiếu nhi sẽ cần thường xuyên được cập nhật, bổ sung. Với lý do như vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý xây dựng của các thầy cô giáo, các anh chị phụ trách thiếu nhi và các em đội viên để Chương trình thường xuyên được đổi mới, có tính thực tiễn, ứng dụng cao.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, hy vọng cuốn sách “Chương trình rèn luyện đội viên sửa đổi” sẽ góp một phần thực hiện công việc mang nhiều ý nghĩa đó.

CHƯƠNG TRÌNH RÈN LUYỆN ĐỘI VIÊN TNTP HỒ CHÍ MINH

PHẦN I: CHƯƠNG TRÌNH DỰ BỊ ĐỘI VIÊN TNTP HỒ CHÍ MINH

[Dành cho nhi đồng 6,7, 8 tuổi]

I. MỤC TIÊU: Giúp các em nhi đồng thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, phấn đấu trở thành Đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh. 

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

1. Kính yêu Bác Hồ.

- Thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, biết một số câu chuyện, bài hát, bài thơ về Bác Hồ. Biết những nét chính về tiểu sử Bác Hồ.

- Nhớ tên và ý nghĩa [sơ lược] về các ngày kỷ niệm: 3/2, 8/3, 15/5, 19/5, 1/6, 2/9, 20/11, 22/12.

2. Con ngoan, trò ngoan.

- Kính yêu, lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị, bà con họ hàng và mọi người.

- Kính yêu, vâng lời thầy cô giáo, anh chị phụ trách, thực hiện đúng nội quy của trường.

- Biết tập lao động giúp gia đình những việc phù hợp.

- Biết tiết kiệm cho gia đình.

- Biết về bố mẹ và địa chỉ gia đình, nhớ ngày sinh của mình.

3. Chăm học.

- Biết thực hiện những yêu cầu về học tập như: đi học đúng giờ, học thuộc bài, làm bài đầy đủ, giữ vở sạch, viết chữ đẹp.

- Đạt kết quả học tập mỗi ngày một tốt lên.

- Làm quen với các chức năng cơ bản của máy vi tính.

- Làm quen với một số từ đơn giản của một ngoại ngữ.

4. Vệ sinh sạch sẽ.

- Giữ gìn vệ sinh thân thể tốt.

- Biết giữ vệ sinh nơi công cộng, không vứt rác, nhổ bậy.

- Biết cách đề phòng một số bệnh thông thường như: đứt tay, đau răng, cảm

nắng, cảm lạnh...

-Thuộc bài thể dục nhi đồng.

5. Yêu Sao Nhi đồng và Đội TNTP Hồ Chí Minh.

- Nhớ tên và ý nghĩa của tên Sao, sinh hoạt Sao đều, yêu quý phụ trách Sao.

- Biết một số bài hát múa, trò chơi của nhi đồng.

- Biết xếp hàng một, hàng đôi, hàng dọc, hàng ngang, vòng tròn.

- Thuộc các động tác: đứng nghỉ, đứng nghiêm chào, quay trái, phải, quay đằng sau.

6. Cần biết khi ra đường.

- Biết cách đi ngoài đường đúng quy định để đảm bảo an toàn.

- Biết chơi ở những chỗ an toàn, không làm phiền người khác

- Biết tên đường phố, ngõ xóm, thôn bản nơi mình ở, địa chỉ trạm y tế, công an địa phương.

* Yêu cầu hành động:

- Biết một số gương người tốt trong truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện về các anh hùng liệt sỹ.

- Biết thương yêu, giúp đỡ bạn bè nhất là các bạn đau yếu, tàn tật, gặp hoàn cảnh khó khăn, học kém, noi gương học tập các bạn ngoan, học giỏi

- Hàng ngày làm việc tốt, tránh việc xấu.


PHẦN II: CHƯƠNG TRÌNH ĐỘI VIÊN TNTP MĂNG NON

[hoặc Chương trình Đội viên sẵn sàng, hạng ba, cho lứa tuổi 9,10, 11].

I. MỤC TIÊU:

Rèn luyện thành đội viên tốt của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

1. Hiểu biết về Đội TNTP Hồ Chí Minh và Bác Hồ:

- Tìm hiểu về lịch sử Đội

- Biết ngày thành lập Đội và khẩu hiệu của Đội [hiểu rõ khẩu hiệu Đội], nhiệm vụ của đội viên.

- Biết các năm đổi tên của Đội, biết tiểu sử Kim Đồng.

- Tham gia hướng dẫn Sao Nhi đồng hoạt động.

- Thực hiện đúng các yêu cầu về Nghi thức Đội.

- Biết tiểu sử tóm tắt của Bác Hồ và thuộc 5 điều Bác Hồ dạy - bỏ vì có ở phần dự bị.

- Kể, đọc được một số câu chuyện, bài hát, bài thơ về Bác Hồ.

2. Tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng:

- Biết các di tích lịch sử cách mạng, thắng cảnh và nghề truyền thống của địa

phương mình.

- Biết tên một số chiến sĩ cách mạng lão thành, nghệ nhân ở địa phương mình.

- Biết vẽ bản đồ Việt Nam, đánh dấu Thủ đô và tỉnh, thành phố mình ở

- Biết những giai đoạn chính của lịch sử Việt Nam từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, biết kể chuyện Thánh Gióng, Trần Quốc Toản.

- Biết ông bà, bố mẹ, anh chị làm việc ở đâu.

- Biết hát đúng: Quốc ca, Đội ca và một số bài hát theo chủ đề.

- Khiêm tốn, lễ độ chào hỏi mọi người, biết cảm ơn khi người khác giúp mình, xin lỗi khi có lỗi.

- Biết những quyền và bổn phận của mình theo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.

3. Yêu bạn bè:

- Tham gia ủng hộ, quyên góp quần áo, sách vở tặng các bạn vùng sâu, xa, khó khăn.

- Tham gia các hoạt động đoàn kết, hữu nghị với thiếu nhi thế giới và bảo vệ hoà bình.

4. Chăm học, chăm làm:

- Đi học đều, đúng giờ, có nề nếp, tự giác học ở nhà.- Giữ vở sạch, viết chữ đẹp, thuộc bài và làm đủ bài tập, làm bài kiểm tra, thi trung thực.

- Tự trang trí góc học tập của mình đẹp, gọn gàng.

- Biết tự giặt quần áo và giữ quần áo sạch, hàng ngày giúp gia đình các công việc phù hợp.

- Tham gia đầy đủ các buổi lao động của lớp và chi đội.

- Biết lau xe đạp và tra dầu xe đạp. Biết vá quần áo.

- Biết tiết kiệm thời gian và tiền cho bản thân, cho Đội và gia đình.

- Biết một số chức năng cơ bản của máy vi tính. Không lạm dụng chơi game, chat

- Biết một số câu giao tiếp cơ bản của một ngoại ngữ.

5. Giữ vệ sinh và rèn luyện sức khoẻ:

- Biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh ở nơi công cộng, không ăn quả xanh, uống nước lã, rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào.

- Biết xử lý khi đứt tay, chảy máu cam, cảm nắng, cảm lạnh.

- Biết phòng bệnh mùa hè, mùa đông.

- Biết một số cây thuốc nam: nhọ nồi, hương nhu, đinh lăng, rau má...

- Tập đúng bài thể dục buổi sáng và giữa giờ.

- Biết bơi hoặc nhảy dây, đá cầu và các môn thể thao khác.

- Đi bộ 3 km trở lên.

- Biết bảo vệ cây và chim, thú. Biết trừ muỗi, sâu bọ có hại cho mùa màng và con người.

6. Tìm hiểu về luật lệ giao thông và hành quân cắm trại [kỹ năng của đội viên].

- Biết những điều quy định về luật giao thông khi đi bộ, đi xe đạp, biết các biển báo và đèn tín hiệu.

- Biết các dấu đi đường khi hành quân cắm trại: đi hướng này, không đi lối này, đi nhanh, đi chậm, đường cấm, nguy hiểm, quay lại, có thư, đợi ở đây, nước uống được, nước không uống được, vị trí cắm trại.

- Biết sử dụng các nút: dẹt, thuyền chài, thợ dệt, ghế đơn, thòng lọng.

- Biết hướng dẫn một số trò chơi cho phân đội, chi đội.

* Yêu cầu hành động. 

- Hàng ngày làm ít nhất một việc tốt như giúp đỡ gia đình, giúp thương binh, gia đình khó khăn, giúp bạn học tập, giúp cụ già, em nhỏ.

- Đạt tiêu chuẩn môn thi của chi đội.


 PHẦN III: CHƯƠNG TRÌNH ĐỘI VIÊN TNTP SẴN SÀNG

[Hoặc chương trình Đội viên TNTP hạng nhì, cho lứa tuổi 11, 12, 13]

I. MỤC TIÊU: Rèn luyện thành đội viên tốt, phấn đấu hướng lên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

1. Hiểu biết về Đội TNTP Hồ Chí Minh và Bác Hồ

- Đọc và tìm hiểu về lịch sử Đội

- Biết mục tiêu phấn đấu rèn luyện của đội viên.

- Biết ngày thành lập Đoàn TNTP Hồ Chí Minh.

- Biết một số phong trào, truyền thống và các công trình lớn của Đội.

- Biết một số anh hùng của Đội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Hướng dẫn Sao nhi đồng hoạt động

- Thực hành đúng các yêu cầu đội viên về Nghi thức Đội.

- Biết giải thích 5 điều Bác Hồ dạy.

- Biết ít nhất 5 lá thư của Bác gửi cho thiếu nhi và giải thích được một số đoạn mà em hiểu biết.

- Kể được 5 câu chuyện về Bác Hồ.

- Biết một số bài thơ, bài hát ca ngợi Bác Hồ.

2. Tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng:

- Biết các chiến thắng: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh. Kể được tên các vị anh hùng dân tộc trong các chiến thắng này. 

- Biết gương oanh liệt của một số liệt sĩ tiền bối của Đảng và một số anh hùng liệt sĩ ở địa phương.

- Biết vẽ bản đồ Việt Nam và ghi một số di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tiêu biểu của đất nước. Biết những vùng có các nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước.

- Biết động viên các anh chị đi bộ đội và viết thư, tặng quà cho các anh chị bộ đội.

- Biết và hát đúng các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước.

- Thực hiện đúng các quyền và bổn phận của trẻ em theo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

- Tham gia bảo vệ giữ gìn trật tự trị an ở địa phương và trường học.

3. Yêu bạn bè:

- Tham gia ủng hộ, quyên góp quần áo, sách vở tặng các bạn vùng sâu, xa, khó khăn.

- Có hoạt động cụ thể giúp các bạn khó khăn, học kém tại chi đội, liên đội mình

- Sưu tầm một số ảnh và một số chuyện về các hoạt động vì hoà bình của thiếu nhi thế giới.

- Tích cực tham gia các hoạt động của câu lạc bộ hữu nghị Quốc tế, làm một việc cụ thể để ủng hộ các bạn thiếu nhi các nước, đấu tranh cho hoà bình.

4. Chăm học, chăm làm:

- Tự giác, chủ động trong học tập, phấn đấu vượt một bậc về kết quả học tập của mình so với năm học trước, giúp được một bạn học tiến bộ.

- Biết giặt quần áo và dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. Chủ động giúp đỡ gia đình

nấu cơm, gánh nước, chăn nuôi gia súc, trồng rau.

- Tham gia tích cực các buổi lao động tập thể.

- Biết sửa chữa một số hỏng hóc thông thường của xe đạp và vật dụng gia đình.

- Học và tập làm theo nghề truyền thống của gia đình và địa phương mình [nếu có].

- Biết tiết kiệm tiền và đồ dùng cá nhân của mình, của Đội và gia đình để dùng vào việc có ích.

- Hoàn thành các công việc ông bà, cha mẹ, anh chị giao cho.

- Biết giúp đỡ các gia đình hàng xóm, bạn bè và mọi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

- Sử dụng được một số chức năng cơ bản của máy vi tính.

- Sử dụng một số câu giao tiếp cơ bản của một ngoại ngữ.

5. Giữ vệ sinh và rèn luyện sức khoẻ:

- Biết làm sạch, gọn gàng nơi ngủ và khu vệ sinh của gia đình, nhà trường. Không hút thuốc và uống bia, rượu.

- Biết buộc garô khi bị rắn, chó dại cắn, máu chảy nhiều. Biết băng cố định khi bị gãy xương chân, tay, hô hấp nhân tạo.

- Biết một số cây thuốc nam và trồng thuốc nam ở gia đình.

- Tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao của chi đội, liên đội.

- Đi xe đạp được ít nhất 5 km.

6. Biết luật lệ giao thông và hành quân cắm trại:

- Biết các quy định về luật giao thông đối với người đi bộ và đi xe đạp.

- Biết các dấu tìm lối đi bằng cành cây có lá và vạch dấu cho người khác đi theo.

- Biết sử dụng các nút: thợ dệt đơn và kép, nút ghế, chân chó, lạt dẹt, lạt vặn, đầu nối, biết tham gia dựng lều.

- Biết làm một số đồ dùng cá nhân: bàn ghế, giá sách... đơn giản.

- Thuộc tín hiệu moóc và biết cách sử dụng.

- Biết tìm phương hướng bằng la bàn, mặt trời và trăng sao.

- Biết đốt lửa ngoài trời bằng diêm và bật lửa khi có gió.

Biết chuẩn bị và làm món ăn đi trại.

* Yêu cầu hành động.

- Hàng ngày đều có việc tốt giúp gia đình và hàng xóm.

- Đạt môn thi của chi đội

PHẦN IV: CHƯƠNG TRÌNH ĐỘI VIÊN TNTP TRƯỞNG THÀNH

[hoặc Chương trình Đội viên TNTP sẵn sàng hạng nhất, cho lứa tuổi 13, 14 và 15]

I. MỤC TIÊU: Phấn đấu trở thành Đoàn viên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Hiểu biết, thực hiện tốt những quy định ở hai bậc trước.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

1. Hiểu biết về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bác Hồ:

- Đọc và tìm hiểu về lịch sử Đoàn, Đảng và thân thế sự nghiệp của Bác Hồ.

- Học tập Điều lệ Đoàn, nhiệm vụ, quyền hạn của người đoàn viên và điều kiện vào Đoàn, biết ý nghĩa huy hiệu Đoàn, cờ Đoàn, nội dung phong trào hành động cách mạng của Đoàn hiện nay.

- Cùng đoàn viên tham gia lao động công ích và những hoạt động xã hội ở địa phương.

- Thuộc một số bài hát truyền thống của Đoàn.

- Tự rèn luyện hoàn thành chương trình đội viên. Làm hướng dẫn viên, phụ trách Sao nhi đồng, giúp các đội viên bậc dưới phấn đấu thực hiện chương trình đội viên.

- Tuyên truyền và hướng dẫn cho các đội viên thiếu nhi cùng thực hiện các quyền, bổn phận  của trẻ em trong Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

2. Tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng:

- Biết các mốc lịch sử phát triển chính của đất nước, quê hương và địa phương nơi sinh sống.

- Biết gương oanh liệt của một số liệt sĩ tiền bối của Đảng và một số anh hùng liệt sĩ ở địa phương.

- Biết những thành tựu phát triển kinh tế xã hội gần đây của đất nước.

- Biết những di tích lịch sử, cách mạng tại địa phương. Tích cực tham gia tôn tạo, làm đẹp và giới thiệu với bạn bè, mọi người về các di tích lịch sử, truyền thống của địa phương.

3. Chăm học chăm làm:

- Có thái độ học tập tốt, biết áp dụng phương pháp học cho từng môn học và kết quả học đạt từ trung bình trở lên.

-  Đã xem một số phim, tác phẩm thơ ca, âm nhạc, hội hoạ kinh điển hoặc

nổi bật trong năm, biết thu hoạch về cái hay, cái đẹp trong mỗi tác phẩm.

- Đã tham gia sáng tác ít nhất một trong các thể loại văn, thơ, nhạc, hoạ.

- Tham gia các hoạt động phong trào văn hoá, văn nghệ, xã hội, thường

xuyên của trường và địa phương.

- Sử dụng một số chức năng và ứng dụng cơ bản của máy vi tính.

- Sử dụng được một ngoại ngữ trong giao tiếp đơn giản.

3. Đoàn kết quốc tế:

- Biết ý nghĩa và tham gia các hoạt động đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam với các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

4. Rèn luyện và bảo vệ sức khoẻ:

- Bơi ít nhất 20m, hoặc đi bộ được 5 km trở lên.

- Biết một bài võ hoặc một bài thể dục nhịp điệu của lứa tuổi.

- Biết giữ gìn sức khỏe.

- Phân biệt được động mạch, tĩnh mạch, làm được ga-rô cầm máu.

- Biết xử lý các trường hợp: ngã, đau bụng, bong gân, điện giật, chết đuối, bỏng, động vật cắn, ngộ độc, bị ngạt.

- Có băng vệ sinh em gái [nếu là nữ].

5. Hiểu biết thiên nhiên, hành quân cắm trại:

- Biết chọn một chỗ cắm trại; tự mình có thể dựng một cái lều, làm bếp

- Chuẩn bị và làm món ăn ở trại. Biết cách lọc nước sạch, biết đốt các bếp vào bất cứ thời tiết nào.

- Biết làm và dùng nút buộc thuyền, nút mỏ neo, biết tết các đầu dây, biết đan, biết buộc 2 cọc chèo bằng lối néo thẳng và chéo.

- Biết truyền tin hoặc nhận tin bằng tay [kiểu Semapho], bằng cần moóc [truyền tin bằng còi, bằng ánh sáng].

- Biết dùng điện thoại và đánh điện tín.

- Biết nhận xét và nhận được các dấu vết của người, vật, gia súc hay dã thú... Ước lượng chiều dài, chiều cao, chiều rộng, vật nặng và số người...

- Biết đoán thời tiết bằng những hiện tượng trông thấy.

- Biết một số động vật quý hiếm cần được bảo vệ.  

- Nhận biết được một số lá cây có ích dùng trong việc ăn uống, làm thuốc

hay kỹ nghệ, biết những lá cây độc để tránh.

- Biết cách tìm phương hướng, ban ngày và ban đêm.

6. Phong cách người đội viên trưởng thành là người trọng danh dự, ai cũng tin ở lời nói của mình.

- Lễ phép, lịch sự và không vụ lợi.

- Có lời nói và việc làm thống nhất.

- Biết tìm cách vượt khó khăn.

*  Yêu cầu hành động.

- Sẵn sàng làm việc tốt, nêu gương cho đội viên lớp dưới.

- Đạt kết quả tốt môn thi riêng của chi đội.

Tiêu chuẩn các chuyên hiệu của chương trình Rèn luyện Đội viên

---------

1. Chuyên hiệu: NGHI THỨC ĐỘI VIÊN

+ Hạng ba:

1. Hát đúng Quốc ca, Đội ca.

2. Biết và hiểu rõ khẩu hiệu Đội.

3. Thực hiện một số yêu cầu về Nghi thức Đội.

4. Biết 2 bài trống Nghi thức Đội: Chào cờ, hành tiến.

5. Tham gia hướng dẫn Sao Nhi đồng hoạt động.

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba.

1. Biết mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của đội viên

2. Thực hành thuần thục các yêu cầu đội viên về Nghi thức Đội

3. Biết đánh 3 bài trống Nghi thức Đội: Chào cờ, chào mừng, hành tiến.

4. Hướng dẫn Sao Nhi đồng hoạt động.

+ Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1. Hiểu nội dung Chương trình rèn luyện Đội viên

2. Đã đọc và hiểu Điều lệ Đoàn, biết ý nghĩa của huy hiệu Đoàn, cờ Đoàn.

3. Biết đánh thành thạo các bài trống của Đội

4. Phụ trách Sao Nhi đồng hoặc hướng dẫn giúp các đội viên bậc dưới thực hiện Chương trình rèn luyện Đội viên.

2. Chuyên hiệu: KỸ NĂNG ĐỘI VIÊN

+ Hạng ba:

1. Biết các dấu đi đường khi hành quân cắm trại

2. Biết hướng dẫn một số trò chơi

3. Đã tham gia chơi: "Trò chơi lớn"

4. Biết sử dụng các loại nút: dẹt, thuyền chài, thợ dệt, ghế đơn...

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba.

1. Sử dụng thành thạo các dấu đi đường khi hành quân cắm trại     
2. Biết tham gia dựng lều.

3. Thuộc và biết sử dụng tín hiệu Moóc

4. Biết viết và dịch 4 loại mật thư thường sử dụng cho các hoạt động tập thể của Đội.

+ Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1. Biết và sử dụng thành thạo các kỹ năng truyền tin đã học.

2. Biết truyền tin và nhận tin bằng còi, Semaphore và ánh sáng.

3. Biết viết và dịch các loại mật thư sử dụng cho các hoạt động tập thể.

4. Biết chọn một chỗ cắm trại và tự mình có thể dựng một cái lều, làm bếp và sống dưới lều.

5. Có hộp thư điện tử riêng, biết  trao đổi thông tin bằng emai, biết tìm kiếm những thông tin bổ ích cho học tập và công tác Đội trên mạng internet

3. Chuyên hiệu: NHÀ SỬ HỌC NHỎ TUỔI

+ Hạng ba:

1. Biết các ngày đổi tên của Đội, biết tiểu sử Kim Đồng.

2. Biết tiểu sử của Bác Hồ và thuộc 5 điều Bác Hồ dạy

3. Biết các di tích lịch sử cách mạng, thắng cảnh và các nghề truyền thống của địa phương mình.

4. Biết những giai đoạn cách mạng chính của lịch sử Việt Nam từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, biết kể chuyện Phù Đổng, Trần Quốc Toản.

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

1. Biết ngày thành lập Đoàn và các thời kỳ đổi tên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

2. Biết các phong trào truyền thống và các công trình lớn của Đội.

3. Biết một số đội viên anh hùng của Đội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Biết các chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, kể được tên các vị anh hùng dân tộc trong các chiến thắng này. Biết gương oanh liệt của một số liệt sĩ tiền bối của Đảng và một số anh hùng liệt sĩ ở địa phương mình.

+Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1. Hiểu biết những điểm chính về lịch sử Đoàn và gương những đoàn viên thanh niên tiêu biểu.

2. Đọc các sách về lịch sử Đoàn, về Đảng, về Bác Hồ, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

3. Học tập Điều lệ Đoàn, hiểu nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn viên và điều kiện vào Đoàn, biết ý nghĩa huy hiệu Đoàn.

4. Biết tên và ý nghĩa nội dung các phong trào hành động cách mạng của Đoàn hiện nay.

5. Biết sơ lược về tổ chức Hội LHTN Việt Nam.

6 - Hướng dẫn, giới thiệu với bạn bè và mọi người về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương; tham gia giữ gìn, chăm sóc, làm đẹp các di tích lịch sử của địa phương

4. Chuyên hiệu: NGHỆ SĨ NHỎ TUỔI

+ Hạng ba:

1. Hát đúng Quốc ca, Đội ca

2. Thuộc và hát được một số bài về Bác Hồ và Đội TNTP Hồ Chí Minh.

3. Thuộc và kể được một số bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ.

4. Tham gia hội diễn văn nghệ của lớp, của trường.

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

1. Thuộc một số bài hát truyền thống của Đội, Đoàn.

2. Đọc 3 bài thơ, kể 5 câu chuyện và hát một số bài về Bác Hồ

3. Biết hát các bài hát theo chủ đề

4. Tham gia hội diễn văn nghệ của lớp, của trường.

+ Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1. Thuộc một số bài hát về cách mạng và quê hương đất nước; một số bài dân ca của địa phương.

2. Biết nói chuyện để tuyên truyền cổ động và tham gia Đội tuyên truyền Măng non.

3. Đã xem một số phim, tác phẩm thơ ca, âm nhạc, hội hoạ kinh điển hoặcnổi bật trong năm, biết thu hoạch về cái hay, cái đẹp trong mỗi tác phẩm.

4. Thường xuyên tham gia các hoạt động, phong trào văn hoá, văn nghệ của trường và địa phương.

5. Chuyên hiệu: NHÀ SINH HỌC NHỎ TUỔI [GHÉP THÊM THẦY THUỐC NHỎ TUỔI]

+ Hạng ba:

1. Biết tên và hình dáng một số con vật, gia súc, thú trong thiên nhiên và được con người nuôi dưỡng. Biết một số cây ăn quả, lương thực, cây thuốc, cây lấy gỗ.

2. Biết ích lợi và tác hại của một số con vật, cây trồng trên.

3. Có hành động chăm sóc, bảo vệ cây, con trong gia đình.

4. Biết phòng bệnh mùa hè, mùa đông; Nhận biết một số cây thuốc nam: nhọ nồi, hương nhu, đinh lăng, rau má, sả... và tác dụng chữa bệnh của từng cây.

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

1. Sưu tầm được một số tranh ảnh, các trang web về các loại thú quý, cây cảnh đẹp và những cây trồng, vật nuôi có giá trị ở địa phương.

2. Chăm sóc cây trồng, vật nuôi ở gia đình, tham gia phong trào xanh- sạch- đẹp ở gia đình, trường lớp và địa phương.

3. Biết hướng dẫn, giới thiệu cho bạn bè và người thân về lợi ích của một số loại cây, con sau khi sưu tầm được.

4. Biết buộc ga rô khi bị rắn cắn, chó dại cắn, máu chảy nhiều. Biết băng cố định khi bị gãy xương chân tay. Biết hô hấp nhân tạo.

+ Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1. Sưu tầm, biết tả cụ thể một số loài động vật, thực vật đã được học trong chương trình và ngoài chương trình. Tìm hiểu tác dụng, ích lợi của các động, thực vật đó về kinh tế, môi trường.v.v...

2. Có hành động cụ thể chăm sóc bảo vệ nuôi dưỡng, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp. Yêu thiên nhiên, sinh vật. Tham gia hoạt động trừ diệt các loại sâu bọ, động vật có hại đến sức khoẻ con người và môi sinh, mùa màng. Biết theo dõi trừ dịch bệnh cho cây, con ở gia đình, địa phương.

3. Hiểu một số kỹ thuật tiên tiến về trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo giống, bảo tồn các con vật quý, hiếm. Biết chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong gia đình. Tham gia các hoạt dộng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

4. Biết xử lý các trường hợp đau bụng, bong gân, điện giật, chết đuối, bỏng, động vật cắn, đốt, ngộ độc, bị ngạt.

6. Chuyên hiệu: VẬN ĐỘNG VIÊN NHỎ TUỔI

+ Hạng ba:

1. Tập đúng bài thể dục buổi sáng và giữa giờ.

2. Biết bơi hoặc nhảy dây, đá cầu và một số môn thể thao khác, phù hợp với bản thân.

3. Đi bộ 3 km trở nên

4. Vận động được các bạn tham gia hoạt động TDTT.

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

1. Biết bơi và xử lý khi bị chuột rút.

2. Đi xe đạp được 5 km trở lên.

3. Biết chơi ít nhất 01 môn TDTT. Tham gia vào một Đội TDTT của chi đội, liên đội và vận động được các bạn tham gia.

+ Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1. Đi bộ được 5 km trở lên; bơi ít nhất 50m.

2. Tập luyện 4 môn điền kinh phối hợp.

3. Biết 1 bài võ hoặc 1 bài thể dục nhịp điệu của lứa tuổi.

4. Biết làm trọng tài 01 vài môn thể dục thể thao hoặc hướng dẫn một môn thể thao.

7. Chuyên hiệu: AN TOÀN GIAO THÔNG

+ Hạng ba:

1. Biết các điều luật quy định về an toàn giao thông cho người đi bộ.

2. Biết các quy tắc giao thông, các biển báo, biển chỉ dẫn, tín hiệu: Đi xe thuận chiều, ngược chiều, xuống dốc, lên dốc, trường học, bệnh viện, đường nguy hiểm.v.v...

3. Biết nội dung hoạt động của phong trào "Thiếu nhi bảo vệ an toàn đường sắt".
          4. Biết những điều về luật giao thông đường sắt, các biển tín hiệu, biển chỉ dẫn đường sắt cắt ngang đường bộ, biển báo nguy hiểm, những quy định khi vào ga đi tàu, vượt qua đường ngang...

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

1. Biết hướng dẫn, giải thích cho bạn bè và mọi người thực hiện các quy định về luật giao thông cho người đi bộ, đi xe đạp.

2. Biết các biển báo cơ bản về giao thông đường sắt, đường sông.
Biết những gương điển hình của phong trào bảo vệ an toàn đường sắt ở địa phương [nếu có].

3. Biết nhà ga và tuyến đường sắt đi qua địa phương mình [nếu có].
          4. Biết các sự cố đe doạ an toàn đường sắt và cách xử lý khi có tình huống đó xảy ra.

5. Tham gia công tác bảo vệ an toàn đường sắt.

+ Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1. Biết các biển báo giao thông có liên quan đến đường bộ và một số biển báo giao thông đường sắt, đường sông.

2. Biết các tuyến đường sắt trên bản đồ đất nước. Biết tuyến đường sắt nước ta đi đến một số nước trong khu vực [tuyến liên vận quốc tế].

3. Biết một số điều trong Nghị định 39/CP của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông.

4. Tham gia giữ trật tự, an toàn giao thông ở cổng trường, địa phương, tuyên truyền bảo vệ đường sắt.

8. Chuyên hiệu: KHÉO TAY, HAY LÀM

+ Hạng ba:

1. Tự làm những việc phục vụ bản thân, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

2. Biết giúp gia đình, người thân công việc hàng ngày.

3. Tham gia tốt các hoạt động lao động ở trường, lớp và trên địa bàn dân cư, tham gia phong trào xanh- sạch- đẹp.

4. Thực hiện tốt chương trình thủ công, vẽ, có một số sản phẩm được điểm cao.
          5. Tự làm một đồ chơi bằng giấy, vải, gỗ cho bản thân và em bé.

        + Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

          1. Tự phục vụ tốt mọi sinh hoạt của bản thân.

2. Biết quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Nấu cơm, chăm sóc cây trồng, con vật nuôi trong gia đình.

3. Giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, sửa chữa đồ dùng của cá nhân và gia đình.
          4. Tích cực tham gia các hoạt động lao động ở trường, lớp, Đội trên địa bàn dân cư: Công trình Măng non, vệ sinh thôn xóm, trường lớp, phong trào xanh- sạch- đẹp. Tham gia chăm sóc, làm đẹp các di tích lịch sử tại địa phương.

        + Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

          1. Chỗ học, chỗ ngủ của bản thân ngăn nắp, gọn đẹp, vệ sinh quần áo sạch sẽ, biết tẩy vết bẩn, giặt, gấp, là [ủi] quần áo phẳng phiu cho bản thân và gia đình.
          2. Chủ động sắp xếp nhà cửa, góc học tập gọn gàng, ngăn nắp, sạch đẹp. Chủ động giúp đỡ gia đình trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi...

3. Biết sửa chữa nhỏ: Lau chùi xe đạp, sửa chữa đồ dùng đơn giản của bản thân và gia đình.

4. Có một số vật phẩm tự tay làm như: Sổ tay, nhật ký, cắt dán, vẽ, nặn, đồ dùng sinh hoạt, học tập, may vá, thêu, đan lát, đồ chơi tặng nhi đồng.

5. Tự chế biến được một số món ăn .

9. Chuyên hiệu: CHĂM HỌC

+ Hạng ba:

1. Đi học đều [không nghỉ học, không đi muộn] chăm chỉ học tập.
          2. Thực hiện tốt việc học ở lớp. Chú ý nghe giảng bài. Hăng hái phát biểu ý kiến, không quay cóp khi kiểm tra.

3. Thực hiện tốt việc học ở nhà:

- Học thuộc bài, làm bài tập đầy đủ

- Có thời khoá biểu học ở nhà, có góc học tập

4. Giúp đỡ bạn học kém

- Học tập bạn học giỏi

- Vượt khó học tập tốt, giúp ít nhất một bạn kém học tiến bộ.

5. Đạt kết quả học tập tốt:

- Có sự tiến bộ về học tập, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra và thi.

6. Học ngoại ngữ tin học.

- Biết một số chức năng cơ bản của máy vi tính.

- Biết một số câu giao tiếp cơ bản của một ngoại ngữ.

+ Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

1. Đi học đều, chuyên cần [không bỏ tiết, nghỉ học không có lý do].

2. Thực hiện tốt việc học ở lớp, ở nhà

- Học tập chuyên cần, có phương pháp

- Học đều các môn học

- Có góc học tập, thực hiện tốt giờ tự học ở trường và ở nhà.

3. Vượt khó học tốt, có việc làm cụ thể giúp bạn học kém hơn. Không giấu dốt, không quay cóp khi kiểm tra, thi.

4. Áp dụng bài học vào thực tiễn

5. Đạt kết quả học tập tốt, luôn tiến bộ trong học tập.

6. Học ngoại ngữ tin học.

- Sử dụng được một số chức năng cơ bản của máy vi tính.

- Sử dụng một số câu giao tiếp cơ bản của một ngoại ngữ.

        + Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

1.     Có động cơ và thái độ học tập tốt, có ý thức tích luỹ kiến thức.

2. Áp dụng phương pháp học tập tốt. Học đều các môn; không học lệch, hoặc chỉ tập trung vào các môn thi. Vận dụng bài học vào thực tế .

3. Giúp bạn học tốt, vượt khó, giúp được ít nhất 1 bạn kém tiến bộ, học hỏi bạn giỏi.

4. Làm bài kiểm tra, thi nghiêm túc.

5. Đạt kết quả học tập tốt [có sự tiến bộ trong học tập] và trong các bài kiểm tra, thi.

6. Học ngoại ngữ tin học.

- Sử dụng một số chức năng và ứng dụng cơ bản của máy vi tính.

- Sử dụng được một ngoại ngữ trong giao tiếp đơn giản.

10. Chuyên hiệu: HỮU NGHỊ QUỐC TẾ

+Hạng ba:

1. Biết xem bản đồ thế giới, chỉ đúng vị trí và tên các châu lục.

2. Chỉ được vị trí nước Việt Nam trên bản đồ thế giới [Địa cầu].

3. Biết tên các nước ở cạnh nước ta: Biết cờ và thủ đô các nước đó.

4. Biết tên phong trào thiếu nhi Việt Nam ủng hộ thiếu nhi Quốc tế.

5. Biết chào hỏi những câu đơn giản bằng một ngoại ngữ.

        + Hạng nhì: Đã đạt hạng ba

          1. Chỉ và nêu tên các nước trong khối ASEAN trên bản đồ thế giới và nói

được tên thủ đô các nước đó.

2. Biết một số tuyến hàng không Việt Nam đi các nước.

3. Biết tên một số tổ chức quốc tế về trẻ em.

4. Có tham gia học ngoại ngữ và vi tính [nơi có điều kiện].

5.Biết cách giao tiếp đơn giản bằng một ngoại ngữ.

          6. Dành thời gian thích đáng cho học ngoại ngữ, thường xuyên trau dồi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

        + Hạng nhất: Đã đạt hạng nhì

          1. Giới thiệu được ít nhất 5 nước có quan hệ ngoại giao với nước ta [vị trí trên bản đồ, đặc điểm nổi bật, quốc kỳ...]

2. Tham gia học một ngoại ngữ và vi tính [nơi có điều kiện]

3. Biết tên được một số tổ chức quốc tế có quan hệ với nước ta

4. Biết tên một số nước có hợp tác, kinh tế, văn hoá... với nước ta.

5- Có khả năng giới thiệu được về bạn bè, liên Đội, chi Đội và gia đình,

trường học, địa phương mình bằng một ngoại ngữ.

6- Tích cực tham gia các cuộc thi về ngoại ngữ do nhà trường và các cơ quan liên quan tổ chức.

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH RÈN LUYỆN ĐỘI VIÊN

-----------------

Chương trình rèn luyện Đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là chương trình giáo dục tổng hợp, đồng tâm, mang tính định hướng gồm những kiến thức về truyền thống lịch sử dân tộc, truyền thống về Đoàn, Đội, về nghiệp vụ công tác Đội; kiến thức về môi trường, sức khỏe; thể dục thể thao; về quân sự, giao thông; chăn nuôi, trồng trọt và những vấn đề quốc tế… giúp cho đội viên rèn luyện phát triển toàn diện, trở thành người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đội viên, là một trong các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng đội viên; chất lượng hoạt động Đội; phong trào thiếu nhi, chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời kỳ mới.

- Tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong đội viên, thiếu nhi trên các lĩnh vực học tập, rèn luyện và sinh hoạt. Huy động được sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội.

- Việc triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đội viên phải được tiến hành đồng bộ, khoa học, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thiếu nhi.
          II. NỘI DUNG, CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:

1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Chương trình rèn luyện đội viên.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền cung cấp phổ biến cho đội viên, thiếu nhi hiểu, nắm chắc nội dung của Chương trình rèn luyện đội viên, thông qua các hoạt động: sinh hoạt liên, chi đội; phát thanh măng non; thông tin trên bảng tin của Đội; in phát tài liệu; tọa đàm; giao lưu tìm hiểu; tổ chức tập huấn trang bị kiến thức về chương tình, kĩ năng triển khai thực hiện cho đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy liên đội, chi đội; anh chị phụ trách; các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn…

- Chú trọng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên; các bậc phụ huynh học sinh; các lực lượng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình rèn luyện đội viên tạo sự ủng hộ thống nhất trong việc triển khai Chương trình rèn luyện đội viên.

2. Đội viên đăng ký rèn luyện theo Chương trình rèn luyện đội viên.

Nhân dịp các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm trong năm học, tổ chức các hoạt động: lễ đăng ký, lễ ký kết giao ước thi đua đăng ký thực hiện Chương trình rèn luyện đội viên giữa đội viên, các liên, chi đội.

- Coi trọng các hình thức gây ấn tượng, tạo khí thế thi đua, niềm tự hào trong đội viên, thiếu nhi khi được đăng ký thực hiện chương trình.

3. Đội viên tự rèn luyện theo chương Chương trình rèn luyện đội viên.

- Căn cứ nội dung của Chương trình rèn luyện đội viên, các anh, chị phụ trách, các thầy, cô giáo cần có sự hướng dẫn cho đội viên tự nghiên cứu, tìm hiểu thông qua các lớp tập huấn; các lớp huấn luyện; qua các giờ ngoại khóa; qua các môn học…

- Coi trọng yếu tố đội viên chủ động tự giác rèn luyện theo từng nội dung của chương trình, rèn luyện trong học tập, trong sinh hoạt hàng ngày ở trong gia đình và ngoài xã hội.

Lưu ý: Chương trình rèn luyện đội viên là chương trình giáo dục mang tính định hướng theo lứa tuổi, vì vậy các địa phương khi triển khai cần có sự điều chỉnh bổ sung từng nội dung của chương trình cho phù hợp tình hình cụ thể với vùng miền để các đội viên dễ rèn luyện.

4. Biện pháp công nhận hoàn thành Chương trình rèn luyện đội viên.

4.1. Hình thức công nhận:

A. Các chuyên hiệu:

1. Nghi thức đội viên.

2. Kỹ năng đội viên.

3. Nghệ sĩ nhỏ tuổi.

4. An toàn giao thông.

5. Khéo tay hay làm.

6. Vận động viên nhỏ tuổi.

7. Nhà Sinh học nhỏ tuổi.

8. Chăm học.

9. Nhà Sử học nhỏ tuổi.

10. Hữu nghị Quốc tế.

- Việc triển khai chuyên hiệu phải được tiến hành khoa học, đồng bộ 10 chuyên hiệu. Quá trình triển khai căn cứ tình hình, đặc điểm của từng địa phương mà việc triển khai 10 chuyên hiệu cho phù hợp, có thể theo các chặng, giai đoạn, chủ đề, chủ điểm, các trọng tâm công tác trong năm học.

- Đối với một số chuyên hiệu không phù hợp với thực tiễn một số địa phương, có thể tạm thời ban hành chuyên hiệu riêng của địa phương. Tuy nhiên để đảm bảo tính thống nhất trong cả nước, số chuyên hiệu do địa phương ban hành không vượt quá 1/3 số chuyên hiệu của Chương trình rèn luyện đội viên và phải được sự thống nhất, đồng ý của Hội đồng Đội Trung ương.

Các chuyên hiệu chia làm 3 hạng: hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất.

B. Chứng nhận:

Chuyên hiệu được chứng nhận trong Sổ theo dõi rèn luyện nhi đồng và đội viên do Hội đồng Đội Trung ương và Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành.

Chương trình rèn luyện đội viên được chứng nhận hoàn thành theo lứa tuổi.

- Hoàn thành Chương trình Măng non [lứa tuổi từ 9-11 tuổi].

- Hoàn thành Chương trình Sẵn sàng [lứa tuổi từ 11-13 tuổi].

- Hoàn thành Chương trình Trưởng thành [lứa tuổi từ 13-15 tuổi].

4.2. Công tác kiểm tra công nhận đạt các chuyên hiệu.

+ Hình thức kiểm tra, công nhận: Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, của từng cấp mà tổ chức các hình thức kiểm tra cho phù hợp, đa dạng, phong phú, tạo không khí thi đua, vui tươi, phấn khởi và tự hào của đội viên khi được tham dự; đảm bảo phương châm "Học mà vui - vui mà học".

- Hình thức kiểm tra cần vận dụng sáng tạo, thông qua các hoạt động thi trắc nghiệm: thi viết, thi vấn đáp; thi theo tập thể, hoặc đại diện; thông qua điểm thi, kết quả học tập các bộ môn học; thông qua sinh hoạt, hoạt động Đội. Quá trình kiểm tra coi trọng chất lượng, tránh các biểu hiện mang tính hình thức, chạy theo số lượng.

- Công tác kiểm tra và việc chứng nhận công nhận đội viên đạt các chuyên hiệu và hoàn thành chương trình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục theo chủ đề, chủ điểm trong năm với các hình thức phong phú, tạo khí thế vui tươi, ấn tượng, tự hào trong đội viên.

+ Quy mô kiểm tra, công nhận: Việc tổ chức kiểm tra nên tiến hành với quy mô ở các cấp khác nhau tạo không khí thi đua trong đội viên và tổ chức Đội như: giữa các chi đội; các liên đội; các cụm, các quận, huyện…

+ Việc ký công nhận các chuyên hiệu và công nhận hoàn thành Chương trình rèn luyện đội viên trong phạm vi cấp nào tổ chức thi [xã, huyện, tỉnh] thì do Chủ tịch Hội đồng Đội cùng cấp ký và đóng dấu [Những nơi chưa có Hội đồng Đội cấp xã, thì Bí thư Đoàn xã ký và đóng dấu Đoàn Thanh niên].

+ Việc thực hiện Chương trình rèn luyện đội viên, nhất là việc kiểm tra công nhận các chuyên hiệu và hoàn thành Chương trình rèn luyện đội viên nhất thiết phải gắn với công nhận các danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ; liên đội, chi đội mạnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Các cấp chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện cho phù hợp với địa phương, đơn vị. Quá trình triển khai các địa phương cần cụ thể hóa các nội dung của chương trình cho phù hợp với từng vùng miền, đối tượng.  Xây dựng cơ chế phối hợp với các ngành, các lực lượng xã hội tạo sự thống nhất, huy động nguồn lực phục vụ cho Chương trình rèn luyện đội viên.

Tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, nghiệp vụ kỹ năng triển khai cho đội ngũ cán bộ Đội. Chú trọng việc chỉ đạo điểm; sơ, tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đội viên ở các cấp; giới thiệu và nhân điển hình…

Video liên quan

Chủ Đề