Có mấy phong cách giao tiếp

1. Khái niệm phong cách giao tiếp

1.1. Định nghĩa

Trước hết, có thể đề cập về thuật ngữ phong cách như một thật ngữ cơ bản trong khái niệm này. Hiểu theo nghĩa thông thường, phong cách là cách thể hiện của con người trong phong thái quan hệ và đôi xử, trong những biểu hiện hành động ở cuộc sống.

Đánh giá về phong cách của một cá nhân, thông thường người khác sẽ dựa vào cách thể hiện ở hành vi, cử chỉ, cách trò chuyện, làm việc... Phong cách có thể được quy về những kiểu loại như: nhanh nhẹn, chậm chạp; hời hợi, sâu sắc, duyên dáng, thô kệch; sang trọng, quê mùa, chuyên nghiệp, tệ hại...

Theo Từ điển Tiếng Việt, phong cách là những lối, cung cách sinh hoạt làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một loại người nào đó [nói tổng quát].

Trong cuộc sống, ở mỗi con người hay nhóm người dần hình thành nên những nét riêng trong lời nói, cử chỉ, điệu bộ, hành động. Chúng tạo nên phong cách giao tiếp của nguời đó hoặc nhóm người đó.

Theo các nhà Tâm lý học Xô Viết như A.Klimov, A.Cubanova, M.Rakhamatulyna... thì phong cách giao tiếp là toàn bộ hệ thống các phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động tương đối bền vững, ổn định của mỗi cá nhân. Chúng quy định sự khác biệt cá nhân, giúp cá nhân thích ứng với môi trường sống mà đặc biệt là môi trường xã hội.

Theo tác giả Hoàng Anh thì phong cách giao tiếp là toàn bộ hệ thống những phương pháp, những thủ thuật tiếp nhận, những phản ứng hành động tương đối ổn định và bền vững của chủ thể và đối tượng giao tiếp trong quá trình tiếp xúc với nhau và với mọi người, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của họ.

Như vậy, phong cách giao tiếp là hệ thống những lời nói, cử chỉ, điệu bộ, động tác, các ứng xử tương đối ổn định của mỗi con người hoặc mỗi nhóm người trong giao tiếp.

Đơn cử như trong việc đón tiếp khách, khi khách đến, giám đốc A luôn bước nhanh đến đón khách, chìa tay ra cho khách, còn giám đốc B thì lại thường đứng ở một vị trí, chờ khách đến mới đưa tay ra để bắt tay và chào hỏi khách. Hay khi trò chuyện với khách, người Việt thường mở đầu bằng việc quan tâm hỏi han khách, sau đó mới đi vào công việc; trong giao tiếp, người Việt ít sử dụng mắt và các cử chỉ, điệu bộ, còn người phương Tây lại thường đi thẳng vào công việc, sử dụng mắt, cử chỉ, điệu bộ trong giao tiếp nhiều hơn.

Phân tích sâu hơn về các dấu hiệu cơ bản của phong cách, có thể đề cập đến những dấu hiệu sau:

- Hệ thống những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động tương đối ổn định, bền vững của cá nhân, giúp con người hoạt động và ứng xử.

- Hệ thống các phương pháp, thủ thuật quy định những đặc điểm khác biệt giữa các cá nhân.

- Hệ thống các phương tiện có hiệu quả giúp cá nhân thích nghi với những thay đổi của môi trường [nhất là môi trường xã hội]. Dấu hiệu này nói lên sự linh hoạt, cơ động, mềm dẻo của các phương pháp, thủ thuật... ứng xử của cá nhân.

1.2. Đặc trưng của phong cách giao tiếp

Phong cách giao tiếp có ba đặc trưng cơ bản: tính ổn định, tính chuẩn mực và tính linh hoạt.

1.2.1. Tính ổn định

Tính ổn định của phong cách giao tiếp biểu hiện ở chỗ, phong cách giao tiếp của mỗi người, mỗi nhóm người là tương đối như nhau trong những tình huống giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, một giáo viên có phong cách giảng bài chậm rãi, ung dung thư thái, thì không chỉ thường đứng trên bục giảng, ít chuyển động mà ngay cả với đồng nghiệp hay người thân trong gia đình, người đó cũng thường nói chậm rãi, ung dung thư thái như vậy.

Tính ổn định của phong cách giao tiếp được quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó cơ bản là:

- Đặc điểm thể chất của cá nhân

Chẳng hạn như chiều cao, tỉ lệ giữa các phần của cơ thể: đầu, mình, chân, tay cũng ảnh hưởng nhiều đến đến dáng đi, tư thế đứng và sự chuyển động của cơ thể.

- Nghề nghiệp

Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, mỗi con người thường tham gia vào những quan hệ giao tiếp ổn định, trong những điều kiện, hoàn cảnh cũng tương đối ổn định, chúng tạo nên những nét riêng trong giao tiếp của những người cùng nghề. Từ đó, phong cách giao tiếp của người thầy giáo khác phong cách giao tiếp của người thầy thuốc, phong cách giao tiếp của người thư ký khác phong cách giao tiếp của nhà khoa học, phong cách giao tiếp của người kinh doanh khác phong cách giao tiếp của người nông dân...

- Đặc trưng của thời đại

Ở mỗi thời đại, phong cách giao tiếp của con người bị ảnh hưởng hay bị chi phối bởi những sự tác động của điều kiện xã hội, yêu cầu về công việc, nhịp sống... Sự tác động này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp làm cho những biểu hiện của con người từ hành vi bên ngoài cho đến cách thức suy nghĩ và hành động ý chí mang những “màu sắc” tương ứng. Chẳng hạn, phong cách giao tiếp của con người trong thời kỳ đổi mới có nhịp điệu nhanh, hối hả, khẩn trương hơn thời bao cấp.

Tính ổn định của phong cách giao tiếp tạo nên nét riêng của mỗi con người, mỗi nhóm người trong giao tiếp. Điều này trở thành một đặc trưng tâm lý trong giao tiếp, nó mang dấu ấn riêng và gây những hiệu ứng hết sức thú vị, độc đáo.

1.2.2. Tính chuẩn mực

Giao tiếp là một hành vi xã hội phổ biến ở con người. Nó được quy định bởi các chuẩn mực xã hội như đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ, pháp luật; bởi phong tục, tập quán, truyền thông, lễ giáo và các nguyên tắc khác được ấn định trong giao tiếp. Cụ thể như một học sinh khi trả lời câu hỏi của thầy giáo thì cần mở đầu bằng những từ: “Em thưa thầy...”; một nhân viên khi báo cáo kết quả công việc với giám đốc thì phải: “Thưa giám đốc...” hoặc “Báo cáo giám đốc...” hay khi một người lớn tuổi và một người trẻ tuổi gặp nhau thì người trẻ tuổi phải chào người lớn tuổi...

Trong giao tiếp, nếu con người không tuân thủ các chuẩn mực, các quy tắc, thì bị đánh giá là “thiếu văn hóa”, “thiếu giáo dục”, “hỗn láo” hoặc nói theo kiểu nhẹ nhàng hơn là “không lịch sự”.

Mỗi cơ quan, mỗi công ty thường có những quy định riêng về vấn đề giao tiếp trong cơ quan, trong công ty đó, chẳng hạn như việc gặp gỡ giữa nhân viên và lãnh đạo, hội họp, tiếp khách, hoặc những yếu tố thuộc về “truyền thống”, những chuẩn mực không được lãnh đạo quy định nhưng được mọi người chấp nhận, chẳng hạn như trang phục. Là một người muốn quan tâm đến vấn đề giao tiếp một cách khoa học và chuyên biệt, bạn cần am hiểu và tôn trọng các quy định, các chuẩn mực này. Mỗi cộng đồng người, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, lễ giáo, truyền thông riêng mà con người cần biết, đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi xu thế hội nhập, liên kết, hợp tác khu vực và toàn cầu đang là xu thế chính của thời đại. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa giao tiếp của các dân tộc trên thế giới có thể gây bất lợi cho sự nghiệp của bạn. Chẳng hạn, ban tổ chức yến tiệc chiêu đãi một đoàn khách quốc tế, trong đó có cả những vị theo đạo Hồi, mà trong thực đơn của bạn lại có món được chế biến từ thịt lợn, thì đó là một thiếu sót không nhỏ của bạn, những vị khách đó sẽ cảm thấy bị xúc phạm và rất dễ rời bàn tiệc.

1.2.3. Tính linh hoạt của phong cách giao tiếp

Trong phong cách giao tiếp của mỗi con người, bên cạnh những yếu tố ổn định, khó thay đổi, còn có những yếu tố được thay đổi theo tình huống giao tiếp, chúng giúp con người đó có những lời nói, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với tình huống giao tiếp cụ thể. Chẳng hạn, một giám đốc khi giao tiếp với nhân viên của mình sẽ có những lời nói, cử chỉ khác với khi giao tiếp với người thân ở gia đình; lời nói, cử chỉ của người thư ký khi tiếp khách cũng khác với khi giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp. Như vậy, tính linh hoạt của phong cách giao tiếp nói lên sự khéo léo, mềm dẻo của mỗi con người trong giao tiếp, ứng xử với người khác.

Trong công tác của mình, ở mỗi vị trí khác nhau, phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, trong những tình huống khác nhau. Vì vậy, linh hoạt, mềm dẻo là một trong những phẩm chất giao tiếp cần thiết nhất của con người. Đó cũng chính là cơ sở rất quan trọng để chúng ta giao tiếp mang tính thích ứng, làm chủ những tình huống giao tiếp khác nhau, mềm mại để chinh phục đối tượng giao tiếp trong những hoàn cảnh khác nhau.

2. Các loại phong cách giao tiếp

Phong cách giao tiếp của mỗi con người luôn có những nét riêng, không ai giống ai. Nói cách khác, phong cách giao tiếp của con người thực sự đa dạng, phong phú. Tuy vậy, căn cứ vào những nét nổi trội, điển hình, nhiều nhà tâm lí học phân biệt thành ba loại phong cách giao tiếp: phong cách dân chủ, phong cách độc đoán và phong cách tự do.

2.1. Phong cách giao tiếp dân chủ

Phong cách giao tiếp dân chủ biểu hiện qua những nét nổi bật sau đây:

- Bình đẳng, gần gũi, thoải mái

Người có phong cách dân chủ có xu hướng tạo không khí bình đẳng, thân mật, thoải mái trong giao tiếp. Họ cố gắng thu hẹp khoảng cách với đối tượng giao tiếp tới mức có thể, thông qua ăn mặc, đi đứng, nói năng, điệu bộ, cử chỉ... Chẳng hạn, một người lãnh đạo dân chủ thì khi tiếp khách, cho dù đó là nhân viên dưới quyền, họ thường niềm nở, vui vẻ chìa tay ra cho khách, mời khách ngồi, chủ động ngồi gần khách, quan tâm hỏi thăm sức khỏe.

- Tôn trọng đối tượng giao tiếp, chú ý đến đặc điểm tâm lí cá nhân của họ

Trong giao tiếp, người có phong cách dân chủ thường chú ý tìm hiểu các đặc điểm tâm lí cá nhân của đối tượng giao tiếp như: sở thích, thói quen, nhu cầu, quan điểm... để từ đó có phương pháp tiếp cận hợp lí. Chính vì vậy mà họ thường được đánh giá là dễ gần, dễ thông cảm, dễ nói chuyện, không quan cách.

- Lắng nghe đối tượng giao tiếp

Lắng nghe là một trong những nét nổi bật thường thấy ở người có phong cách giao tiếp dân chủ. Họ điềm tĩnh, kiên trì lắng nghe người khác và những ý kiến xác đáng của người khác luôn được họ quan tâm đáp ứng kịp thời hoặc có lời giải thích rõ ràng.

Phong cách giao tiếp dân chủ làm cho đối tượng giao tiếp cảm thấy thoải mái, yên tâm, tự tin, giúp họ phát huy được tính độc lập, chủ động, sáng tạo trong công việc. Chính vì vậy mà người có phong cách giao tiếp dân chủ thường được nhiều người yêu mến, kính trọng, tin tưởng.

Tuy nhiên, dân chủ phải có nguyên tắc, không xóa nhòa mọi ranh giới giữa người này với người khác trong giao tiếp. Trong trường hợp ngược lại sẽ dẫn đến tình trạng “cá mè một lứa”, xuề xòa, “dân chủ quá trớn”. Đặc biệt, trong giao tiếp mang tính chất công việc, dù người đối thoại có thoải mái đến mức độ nào đi chăng nữa, thì vẫn có những nguyên tắc mà chúng ta không được bỏ qua.

2.2. Phong cách giao tiếp độc đoán

Ngược với phong cách dân chủ là phong cách độc đoán. Người có phong cách giao tiếp độc đoán thường đề cao nguyên tắc, đòi hỏi ranh giới phải được tôn trọng [anh là nhân viên - còn tôi là giám đốc, đừng bao giờ quên điều đó]. Họ thường hành động một cách cứng rắn, kiên quyết, đánh giá và ứng xử mang tính đơn phương, một chiều, cứng nhắc, xuất phát từ ý của mình, ít chú ý đến người khác, vì vậy không ít người ngại tiếp xúc với họ.

Ở những tổ chức mà người lãnh đạo là người có phong cách độc đoán, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân viên thường khó được phát huy. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh phức tạp, khẩn cấp, đòi hỏi một con người quyết đoán, dám chịu trách nhiệm thì phong cách giao tiếp độc đoán thường phát huy tác dụng.

2.3. Phong cách giao tiếp tự do

Người có phong cách giao tiếp tự do thường biểu hiện những đặc điểm sau:

- Hành vi, lời nói, ứng xử, thái độ bị chi phối nhiều bởi tâm trạng, cảm xúc và tình huống. Do đó, các nguyên tắc, chuẩn mực nhiều khi bị coi nhẹ. Đơn cử như một người lãnh đạo dễ dàng bỏ qua, không xử lý vi phạm kỷ luật của nhân viên, hoặc nhân viên thích nghỉ sớm thì cho nghỉ ngay, không cần biết lý do có thỏa đáng hay không.

- Mục đích, nội dung và đối tượng giao tiếp thường dễ dàng thay đổi. Ví dụ: A đang đi cùng B thì gặp C, A dừng lại trò chuyện với C và quên luôn cả B đang đứng chờ và việc mà A đang giúp B.

- Quan hệ giao tiếp rộng nhưng hời hợt, không sâu sắc.

Phong cách giao tiếp tự do có ưu điểm là làm cho đối tượng giao tiếp cảm thấy thoải mái, được tôn trọng, do đó phát huy được tính tích cực của họ, đặc biệt là với những người có ý thức tự giác cao. Song người có phong cách giao tiếp tự do cũng dễ bị người khác coi thường, dễ bị đánh giá là thiếu đứng đắn và thiếu nghiêm túc.

Mỗi phong cách giao tiếp đều xuất phát từ những yêu cầu như: chủ thể giao tiếp, tình huống giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, đối tác giao tiếp... Điều cơ bản ở mỗi phong cách không phải là phong cách ấy như thế nào mà được vận dụng ra sao ở những hoàn cảnh nhất định. Trong giao tiếp, cũng rất khó có thể nói một cá nhân chỉ mang một phong cách giao tiếp nhất định dù rằng phong cách giao tiếp của mỗi cá nhân có thể thể hiện sự nổi trội nhất định theo một kiểu loại nào đó.

Như vậy, ba loại phong cách giao tiếp nêu trên đều có những mặt yếu và mặt mạnh. Không có loại nào là tối ưu cho mọi trường hợp. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết kết hợp cả ba loại phong cách giao tiếp và tùy thuộc vào tình huống cụ thể mà thể hiện phong cách giao tiếp tối ưu nhất.

3. Văn hóa và một vài đặc điểm trong phong cách giao tiếp người Việt

Với lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, cộng đồng người Việt đã tạo nên những nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng và hết sức độc đáo. Đó là truyền thống nhân nghĩa, là tính cố kết cộng đồng, là tinh thần yêu nước... Trải qua những biến động lịch sử và xã hội, những nét văn hóa truyền thống đó phần nào bị tác động, ảnh hưởng nhưng vẫn còn rất đậm nét trong lối sống, cách ứng xử của người Việt Nam.

Văn hóa giao tiếp phản ánh những nét văn hóa chung của một cộng đồng, một quốc gia, một dân tộc. Khi nói đến văn hóa giao tiếp của người Việt, người ta thường chú ý đến một số đặc trưng sau:

3.1. Người Việt Nam vừa thích giao tiếp nhưng lại vừa rụt rè

Văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Trong nền văn minh ấy, đòi hỏi mọi người phải cùng hợp tác, hiệp lực với nhau trong quá trình canh tác. Do vậy, người Việt Nam thường sống phụ thuộc vào nhau và rất coi trọng việc giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với các thành viên khác trong cộng đồng. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho người Việt Nam rất coi trọng giao tiếp và thích giao tiếp. Đặc tính thích giao tiếp này được thể hiện dưới hai góc độ sau:

- Thứ nhất, người Việt Nam thường thích thăm viếng nhau. Một khi đã thân nhau thì người ta thường đến thăm gặp nhau. Không chỉ trong những ngày lễ, tết, ngày nghỉ mà cả những ngày thường, nếu có thời gian và điều kiện thì họ sẵn sàng đến thăm hỏi nhau. Nếu như đối với người phương Tây, việc thăm gặp nhau thường là vì mục đích công việc thì đối với người Việt, điều đó lại thể hiện sự quan tâm và tình cảm dành cho nhau. Nét đặc trưng này được thể hiện rất rõ ở các vùng nông thôn, miền quê. Mỗi khi có một ai đó đi xa về thì những người bà con, họ hàng và cả hàng xóm, láng giềng thường đến hỏi thăm tình hình. Đồng thời, người mới về cũng sẽ đến nhà thăm hỏi lại những người trong làng, xóm và cộng đồng dân cư. Chính những điều này đã tạo nên “tình làng, nghĩa xóm” khăng khít lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng. Đặc tính thích thăm viếng được thể hiện rõ nhất qua truyền thống chúc Tết lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, con, cháu đi xa thường về đoàn tự, sum họp cùng gia đình. Trong ngày mùng một Tết, các anh em, con cháu thường tập trung lại để chúc Tết các bậc sinh thành, các bậc bô lão trong gia đình. Sau đó, họ đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới. Đây cũng là dịp để bạn bè, đồng nghiệp, mà người ta hay gọi là các hội như: hội đồng môn [bạn học], đồng ngũ [bạn trong quân đội], đồng niên [bạn cùng tuổi]... gặp gỡ nhằm tổng kết lại năm cũ và chúc tụng nhau cho năm mới gặp nhiều may mắn. Người Việt Nam thích thăm viếng nhau nên có khi, hàng ngày là đồng nghiệp của nhau, thường xuyên gặp gỡ nhau nhưng cuối tuần họ vẫn có thể đến thăm hỏi nhau và chia sẻ cùng nhau.

- Thứ hai, người Việt Nam thường hiếu khách. Khi có khách đến thăm nhà, dù là thân thiết hay không thân thiết thì gia chủ đều đón tiếp rất nồng hậu và dành cho khách những thứ tốt nhất trong gia đình. Người Việt xưa thường có câu “nhịn miệng đãi khách” để nói lên điều này. Có khi, khách tới nhà, mặc dù trong nhà không có sẵn đồ ăn, thức uống nhưng gia chủ cũng sẽ tìm cách đi mua hoặc bằng cách nào đó để có những món ngon nhất đãi khách. Nét văn hóa này sẽ tương đối mờ nhạt ở các thành phố lớn nhưng càng về các vùng quê xa xôi thì sẽ càng thấy rõ tính hiếu khách của chủ nhà. Đơn giản, người Việt quan niệm rằng khách thì lâu lâu mới đến chơi, cùng lắm là ở lại “ngày một, ngày hai” nên phải tiếp đón cho chu đáo dù sau đó có thể mình sẽ phải ăn bớt đi. Đây là một nét văn hóa giao tiếp rất đáng quý của người Việt Nam ta.

Đi liền với việc thích giao tiếp, người Việt Nam lại có đặc tính dường như đối lập lại đó là sự rụt rè. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ hai đặc tính cơ bản của làng xã Việt Nam đó là tính cộng đồng và tính tự trị. Giữa các thành viên trong nội bộ làng, xã thường có sự gắn kết chặt chẽ với nhau nhưng khi xét dưới góc độ khái quát - coi làng, xã như một “cá thể” lớn thì nó lại thể hiện rất rõ tính tự trị. Câu nói “phép vua thua lệ làng” phản ánh rất rõ điều này. Trong thực tế, có những cộng đồng làng, xã vẫn còn tồn tại những tập quán, tập tục hết sức lạc hậu, thậm chí là không đúng với quy định của pháp luật nhưng chúng vẫn có sức scíng trong cộng đồng đó, có tác dụng điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong cộng đồng. Khi đang ở trong phạm vi cộng đồng quen thuộc - nơi tính cộng đồng ngự trị thì người Việt Nam sẽ tỏ ra xởi lởi, thích giao tiếp. Nhưng khi ra ngoài cộng đồng, trước những người lạ - nơi tính tự trị phát huy tác dụng thì người Việt Nam sẽ tỏ ra rụt rè. Biểu hiện của tình trạng này là khi gia nhập vào các cộng đồng người mới, các nhóm xã hội lớn, người Việt thường khó hòa nhập và phải mất một khoảng thời gian để có thể thích ứng được. Trong những hoàn cảnh như vậy, con người thường có xu hướng “khép mình” và trở nên thụ động. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là ở những người từ các miền quê mới ra thành phố, khi gia nhập vào lối sống thành thị thường hết sức bỡ ngỡ, lạ lẫm. Thực trạng những tân sinh viên từ các tỉnh nông thôn vào thành phố học tập thường gặp phải nhiều khó khăn trong những năm đầu cũng xuất phát từ đặc tính rụt rè của người Việt. Trong thế giới hiện đại và ngày càng trở nên “phẳng” thì ảnh hưởng của đặc tính này là không phù hợp. Nếu không biết cách khắc phục thì nó sẽ trở thành một “màng chắn”, một “rào cản” vô hình cho người Việt trong quá trình gia nhập và hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hai đặc tính thích giao tiếp và rụt rè tưởng như trái ngược nhau nhưng lại không hề mâu thuẫn với nhau bởi vì chúng được bộc lộ trong những hoàn cảnh, những môi trường khác nhau. Nó giống như hai mặt của một vấn đề của cùng một bản chất và là biểu hiện cho cách ứng xử linh hoạt của người Việt Nam.

3.2. Trong giao tiếp, người Việt Nam coi trọng tình cảm và lấy tình cảm là nguyên tắc ứng xử

Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp, người Việt Nam thường gắn bó với nhau, họ coi trọng yếu tố tình nghĩa. Trong nền văn hóa ấy, tình cảm có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng và chuẩn mực chi phối cách ứng xử của con người trong các mối quan hệ xã hội. Nói như vậy không có nghĩa là người Việt không coi trọng đến cái lý mà với họ cái tình quan trọng hơn cái lý.

Trong dân ca, tục ngữ của người Việt, có khá nhiều câu nói về đặc điểm văn hóa giao tiếp này như:

“Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”.

“Yêu nhau mọi việc chẳng nề. Một trăm chỗ lệch củng kê cho bằng”.

“Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”.

Có thể nói, đây là một nét đặc trưng của người phương Đông nói chung bởi có sự tương đồng nhất định về văn hóa. Trong khi ở các nước phương Tây, yếu tố độc lập và tự lập được đề cao, đồng nghĩa với “cái tôi cá nhân” được phát triển một cách mạnh mẽ thì ở các nước phương Đông, dường như “cái tôi xã hội” lại phát triển cao hơn. Chính điều này là nguyên nhân của lối sống tình cảm của người Việt. Đối với người Việt Nam, khi nhận được sự giúp đỡ của ai đó, dù là không nhiều nhưng cũng phải ghi nhớ để trả ơn. Khi ai đó hướng dẫn, chỉ bảo mình dù một chút cũng phải tôn làm thầy. Chính vì vậy, khái niệm “thầy” không chỉ bó hẹp là thầy giáo mà được mở rộng ra như: thầy thuốc, thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý, thầy đồ...

Lối ứng xử trọng tình nghĩa của người Việt có hai mặt, vừa tích cực lại vừa tiêu cực. Tích cực là ở chỗ, chính vì sống trọng tình nên người Việt Nam thường quan tâm, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau. Đó chính là nền tảng của tinh thần đoàn kết dân tộc - là sức mạnh đánh bại mọi kẻ thù của dân tộc và chống chọi với thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Điều này cũng tạo nên sự liên hệ tình cảm mà người ta gọi là “tình làng, nghĩa xóm” hay “hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”, rồi “bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay nói rộng hơn đó là “tình đồng chí”, “nghĩa đồng bào”... Lịch sử dân tộc đã chứng minh, nêu huy động được sự tham gia, góp sức và hợp lực của toàn dân thì có thể tạo nên được sức mạnh diệu kỳ, chiến thắng mọi kẻ thù và xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Trong phạm vi gia đình, cách ứng xử trọng tình cảm đã góp phần tạo nên những giá trị truyền thống có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức của con trẻ. Lối ứng xử ấy làm cho quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên khắng khít và gắn bó hơn. Đạo lý “kính trên, nhường dưới”, “kính già, yêu trẻ” cũng bắt nguồn từ đặc tính đó. Đối với phạm vi xã hội, do lối sống trọng tình nên khi có xảy ra chuyện gì hay có gặp mâu thuẫn, trước hết, người ta lấy tình cảm làm cơ sở để xử lý rồi mới tính đến chuyện dùng đến sự can thiệp của người khác hay của pháp luật. Ra đường, chẳng may ta có đụng nhẹ vào xe của người khác nhưng chỉ cần một câu xin lỗi và một nụ cười thiện chí là có thể hóa giải được vấn đề. Nói tóm lại, nhờ cách ứng xử trọng tình nghĩa mà đã tạo nên được những giá trị cộng đồng to lớn, những nét truyền thống gia đình đáng quý và cách ứng xử xã hội linh hoạt.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực thì đặc điểm văn hóa giao tiếp trọng tình nghĩa của người Việt cũng có những tác động tiêu cực. Trên phương diện xã hội, khi chúng ta đang hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - mọi hoạt động đều phải được điều chỉnh bằng công cụ pháp luật thì sự ứng xử bằng tình nghĩa phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu này. Cũng vì trọng tình dẫn đến tình trạng nể nang lẫn nhau khi giải quyết công việc, kể cả là những việc chung, những công việc hành chính. Trong các cơ quan nhà nước, khi có mối quan hệ thân thuộc, mọi vấn đề, thủ tục thường được giải quyết nhanh gọn và đơn giản hơn. Đến bệnh viện, những người có sự quen biết thường được thăm khám chu đáo hơn, nhanh chóng hơn... Đây là những điều cần phải được khắc phục để đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa các cá nhân trong xã hội, trong các mối quan hệ công việc.

3.3. Người Việt Nam có thói quen ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá

Đối với người Việt Nam, trong các mối quan hệ dù là thân hay sơ thì người ta cũng thường quan tâm, tìm hiểu những thông tin cá nhân về nhau. Khi gặp gỡ, người ta thường hay hỏi nhau về tuổi tác, trình độ học vấn, quê quán, công việc, tình trạng gia đình... Đặc tính này xuất phát từ tính cộng đồng làng xã, từ lối sống tình cảm của người Việt mà ra. Đối với văn hóa phương Tây, điều này là không tốt, là sự tò mò và can dự vào đời sống cá nhân của người khác nhưng đối với văn hóa Việt Nam thì đó lại là một sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.

Dưới góc nhìn văn hóa, thói quen thích tìm hiểu, quan sát, đánh giá là một đặc điểm của lối sống cộng đồng. Do tính cộng đồng mà người Việt Nam tự thấy rằng mình phải có trách nhiệm quan tâm đến người khác, mà muốn quan tâm thì phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh của nhau. Do vậy mà người Việt thường thăm hỏi nhau. Hơn nữa, trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam, có nhiều cách xưng hô khác nhau và việc sử dụng danh xưng hô nào cho phù hợp là một điều hết sức cần thiết. Vì thế, phải có những thông tin căn bản về đối tượng giao tiếp thì mới có thể chọn được kiểu xưng hô hợp lý.

Như vậy, việc tìm hiểu, quan sát, đánh giá đối tượng giao tiếp, trước hết là sản phẩm của tính cộng đồng, xuất phát từ mục đích thu thập thông tin để có cách xưng hô và ứng xử cho phù hợp. Tuy nhiên, cần phân định rõ giữa việc tìm hiểu thông tin với mục đích phục vụ cho hoạt động giao tiếp với sự tò mò cá nhân. Nếu chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu để lấy thông tin phục vụ cho giao tiếp và thể hiện sự quan tâm đến nhau là điều tốt nhưng nếu tìm hiểu vì mục đích cá nhân nào khác là điều không nên. Điều cần lưu ý là trong giao tiếp xuyên văn hóa trong thế giới mở ngày nay, chúng ta cần phải có sự thích nghi và ứng xử cho phù hợp. Khi giao tiếp với những người phương Tây, chúng ta nên có sự tế nhị và không nên hỏi thăm quá sâu những thông tin cá nhân của họ.

Có thể nói, đặc tính ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá trong giao tiếp của người Việt là sản phẩm của tính cộng đồng, hướng đến mục đích để hiểu về đối tượng giao tiếp nhằm có cách ứng xử phù hợp. Tuy vậy, khi không có đủ thông tin, không có sự lựa chọn thì người Việt lại sử dụng cách ứng xử linh hoạt “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.

3.4. Người Việt Nam rất trọng danh dự trong giao tiếp

Theo quan niệm của người Việt Nam thì danh dự là điều hết sức quan trọng và không thể nào để mất danh dự trước người khác. Những câu nói “Tốt danh hơn lành áo”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” đã nói lên lối suy nghĩ, quan niệm này.

Chính vì quá coi trọng danh dự nên người Việt Nam mắc bệnh sĩ diện, nhất là sĩ diện hão. Người Việt truyền thông thường quan niệm “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”, “Đem chuông đi đánh nước người, không kêu cũng đánh ba hồi lấy danh” hay “Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”.

Cũng chính vì quá quý trọng đến danh dự giao tiếp nên nhiều người Việt rất ngại ngùng khi người khác phản ứng một cách trực diện hay có những góp ý thẳng thắn. Quan niệm “Tốt danh hơn lành áo; Đói cho sạch, rách cho thơm; Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” trở thành phương châm sống và phong cách giao tiếp. Ở đây, nhiều người quan niệm rằng danh dự gắn với năng lực giao tiếp: “Lời hay nói ra để lại dấu vết, tạo thành tiếng tăm; lời dở truyền đến tai nhiều người, tạo nên tai tiếng”...

Ở làng quê, thói sĩ diện thể hiện trầm trọng qua tục lệ ngôi thứ nơi đình đám và tục chia phần. Do danh dự [sĩ diện], các cụ già vẫn có thể to tiếng nhau vì miếng ăn: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

Lối sống trọng danh dự dẫn đến cơ chế tạo tin đồn, tạo nên dư luận như một thứ vũ khí lợi hại bậc nhất của cộng đồng để duy trì sự ổn định của làng xã. Điều này làm cho văn hóa giao tiếp của người Việt mang tính đặc trưng độc đáo. Cũng chính vì vậy, trong phong cách giao tiếp của người Việt thì tính dân chủ ít được khai thác một cách tối đa. Một số người lại tỏ ra chủ quan và độc đoán trong giao tiếp, đặc biệt trong giao tiếp gia đình.

3.5. Người Việt Nam ưa sự tế nhị, ý tứ và trọng sự hòa thuận

Trong giao tiếp, người Việt không đi trực tiếp ngay vào vấn đề mà thường có thói quen “vòng vo tam quốc”. Khi trò chuyện về một vấn đề nào đó, người Việt thường nói về những chuyện chung chung như chuyện thời tiết, tình hình thời sự hay hỏi thăm nhau rồi mới nói đến điều cần chia sẻ. Đơn cử, khi muốn mượn tiền của một người khác, nếu như người phương Tây sẽ thẳng thắn đề cập đến chuyện đó thì người Việt chúng ta lại thường hỏi thăm nhau trước rồi mới có thể diễn đạt mong muốn mượn tiền. Cũng chính do thói quen này mà người Việt thường mượn những phương tiện gián tiếp để bắt đầu câu chuyện, đó có thể miếng trầu, chén trà hay điếu thuốc như câu nói “miếng trầu mở đầu câu chuyện”.

Lối giao tiếp ưa tế nhị, ý tứ là sản phẩm của lối sống trọng tình và kiểu tư duy trong các mối quan hệ. Chính vì tế nhị, ý tứ nên người Việt thường cân nhắc kỹ càng trước khi nói “Ăn có nhai, nói có nghĩ”, “Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”... bởi họ sợ “Há miệng mắc quai”. Một lời trước khi nói ra thường được suy xét cẩn thận, làm sao để không ảnh hưởng đến người khác. Chính sự cẩn thận này khiến cho người Việt có nhược điểm là thiếu tính quyết đoán nhưng lại giữ được sự hòa thuận, không mất lòng ai. Điều này không hẳn là lúc nào cũng tốt. Có những trường hợp, khi cần sự thẳng thắn và phê phán thì một số người lại không mạnh dạn để bộc lộ hết những suy nghĩ, đánh giá của mình để mong giữ được hòa khí. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tính phản biện xã hội của một bộ phận người dân hiện nay vẫn còn thấp.

Người Việt Nam rất hay cười. Nụ cười thường xuyên xuất hiện trong giao tiếp của người Việt. Trong những lúc vui vẻ, người ta thường hay cười nói rất xôm tụ nhưng ngay cả trong những lúc ít chờ đợi nhất, người ta vẫn có thể cười. Đó có thể là nụ cười động viên, cười trấn an hay cười để xua tan đi những nỗi muộn phiền. Đây là một đặc điểm rất đáng quý trong giao tiếp của người Việt Nam ta.

Xuất phát từ tâm lý ưa hòa thuận khiến cho người Việt Nam luôn có chủ trương nhường nhịn. Người Việt thường quan niệm rằng “Một sự nhịn là chín sự lành”, “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”... Từ đó, trong cách ứng xử với nhau, con người thường cố gắng để tránh đi những mâu thuẫn, xung đột và hướng đến sự hòa thuận, hợp tác. Đây cũng là một nét rất riêng về phong cách giao tiếp của người Việt Nam - khi mâu thuẫn có nguy cơ xảy ra, người Việt tìm mọi cách để giữ hòa khí. Nếu mâu thuẫn ở mức độ vừa phải, họ thường chọn cách ứng xử theo kiểu nhường nhịn và nếu đối tượng vẫn tiếp tục lấn tới thì người Việt chọn biện pháp “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” với mục đích cuối cùng là giữ được mối quan hệ hài hòa.

3.6. Người Việt có hệ thống lời nói rất phong phú

Trong giao tiếp, người Việt có một hệ thống xưng hô rất phong phú. Trong khi các ngôn ngữ phương Tây và Trung Hoa chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng [I - You, wõw - nị] thì tiếng Việt còn sử dụng một số lượng lớn các danh từ chỉ quan hệ họ hàng để xưng hô và những danh từ thân tộc này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng. Hệ thống xưng hô này có các đặc điểm như sau:

- Thứ nhất, có tính chất thân mật hóa [trọng tình cảm], coi mọi người trong cộng đồng như bà con họ hàng trong một gia đình. Những danh từ như: chú, bác, cô, dì, ông, bà vốn là những danh từ chỉ các thành viên trong gia đình cũng được sử dụng để gọi cho những người khác trong cộng đồng dù là chưa từng quen biết. Cách xưng hô này tạo nên cảm giác thân mật và gần gũi giữa các đối tượng giao tiếp.

- Thứ hai, các xưng hô của người Việt có tính cộng đồng hóa cao. Trong hệ thống xưng hô này không có những từ xưng hô chung mà phụ thuộc vào tuổi tác, địa vị xã hội, thời gian, không gian giao tiếp cụ thể - “chú khi ni, mi khi khác”. Có khi, cũng là hai người đó nhưng cách xưng hô lại có khi thể hiện hai quan hệ khác nhau: chú - con, anh - tôi, bác - em... Ngoài ra, người Việt còn gọi nhau bằng tên con, tên cháu [bố thằng Minh, ông thằng Hải, bà cái Huệ...] hay bằng thứ tự sinh [Cả, Hai, Ba, Tư, Năm...].

- Thứ ba, cách xưng hô của người Việt thể hiện tính tôn ti rất cao. Nguyên tắc xưng hô của người Việt Nam là xưng khiêm hô tôn [gọi mình thì khiêm nhường còn gọi đối tượng giao tiếp thì tôn kính]. Có khi giao tiếp với nhau, cả hai người đều tự xưng mình là em và gọi người kia là anh/chị. Chính vì xuất phát từ việc tôn trọng, đề cao nhau mà đã hình thành nên tục lệ kiêng tên riêng của nhau. Trong gia đình, việc đặt tên cho con không được trùng với tên của những người bề trên trong gia đình, thậm chí là trong dòng họ. Việc này được coi là “phạm húy” và không được chấp nhận.

Trong cách thức nói năng lịch sự của người Việt cũng rất phong phú. Do sự linh hoạt trong giao tiếp nên người Việt không có một từ cảm ơn, xin lỗi chung chung cho mọi trường hợp như người phương Tây. Tùy thuộc vào từng bôi cảnh cụ thể, từ cảm ơn, xin lỗi được sử dụng một cách khác nhau: cháu xin chú [cảm ơn khi được nhận quà], chị bày vẽ quá [cảm ơn khi được đón tiếp nồng hậu], quý hóa quá [bày tỏ sự cảm ơn khi có người khác tới thăm mình], em được hôm nay là do một tay anh đấy [cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ]... Đối với lời xin lỗi cũng vậy, người ta sẽ không nói thẳng là “xin lỗi” mà dùng những cách nói khác như: tôi rất lấy làm tiếc, giá như tôi cẩn thận hơn, mong sao anh hiểu được sự áy náy của tôi...

Video liên quan

Chủ Đề