Đánh giá kết quả thi hành Luật to tụng hành chính năm 2015

Mục lục bài viết

  • 1. Giới thiệu tác giả
  • 2. Giới thiệu hình ảnh sách
  • 3. Tổng quan nội dung sách
  • 4. Đánh giá bạn đọc
  • 5. Kết luận

1. Giới thiệu tác giả

Sách So sánh Luật Tố tụng hành chính 2010 – 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất do luật gia Nguyễn Ngọc Điệp biên soạn.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

So sánh Luật Tố tụng hành chính 2010 – 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất

Tác giả: Nguyễn Ngọc Điệp

Nhà xuất bản Thế giới

3. Tổng quan nội dung sách

Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015, thay thế cho Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2016.

Việc ban hành Luật Tố tụng hành chính mới không những khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Tố tụng hành chính năm 2010, mà còn tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho Tòa án giải quyết các vụ án hành chính một cách nhanh chóng và chính xác. Đồng thời cũng tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính, cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình trong quá trình tham gia tố tụng hành chính, để bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhằm giúp bạn đọc nói chung, những người làm công tác pháp luật nói riêng thuận tiện trong việc nghiên cứu và áp dụng Luật Tố tụng hành chính mới, Nhà xuất bảnThế giới cho xuất bản cuốn sách “So sánhLuật Tố tụng hành chính 2010 – 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất”do luật gia Nguyễn Ngọc Điệp biên soạn.

Cuốn sách được bố cụ thành 02 phần:

Phần 1. So sánh, đối chiếu Luật Tố tụng hành chính 2010 -2015

Phần này tác giả lập bảng với 2 cột tường ứng với 2 luật cần so sánh và trích tương ứng từng điều luật ở mỗi cột để bạn đọc thuận tiện theo dõi và nhận diện những sửa đổi, bổ sung, điểm mới của Luật tố tụng hành chính năm 2015 so với Luật tố tụng hành chính năm 2010.

Phần 2. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính và các văn bản liên quan

Ở phần này tác giả trình bày toàn văn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính và các văn bản liên quan hoạt động tố tụng hành chính để bạn đọc thuận tiện tra cứu.

Dưới đây Luật Minh Khuê trình bày một số điểm mới của Luật tố tụng hành chính năm 2015 so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010 để bạn đọc tham khảo:

Luật TTHC năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016; riêng các quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; pháp nhân là người đại diện, người giám hộ; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân có liên quan đến Bộ luật dân sự năm 2015, thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Dưới đây là một số điểm mới:

- Luật TTHC 2015, quy định từ ngày 01/7/2016 trở đi những yêu cầu khởi kiện đối với các quyết định hành chính [QĐHC], hành vi hành chính [HVHC] của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Đây là quy định mới trong TTHC, người khởi kiện cần lưu ý để thực hiện quyền khởi kiện của mình đúng quy định của pháp luật.

Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do QĐHC, HVHC gây ra và phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Trường hợp bên có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách việc yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo pháp luật về tố tụng dân sự.

Thời hiệu khởi kiện là vụ án hành chính 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được QĐHC, HVHC [kể cả quyết định kỷ luật buộc thôi việc]; 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn nêu trên, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Các quy định của Bộ luật Dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong TTHC.

- Cơ quan tiến hành tố tụng là: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Những người tiến hành TTHC gồm có: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án; Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên. Ngoài ra, Luật còn bổ sung thêm địa vị pháp lý trong TTHC đối với Thẩm tra viên ngành Tòa án và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát để thực hiện chức năng pháp lý khi được phân công tiến hành tố tụng. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng được quy định rõ ràng cụ thể tại Chương III của Luật TTHC.

- Vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong TTHC. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không phải hoãn phiên tòa như Luật TTHC hiện hành. Khi tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Đồng thời, gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án. Trong các phiên họp xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp Kiểm sát viên, người kháng cáo quá hạn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp được phân công phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị mà Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

- Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Tòa án xử lý, như sau: 1] Nếu chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó kiến nghị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền thực hiện việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. 2] Nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc vụ án đang được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì Hội đồng xét xử đề nghị Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền thực hiện việc kiến nghị. 3] Tại phiên tòa, nếu Hội đồng xét xử phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật thì Hội đồng xét xử có văn bản báo cáo Chánh án Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị. Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ ý kiến của Chánh án Tòa án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án có thẩm quyền.

- Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc được niêm yết công khai. Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm như thủ tục thông thường. Việc xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành như thủ tục thông thường, nhưng do một Thẩm phán thực hiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử và Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm. Phiên tòa có mặt các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.

4. Đánh giá bạn đọc

Tác giả đã lập bảng đối chiếu 372 điều của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tra cứu rút ra những thông tin bổ ích trong nghiên cứu cũng như thuận tiện trong áp dụng khi cần thiết. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc cùng một lúc rất nhiều các văn bản pháp luật về tố tụng hành chính.

Cũng cần nói thêm rằng, nội dung cuốn sách được tác giả hệ thống hoàn toàn là quy định pháp luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm năm 2017. Theo thời gian, những văn bản này có thể sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, do đó, trong quá trình sử dụng cuốn sách để tra cứu, bạn đọc lưu ý cần kiểm tra lại hiệu lực các quy định được dẫn chiếu để đảm bảo tìm đúng và áp dụng đúng quy định còn hiệu lực.

Ưu điểm của cuốn sách là cung cấp cho bạn đọc khá toàn diện các đầu văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn về thủ tục tố tụng hành chính, song nhược điểm cũng chính nằm ở chỗ đó, khi các văn bản pháp luật được dẫn chiếu bị sửa đổi, thay thế thì giá trị tra cứu của cuốn sách đối với bạn đọc cũng sẽ giảm dần.

5. Kết luận

Cuốn sách "So sánh Luật Tố tụng hành chính 2010 – 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất" do luật gia Nguyễn Ngọc Điệp biên soạn có thể coi là từ điển pháp lý về tố tụng hành chính để bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu, áp dụng trong học tập, nghiên cứu và công tác.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc.Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!

Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.6162 của Luật Minh Khuê, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!

Video liên quan

Chủ Đề