Đánh giá phim the ring 1 năm 2024

Trước khi review cuốn sách này, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện, chính xác hơn là một khám phá khoa học, một trong những khám phá khoa học đã một lần nữa, thay đổi những tri kiến và đam mê của tôi.

Tôi tình cờ xem được một phim tài liệu của Mỹ có tên Virus và Sự tiến hóa (Virus & Evolution) trên Youtube. Đại khái, chúng ta đều biết virus là kẻ thù của của loài người. Điều đó rõ ràng như chuyện Mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây vậy. Virus là nguồn gốc những căn bệnh đã cướp đi sinh mệnh của hàng trăm triệu người. Thế kỷ 14, dịch hạch xóa sổ 1/3 dân số châu Âu tại thời điểm đó. Đến thế kỷ 20, virus đậu mùa là nguyên nhân dẫn đến từ 300 – 500 triệu ca tử vong trên khắp thế giới. Và đương nhiên không thể không nhắc tới HIV, thứ virus gây nên căn bệnh thế kỷ AIDS, căn bệnh đến bây giờ vẫn là vô phương cứu chữa.

Nhưng một nghiên cứu gần đây đã khiến cho chân lý tưởng như hiển nhiên đó trở nên lung lay dữ dội. Dường như tự nhiên rất biết cách làm con người kinh ngạc. Một cách ngẫu nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng rất có thể, virus chính là nhân tố đã tạo ra con người chúng ta ngày hôm nay!

Retrovirus, loại virus có khả năng phiên mã ngược, xâm nhập vào vật chủ và trở thành một phần của vật chủ. Chúng là thứ đã làm nên 1% khác biệt trong bộ gene của con người so với bộ gene của hắc tinh tinh. Retrovirus, chúng là thứ dẫn xuất cho sự thụ tinh của các sinh vật. Retrovirus, chúng xuất hiện trong mọi bước ngoặt tiến hóa lớn nhất trong tiến trình phát triển trên trái đất. Nhưng đó chưa phải kết luận táo bạo nhất. Hơn thế nữa, retrovirus, chúng thậm chí điều khiển cả xúc cảm tinh tế nhất của chúng ta, tình yêu.

Vậy thì, biết đâu đấy, chúng ta chẳng là gì khác hơn một loài virus.

***

Cũng giống như mọi người, tôi mua cuốn truyện Ring – Vòng tròn ác nghiệt của Suzuki Koji vì sức hút từ bộ phim chuyển thể. Phải nói tôi là một tín đồ của phim kinh dị. Tôi xem hết, từ những thước phim sát nhân máu me của điện ảnh Mỹ đến những bộ phim tâm linh hư ảo của điện ảnh Á châu. Hồi bé thì còn sợ, nhưng xem riết rồi cũng quen, tôi chẳng còn thấy những chiếc mặt nạ khúc côn cầu rách nát của Jason trong Thứ 6 ngày 13, hay những con ma tóc tai rũ rượi bò lổm ngổm trên cầu thang trong Ju-on có gì ghê rợn nữa. Tôi thậm chí còn ngủ quên khi xem chúng.

Tôi nghĩ Ring là một bộ phim hay, nhưng cũng chỉ để xem một lần. Mục đích cơ bản của nó vẫn là dọa ma những kẻ yếu tim. Vậy thôi. Không còn gì đọng lại ngoài nỗi sợ một ngày kia xem phải một cuộn băng ma quái, nhận được cú điện thoại không rõ từ đâu thông báo rằng ta chỉ còn 7 ngày để sống.

Tôi đã xem cả phim chuyển thể của Nhật và Mỹ. Hình như nhiều người tranh luận với nhau xem bản nào hay hơn. Phần lớn nghiêng về bản của Nhật. Tôi thì thấy cuộc tranh luận đó khá vô bổ. Lí do thứ nhất là vì nếu không có bản của Mỹ, chắc gì đại bộ phận công chúng đã biết tới Ring? Lí do thứ hai là vì, sau khi đọc xong nguyên tác của Suzuki Koji, tôi xin phép không gọi hai bộ phim kia là phim chuyển thể nữa. Cho nên câu hỏi bản nào hay hơn cũng trở thành vô nghĩa. Nói thẳng ra, phim chuyển thể gần như chỉ mượn ý tưởng về một cuộn băng giết người, và chỉ thế thôi. Tôi không bực bội gì các nhà làm phim, bởi có thể tinh hoa của Koji không phải thứ dễ dàng sao chép.

***

Ring là câu chuyện về Asakawa, một tay phóng viên đang mải mê tìm hiểu nguyên nhân cái chết bí ẩn của hai đôi nam nữ vị thành niên, để rồi cuộc hành trình đưa lối hắn tới một căn nhà nghỉ ở ngoại ô Tokyo, nằm trên một chiếc giếng cũ, nơi có một cuộn băng không đề nhãn mà những kẻ xem xong sẽ bị giáng xuống một lời nguyền rằng kẻ đó chỉ còn 7 ngày để sống. Asakawa đã tò mò tới mức tự mình xem cuốn băng. Và cùng với Ryuji, người bạn thông tuệ nhưng quái dị, gã lao vào kiếm lấy câu trả lời giúp gã cứu lấy chính mình.

Tôi có đọc được khá nhiều bình luận trên mạng rằng, Ring có lẽ đã được đánh giá quá cao so với những gì nó có, nhất là nếu so với tác phẩm Kỳ án Ánh trăng của Quỷ Cổ Nữ – tác giả Trung Quốc đang nổi đình nổi đám trong dòng văn học kinh dị ở Việt Nam lúc bấy giờ. “Nếu so với Kỳ án Ánh trăng thì Ring chẳng có gì đáng sợ hay bí ẩn.”, tôi vẫn nhớ như in một bình luận trên một diễn đàn

Cũng đúng thôi. Nếu như bạn muốn kiếm tìm một con ma tóc tai bù xù, máu rỏ ròng ròng trên gương mặt bị chém ngang dọc, lồm cồm chui ra như một con nhền nhện từ chiếc ti vi đen trắng cũ kỹ, với cái cổ vặn ngược 180 độ, thì có lẽ Ring sẽ khiến bạn sớm thất vọng. Tuyệt nhiên không có bất cứ một phân cảnh nào đáng gọi là rùng rợn, không có ma cũng chẳng có quỷ, không có bẻ cổ, không có thót tim, không có đâm chém, không có vật lộn, không có chạy trốn, thậm chí không có cả máu. Tất cả những gì chúng ta cho là đặc trưng phân biệt tiểu thuyết kinh dị với những dòng tiểu thuyết khác, Ring đều không có.

Nhưng Ring lại làm tôi sợ. Tôi gần như không sợ bất cứ bộ phim hay câu truyện kinh dị nào hết. Nhưng tôi sợ Ring. Đêm đọc xong Ring, tôi gần như mất ngủ. Tôi sợ cái gì ư? Tôi không biết. Điều đáng sợ nhất chính là tôi không biết chính xác thì mình đang sợ cái gì. Có ai đó từng viết:

Chúng ta không sợ bóng tối, mà chúng ta sợ thứ đang trốn trong đó. Chúng ta không sợ độ cao, mà chúng ta sợ sẽ rơi xuống. Chúng ta không sợ bơi, mà chúng ta sợ sẽ chìm xuống. Chúng ta không sợ cái chết, mà chúng ta sợ một nỗi đau nào đó sẽ đến cùng nó. Chúng ta không sợ buông bỏ một điều gì đó, mà chúng ta sợ điều đó sẽ thực sự biến mất khỏi cuộc đời của chúng ta. Chúng ta không sợ những người xung quanh, mà chúng ta sợ bị chối bỏ. Chúng ta không sợ cố gắng lại lần nữa, mà chúng ta sợ bị tổn thương một lần nữa. Chúng ta không sợ lạc đường, mà chúng ta sợ sẽ không ai tìm ra được chúng ta.

Cũng giống như Thomas Harris hay Patrick Suskind, Suzuki Koji chạm đến nỗi sợ bản năng của con người, một nỗi sợ vô hình vô dạng luôn thường trực ở đó. Dù không ai bảo chúng ta phải sợ, chúng ta cứ bất giác cảm thấy sợ thôi. Nỗi sợ ấy tựa hồ như một loài bò sát ngầm ngầm trườn theo những mạch máu dày đặc, trú ngụ trong từng tế bào của cơ thể con người, nó lẩn khuất vào những ngày đẹp trời và một buổi tối trời mưa khi những bóng đèn chập chờn như vờn lấy đôi con ngươi phàm tục, nó mới chui ra và dùng cái lưỡi lạnh buốt liếm vào gáy của chúng ta.

Tôi gần như đọc Ring chỉ trong một hơi. Đến khi kết thúc rồi mới nhớ ra là mình phải thở. Quá trình có vẻ từa tựa như uống một cốc nước muối, càng uống càng khát và càng khát càng uống, cứ uống không ngừng như thế đến khi nước đã cạn và cũng là lúc nhận ra cổ họng cháy khô.

Nhưng thôi, đừng nói tới bút pháp của Suzuki Koji nữa, đừng nói đến cách ông đã mô tả những nỗi sợ, mạch suy luận đầy thuyết phục, cả tâm lý khi đứng trước cái chết của những nhân vật nữa. Hãy cứ biết rằng nó đủ hay để bạn tò mò giở hết trang này tới trang khác. Thế là đủ.

Tôi muốn bò sâu hơn vào cái giếng cũ của Ring, nơi nhân vật Sadako, kẻ đã tạo ra cuốn băng giết người bằng chính suy nghĩ của mình, nhảy xuống, và không bao giờ thực sự chết.

Sadako là một ám ảnh kỳ khôi. Cô ta bị đồng loại ruồng bỏ vì cô ta có năng lực siêu nhiên, và cô ta là một kẻ mang hội chứng tinh hoàn nữ. Nói cách khác, cô ta là một quái thai. Nhưng Sadako không sinh ra cùng với cái ác ngay từ đầu. Cái ác thực chất đã dần dần xâm lấn vào cô ta, nhưng thay vì phá hủy cô ta, cái ác ký sinh và trở thành một phần của cô ta. Nếu như bạn hãy còn thắc mắc vì sao tôi kể lại câu chuyện khoa học ở đoạn đầu bài viết này, thì đây chính là câu trả lời cho câu hỏi đó.

Phải, có lẽ cái ác cũng giống như một thứ virus. Nó được cấy vào bên trong chúng ta. Rồi nó lớn lên bên trong chúng ta, không thể tách bạch. Chúng ta lên án và bài trừ cái ác, chỉ để nhận ra rằng chúng sẽ luôn tồn tại, thậm chí còn lớn mạnh hơn, bởi nó là một phần của tiến hóa, bởi vì nó là một phần của chúng ta. Và chúng ta có ai đủ can đảm và thừa mứa lương thiện để tiêu diệt chính mình?

“Giữ đều chân ga, Asakawa nhằm thẳng hướng Ashikaga đi tới. Bầu trời Tokyo gã vừa bỏ lại đằng sau đang in trên mặt gương chiếu hậu. Dưới bầu trời ấy, những đám mây đen quái gở đang chuyển động, cái cách chuyển động giống như một loài rắn, mặc khải về sự lan tràn của cái ác.”.

Đó là câu cuối cùng của Ring. Tôi nhớ đã đọc đi đọc lại câu cuối cùng đó. Có khoảng hai lần tôi đọc đi đọc lại câu kết của một tác phẩm. Lần thứ nhất là khi đọc Harry Potter phần 6: “nhưng bất chấp mọi thứ, bất chấp con đường đen tối và quanh co nó đã thấy trải dài phía trước, bất chấp cuộc chạm trán cuối cùng với Voldemort mà nó biết là sẽ phải tới cho dù chỉ trong một tháng nữa, một năm nữa, hay mười năm nữa, nó vẫn cảm thấy trái tim nó nhẹ bẫng đi với ý nghĩ rằng vẫn còn một ngày huy hoàng bình yên cuối cùng để mà thưởng thức cùng Ron và Hermione.”. Lần thứ hai, đó là với Ring. Và cả hai cái kết, đều là một nét vẽ bình yên trước khi bầu trời trở nên đen tối. Mặc dù Harry Potter và Hoàng tử lai cho tôi một chút an yên, còn Ring dấy lên trong tôi một nỗi bất an vô định.

Cách duy nhất để giải được lời nguyền trong Ring là phải sao chép cuộn băng và cho người khác xem, hệt như bản năng của virus là tự nhân lên vậy. Để rồi cứ thế, cứ thế, thứ virus ấy sẽ nhân lên đến vô cùng, đến mãi mãi, “giống như trò bán hàng đa cấp, nó sẽ lan tỏa với tốc độ mà một dòng chảy không thể nào so sánh được.”. Nếu như Ring được gọi là một tác phẩm kinh dị kinh điển, thì tôi nghĩ đây chính là lí do.

Ring không kể cụ thể về một con ma. Nó kể về một ẩn dụ của cái ác và những chiêm nghiệm về sự lan tỏa của cái ác trong lòng một xã hội hiện đại, nơi chính con người, để có thể tiếp tục sống, đã tiếp tay cho sự lây nhiễm bất kiểm soát của chúng. Ranh giới giữa thiện và ác nằm ở đâu? Chúng ta không nhìn ra được. Hoặc cũng có thể, ngay từ đầu, đã chẳng có ranh giới nào giữa thiện và ác. Chúng bện chặt như ngày và đêm, như đen và trắng, như sáng và tối, như tỉnh và thức, như mê và thực. Nên nhớ rằng, Lucifer, chúa tể của Hỏa ngục, tên quỷ Satan trong Kinh Thánh, cũng từng là một Thiên thần.

“Satan trở thành một người bạn tốt nhất mà Nhà Thờ từng có, vì anh ta đã làm cho nó có việc để làm trong những năm qua !.” (Trích trong “Chín lời tuyên bố của Satan” – Kinh thánh của Satan)

Cuối cùng thì đó chính là sự thật về cuộc sống mà chúng ta đành thở dài chấp nhận. Cái ác, cũng như nỗi sợ bóng tối, là bản năng của con người. Như nhà văn Oscar Wilde từng mỉa mai rằng: Tôi chẳng muốn lên thiên đường đâu, vì bạn bè tôi đều không ở đó. Chúng ta phải ác vì chúng ta phải sống. Mặc dù không bao giờ trực tiếp thừa nhận, nhưng chẳng phải chúng ta hầu như đã quên cách cầu nguyện Thượng Đế rồi ư?

Bạn có thể sẽ hoài nghi nó. Bạn có thể tranh biện rằng tôn giáo vẫn sống và vẫn sống tốt. Hàng ngày người ta vẫn đến Nhà thờ, vẫn cầu Kinh trước khi ăn, vẫn nói về Chúa và ca ngợi sự vĩ đại của Ngài, vẫn nghĩ lễ Phục Sinh và vào lễ Giáng Sinh thì tổ chức tiệc mừng. Nhưng bạn hãy tự hỏi chính mình rằng, nếu bạn là Asakawa, liệu bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ sao chép cuộn băng để có thể giữ lấy cái mạng sống bé nhỏ của mình và của gia đình mình, hay bạn sẽ chấp nhận hy sinh để không phát tán thứ bệnh dịch có thể hủy diệt toàn bộ nhân loại? Một cách thành thật nhất, tôi sẽ cứu lấy tôi. Nhân loại quá lớn để tôi có thể tưởng tượng, và tôi chỉ đủ ích kỷ để thương xót bản thân mình. Bạn đừng nói rằng bạn sẽ làm khác.