Đất có mặt nước ven biển là gì

Kết quả nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng hợp lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp

admin
2021-08-16T09:53:56+07:00 2021-08-16T09:53:56+07:00 //rila.gov.vn/vi/news/hoat-dong-kh-htqt/ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-de-tai-cap-bo-nghien-cuu-de-xuat-hoan-thien-chinh-sach-quan-ly-su-dung-hop-ly-dat-bai-boi-ven-bien-dat-co-mat-nuoc-ven-bien-vao-muc-dich-phi-nong-nghiep-38.html /themes/egov/images/no_image.gif
VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI //rila.gov.vn/uploads/logo2.png
Thứ hai - 16/08/2021 09:46 201 0
Kết quả nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng hợp lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp
* Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đào Thị Thanh Lam
* Cán bộ thực hiện đề tài
Danh sách thành viên tham gia thực hiện đề tài:
TTHọ tên thành viênĐơn vịChức danh
1Đào Thị Thanh LamViện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiChủ nhiệm đề tài
2Trần Thị HòaVụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý đất đaiThư ký đề tài
3Vũ Thị NhungViện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiThành viên chính
4Lâm Thị NguyênViện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiThành viên chính
5Nguyễn Ngọc AnhViện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiThành viên chính
6Nguyễn Thị LýViện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiThành viên
7Nguyễn Văn ĐoanViện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiThành viên
8Phạm Ngọc Thành LêCục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiThành viên
9Nguyễn Xuân ThànhCục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý đất đaiThành viên
10Nguyễn Thị Ngọc HoànTổng cục Biển và Hải đảoThành viên

Ngoài ra, đề tài còn có sự tham gia của một số cán bộ công tác tại Viện Nghiên cứu quản lý đất đai làm kỹ thuật viên của đề tài.
* Thời gian thực hiện: Từ tháng 05/2017 đến tháng 11/2020.
* Tổ chức chủ trì đề tài: Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài: Quyết định thành lập Hội đồng số 2621/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng họp ngày 26 tháng 11 năm 2020.
* Quyết định công nhận kết quả thực hiện đề tài: Quyết định số 721/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 4 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI

- Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp.
- Đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng hợp lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp [đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất công trình giao thông tĩnh; đất công trình năng lượng].

II. SẢN PHẨM ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC CỦA ĐỀ TÀI

2.1. Các sản phẩm dạng I

TTTên sản phẩmYêu cầu khoa học đạt được
1Các báo cáo khoa học
1.1Tổng quan về việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biểnKhái quát được các vấn đề về đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; Làm rõ được vai trò, ý nghĩa của đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với sự phát triển các ngành kinh tế; Khái quát được tình hình quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển tại một số nước trên thế giới và rút ra được kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam.
1.2Các chính sách, pháp luật đất đai và các chính sách pháp luật khác có liên quan đến đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biểnHệ thống được các chính sách pháp luật đất đai về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển giai đoạn trước năm 2013 và từ năm 2013 đến nay; Hệ thống được các chính sách, pháp luật của các lĩnh vực khác có liên quan đến đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.
1.3Đánh giá thực trạng việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệpĐánh giá được thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; Đánh giá được một số tác động của việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; Đánh giá được thực trạng việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp.
1.4Đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp.Đưa ra được các quan điểm, định hướng về quản lý và khai thác sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp; Đưa ra được các đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp
2Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài.Được đơn vị hưởng thụ kết quả đề tài chấp nhận; được Hội đồng Khoa học thông qua và nghiệm thu, đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu của đề tài.

2.2. Dạng II: Bài báo và các sản phẩm khác

TTTên sản phẩmYêu cầu khoa học đạt đượcNơi công bố
1Bài báo Thực trạng tình hình quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp.Đảm bảo chất lượng khoa học của bài báoĐăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp

2.3. Dạng III: Kết quả tham gia đào tạo sau đại học

TTCấp đào tạoSố lượngChuyên ngành đào tạo
1Góp phần đào tạo 01 Thạc sỹ: Nguyễn Anh Minh01Quản lý đất đai thuộc trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA ĐỀ TÀI
Kết quả nghiên cứu của đề tài được trình bày trong Báo cáo tổng hợp với dung lượng 201 trang A4, gồm các nội dung chính sau:

3.1. Nghiên cứu tổng quan về việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, bao gồm các nội dung:

[1] Khái quát chung về đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển: Một số khái niệm và các vấn đề có liên quan đến đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; Khái quát chung về tình hình sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.

[2] Vai trò, ý nghĩa của đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với sự phát triển các ngành kinh tế: Đối với sự phát triển ngành công nghiệp; đối với sự phát triển ngành giao thông tĩnh; đối với sự phát triển ngành thương mại, dịch vụ; đối với sự phát triển ngành năng lượng.

[3] Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine và rút ra một số kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam.

3.2. Nghiên cứu các chính sách, pháp luật đất đai và các chính sách pháp luật khác có liên quan đến đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, gồm các nội dung:

[1] Nghiên cứu các chính sách, pháp luật đất đai về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển giai đoạn trước năm 2013: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; các quy định của pháp luật đất đai về quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển; đánh giá chung về những mặt được và tồn tại hạn chế của các chính sách, pháp luật đất đai về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển giai đoạn trước năm 2013.

[2] Nghiên cứu các chính sách, pháp luật đất đai về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển từ năm 2013 đến nay: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; các quy định của pháp luật đất đai về quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển; đánh giá chung về những mặt được và tồn tại hạn chế của các chính sách, pháp luật đất đai về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển từ năm 2013 đến nay.

[3] Nghiên cứu các chính sách, pháp luật của các lĩnh vực khác có liên quan đến đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển: gồm các lĩnh vực về biển, thủy sản, đê điều, rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học và đưa ra đánh giá chung về các chính sách, pháp luật của các lĩnh vực khác có liên quan đến đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.

3.3. Đánh giá thực trạng việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp bao gồm các nội dung:

[1] Thực trạng công tác quản lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, trong đó đã nghiên cứu được các nội dung chính sau: Thực trạng về xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; thực trạng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực trạng về giao đất, cho thuê đất; thực trạng về đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực trạng về thống kê, kiểm kê; thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.

[2] Thực trạng sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp: Bao gồm các mục đích phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các khu thương mại, dịch vụ; các công trình giao thông tĩnh; các công trình năng lượng

[3] Một số tác động của việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường:

[4] Đánh giá chung về việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp.

3.4. Đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp, bao gồm các nội dung:

[1] Các quan điểm, định hướng về quản lý và khai thác sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp;

[2] Đề xuất hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp. Cụ thể như sau:

[i] Về xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính.

- Quy định về cách xác định vị trí, diện tích đất bãi bồi ven biển: Đất bãi bồi ven biển được xác định từ ranh giới đê biển theo quy định của pháp luật về đê điều đến đường ranh giới mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm; đất cù lao trên biển được xác định theo đường ranh giới mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm. Do đất bãi bồi ven biển chưa được xác định trong địa giới hành chính các cấp nên khi đưa đất bãi bồi ven biển vào quản lý, sử dụng thì xác định thẩm quyền quản lý gắn với thẩm quyền quản lý phần đất liền theo địa giới hành chính; trường hợp đất bãi bồi ven biển gắn với địa giới hành chính của nhiều đơn vị hành chính thì xác định đường ranh giới theo nguyên tắc xác định đường địa giới để xác định thẩm quyền quản lý.
- Các khu đất bãi bồi ven biển đã hình thành ổn định trong thời hạn 5 năm phải được tiến hành khảo sát đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất, phân định ranh giới bãi bồi cho từng tỉnh, huyện, xã và lập hồ sơ địa giới hành chính làm cơ sở quản lý.
- Cần có các quy định cụ thể về việc sử dụng các công cụ kỹ thuật công nghệ để xác định địa giới hành chính.

[ii] Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.

- Đối với nội dung lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, sửa đổi, bổ sung thêm 02 chỉ tiêu là khu đất bãi bồi ven biển và khu đất có mặt nước ven biển vào các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất có liên quan quy định đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh ven biển.
- Đối với lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, sửa đổi, bổ sung thêm 02 chỉ tiêu là khu đất bãi bồi ven biển và khu đất có mặt nước ven biển vào các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan quy định đối với các đơn vị hành chính cấp huyện ven biển.

[iii] Về giao đất, cho thuê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.

- Quy định về giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển: Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 Thông tư số 24/2019/TT-BTNMT như sau:
3. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất, thu hồi đất có mặt nước ven biển theo quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai. Việc giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển trong khu vực biển từ 03 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở vào đất liền được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.
Trường hợp dự án đầu tư sử dụng mặt nước biển trong khu vực biển từ 03 hải lý trở ra tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
- Quy định về thời hạn cho thuê đất có mặt nước ven biển: Cần thống nhất quy định về thời hạn giao đất, cho thuê đất tại Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT và Nghị định 51/2014/NĐ-CP.
- Đề xuất quy định về giải quyết đối với đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển đã sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ trước ngày 01/7/2014: Đối với đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển đã sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ trước ngày 01/7/2014, đề nghị bổ sung thêm quy định về thời hạn nhất định để người vi phạm lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp.

[iv] Về đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển

Cần sớm hoàn thiện pháp luật về đất đai nói chung và các quy định về đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng. Đặc biệt trong việc hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Các quy định liên quan về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức sử dụng đất xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề nghị bổ sung Điều 7 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT.

[v] Về thống kê, kiểm kê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.

- Đề xuất bổ sung khái niệm về đất bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển, cụ thể như sau:
Đất bãi bồi ven biển là những khu vực đất có vị trí ở cửa sông hoặc gần bờ biển; được hình thành do sự bồi tụ hoặc xói lở dưới tác động của quá trình rửa trôi hoặc bồi lắng; ranh giới và diện tích có sự thay đổi do quá trình bồi tụ hoặc xói lở; nổi lên khỏi mặt nước biển trung bình trong nhiều năm hoặc chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều thấp nhất tại vị trí đó, hình thành vùng đất bãi bồi hoặc cù lao trên biển
Đất có mặt nước ven biển là vùng đất có mặt nước biển ngoài đường mép triều kiệt trung bình trong nhiều năm trong phạm vi 06 hải lý, với độ sâu có thể khai thác được cho các mục đích nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp. Trong đó, phạm vi giới hạn độ sâu có thể khai thác được xác định từ đường bờ biển ra đến độ sâu 30m nước.
- Quy định về thống kê, kiểm kê đất có mặt nước ven biển: Chỉ tiêu thống kê, kiểm kê đất có mặt nước ven biển: cần bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê theo chỉ tiêu loại đất, cụ thể:
Hệ thống chỉ tiêu loại đất có mặt nước ven biển cần được phân loại chi tiết theo các mục đích sử dụng, bổ sung thêm các chỉ tiêu cho các mục đích phi nông nghiệp như: thương mại, dịch vụ, đất khai thác khoáng sản, quốc phòng, an ninh...
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018, cụ thể:
a. Tại Điều 10 bổ sung thêm về chỉ tiêu thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ đối với Đất bãi bồi ven biển
b. Sửa đổi khoản 2 Điều 11 như sau: 2. Đối với các đơn vị hành chính tiếp giáp với biển thì diện tích của đơn vị hành chính đó bao gồm diện tích các loại đất của phần đất liền và các đảo trên biển [nếu có]; được tính đến đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; trường hợp chưa xác định được đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm thì xác định theo đường mép nước biển thấp nhất tại thời điểm kiểm kê. Đất có mặt nước ven biển ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 06 hải lý đang được sử dụng vào các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp thì được thống kê riêng, không tổng hợp vào tổng diện tích của đơn vị hành chính đó.
c. Sửa đổi điểm 4 mục I Phụ lục số 01 như sau: Đất có mặt nước ven biển: Thống kê, kiểm kê đối với diện tích đất có mặt nước biển ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 06 hải lý đang được sử dụng vào các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp; bao gồm các loại: đất có mặt nước ven biển nuôi trồng thuỷ sản, đất có mặt nước ven biển có rừng ngập mặn, đất có mặt nước ven biển sử dụng vào mục đích khác.
d. Bổ sung vào Điều 12 hệ thống biểu thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ 2 biểu đề xuất kiểm kê, thống kê đất bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển

[vi] Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.

Cần xây dựng và tổ chức kế hoạch thanh tra, tình hình quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển cụ thể; Tổ chức kiểm tra thường xuyên liên tục để phát hiện chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, hiện tượng tiêu cực như cho thuê đất BBVB, đất có mặt nước ven biển không đúng với quy định của pháp luật; để cho các tổ chức khai thác khoáng sản, khai thác cát bừa bãi, chiếm dụng bãi bồi; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng...
Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; đề xuất Chính phủ bổ sung hành vi hủy hoại đất trong Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai phù hợp với quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đối với hành vi trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.

[3] Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp:

[i] Giải pháp về tổ chức quản lý: Đề tài đề xuất các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp về khoa học công nghệ; Giải pháp về tài chính; Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho bộ máy cán bộ và ý thức chấp hành pháp luật đất đai của người dân vùng ven biển;

[ii] Giải pháp về tổ chức thực hiện: Đề tài đề xuất nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan Trung ương và các địa phương ven biển.;

[iii] Giải pháp về sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp: Đề tài đề xuất đối với việc phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; Bảo vệ đất bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển; Về công tác thu hút đầu tư; Quai đê lấn biển mở rộng quỹ đất.

IV. KẾT LUẬN KIẾN NGHỊ CỦA ĐỀ TÀI

4.1. Kết luận
[1] Vùng ven biển có vị trí địa lý, kinh tế, quốc phòng an ninh quan trọng đối với cả nước, là vùng có các nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng; có hệ thống giao thông thuận tiện là môi trường thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, vùng ven biển cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt, khô hạn, nắng nóng và quá trình xâm nhập mặn qua các cửa sông và mạch nước ngầm; hiện tượng xói lở bờ biển, cửa lạch; hiện tượng bồi lắng các cửa sông đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
[2] Đã hệ thống được hệ thống các chính sách pháp luật đất đai và các chính sách pháp luật khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển cho thấy hệ thống các văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện và quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản chưa đồng bộ, còn có sự chồng chéo gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện làm giảm hiệu quả đối với công tác quản lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển như một số các quy định về thống kê, kiểm kê đất có mặt nước ven biển; các quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển.
[3] Kết quả phân tích đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển cho thấy:
- Công tác quản lý sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển ở các địa phương ven biển đã được quan tâm hơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như: [i] Diện tích đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển nhiều địa phương chưa được đo đạc, xác định diện tích ranh giới trên bản đồ địa chính; [ii] Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương ven biển chưa thể hiện đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; [iii] Công tác giao đất, cho thuê đất còn thiếu thống nhất giữa các địa phương ven biển trên cả nước, còn nặng về thủ tục hành chính; [iv] Công tác đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu, đến nay mới có gần 50% diện tích đất BBVB, đất có mặt nước ven biển sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; [v] Công tác thống kê, kiểm kê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chưa có quy định thống nhất về phương pháp và công nghệ thực hiện; các chỉ tiêu sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chưa được quy định rõ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện; [vi] Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình quản lý sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chưa được các tỉnh có biển quan tâm thực hiện thường xuyên.
- Đối với việc sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển ngày càng được đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tiềm năng đất đai của các địa phương ven biển. Việc sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào các mục đích phi nông nghiệp đều có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó tăng mạnh nhất là đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất giao thông; đất thương mại, dịch vụ du lịch tạo điều kiện thu hút việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ven biển. Tuy nhiên, đây là vùng đất không ổn định có quy mô diện tích, ranh giới chưa được hoạch định rõ ràng, nên tranh chấp vẫn xảy ra không chỉ đối với các hộ gia đình, cá nhân mà còn xảy ra đối với các xã, các huyện giáp biển rất khó giải quyết.
[4] Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển đề tài đã đưa ra một số các đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển về các nội dung [i] xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; [ii] về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; [iii] về giao đất, cho thuê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; [iv] về đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; [v] về thống kê, kiểm kê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven; [vi] về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển
Ngoài ra, đề tài cũng đã đưa ra được một số các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp về [i] Giải pháp về quản lý; [ii] Giải pháp về tổ chức thực hiện; [iii] Giải pháp về sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp.
4.2. Kiến nghị
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham khảo kết quả nghiên cứu của đề tài để hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.
Đề nghị UBND các tỉnh ven biển và UBND các cấp huyện, xã có đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển nâng cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển./.
Đào Thị Thanh Lam

Video liên quan

Chủ Đề