Định giá quỹ liên kết đơn vị Điều 19

Những năm gần đây, bảo hiểm liên kết đầu tư nổi lên như một lựa chọn giúp các người tham gia `vẫn nhận được quyền lợi bảo hiểm mà vẫn tận dụng được các cơ hội sinh lời. Bảo hiểm liên kết đầu tư được chia thành hai dòng sản phẩm chính là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị.

Về cơ bản, hai loại sản phẩm này đều có điểm chung là kết hợp yếu tố bảo hiểm và đầu tư, giúp người tham gia gia tăng giá trị tài sản thông qua việc ủy thác vào các quỹ liên kết. Tuy nhiên, hai loại bảo hiểm này cũng có nhiều điểm khác biệt và người tham gia cần nắm rõ để tránh nhầm lần, đưa ra quyết định phù hợp.

Bên cạnh các chi phí bảo hiểm cơ bản, số tiền khách hàng đóng hàng năm sẽ được trích một phần sang quỹ liên kết chung, hoặc quỹ liên kết đơn vị.

Theo điều 3 Thông tư 52/2016/TT-BTC, quỹ liên kết chung là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và thuộc quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Tài sản của quỹ liên kết chung không phân chia mà xác định chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm được liên kết.

Còn theo khoản 1 điều 3 Thông tư 135/2012/TT-BTC, quỹ liên kết đơn vị là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị và là một phần của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm.

Về khía cạnh đầu tư, các loại tài sản chính của quỹ liên kết chung thường là tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu các loại [chính chủ, doanh nghiệp, ...] nên có tỷ lệ rủi ro thấp. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm thường cam kết mức lãi suất đầu tư tối thiểu đối với sản phẩm này.

Đối với các quỹ liên kết đơn vị, các loại tài sản đầu tư đa dạng hơn, bao gồm tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu, ... Người tham gia gói bảo hiểm này được quyền chọn một hay nhiều quỹ liên kết đơn vị để đầu tư và nhận toàn bộ kết quả theo quỹ liên kết đơn vị đã chọn, bất kể cả là lời hay lỗ. Cũng chính bởi đặc điểm này, bảo hiểm liên kết đơn vị có lợi suất cao hơn, nhưng đi cùng với rủi ro lớn hơn.

Về quy định phí đóng thêm, với bảo hiểm liên kết chung, mức đóng phí định kỳ không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu. Ví dụ, trong năm đầu tiên đóng 10 triệu, thì các năm tiếp theo khách hàng không được đóng quá 50 triệu/năm.

Với bảo hiểm liên kết đơn vị, mức đóng phí định kỳ không vượt quá 10 lần mức phí bảo hiểm năm đầu. Tức như trong trường hợp trên, các năm tiếp theo khách hàng không được đóng quá 100 triệu/năm.

Về chi phí phải trả, cả hai loại sản phẩm này đều có chung các khoản phí như phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ, phí hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn, phí đóng thêm và phí rút tiền. Trong đó, phí ban đầu của sản phẩm liên kết đơn vị thường cao hơn bảo hiểm liên kết chung.

Ngoài ra, bảo hiểm liên kết đơn vị còn có thêm khoản phí chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị. Khoản phí này phát sinh trong trường hợp khách hàng thay đổi khẩu vị rủi ro, muốn chuyển đổi sang quỹ sinh lời tốt hơn hoặc an toàn hơn.

Như vậy, bên cạnh nhu cầu bảo hiểm, nếu khách hàng muốn có một giải pháp đầu tư an toàn và ít rủi ro, bảo hiểm liên kết chung sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn. Còn nếu muốn tìm kiếm một cơ hội sinh lời tốt hơn và chấp nhận được rủi ro, bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ là sự phù hợp.

Lê Huy

Tìm hiểu thêm về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị thông qua các câu hỏi đáp sau.

Câu 1: Thế nào là bảo hiểm liên kết đơn vị?

Bảo hiểm liên kết đơn vị [unit linked] là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư và có những đặc điểm sau:

  1. Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
  2. Bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm của mình để mua các đơn vị của các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư.
  3. Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Câu 2: Phí bảo hiểm liên kết đơn vị được xác định như thế nào?

Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép tính các loại phí được quy định dưới đây:

  1. Phí ban đầu là toàn bộ các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép khấu trừ trước khi phí bảo hiểm được phân bổ vào các quỹ liên kết đơn vị.
  2. Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí để chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
  3. Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.
  4. Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ liên kết đơn vị.
  5. Phí chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị mà khoản phí mà bên mua bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi tài sản đầu tư giữa các quỹ liên kết đơn vị. Bên mua bảo hiểm được quyền chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị miễn phí cho lần chuyển đổi đầu tiên trong mỗi năm hợp đồng.
  6. Phí hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm là khoản phí tính cho khách hàng khi hủy bỏ hợp đồng trước ngày đáo hạn để bù đắp các khoản chi phí hợp lý có liên quan.
  7. Các loại phí khác [nếu có] phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Câu 3: Người mua bảo hiểm muốn tăng cường bổ sung tiền đầu tư có được đóng thêm phí bảo hiểm không?

  1. Ngoài phần phí bảo hiểm đã thỏa thuận trước trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để mua các đơn vị quỹ liên kết đơn vị.
  2. Toàn bộ phí bảo hiểm đóng thêm sẽ được đầu tư vào quỹ liên kết đơn vị sau khi trừ đi khoản phí ban đầu.
  3. Trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không vượt quá 10 lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá mức phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.

Câu 4: Nội dung cơ bản cần ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị?

Hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị phải phù hợp với quy định của pháp luật và có đầy đủ các thông tin dưới đây:

  1. Các quyền lợi và cơ chế gắn kết các quyền lợi đó với kết quả hoạt động quỹ liên kết đơn vị mà bên mua bảo hiểm lựa chọn;
  2. Mục tiêu, chính sách đầu tư của quỹ liên kết đơn vị;
  3. Tỷ lệ phân bổ phí bảo hiểm để mua các đơn vị quỹ liên kết đơn vị;
  4. Tỷ lệ, số tiền cụ thể, mức tối đa và cách thức tính toán các khoản phí liên quan đến hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị;
  5. Phương pháp định giá đơn vị của quỹ liên kết đơn vị;
  6. Các lựa chọn để bên mua bảo hiểm thay đổi quyền lợi rủi ro, tỷ lệ phí bảo hiểm phân bổ vào quỹ liên kết đơn vị, phí bảo hiểm, việc chuyển đổi giữa các quỹ liên kết đơn vị và thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm;
  7. Quy định rõ các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm được phép áp dụng các biện pháp dưới đây để bảo vệ và gia tăng quyền lợi của bên mua bảo hiểm:

a]       Đóng quỹ liên kết đơn vị để chuyển đổi các tài sản sang một quỹ liên kết đơn vị mới có cùng mục tiêu đầu tư;

b]       Thay đổi tên của quỹ liên kết đơn vị;

c]       Chia tách hoặc sát nhập các đơn vị liên kết đơn vị hiện có;

d]       Ngừng định giá đơn vị quỹ liên kết đơn vị và các giao dịch liên quan đến hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp trung tâm giao dịch chứng khoán và hoặc sở giao dịch chứng khoán mà quỹ liên kết đơn vị đang đầu tư vào bị tạm thời đình chỉ giao dịch;

e]       Các biện pháp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật;

Câu 5: Mục tiêu của các quỹ liên kết đơn vị

1.   Mục tiêu hoạt động của các quỹ liên kết đơn vị phải rõ ràng, chi tiết để bên mua bảo hiểm có thể đánh giá một cách khách quan về thực trạng hoạt động của quỹ liên kết đơn vị cũng như tính chất các tài sản có trong quỹ liên kết đơn vị và những rủi ro mà quỹ liên kết đơn vị có thể gặp phải.

2.   Doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo rằng quỹ liên kết đơn vị được đầu tư phù hợp với các mục tiêu đã công bố và tuân thủ những hạn mức đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định sau đây:

a]       Một quỹ liên kết đơn vị không được đầu tư quá 15% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một số tổ chức phát hành, trừ trái phiếu Chính phủ.

b]        Một quỹ liên kết đơn vị không được đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trái phiếu Chính phủ.

c]       Một quỹ liên kết đơn vị không được đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ bất động sản.

d]        Một quỹ liên kết đơn vị không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau.

        3.   Các mục tiêu, cách thức phân bổ các tài sản đầu tư của quỹ liên kết đơn vị phải được thông báo đầy đủ, rõ ràng trong tài liệu giới thiệu sản phẩm và hợp đồng bảo hiểm

Câu 6: Doanh nghiệp bảo hiểm định giá quỹ liên kết đơn vị?
     1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải định giá tài sản của quỹ liên kết đơn vị theo định kỳ tối thiểu một tuần một lần, theo giá trị thị trường.

      2. Việc xác định giá trị tài sản ròng của quỹ liên kết đơn vị phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 17 Quy chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được ban hành kèm theo Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC ngày 5/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các quy định yêu cầu phê duyệt của ngân hàng giám sát được thay thế bằng sự chấp thuận của công ty có chức năng định giá được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề