Đổi tiền đô bị phạt bao nhiêu năm 2024

Trong mỗi dịp Lễ, Tết, người ta thường trao cho nhau những phong bao lì xì bên trong là những tờ tiền mới không một nếp nhăn. Số tiền này thường được mọi người đem đổi từ những tờ tiền cũ. Việc đổi tiền này cũng cần tuân theo quy định chặt chẽ của pháp luật chứ không phải chỉ cần có nhu cầu thì sẽ đổi được.

Từ tiền cũ sẽ được đổi sang tiền mới như thế nào? Có phải chỉ cần có nhu cầu là có thể dễ dàng đổi tiền cũ sang tiền mới hay không? Pháp luật quy định như thế nào về việc đổi tiền này? Quý Khách hàng hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.

I. Thực trạng về việc đổi tiền mới hiện nay

Đổi tiền mới trước các dịp quan trọng, nhất là cận Tết Nguyên Đán đã không còn là vấn đề xa lạ với mọi người. Tại Hà Nội, việc đổi tiền còn được diễn ra dễ dàng tại một số chợ trên các con phố như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí,... Ngoài ra, với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, các dịch vụ đổi tiền mới phát triển nhanh chóng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,... Người có nhu cầu đổi tiền dễ dàng nhận được thông tin về dịch vụ này chỉ bằng một số từ khóa như “đổi tiền mới”, “đổi tiền lẻ”,... trên Google với những lời mời chào hấp dẫn như “Tiền mới 100%, nguyên cọc, series. Giao hàng tận nơi. Gọi ngay để nhận giá tốt…” Đổi tiền tại thị trường chợ đen đi kèm chi phí chứ không miễn phí. Mức phí này mỗi nơi giao dịch một khác, tùy vào mệnh giá và số lượng tiền cần đổi. Việc đổi tiền không chỉ đối với tiền Việt Nam mà còn đổi tiền đô la Mỹ hoặc tiền của một số quốc gia khác.

Bên cạnh đó, không ít các trường hợp người dân đổi tiền thật nhưng nhận về tiền giả. Hiện các cơ quan chức năng luôn phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước để thắt chặt quản lý nhằm hạn chế sai phạm phát sinh, đảm bảo an ninh, an toàn tiền tệ.

II. Một số quy định pháp luật về việc đổi tiền mới

Hiện nay, pháp luật không quy định chi tiết về việc đổi tiền trong một số dịp, chỉ có quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại Thông tư số 25/2013/TT-NHNN như sau:

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thu, đổi tiền là Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, tiền được đổi phải là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông như sau: tiền bị rách nát, hư hỏng trong quá trình lưu thông [nguyên nhân khách quan]; tiền bị rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản không phải do hủy hoại [nguyên nhân chủ quan]; tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất như giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc. Ngoài ra, tiền chưa xác định được điều kiện đổi và cần giám định thì phải có đơn đề nghị đổi tiền và trải qua quá trình giám định.

III. Đổi tiền mới như thế nào thì trái pháp luật?

Căn cứ theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN thì việc đổi tiền được diễn ra ngoài thẩm quyền của các cơ quan là Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước đều trái pháp luật. Bên cạnh đó, việc đổi tiền lấy phần trăm chênh lệch cũng là một trong các hành vi trái pháp luật về đổi tiền.

Bất kỳ hành vi đổi tiền trái pháp luật đều bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.

IV. Một số câu hỏi về việc đổi tiền mới

Xoay quanh vấn đề về đổi tiền, một số câu hỏi thường gặp được NPLaw giải đáp như sau:

1. Phí chuyển đổi tiền mới là bao nhiêu?

Hiện nay, việc đổi tiền tại các ngân hàng là hoàn toàn miễn phí. Ưu điểm của việc đổi tiền tại các cơ quan, đơn vị được pháp luật quy định đó là không mất phí, không bị lừa đảo đổi tiền thật nhận tiền giả, không trở thành nạn nhân của việc đổi tiền có tính phần trăm chênh lệch so với dịch vụ đổi tiền khác tràn lan trên thị trường.

2. Việc đổi tiền mới mang số seri đẹp để thu lời có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định điều chỉnh về việc có được đổi tiền mới có số seri đẹp hay không. Việc đổi tiền không còn đủ tiêu chuẩn sử dụng hay lưu thông được sự cho phép của pháp luật.

Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP và Chỉ thị 22/CT-TTg, bất kỳ hành vi đổi tiền nào không đúng quy định của pháp luật, có biểu hiện như ăn chênh lệch phần trăm, thu lời,... đều là vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính.

3. Có được đổi tiền đô lì xì Tết không?

Đổi tiền đô là việc lấy tiền Việt Nam để đổi sang tiền đô la Mỹ hoặc đô la của một số quốc gia khác. Theo quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP thì công dân Việt Nam được mua, chuyển ngoại tệ [bao gồm cả đô la Mỹ] nếu thuộc một số trường hợp nhất định như: học tập, chữa bệnh tại nước ngoài; trả các loại phí tại nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng tại nước ngoài;... và một số trường hợp khác. Do đó, việc đổi tiền đô lì xì tết không thuộc những trường hợp được phép mua tiền đô.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc đổi tiền của NPLaw. Tâm lý mọi người ai cũng muốn được cầm hoặc trao tặng những tờ tiền mới không cũ, không nhăn đến người khác, nhất là trong dịp đặc biệt như Lễ, Tết. Tuy nhiên, việc đổi tiền mới cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật vì tiền là tài sản có giá trị và cần được quản lý chặt chẽ trong phát hành và lưu thông. Trường hợp Quý Khách hàng còn thắc mắc về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn và hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn Quý Khách hàng.

Chủ Đề