Ev trong máy ảnh là gì

Hầu như mọi máy ảnh trên thị trường hiện nay đều có một cách thức nào đó để điều chỉnh độ phơi sáng, kể cả những máy tự động hoàn toàn. Hệ thống đo sáng mà phần lớn máy ảnh sử dụng được gọi là "bù trừ độ phơi sáng".


Về mặt lý thuyết, độ sáng của đối tượng được chụp là yếu tố quan trọng nhất quyết định độ phơi sáng của ảnh. Do đó, tất cả các máy ảnh đều phải đo độ sáng của đối tượng trước khi căn cứ vào thông số đo sáng để chọn độ mở ống kính và tốc độ chụp để ảnh có độ phơi sáng hợp lý nhất.

Thế nhưng, hệ thống tự động của máy ảnh không phải lúc nào cũng làm việc chính xác. Một số đối tượng nhất định có thể làm cho hệ thống đo sáng "nhầm lẫn", tức là định lượng độ sáng của ánh sáng từ đối tượng thấp hơn hoặc cao hơn trị số thực, và ảnh chụp được sẽ có độ phơi sáng cao hơn hoặc thấp hơn mức chuẩn. Trong những tình huống này, cách duy nhất để khắc phục sự sai sót của máy ảnh tự động là sử dụng chức năng bù trừ độ phơi sáng.

Phần lớn máy ảnh số hiện nay có dải giá trị bù trừ độ phơi sáng là ± 2EV [cộng hoặc trừ 2 EV], nhưng một số máy lại có dải giá trị nhỏ hơn [[±1.5EV] hoặc lớn hơn [±3EV]. EV là chữ viết tắt của Exposure Value [giá trị phơi sáng], và được sử dụng để định lượng độ sáng. Để hiểu thế nào là 1 EV, ta giả sử rằng một lượng ánh sáng nhất định đi tới cảm biến ảnh ở một độ mở ống kính và tốc độ chụp cho trước cho trị số x EV. Nếu giữ nguyên độ mở ống kính và giảm tốc độ chụp đi đúng một nửa giá trị ban đầu thì giá trị phơi sáng của ảnh sẽ giảm đi 1 EV; và khi độ sáng của ánh sáng đi tới cảm biến ảnh tăng gấp đôi thì giá trị phơi sáng của ảnh sẽ tăng lên 1 EV.

Quảng cáo


Do đó, khi giá trị phơi sáng tăng, ảnh sẽ sáng hơn; và khi nó giảm thì ảnh sẽ tối hơn. Với hầu hết máy ảnh, giá trị phơi sáng có thể được điều chỉnh theo "gia số", "khoảng" hay "bậc", với giá trị nhỏ hơn 1 EV. Giá trị tương ứng của gia số, khoảng hay bậc này thường là 1/3 EV và đôi khi là 1/2 EV [tuỳ máy].


Bức ảnh trên minh hoạ một đối tượng được chụp không có sự bù trừ độ phơi sáng [0,0 EV], khi tăng giá trị phơi sáng lên 5 EV và giảm đi 5 EV.

Trên thực tế, chế độ chỉnh tay của máy ảnh số cho phép người chụp tăng hoặc giảm độ sáng của ảnh một cách có mục đích bằng cách thay đối tốc độ chụp hoặc độ mở ống kính.

Đối với những máy ảnh số, nguyên lý và quy trình diễn ra tương tự, nhưng có máy thay đổi độ mở ống kính, có máy lại thay đổi tốc độ chụp để đạt được một thông số bù trừ độ phơi sáng nào đó. Điểm khác biệt này do kiểu thiết kế của từng máy ảnh quyết định. Những người sử dụng máy ảnh tự động cần phải biết rằng việc thử nghiệm trước để biết được một cách chính xác máy ảnh của mình thay đổi độ phơi sáng theo cơ chế nào là hết sức cần thiết. Ví dụ, nếu máy tăng độ mở ống kính [để lấy được nhiều ánh sáng vào ống kính hơn] thì việc chọn một giá trị bù trừ độ phơi sáng dương có thể làm giảm độ sâu trường ảnh. Ngược lại, nếu máy giảm tốc độ chụp để có thời gian phơi sáng dài hơn [do đó ảnh sẽ sáng hơn] thì hiện tượng nhoè hình có thể xuất hiện do máy rung. Tuy nhiên, phần lớn máy ảnh điều chỉnh tốc độ chụp trước, sau đó mới đến độ mở và chỉ khi sự thay đổi của tốc độ chụp xuống đến một ngưỡng mà tại đó rung động của máy ảnh có thể gây nhoè hình.

Chúng ta cùng xem xét sự thay đổi của độ phơi sáng khi lần lượt thay đổi tốc độ chụp và độ mở ống kính qua những minh hoạ dưới đây.


Ở trường hợp này, hệ thống đo sáng tự động chọn độ mở ống kính là f6,2 và tốc độ chụp là 1/100 để cân bằng nguồn sáng mạnh và nền ảnh tối. Trong trường hợp này, gia số bù trừ độ phơi sáng là 0 EV.


Khi camera được yêu cầu giảm độ phơi sáng của ảnh, nó sẽ tăng tốc độ chụp trước [lên 1/500], còn độ mở ống kính vẫn được giữ nguyên ở mức f6,2.

Quảng cáo




Tuy nhiên, khi cần tăng độ phơi sáng của ảnh, máy không chỉ giảm tốc độ chụp mà còn tăng độ mở ống kính. Nếu độ mở ống kính được giữ nguyên thì máy sẽ phải giảm tốc độ chụp đến một mức mà rung động của máy có thể gây nhoè hình.

Biết được khi nào cần sử dụng hệ thống bù trừ độ phơi sáng nghe qua thì có vẻ rất đơn giản. Theo nhiều nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm thì một số đối tượng có khả năng "đánh lừa" hệ thống đo sáng, đặc biệt là khi chúng "thống trị" khung hình, chẳng hạn như tuyết, nước, đại dương, cát dưới ánh nắng mặt trời. Khi chụp tuyết, nếu không biết cách xử lý ảnh rất dễ bị xám. Vì vậy, bạn luôn phải nhớ bù trừ độ phơi sáng ở mức giá trị dương bằng cách "ép" máy giảm tốc độ chụp để làm tăng độ sáng cho anh, nhờ đó khiến cho tuyết có màu trắng thay vì màu xám.

Một nguyên tắc nữa cần phải lưu ý là trước khi chụp, bạn cần phải kiểm tra xem trong khung hình xem có một trong hai yếu tố sau hay không:

Thứ nhất, khi một vùng rộng trong khung hình bị choán bởi một chất đồng nhất như nước, tuyết...vv

Thứ hai, trong khung hình có sự tương phản về độ sáng, tức là sự chênh lệch lớn về độ sáng giữa vùng ảnh sáng và vùng ảnh tối, và đối tượng chính nằm ở một trong các vùng đó.

Quảng cáo


Trong những trường hợp trên, bạn phải cẩn thận khi ngắm chụp và nên chọn chế độ bù trừ độ phơi sáng nếu cảm thấy ảnh có khả năng không có độ phơi sáng chuẩn.

Chế độ bù trừ độ phơi sáng cũng có thể được sử dụng để tăng hoặc giảm độ tương phản và độ mịn [cũng như độ nhám] của ảnh. Ở chế độ mặc định, hầu hết máy ảnh số luôn tìm cách cân bằng độ phơi sáng trên toàn bộ khung hình, mà trong một vài trường hợp thì sự cân bằng đó là không chính xác. Chẳng hạn như những bức tường đá thường có diện mạo hơi phẳng với độ phơi sáng tiêu chuẩn. Chọn mức bù trừ độ phơi sáng âm sẽ làm tăng độ tương phản của toàn ảnh, khiến cho độ nhám của đá trở nên rõ hơn [dễ nhận thấy đối với mắt người hơn]. Những ảnh dưới đây sẽ minh hoạ hiệu ứng đó. Chúng được chụp ở chế độ đen trắng để bạn có thể nhận biết được sự khác biệt dễ dàng hơn so với những ảnh màu.


Một tính năng khác, trước đây chỉ có mặt ở các máy cao cấp, đang ngày càng trở nên phổ biến ở máy ảnh số, là chế độ chụp bù trừ độ phơi sáng tự động. Những máy có chế độ này tự thiết lập các thông số bù trừ độ phơi sáng khác nhau và ghi lại từ 3 đến 5 hình tương ứng với các thông số bù trừ độ phơi sáng khác nhau đó.


Theo thứ tự từ trái sang phải: ảnh chụp có độ phơi sáng thấp hơn mức tính toán, đúng mức tính toán và cao hơn mức tính toán.​

Thường thì máy ảnh cho phép người sử dụng chọn mức bù trừ [chẳng hạn như 0,3, 0,7 hoặc 1 EV], sau đó máy sẽ chụp một ảnh ở độ phơi sáng mà nó tính toán được, một ảnh có độ phơi sáng thấp hơn và một ảnh có độ phơi sáng cao hơn độ phơi sáng tính toán đó.

Việt Linh tổng hợp
[sohoa.net]​

Video liên quan

Chủ Đề