Giá trị của nghề truyền thống ở Đắk Lắk

TĐKT - Bằng việc xây dựng và phát triển HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, chị H’Yam Bkrông [ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk] đã góp phần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của bà con dân tộc Êđê, đồng thời giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con, chung tay cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo.

Khát khao giữ lửa nghề truyền thống

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời, là nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc của người Êđê ở buôn Tơng Jú. Đa số chị em ở đây biết dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng vì cuộc sống khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, họ chỉ dệt vào những lúc rảnh rỗi và dệt bằng phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, hàng làm ra chỉ để dùng trong gia đình chứ không bán được.

Với khát khao cháy bỏng và suy nghĩ phải làm sao vừa phát huy nghề truyền thống vừa giúp chị em có thêm thu nhập, thoát cảnh nghèo đói, ổn định cuộc sống từ dệt thổ cẩm, chị H’Yam Bkrông mạnh dạn đề đạt ý kiến và được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Kao, UBND xã Ea Kao quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện.

Chị H’Yam Bkrông đưa sản phẩm của HTX tham gia Lễ hội Thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông

Chị đã vận động chị em trong buôn mình và buôn lân cận, những chị có tay nghề cùng tham gia. Các chị thảo luận cụ thể về hình thức tổ chức, về người quản lý, về vốn… để phát triển nghề truyền thống của dân tộc. HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông ra đời từ đó [năm 2003], chị H’Yam Bkrông được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX.

Khi HTX mới thành lập, do đời sống kinh tế khó khăn, chỉ có 3/45 xã viên góp vốn theo quy định, còn các xã viên khác chỉ có thể góp từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng. Chị kể: “Ban đầu, tay nghề xã viên chưa đồng đều, chúng tôi phải đi nhờ một số nghệ nhân trong buôn trực tiếp truyền và dạy nghề. Bên cạnh đó, chị em trong Ban Quản trị chúng tôi cũng phải đi học nhiều kiến thức để điều hành và quản lý HTX. May mắn, chúng tôi đã được Hội LHPN tỉnh thông qua Hội LHPN xã Ea Kao mở 2 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm và hỗ trợ vay vốn với số tiền 200 triệu đồng.”

Chị H’Yam Bkrông truyền nghề cho thế hệ trẻ

Được tạo điều kiện thuận lợi, Ban Quản trị HTX đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động tìm hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, từng bước nắm bắt và mở rộng thị trường, mạnh dạn đầu tư, đào tạo tay nghề cho xã viên, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm… Ngoài sản phẩm dệt, các chị đã tự nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo các mẫu hoa văn tinh xảo để đưa vào sản phẩm cắt may truyền thống như y phục nam, nữ và nhiều đồ dùng thực tế như: Túi đeo, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, gối tựa lưng, quần áo trẻ em…

Chị chia sẻ: “Việc thuyết phục để tìm đối tác, khách hàng vô cùng gian nan. Lúc đầu, các cửa hàng nhận bán hàng của chúng tôi do cảm thông với sự vất vả của bà con dân tộc Êđê và sự kiên trì, nhẫn nại của tôi trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Càng về sau, họ càng quý bởi bọ hiểu rằng hàng của chúng tôi là hàng làm bằng tay, chất liệu dệt cũng khác so với các đơn vị sản xuất khác, đặc biệt, mẫu mã thay đổi thường xuyên theo thị hiếu của khách hàng.” Tuy nhiên, chị cho biết, “dù cải tiến, thay đổi thế nào thì nền màu đen và họa tiết màu đỏ không thể thay đổi vì đó là bản sắc văn hóa dân tộc Êđê.”

Thúc đẩy thương hiệu, mở rộng mô hình hoạt động

Bằng những cố gắng, nỗ lực của chị H’Yam Bkrông và các thành viên HTX, đến nay, sản phẩm của HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông làm ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân địa phương, mà còn trở thành món hàng được ưa chuộng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước.

HTX đã tìm được đầu ra tương đối ổn định tại Đắk Lắk, Quảng Nam, Đắk Nông. Bằng danh tiếng của mình, HTX đã được mời tham gia nhiều hội thi trang phục các dân tộc và đạt giải cao.

Để đáp ứng nhu cầu và giảm giá thành, cạnh tranh được với thổ cẩm của các dân tộc khác, năm 2016 - 2017, HTX đầu tư 5 máy dệt, 1 máy xếp sợi, 1 máy cuộn thoi, 1 máy cuộn sợi, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.

Hiện nay, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã phát triển ổn định, với 45 xã viên đều là người dân tộc Êđê, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng/năm. Thu nhập của xã viên bình quân từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.

HTX góp phần giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Êđê

“Chúng tôi hiểu việc phân chia lợi nhuận của HTX là vấn đề quan trọng quyết định sự gắn bó, đoàn kết của các xã viên nên trong quá trình quản lý, điều hành, Ban Quản trị HTX luôn đề cao nguyên tắc công bằng, minh bạch. Ban Quản trị HTX luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, kịp thời biểu dương các cá nhân điển hình trong thi đua sản xuất. Xã viên trong HTX luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chị em nào ốm đau hay gia đình có việc hiếu hỉ đều được các thành viên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, kịp thời.”

HTX cũng phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền cho xã viên và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt hương ước của buôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đồng thời, nhằm giới thiệu nền văn hóavà tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, hiện nay, HTX đã xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Khu du lịch có 3 nhà sàn dài, trong đó trưng bày các nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắt của đồng bào Êđê.

Để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thêm nguồn thu nhập cho xã viên, đến năm 2010, HTX triển khai thêm trồng cây ca cao trong diện tích đất của xã viên có vườn cây già cỗi, kém hiệu quả, xa nguồn nước, để bà con xã viên chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Ngoài ra, HTX xây dựng trại gà với tổng diện tích 1000 m2, nuôi 2000 con gà thả vườn và 1 trại heo tổng diện tích 1000 m2, nuôi 300 con heo thịt với tổng chi phí 900 triệu đồng.

Từ năm 2012 đến 2020, tập thể HTX và chị H’Yam Bkrông đã đạt được nhiều thành tích và được các cấp, các ngành khen thưởng. HTX được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013 vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”; được tặng 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương, 4 Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk và 3 Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, nhiều giấy khen, phần thưởng của các cấp, các ngành, đoàn thể TP Buôn Ma Thuột. Năm 2020 được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Cờ thi đua.

Chị H’Yam Bkrông được tặng 1 Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk, 1 Giấy khen của BCH Đảng bộ TP Buôn Ma Thuột, 2 giấy khen của Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột; giải thưởng Kova năm 2012… Chị là điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020 tại Hà Nội.

Phương Thanh

TBV - Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đã mai một dần. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực để phục hồi một số nghề truyền thống có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Nhiều nghề truyền thống Đắk Lắk là một trong những tỉnh có rất nhiều nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’nông… Những sản phẩm truyền thống mà bà con làm ra không đơn thuần là những vật dụng mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa, thẩm mĩ, phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh của người dân nơi đây. Cùng với sự phát triển của xã hội, một số nghề truyền thống tại tỉnh Đắk Lắk đã bị mai một dần do không còn thiết thực, nhưng hiện nay vẫn có nhiều nghề truyền thống lâu đời, có tiềm năng phục hồi, phát triển với những sản phẩm đặc biệt được nhiều người biết đến như dệt thổ cẩm, rượu cần, gốm… Việc phát triển nghề truyền thống ở Đắk Lắk trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả của việc khai thác, phát huy các giá trị của sản phẩm truyền thống còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có một số nghề đang hoạt động theo kiểu tự phát, chưa được đầu tư nhiều để phát triển thành các sản phẩm hay thương hiệu.


Nghề dệt thổ cẩm tại Đắk Lắk.

Sự tác động của hội nhập kinh tế chưa thể làm chuyển biến những đặc điểm mang tính cố hữu của sản xuất thủ công truyền thống. Hiện nay, vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, phân tán, chưa hình thành làng nghề chuyên sâu. Điều này khiến các sản phẩm làm ra nhỏ lẻ, chất lượng hạn chế, kiểu dáng mẫu mã chưa đang dạng, phong phú nhưng giá thành lại cao làm mất đi tính cạnh tranh. Theo các đánh giá chuyên môn, hình thức tổ chức sản xuất, tại làng nghề và các cụm nghề nông thôn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, đa số chủ thể là nông dân, sản xuất với quy mô nhỏ, trình độ quản lý thấp, các sản phẩm còn nhiều lỗi, chưa phù hợp với thị hiếu của khách hàng gây lãng phí công sức và thành quả lao động. Bên cạnh đó, phần lớn máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất tại các cụm nghề còn lạc hậu, kém hiệu quả. Nhìn chung, trong các cụm nghề tại Đắk Lắk hiện nay, chỉ có nghề thủ công mỹ nghệ và sản xuất bánh tráng mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Ngoài ra, những cụm nghề khác như dệt thổ cẩm, làm gốm… mức thu nhập còn thấp.

Cần hướng đi đúng

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có duy nhất một làng nghề làm bánh tráng tại xã Ea Bar [huyện Buôn Đôn]. Còn lại, những nơi khác đều là cụm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm tại xã Ea Tul, huyện Cư Mgar và xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột; nghề nấu rượu bằng men lá tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng; cụm nghề trồng hoa-cây cảnh tại xã Hòa Phú [TP Buôn Ma Thuột]. Theo phân tích chuyên sâu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cụm nghề nấu rượu bằng men lá, nghề dệt thổ cẩm và nghề thủ công mỹ nghệ có nhiều tiềm năng, yếu tố để phát triển thành làng nghề truyền thống trong tương lai, giúp bà con có việc làm và thu nhập ổn định. Nghề thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm mỹ nghệ về gỗ đang phát triển thịnh hành tại Đắk Lắk. Hiện nay, nguồn nguyên liệu khan hiếm nhưng nhu cầu của khách hàng vẫn cao, đây cũng là mặt hàng cao cấp, dự tính sẽ có khả năng phát triển thành làng nghề. Tuy nhiên, cái khó của nghề thủ công mỹ nghệ đó là việc cần vốn nhiều để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất. Hơn thế, nghề này cần phải có ít nhiều năng khiếu về thẩm mỹ, mỹ thuật. Theo bà H’Jing Ayun-Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thổ cẩm xã Ea Tul [Cư Mgar, Đắk Lắk], để HTX tồn tại và phát triển, khâu quan trọng nhất vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Trên thực tế, hiện nay HTX đang gặp khó vì chưa có đầu ra ổn định, các xã viên chỉ tranh thủ làm việc những lúc nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập. Còn chị H’Dăm Niê-Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông [xã Ea Kao-TP Buôn Ma Thuột] cho hay, đa số các mặt hàng của HTX sản xuất ra chỉ nhập đến các quầy bán hàng lưu niệm và điểm du lịch trong tỉnh, còn việc xuất hàng đi thị trường ngoại tỉnh chưa đáng kể. Cũng theo lời chị H’Dăm, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm bằng máy, chất liệu vải mỏng, đẹp giá cả lại rẻ nên được ưa chuộng hơn. Trong khi đó, sản phẩm thổ cẩm dệt tay phải mất nhiều thời gian, kì công, giá lại cao nên khó cạnh tranh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có đề án phát triển làng nghề truyền thống có định hướng đến năm 2020. Theo đề án này, các cơ quan, ban ngành tỉnh Đắk Lắk cần nỗ lực, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ những cụm nghề truyền thống có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài việc hỗ trợ vốn, các đơn vị cũng cần chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt là phải tạo nên thương hiệu của từng sản phẩm để tạo uy tín, lòng tin với khách hàng.

Bài và ảnh Trần Nhân-Hải Dương

Video liên quan

Chủ Đề