Gif nguyên nhân ô nhiễm môi trường

Được viết ngày 30 Tháng 12 2016

| Lượt xem: 3257

Hội thảo Thực trạng – giải pháp quản lý rác thải và bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm được đồng tổ chức bởi Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Nam mới đây đã đánh động lại vấn đề ai cũng tưởng đã được giải quyết từ lâu: rác thải, môi trường tại Cù Lao Chàm. Có đối thoại mới biết những giải pháp hiện tại vốn chỉ là tạm thời và cũng đã đến lúc tìm hướng đi mới cho bài toán còn chưa tìm được lời giải hợp lý tại đây.

Gif nguyên nhân ô nhiễm môi trường

Hình 1: Lò đốt rác thải tại Eo Gió

Hiện trạng xử lý rác thải

Kể từ khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, lượng du khách đến thăm quan Cù Lao Chàm tăng vượt bậc mỗi năm, riêng năm 2015 hòn đảo này đã đón hơn 400 nghìn lượt khách, điều này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời mang đến nhiều áp lực, đặc biệt là trong công tác xử lý rác thải, vệ sinh môi trường. Thống kê cho thấy, 3 năm trước lượng rác thải trên đảo mỗi ngày khoảng 1.300kg, trong đó thôn Bãi Làng 776kg với 270kg rác không phân hủy được. Đến nay, khối lượng rác thải mỗi ngày đã tăng gấp đôi, hơn 3 tấn và có chiều hướng tăng cao hơn nữa. Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, thành phố Hội An đã có sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát, định hướng đúng đắn ngay từ ban đầu để Cù Lao Chàm xứng danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bước đầu tiên là hoàn thành công trình xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn trên đảo tại Eo Gió vào năm 2009 với tổng diện tích quy hoạch khoảng 12.000 m² với công suất ước tính khoảng 2,15 tấn/ngày. Trở ngược lại khoảng thời gian chưa xây dựng nhà máy này, rác thải ở đây khi được phân loại (vô cơ và hữu cơ) bởi Công ty Công trình Công cộng sẽ được vận chuyển vào đất liền theo định kì mỗi tuần 2 lần. Tuy nhiên hình thức này vừa tốn kém lại không đảm bảo về mặt xử lý, chính vì vậy hệ thống xử lý rác thải được xây dựng đã giải quyết được cơ bản vấn đề rác thải phát sinh trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, khoảng giữa năm 2016 Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Đồng Xanh tỉnh Bắc Giang đã trao tặng cho xã đảo một lò đốt rác thải sinh hoạt bằng không khí đối lưu theo công nghệ Nhật Bản có thể xử lý trung bình mỗi ngày 3 tấn rác. Về lý thuyết, nhìn chung chưa có vấn đề phát sinh thế nhưng qua khảo sát thực tế và thực hiện đối thoại với người dân đã bắt đầu lộ ra những bất cập không nhỏ. Theo lời chị Trần Thị Kim Thùy- cán bộ Môi trường UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Mùa hè lượng rác thải tăng lên cấp 3,4 lần ngày thường tạo sức ép khá lớn lên khu xử lý rác thải, một phần trên thực tế lò đốt rác chỉ có thể xử lý trung bình mỗi ngày 2,5 tấn nên rác thải luôn trong tình trạng quá tải, ứ đọng gây mất thẩm mỹ và ô nhiễm (phần lớn rác thải từ các nhà hàng). Trong khi đó việc phân loại rác chưa được thực hiện một cách triệt để làm ảnh hưởng đến công tác quản lý chất thải rắn”. Có cơ hội tham quan Eo Gió chúng tôi dễ dàng nhận thấy đây là một địa điểm khá bất hợp lý để xây dựng khu xử lý, chôn lấp rác thải. Vị trí khá đẹp có thể đưa vào khai thác du lịch, ở trên núi cao gần nguồn nước và là nơi lộng gió, bãi chôn lấp lại rất gần eo biển phía dưới, hố chôn sau gần 8 năm hoạt động đã sắp đầy. Theo lời người dân với địa hình chủ yếu là đồi núi, mặc dầu đây không phải là lựa chọn hợp lý nhưng là phương án duy nhất có thể được chọn lựa bằng không chỉ còn cách “đổ hết xuống biển hoặc chuyên chở lại vào đất liền như xưa”. Thêm nữa, do ở quá cao, đường hẹp lại quanh co, xe vận chuyển rác thường xuyên gặp phải tình trạng hư hỏng, mỗi lần sửa là rác thải lại chất đống ở các khu tập kết gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là mùa hè nóng nực dễ là mầm móng lây lan bệnh tật.

Gif nguyên nhân ô nhiễm môi trường

Hình2: Hội thảo Thực trạng- giải pháp quản lý rác thải và bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm

Nan giải tìm lối ra cho môi trường xã đảo

Tại Hội thảo Thực trạng- giải pháp quản lý rác thải và bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm, nhiều vấn đề bức xúc cũng lần đầu được thảo luận trực tiếp tuy nhiên đáng buồn là tất cả vẫn chưa có biện pháp nào được đưa ra. Ngoài chuyện xử lý rác thải, người dân cũng lên tiếng về những hiện trạng đã và đang tác động không nhỏ đến môi trường hòn đảo “nói không với túi ni lông” hiện nay. Đó là chuyện chưa có hệ thống xử lý nước thải, trong khi nước thải sinh hoạt hiện nay đổ trực tiếp ra các rạn san hô quanh đảo. Là những ảnh hưởng của rác thải từ đất liền, những bất an về việc xây dựng nhà máy thép ở thượng nguồn. Hàng loạt người dân lo ngại về môi trường bị ảnh hưởng bởi các công trình quốc phòng quanh đảo. Họ có cơ sở để lo khi nhận thấy dòng chảy của mạch nước ngầm đổ về hồ bãi Bìm dường như đã có sự thay đổi, trong khi đó hồ Bìm là nguồn cung cấp nước của phần lớn hộ dân trên đảo. Lượng đất đá từ hệ thống đường quanh đảo cũng là mối đe dọa với các rạn san hô vào mùa mưa… Câu chuyện về môi trường luôn là một bài toán khó giải, với một khu vực nhạy cảm như Cù Lao Chàm thì độ khó càng tăng gấp bội. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ rất mong có sự quan tâm, chung tay góp sức của cả cộng đồng để nhanh chóng có được lời giải thích hợp, góp phần giữ vững một Cù Lao Chàm xanh- sạch- đẹp, xứng danh là “đảo xanh huyển thoại”, thiên đường du lịch tỉnh Quảng Nam.

Thảo Huyền