Hà Nội tồn tại bao nhiêu năm?

Trong hội họa, có lẽ người thành công và gắn bó nhất với Hà Nội là họa sĩ Bùi Xuân Phái. Quê ở xã Vân Canh, Hà Đông, Bùi Xuân Phái theo học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và hầu như cả cuộc đời sống tại Hà Nội. Trong tranh của Bùi Xuân Phái, Hà Nội mang đầy vẻ xưa cũ với những ngôi nhà mái nâu, những con phố nhỏ. Những bức vẽ về phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ngày nay đã trở nên nổi tiếng, thường được biết đến với tên gọi Phố Phái. Ngoài ra, còn có một số họa phẩm của các họa sĩ khác vẽ về người Hà Nội đã đi vào lịch sử: Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, Em Thúy của Trần Văn Cẩn, Tan ca mời chị em ra họp thi thợ giỏi của Nguyễn Đỗ Cung...

Tại xứ đồng Đông Thành, trên khu Đường Cả [còn gọi là đường Cấm Xứ], thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những viên đá cuội có dấu vết ghè đẽo của con người. Mở rộng việc tìm kiếm ra nhiều địa điểm khác của xã Cổ Loa đã phát hiện thêm nhiều viên đá cuội có gia công. Bấy giờ nơi đây rừng còn phủ kín. Trong rừng có rất nhiều loại động vật sinh sống như voi, gấu, đười ươi, khỉ, vượn, trâu bò rừng, hoẵng, hươu, nhím… Dưới sông có cá, ba ba, trai, ốc… Con người bấy giờ kiếm sống chủ yếu bằng hái lượm kết hợp với săn bắt.

Hà Nội trong thời kỳ biển tiến: Khoảng một - hai vạn năm trước đây

Khoảng một - hai vạn năm trước, khí hậu trái đất ấm dần lên. Băng tan dồn một khối lượng nước rất lớn về các đại dương, dẫn tới hiện tượng biển tiến. Gần một nửa diện tích của lục địa Đông Nam Á nằm dưới mực nước biển. Vịnh Bắc Bộ ăn sâu vào đồng bằng, tới vùng thấp trũng của nam Hà Nội. Phần đất Hà Nội còn lại thì bị nhiễm mặn, nguồn thực vật ít đi, các đàn động vật lớn lùi sâu vào lục địa. Con người cũng lùi dần vào miền chân núi, ở hang động núi đá vôi hay vùng thềm cao.

Trong khoảng thời gian trên dưới một vạn năm đến trên dưới bốn ngàn năm cách ngày nay, vùng đất Hà Nội cũng như toàn bộ vùng châu thổ Bắc Bộ hầu như không có người ở.

Những viên đá cũ

 Hà Nội bước vào thời đại đồ đồng – văn hóa Phùng Nguyên: Khoảng 4.000 năm trước đây

Khoảng bốn ngàn năm trước bắt đầu một thời kỳ biển lùi. Đồng bằng Hà Nội, từ chỗ là những vùng biển hay các vũng đọng, được phù sa, các con sông bồi lấp dần thành miền rừng rậm, đầm lầy. Con người từ các miền chân núi dồn về quanh vùng trũng Hà Nội, bắt đầu công cuộc khai phá đất đai, xây dựng cuộc sống. Đây cũng là lúc, từ trong thế giới gỗ đá, cha ông ta đã tìm ra một loại nguyên liệu mới là đồng [đồng đỏ rồi đồng thau].

Trên địa bàn Hà Nội, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di chỉ văn hóa thuộc giai đoạn Phùng Nguyên [sơ kỳ thời đại đồng thau, cách nay khoảng trên dưới 4.000 năm]. Đó là các di chỉ Đồng Vòng [huyện Đông Anh], Triều Khúc, Văn Điển [huyện Thanh Trì], Ngõa Long [huyện Từ Liêm], Quần Ngựa [quận Ba Đình], hồ Bảy Mẫu [quận Hai Bà Trưng]…

Hà Nội thời kỳ văn hóa Đồng Đậu: Khoảng 3.500 – 4.000 năm trước đây

Văn hóa Đồng Đậu thuộc giai đoạn trung kỳ thời đại đồng thau, phân bố trên nhiều địa điểm thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, có niên đại cách nay 3.500 – 4.000 năm. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hóa Đồng Đậu đã được tìm thấy, như các di chỉ Tiên Hội, Bãi Mèn, Xuân Kiều, Đình Chàng [lớp dưới] thuộc huyện Đông Anh…

Hà Nội thời kỳ văn hóa Gò Mun: Khoảng trên dưới 3.000 – 3.500 năm trước đây

Văn hóa Gò Mun thuộc giai đoạn hậu kỳ thời đại đồng thau, phân bố trên nhiều địa điểm thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, có niên đại cách nay khoảng trên dưới 3.000 – 3.500 năm. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Gò Mun đã được tìm thấy như các di chỉ Đình Chàng [lớp trên] [huyện Đông Anh], gò Chùa Thông [lớp dưới] [huyện Thanh Trì], Trung Mầu [lớp dưới] [huyện Gia Lâm]…

Hà Nội thời kỳ văn hóa Đông Sơn: Khoảng trên dưới 2000 – 3.000 năm trước đây

Văn hóa Đông Sơn là giai đoạn phát triển đến đỉnh cao của kỹ thuật luyện kim đồng thau và sơ kỳ sắt, niên đại từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên [TCN] đến đầu Công nguyên. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn.

Trống đồng Ngọc Lũ-sản phẩm của cư dân Việt cổ cách đây 2.000-3.000 năm

Hà Nội là một trong những nơi hội tụ của văn minh Đông Sơn – văn minh sông Hồng với trung tâm là khu vực Cổ Loa và vùng phụ cận. Có thể kể những di chỉ nổi tiếng như Hữu Châu, gò Chùa Thông [lớp trên] [huyện Thanh Trì]; Trung Mầu [lớp trên và mộ], Đa Tốn [huyện Gia Lâm]; vùng ven Hồ Tây [quận Tây Hồ], Ngọc Hà [quận Ba Đình]; Đình Chàng [lớp trên và mộ], Đường Mây và đặc biệt là khu vực Cổ Loa [huyện Đông Anh].

Nước Âu Lạc ra đời: Năm 208 TCN

Từ văn hóa Phùng Nguyên, quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà nước Văn Lang và văn minh sông Hồng đã được bắt đầu. Theo ghi chép của sử cũ kết hợp với nhiều nguồn tài liệu khác, nước ta lúc đầu có tên là Văn Lang, ra đời vào quãng thế kỷ VII – V TCN và kết thúc vào năm 208 TCN. Kinh đô của nước Văn Lang là Phong Châu [nay là huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ], đứng đầu là Hùng Vương.

Năm 208 TCN, sau cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, theo truyền thuyết, Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán lên làm vua, hiệu là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa [nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh]. Nước Âu Lạc tồn tại đến năm 179 TCN thì bị Triệu Đà thôn tính.

An Dương Vương xây thành Cổ Loa: Khoảng cuối thế kỷ III – đầu thế kỷ II TCN

Nước Âu Lạc tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 208 TCN đến năm 179 TCN. Trong vòng trên dưới ba mươi năm đó, thành Cổ Loa, một công trình kiến trúc quân sự vĩ đại đã được hoàn thành, thể hiện tập trung nhất tài năng lao động sáng tạo, những tiến bộ về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật quân sự của người Việt cổ. Trong các thành cổ của Việt Nam còn để lại dấu vết đến ngày nay, thành Cổ Loa là cổ nhất và có quy mô thuộc loại lớn nhất.

Di tích thành Cổ Loa hiện nay bao gồm ba vòng thành khép kín, theo thứ tự từ trong ra ngoài là Thành Nội, Thành Trung và Thành Ngoại như nhân dân thường gọi.

Thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1.650m, cao trung bình 5m so với mặt đất hiện nay, mặt thành rộng 6 – 12m, chân rộng 20 – 30m. Thành Nội chỉ mở một cửa trông thẳng vào đình Ngự triều di quy, tương truyền là nơi thiết triều của An Dương Vương.

Thành Ngoại cũng là một đường cong khép kín không có hình dáng rõ rệt, dài khoảng 8.000m. Thành Ngoại nay đã bị phá hoại nặng nề. Những đoạn thành còn lại cao trung bình 3 – 4m, chỗ cao nhất khoảng 8m, chân thành rộng khoảng 12 – 20m, mở 4 cửa là Nam, Bắc, Đông và Tây Nam, trong đó cửa Nam là cửa chung với thành Trung, cửa Đông là cửa sông nối liền với sông Hoàng Giang.

Tổng cộng chu vi cả ba vòng thành trên 16 km. Đó thực sự là một công trình kiến trúc đồ sộ, đặc biệt trong điều kiện kinh tế và kỹ thuật bấy giờ.

Nhân dân Cổ Loa – Âu Lạc kháng chiến chống Triệu: Đầu thế kỷ II TCN

Trong khi triều đình Cổ Loa cùng nhân dân Âu Lạc đang hăm hở xây dựng đất nước thì Triệu Đà, vua nước Nam Việt – một triều đình cát cứ phía Nam Trung Quốc, chuẩn bị kế hoạch xâm lược nước Âu Lạc, thôn tính thành Cổ Loa. Đã nhiều lần Triệu Đà kéo quân sang, nhưng An Dương Vương, nhờ biết đoàn kết quân dân, lại có thành Cổ Loa kiên cố và vũ khí lợi hại là “nỏ thần”, nên đều đánh lui được kẻ thù. Thành Cổ Loa vẫn đứng vững, nền độc lập được bảo vệ.

Thành Cổ Loa thất thủ: Năm 179 TCN

Sau nhiều lần xâm lược nước Âu Lạc tiến đánh thành Cổ Loa không thành công, Triệu Đà đã phải dùng đến mưu kế quỷ quyệt. Triệu Đà cho con là Trọng Thủy cầu hôn công chúa Mỵ Châu, con gái An Dương Vương. Trong ba năm ở rể tại thành Cổ Loa, Trọng Thủy đã dò la, nắm được việc bố phòng và mọi bí mật quân sự của An Dương Vương.

Về nước, Trọng Thủy cùng vua cha kéo đại quân sang xâm lược. Vì chủ quan, mất cảnh giác, thành Cổ Loa thất thủ [111 TCN], cuộc kháng chiến của An Dương Vương thất bại, đất nước rơi vào ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Sự kiện này mở đầu thời kỳ đen tối của lịch sử nước ta – thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm./.

Chủ Đề