Hóa đơn cho hàng tạm xuất tái nhập năm 2024

(HQ Online) - Trước vướng mắc của Công ty CP xây lắp và thương mại Trường Lộc về chính sách thuế đối với hàng hóa là máy móc tạm xuất tái nhập cho DN chế xuất thuê theo hợp đồng, Tổng cục Hải quan đã nhanh chóng có trả lời và hướng dẫn cụ thể.

Khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK đã quy định về hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định thuộc đối tượng miễn thuế.

Hóa đơn cho hàng tạm xuất tái nhập năm 2024
Công chức Hải quan Hữu Nghị kiểm tra máy móc TNTX. Ảnh: H.Nụ

Theo đó, đối tượng miễn thuế gồm: Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất.

Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài hoặc tạm xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài; hàng hóa tạm nhập, tái xuất để cung ứng cho tàu biển, tàu bay nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế; phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa XNK; hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tải xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế NK của hàng hóa tạm nhập, tái xuất.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 Luật Thuế XK, thuế NK cũng quy định về khu phi thuế quan.

Tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định quan hệ trao đổi hàng hóa giữa DN chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải là khu phi thuế quan, là quan hệ XNK.

Theo Tổng cục Hải quan, đối chiếu với các quy định trên, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa DN chế xuất (đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế XK, thuế NK) với bên ngoài là quan hệ XNK. Trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp do DN tạm xuất, tái nhập để thực hiện hợp đồng thuê mượn không phải để phục vụ thi công công trình của DN ở nước ngoài; không phải máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định thì không thuộc đối tượng miễn thuế.

Khi XK DN phải nộp thuế XK (nếu có), khi NK phải nộp thuế NK theo quy định.

Tổng cục Hải quan đề nghị công ty nghiên cứu quy định nêu trên và liên hệ trực tiếp với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục hải quan để được hướng dẫn chi tiết.

Tổng cục Hải quan dẫn chiếu Điều 50 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; phụ lục 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong đó quy định, hàng hóa tạm xuất theo hợp đồng cho thuê, mượn tài sản, sau đó sẽ tái nhập thì người khai hải quan phải kê khai hải quan theo quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập.

Điều 17 Thông tư 39/2015/ TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/ TT-BTC quy định thì hàng hóa tạm xuất tái nhập không thông qua hợp đồng cho thuê thì được gọi là hàng hóa tạm xuất tái nhập không theo giao dịch mua bán. Do không có hóa đơn mua bán thương mại nên người khai hải quan phải tự xác định trị giá hải quan và kê khai với cơ quan hải quan. Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá do người khai hải quan kê khai là không đúng thì cơ quan hải quan xác định đúng trị giá hải quan của hàng hóa.

Theo đó, tại tờ khai hải quan tạm xuất, người khai hải quan xác định và kê khai trị giá hải quan theo giá trị của hàng hóa tại thời điểm tạm xuất. Nếu là hàng hóa mới, chưa qua sử dụng thì trị giá hải quan được xác định trên cơ sở nguyên giá của hàng hóa và các chi phí để đưa hàng hóa đến cửa khẩu xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa tạm xuất vào doanh nghiệp chế xuất thì cửa khẩu xuất khẩu được hiểu là cổng khu chế xuất hoặc cổng doanh nghiệp chế xuất.

Nếu hàng hóa tạm xuất là hàng đã qua sử dụng thì xác định trị giá hải quan trên cơ sở giá trị còn lại của hàng hóa tại thời điểm tạm xuất. Theo đó, tại tờ khai hải quan tái nhập, người khai hải quan phải xác định và kê khai trị giá hải quan theo giá trị còn lại của hàng hóa tại thời điểm tái nhập.

Khi thực hiện các thủ tục tạm xuất tái nhập hàng hóa đã tạm xuất, doanh nghiệp xuất trình các tài liệu, chứng từ kế toán để cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra việc xác định trị giá hải quan.